Tòa Soạn Người Việt

Buổi tưởng niệm hai nhà Văn hoá Giáo dục Thanh Tuệ và Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu
 (21/8/2004) 

Ông Đỗ Quý Toàn giới thiệu về cuộc đời hai ông Thanh Tuệ và Ngô Mạnh Thu trong buổi tưởng niệm tại Hội Trường Lê Đình Điểu (Người Việt)
 

Đúng 7:30 tối ngày 20/8/2004 tại Hội trường Lê Đình Điểu (Báo Người việt) đã diễn ra buổi tưởng niệm hai nhà văn hoá Hải ngoại: Ông Thanh Tuệ (nguyên giám đốc nhà xuất bản An Tiêm) và Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (một trong những cánh chim đầu đàn của Phong trào Du ca).

Hơn 300 người đã tham dự chật kín hội trường, các bãi xe quanh khu họp đã kín mít và nhiều vị khách buộc phải đậu xe "đại" đâu đó.

Hầu hết các khuôn mặt quen thuộc của làng văn hoá Hải ngoại đã có mặt để tiễn đưa và chia tay hai ông Thanh Tuệ (từ Pháp qua Quận Cam chơi) và Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu. 

Ngoài ra còn có sự tham dự đông đảo của Đại gia đình Phật tử mà Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu là một trong những người lãnh đạo uy tín .

Ông Đỗ Quý Toàn, Chủ bút tờ Nhật báo Người Việt và cũng là bạn hữu lâu đời của Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu cũng như ông Thanh Tuệ đã bắt đầu buổi tưởng niệm bằng vài lời giới thiệu về thân thế của hai ông cùng những kỷ niệm cá nhân với hai nhà văn hoá vô cùng giản dị và đáng quý.

Trước đó, cùng ngày tại đã diễn ra Lễ Phát tang của hai ông Thanh Tuệ và Ngô Mạnh Thu trong sự có mặt của hai đại Gia đình.

Cả hai ông, hôm trước vừa gặp nhau nói chuyện hàn huyên và tương lai rất lâu . Không hẹn cả hai ông cùng ra đi để lại nỗi thương tiếc bất ngờ cho bao bạn hữu . 

Ông Thanh Tuệ, từ Pháp qua chơi bị bênh siêu gan tái phát và buộc phải vào Nhà thương Garden Grover. Dù được chăm sóc nhưng ông đã không qua khỏi .

Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu vẫn còn dự định gặp mặt một gia đình Phật tử để cùng ăn tối ngày hôm sau . Nhưng trong đêm đó ông đã nhẹ nhàng ra đi không báo trước và để lại niềm thương tiếc của bao người quen thân .

Chúng ta phải quen dần với sự ra đi của những gì rất quen thân và gần gũi . Cầu chúc Hương linh hai ông Thanh Tuệ và Ngô Mạnh Thu sớm phiêu diêu Cõi Niết Bàn.
Theo VNCRNews


Buổi tưởng niệm hai nhà Văn hoá Giáo dục Thanh Tuệ và Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu

Chiều tối hôm Thứ Sáu cuối tuần qua, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, gia đình Công Ty Người Việt đã tổ chức một buổi Tưởng Niệm Nghệ Sĩ Thanh Tuệ và Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu, cả hai vừa từ giã bạn bè thân quyến đi vào cõi miên viễn chỉ cách nhau có hai ngày.

Cả hai, Thanh Tuệ và Ngô Mạnh Thu đều là những người thân thiết văn nghệ với anh chị em trong Công Ty Người Việt. 

Không những thế, Ngô Mạnh Thu còn là một người được thính giả VNCR yêu chuộng vì những gì anh đã đóng góp trên làn sóng này từ nhiều năm qua. Cũng thế, anh Ngô Mạnh Thu còn là một huynh trưởng được toàn thể Gia Ðình Phật Tử Hải Ngoại yêu kính vì tác phong, đạo đức cũng như kiến văn của anh đóng góp cho Gia Ðình Phật Tử.

Vì những lẽ đó nên thân hữu đã đến đông chật phòng sinh hoạt rộng của Nhật Báo Người Việt. Hàng chục người đã phải đứng dọc theo cuối phòng cũng không nề hà gì.

Buổi tưởng niệm đã có ngay không khí thật xúc động vì không kể số thân hữu đến quá đông mà còn vì sự hiện diện của Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thích Quảng Thanh, Nhạc Sĩ Phạm Duy cùng gia đình thân quyến của hai anh Thanh Tuệ, Ngô Mạnh Thu.

Không một nghi lễ khuôn sáo nào được diễn ra như thường lệ mà chương trình buổi tưởng niệm đi ngay vào những nhắc nhở về người đã khuất.

Nhà văn Ðỗ Quý Toàn là người nhắc nhớ đầu tiên. Bằng một giọng bùi ngùi thương tưởng, nhà văn Ðỗ Quý Toàn đã rọi chiếu vào sự hoạt động văn chương nghệ thuật âm thầm ít người được biết tới của Thanh Tuệ, “làm văn hóa mà không cần sáng tác một tác phẩm nào về nghiên cứu, biên khảo cũng như truyện dài truyện ngắn... 

Ông Thanh Tuệ chỉ làm mỗi cái công việc là xuất bản.” Dĩ nhiên xuất bản ở đây, nhà văn Ðỗ Quý Toàn không nói tới nhưng là sự xuất bản có ý thức, có chọn lọc vì Thanh Tuệ hiểu rằng sách vở là nơi lưu trữ tư tưởng nên không thể khinh suất trong việc xuất bản và càng không thể cho bóng dáng thương mại xuất hiện trong đó. 

Nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ từ trong nước ra đến hải ngoại bao giờ cũng cho ra mắt người đọc những tác phẩm quí giá, quí giá từ nội dung đến hình thức. 

Những tác phẩm của An Tiêm, về hình thức phải nói là một công trình nghệ thuật từ giấy, bìa cho đến chữ in và sự chăm chút hiện lên trên mỗi trang in. Về nội dung thì chính từ An Tiêm mà các nhà thơ như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, nhà tư tưởng nghệ sĩ Vũ Khắc Khoan, nhà tu Thích Nhất Hạnh đã đến sâu rộng với mọi người. 

Hầu hết các văn nghệ sĩ đều yêu quí mến chuộng Thanh Tuệ vì tính cách nghệ sĩ hơn cả nghệ sĩ của Thanh Tuệ. Cái dự tính sang năm của Thanh Tuệ là kỷ niệm 40 năm An Tiêm hoạt động thì nay Thanh Tuệ đã vội vã ra đi, nhưng nhà văn Ðỗ Quí Toàn cho biết, anh em còn lại sẽ tìm mọi cách thực hiện cho anh sự mong ước này.

Ðến Ngô Mạnh Thu, nhiều người đã lên nhắc nhớ. Hòa Thượng Thích Tâm Châu, nhà bình luận Lý Ðại Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, phật tử Ðặng Ðình Khiết...

Anh Ðặng Ðình Khiết, về từ Virgina khi hay tin Ngô Mạnh Thu đột ngột từ bỏ mọi người, đã thật xúc động nhắc nhớ những kỷ niệm với Ngô Mạnh Thu từ những ngày “vào đời”. 

Cái mà Ngô Mạnh Thu gắn đọng trong tâm thức của Ðặng Ðình Khiết là “những cái mầm ý thức văn nghệ, dân tộc và tôn giáo”.Hòa Thượng Thích Tâm Châu có nhận định rằng công việc của Thanh Tuệ và Ngô Mạnh Thu đã làm trong lãnh vực giáo dục và tôn giáo đã ảnh hưởng tốt đến nhiều người. 

Chúng ta hãy noi theo những gương đó mà phục hưng cho đất nước Việt Nam chúng ta.Riêng nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, người từng có một thời gian dài du ca với Ngô Mạnh Thu, thì say sưa nhớ về những tháng năm hoạt động khi tuổi còn trẻ. 

Nguyễn Ðức Quang cho rằng Ngô Mạnh Thu là một cái gì hoàn tất bởi vì Ngô Mạnh Thu là “một người đa tài trong đám đông”.Cũng trong buổi tưởng niệm này, một Phật tử khác, Tâm Trí Ðỗ Quang Vui, thì cho mọi người ngẩn ngơ thích thú khi cho biết một bài tình ca của Ngô Mạnh Thu qua tiếng hát khá truyền cảm và trầm ấm của ông. Bài tình ca viết về một người con gái có tên Thụy Trân. Thụy Trân! Thụy Trân! Người con gái có thật hay chỉ là một ngẫu hứng của một nghệ sĩ nắm bắt được cái đẹp!

Ông Ðỗ Quang Vui cũng còn nhắc đến tác phẩm “Trường Ca Lửa” thật hùng vĩ của Ngô Mạnh Thu khi được chứng kiến Lửa Từ Bi từ nhục thể Bồ Tát Thích Quảng Ðức đã rạng soi lên lương tâm nhân loại.

Nhiều bài du ca của Ngô Mạnh Thu đã được Gia Ðình Phật Tử và nhóm du ca cũ trình diễn lại khiến không khí buổi tưởng niệm không lúc nào người tham dự có thể không nghĩ tới những người đã khuất.

Cho mãi đến hơn 10 giờ khuya, mọi người mới lục tục ra về, không quên nhìn lại dáng vẻ nghệ sĩ của Thanh Tuệ và cái cốt cách phiêu bồng thoát tục của Ngô Mạnh Thu trong hai bức hình lớn đặt trên sân khấu.
Theo Người Việt

Không có nhận xét nào: