Bài hịch quốc nội
Tôi gọi bản kiến nghị mang tựa đề "VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY" là một bài hịch, vì nội dung văn kiện này quả đang dựng đứng tinh thần yêu nước của người Việt Nam.
Kiến nghị mang chữ ký của 20 nhân sĩ trí thức và uy tín trong quốc nội như Hồ Uy Liêm (Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA)), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ( nguyên Đại sứ VN tại Trung Quốc), nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng), GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Huỳnh Công Minh, ông Lê Hiếu Đằng, Gs Tương Lai, Luật sư Trần Quốc Thuận, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà văn Nguyên Ngọc, Ts Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Đình An.
Ký ngày 10 và gửi đi ngày 13 tháng Bẩy, đây là một trong ba văn bản đặt nặng tình trạng quan hệ dấm dúi giữa Việt Cộng và Trung Cộng trong thời gian gần đây; điểm đặc biệt nổi bật là bản kiến nghị này vạch rõ quan ngại sâu sắc của người Việt Nam đối với tình trạng bang giao mập mờ và che dấu giữa hai nước.Kiến nghị viết, "Từ khát vọng trở thành siêu cường, với vai trò là "công xưởng thế giới" và chủ nợ lớn nhất của thế giới, dưới chiêu bài "trỗi dậy hòa bình", Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu lục...Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang nghiêm trọng trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông với nhiều hành động bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia giáp Biển Đông. Trung Quốc tự ý vạch ra cái gọi là "đường chữ U 9 đoạn", thường được gọi là "đường lưỡi bò", chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần tuyên bố trước thế giới toàn bộ vùng "lưỡi bò" này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông để khẳng định yêu sách trái luật quốc tế này.
Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng hải quân, chuẩn bị giàn khoan lớn, tiến hành nhiều hoạt động quân sự hoặc phi quân sự ngày càng sâu vào vùng biển các quốc gia trong vùng này, gắn liền với những hoạt động chia rẽ các nước ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.
Trên vùng Biển Đông thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc đã tấn công chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa, năm 1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của ta; từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các hoạt động uy hiếp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, như tự ý ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các tàu đánh cá trên vùng này, gây sức ép để ngăn chặn hoặc đòi hủy bỏ các hợp đồng mà các tập đoàn kinh doanh dầu khí của nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, liên tục cho các tàu hải giám đi tuần tra như đi trên biển riêng của nước mình. Gần đây nhất, tàu Trung Quốc cắt cáp quang và thực hiện nhiều hành động phá hoại khác đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II của ta đang hoạt động trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đó là những bước leo thang nghiêm trọng trong các chuỗi hoạt động uy hiếp, lấn chiếm vùng biển của nước ta.
Vị trí địa lý tự nhiên, vị thế địa chính trị và địa kinh tế trong bối cảnh quốc tế hiện nay khiến cho Việt Nam bị Trung Quốc coi là chướng ngại vật trên con đường tiến ra biển phía Nam để vươn lên thành siêu cường...", bản kiến nghị viết.
Nội dung kiến nghị gồm có ba phần.
Trong phần đầu, các tác giả phân tích những sự kiện mới xảy ra trong quan hệ giữa hai nước, rồi đánh giá "Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng".
"Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu lục."
Các tác giả nhận định, mặc dù đã có cố gắng nhân nhượng để bình thường hóa và phát triển quan hệ hai bên, "cho đến nay cục diện cơ bản diễn ra trong quan hệ hai nước là: "Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới".
"Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của họ".
Các tác giả tố cáo những bước xâm lược của Trung Quốc "Những hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc về kinh tế kéo dài nhiều năm, có nhiều sự việc nghiêm trọng đã và còn đang tiếp diễn," rồi đặt ra câu hỏi: "Trung Quốc đã làm gì, bàn tay quyền lực mềm của họ đã thọc sâu đến đâu rồi"
Kiến nghị chỉ trích thái độ mà các tác giả gọi là lãnh đạo "quá dè dặt, không công khai minh bạch thực trạng nghiêm trọng trong quan hệ Việt-Trung" cho người dân được biết. "Thực trạng hiện nay làm cho dân bất bình, khó hiểu lãnh đạo nước mình trong quan hệ với Trung Quốc."
Kiến nghị cũng nhắc tới việc thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đi sứ sang Tầu thảo luận và đồng thuận với giới lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 25 tháng Sáu.
"Hành động này có những nội dung mập mờ, khó hiểu, gây ra nhiều điều băn khoăn, lo lắng cho dư luận trong nước và thế giới."
Phần thứ hai của bản kiến nghị đề cập tới những mối "mối nguy lớn" của Việt Nam. Kiến nghị nêu lên tình trạng kinh tế Việt Nam đang phát triển kém chất lượng và "lâm vào khủng hoảng kéo dài"; rồi đưa ra 5 đề nghị:
1. Công bố thực trạng quan hệ Việt-Trung
2. Trình bày cho dân rõ thực trạng đất nước
3. Thực hiện đủ quyền tự do dân chủ của dân
4. Kêu gọi toàn dân hòa hợp, hòa giải, đoàn kết
5. Đảng CSVN phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Kiến nghị cũng vạch ra thực trạng văn hóa-xã hội xuống cấp, và đặc biệt là "Chế độ chính trị còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước".
Các tác giả kết luận: "Toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo được bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước".
Phần thứ ba là 5 khuyến cáo đối với Đảng CSVN và Quốc hội.
1. Công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt - Trung.
2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân.
3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định.
4. Kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung.
5. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay.
Các nhân sĩ này cho rằng: "cục diện thế giới mới này là cơ hội lớn, mở ra cho đất nước ta khả năng chưa từng có trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giành được cho nước ta vị thế quốc tế xứng đáng trong thế giới văn minh ngày nay. Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, và bảo vệ môi trường
Các tác giả cũng kêu gọi người dân Việt Nam ký tên vào bản kiến nghị.
Bản kiến nghị mùng 10 tháng Bẩy nói lên được thế đồng lõa của Việt Cộng giúp Trung Cộng tiến chiếm lãnh hải Việt Nam bằng cái mà 20 tác giả viết kiến nghị gọi là quyền lực mềm; hải quân Trung Cộng sau những trận giao tranh với hải quân Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng phòng thủ Trường Sa của quân đội Việt Nam cộng sản, đã được nhà nước Việt Cộng -nội tuyến của họ- giúp họ xác định chủ quyền trên toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa, và một giải ven biển rộng 100 cây số, dài 2,500 cây số.
Tầu Bình Minh 2, Viking II bị cắt cáp trước bờ biển Phú Yên 120 hải lý, Việt Cộng ra lệnh neo tầu trong bến để tránh mọi va chạm. Hồ Xuân Sơn đi sứ sang Tầu còn nhượng bộ thêm những gì nữa? 20 tác giả viết kiến nghị đòi Việt Cộng công khai hóa mọi cam kết, ký kết.
Điều đáng buồn là thái độ của nhà nước cộng sản che dấu hiểm họa mất nước, việc làm trái ngược lại với tinh thần Diên Hồng "trên dưới một lòng chống ngoại xâm." Không những che dấu mà nhà nước cộng sản còn cấm đoán, đàn áp những người biểu tình báo động hiểm họa mất nước, vận động người Việt đứng dạy chống xâm lăng.
Nhưng ngày Chúa Nhật 17 tháng Bẩy, hàng trăm người Việt Nam vẫn xuống đường tại cả hai đô thành Sài Gòn và Hà Nội với quyết tâm chống xâm lược Trung Cộng; mặc dù ít hơn, nhưng họ vẫn ngang nhiên đối đầu với lực lượng công an phản quốc. Như những lần trước số người biểu tình vẫn còn ít hơn số công an đàn áp, nhưng tiếng nói chính nghĩa, không dập tắt được, sẽ vang lên, mỗi ngày một mạnh hơn.
Số người ký kiến nghị, trong và ngoài nước, cũng đang gia tăng nhanh chóng, biến bài hịch quốc nội thành bài hịch toàn dân, công khai hóa tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, và đặt nhà nước Việt Cộng trước trách nhiệm đồng lõa.
Nguyển đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét