Lê Phong

Tưởng Niệm Bách Nhật Nguyễn Đức Quang
Du Ca Thế Giới Hướng Lòng Về Bắc Cali
Lê Phong

San Jose (TH) – Từ Úc Châu đến Sài Gòn; từ Bắc Âu sang đến thủ đô tị nạn Quận Cam; toàn thể đại gia đình Du Ca khắp thế giới đã hướng lòng hiệp thông về với anh chị em và thân hữu Đoàn Du Ca San Jose & Bắc Cali để tưởng nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, huynh trưởng sáng lập Phong Trào Du Ca Việt Nam và các huynh trưởng khác đã ra đi nhân buổi lễ giỗ được tổ chức rất trang nghiêm, cảm động và hoành tráng tại rạp Trianon, gần tòa thị chính thành phố San Jose, tâm điểm thung lũng điện tử Bắc Cali hôm chủ nhật ngày 17 tháng 7, 2011 vừa qua.
( Xin bấm vào links gạch dưới mầu xanh lá cây để nghe âm thanh ; gạch dưới mầu hồng để xem hình ảnh)
Một phái đoàn đông đảo từ Nam Cali gồm các anh chị Hà Tường Cát, nguyên Tổng Thư Ký PT Du Ca, anh Đinh Quang Anh Thái, chị Bích Hạnh, cô Janine Trang, chị Hương Quân (phu nhân cố nhạc sĩ Trần Đình Quân) cùng hai con An-Duy và Nam-Phương, cùng với một số thân hữu đã vượt đường xa để về tham dự càng làm cho không khí buổi lễ tưởng niệm thêm trang trọng và nhộn nhịp bội phần. Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, chủ tịch tiên khởi phong trào Du Ca tại Sài Gòn trước năm 1975, vào phút chót không về được vì lý do sức khỏe, nhưng anh đã kịp gởi lời phát biểu và được in trong tập chương trình cho mọi người cùng chia xẻ. Lời nhắn nhủ của anh Hoàng Ngọc Tuệ nghe như một hiến chương lịch sử:

“…Chiều nay chúng ta cùng nhau nghe và hát lại một số bài Du ca của Trưởng Nguyễn Đức Quang và một số Trưởng khác đã được tác động bởi Phong trào Du ca mà sáng tác không phải để bâng khuâng hoài niệm mà để nung nấu tâm hồn mỗi người vì một tương lai tươi sáng cho Việt Nam chưa thành đạt.

Đồng thời chiều nay chúng ta cũng tỏ lòng vô cùng thương tiếc Con Chim Đầu đàn của một Phong trào Văn nghệ Tác động đại chúng và giới trẻ của Việt Nam chưa hề có trong lịch sử Việt nam vừa ra đi: đó là sự vĩnh viễn ra đi của Trưởng Du ca Nguyễn Đức Quang, một thiên tài bất khả thay thế.

Tôi xin gửi đến Các Bạn Trẻ trong ngoài nước, lời ước nguyện cuối đời của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, muốn thấy các bạn Thanh niên, Sinh viên ngày nay hãy hăng say sinh hoạt và sáng tác nhiều bài Du Ca nữa để tác động mọi người cùng xây dựng cho được một đất nước Việt Nam Tự do, Nhân ái, Dân quyền, Nhân Quyền, và thực sự Dân chủ, nhất là hoàn cảnh Đất Nước đang rơi vào giai đoạn lịch sử khó khăn và mong manh như hiện nay...”

Từ một nơi rất xa khác, huynh trưởng Fa Thăng tức nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, một người em luôn khắng khít với “anh Vua” Nguyễn Đức Quang từ thời Đà Lạt xuống Sài Gòn rồi cho đến những lần sinh hoạt cuối cùng tại Âu Châu gần đây, hiện đang quản nhiệm trang nhà DuCaVN.com tại Hòa Lan, Bắc Âu, đã gởi lời chia xẻ chân tình bằng chính giọng nói của anh và được phát thanh cho cử tọa cùng nghe:

“…Thấm thoát đã 100 ngày trôi qua, hôm nay lại một lần nữa, nhạc Nguyễn Đức Quang lại vang lên, vây phủ cả vùng thung lũng hoa vàng thân quen này, tôi tin chắc trong buổi tưởng niệm hôm nay, linh hồn anh Nguyễn Đức Quang cũng vẫn đang bộn rộn quanh đây, tiếng hát hùng hồn, bi thương, hay trìu mến đằm thắm của anh sẽ được thoát ra từ hơi thở, từ nhịp tim của các anh chị em Du Ca viên San Jose & Bắc Cali.

Cũng vẫn như thuở nhỏ xa xưa, nghe tin Du Ca họp mặt là trong lòng háo hức niềm vui, muốn được cất chung tiếng hát…Chúng ta là những kẻ thừa kế những tinh hoa của lớp đàn anh đã để lại, luôn nhắc nhở dù ở bất cứ một chân trời góc biển nào, chúng ta luôn giữ vững tình hoà thuận giữa con người với con người, đạt tình yêu quê hương và dân tộc cao qúy lên trên hết…”

Sau phần chào cờ mặc niệm, nghi thức tưởng niệm huynh trưởng Nguyễn Đức Quang rất cảm động đã diễn ra với tấm chân dung của anh ngồi bên cây đàn ghita, với những ngọn nến lung linh, và toàn thể cửa tọa cùng nghe đọc bài tưởng niệm tha thiết:

“Hôm nay, nhân lễ giỗ 100 ngày nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, huynh Trưởng Sáng Lập Phong Trào Du Ca Việt Nam, anh chị em Du Ca chúng tôi cùng với thân hữu khắp nơi xa gần, gặp gỡ nhau hôm nay tại San Jose, để xin góp một lời ca, một tiếng hát tự đáy lòng trái tim chúng tôi, như một nén hương nhẹ bay theo hương hồn anh siêu thoát về miền viên miễn, nơi đó có anh em, có bạn bè, có quê hương và có tất cả đồng bào mà anh một lòng yêu mến. Nơi đó có người yêu “Nguyễn Thị Quê Hương” mà anh đã dâng hiến trọn cuộc tình của cuộc đời mình.

Thưa anh Nguyễn Đức Quang: Anh đã ra đi nhưng anh vẫn còn ở mãi trong lòng chúng tôi. Tim anh ngừng đập nhưng tiếng anh hát vẫn còn vang vọng trong tim chúng tôi, trong tim của tất cả mọi người, của thế hệ thanh niên Việt Nam chúng tôi được may mắn nghe anh hát và cùng hát với anh; và các thế hệ tương lai sẽ được vẻ vang chính là nhờ vào những lời ca tiên tri của anh.

Chúng tôi cám ơn anh đã viết lên những ca khúc mà đã trở thành sợi giây linh thiêng ràng buộc chúng tôi gần lại với nhau. Như anh đã từng kêu gọi: “Đường Việt Nam mời những bước chân rời, sát nhau lại vì đường vẫn còn dài.” Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục con đường anh đi, sẽ bướt sát lại với nhau hơn, tất cả cũng vì tình yêu linh thiêng cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam.

Hôm nay nhân ngày giỗ 100 ngày của anh, gia đình Du Ca chúng tôi cũng xin được tưởng nhớ đến các huynh trưởng khác và tất cả anh chị em Du Ca đã ra đi tại quê nhà cũng như khắp nơi trên thế giới.

Nguyện xin ơn trên cứu độ hương hồn qúy anh chị, và ban an lành cho tất cả chúng ta. Nguyện xin hồn thiêng sông núi, hương linh tiền nhân chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng tôi: Những con người dòng giống Tiên Rồng từ khắp nẻo đường thế giới, luôn một lòng sắt son với dân tộc và tổ quốc Việt Nam ngàn đời mến yêu.”

Nghi thức khai mạc lễ tưởng niệm được tiếp tục bằng liên khúc “Người anh Du Ca”; hiệu đoàn ca “Đoàn Ta Ra Đi”; và “Anh Em tôi” với những lời tuyên ngôn như sấm sét: “Xin vươn vai ngó nhau cho gần, đi hiên ngang bước hai chân trần. Cùng nhau ta giữ thơm cho người Việt Nam. Hôm qua ta đớn đau nhục nhằn. Hôm nay ta sẽ tuyên ngôn rằng: “Việt Nam nầy sẽ nhất định vẻ vang !”

*

Phần văn nghệ Du Ca chính thức khai mạc với dòng nhạc Nguyễn Đức Quang qua một số ca khúc tiêu biểu của anh: Bích Hạnh lĩnh xướng tốp ca nữ với bài Im Lặng là đồng Lõa”: “Nào lên tiếng nói cho cùng: Vì lương tâm chúng ta chưa mòn, vì phải lo tương lai nguy nàn, bọn đầu cơ càng thêm lớn. Cuộc phiêu lưu đã bao u sầu, và đắng cay thương đau đã nhiều, một dân tộc, chịu đau đớn bao chục năm qua.”

Lời ca như một tiếng kêu gào thất thanh của ngừơi con dân Việt đứng trước hoàn cảnh chiến tranh bi đát của quê hương giữa thập niên 1960. Thanh niên Nguyễn Đức Quang, lúc bấy giờ chỉ mới vừ 22, 23 tuổi, vừa mới từ ngưỡng cửa đại học bước chân vào đời, nhưng đã có một nhận thức sâu sắc về thân phận nghiệt ngã của quê hương dân tộc, và đã mạnh dạn đứng lên nói thay cho cả một thế hệ, thay cho tất cả chúng ta, và với những lời kêu gọi trầm thống đó, phong trào Du Ca đã được thành hình và lan rộng nhanh chóng trên toàn cõi đất nước Việt Nam tự do từ vĩ tuyến 17 đến mũi cà mau.

Một bài hát nữa qua rất hay của anh Quang nhưng quần chúng rất ít được nghe hát, đó là bài Người Yêu Tôi Bệnhđã được Du Ca Nguyên Nhu tự đệm ghita vừa hát rất sống động như một lời tha thiết nói về tổ quốc dân tộc đang lầm than: “Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần, vỡ nát trái tim muôn phần. Ngày còn có nhau, giúp cho nhau thật nhiều. Ngày nào mất nhau, sớt chia không được đâu.”

Huynh trưởng Du Ca nguyễn Đức Quang khi được hỏi tại sao anh không như những người nhạc sĩ khác, viết những bài tình ca lã lướt, những ca khúc thịnh hành dễ nghe, để được nổi tiếng, để được thêm lợi lộc bản thân, mà lại chỉ chuyên về những ca khúc viết cho quê hương tả tơi và dân tộc khốn khổ, thì người anh đã nói: Khi chọn lựa con đường họat động và phục vụ cho đồng bào, thì tôi đã chọn hiến dâng cho người yêu của tôi, có tên là “Nguyễn Thị Quê Hương.”

Cũng chính vì thế, mà khi ngừơi yêu ngã bệnh, anh đã lo lắng chăm sóc, mong cho nàng chóng hết bệnh, vì qủa thật, ngày nào còn có nhau, thì phải ráng yêu thương giúp đỡ nhau, nếu chờ đến ngày nào đó mất nhau đi rồi, thì còn gì mà sớt chia cho ai.

Thiết nghĩ không bao giờ cho bằng chính thời điểm nầy, chính trong hoàn cảnh đất nước hiện nay trước hiểm họa xâm lăng của ngoại bang, từ mất đất đến mất biển, và quyền lực đều bị nô lệ vào kẻ “lạ”, thì lời kêu gọi của du ca NĐQuang lại càng thêm khẩn thiết biết chừng nào.

Huynh trưởng Đinh Quang Anh Thái đến từ Nam Cali, đã trổ tài hoạt náo và điều khiển chương trình qua việc tác động toàn thể cử tọa cùng hát với anh: “Một địa cầu mới hãy mọc lên. Một thế giới mới hãy ra đời. Một nền hoà bình vĩnh viễn mau đến cùng người. Một đoàn người mới hãy vùng lên. Bài ca tranh đấu hãy vang rền. Và người vì người hãy chủ động nuôi lớn quê hương.” Đến lúc nầy thì cả hội trường vang dạy như sấm dồn. Nhiều khán giả nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, đều phấn khởi hát theo thật to, thật hung hồn như tiếng trống lệnh thức quân ra trận. Anh Thái lại cho mọi người nghe những đọan phiên khúc mới được viết gần đây để nói lên những thảm trạng đương thời tại quê nhà, như hàng triệu dân oan bị chiếm đất, hàng trăm ngàn công nhân lao nô bị bóc lột, hàng chục ngàn thiếu nữ bị lột truồng đem bán vào vòng tay sàm sỡ ngoại nhân, và biết bao nhiêu tu sĩ, tín đồ, trí thức, sinh viên,v.v.. liên tục bị chà đạp, đàn áp, bắt bớ vì đã lên tiếng nói yêu nước, muốn bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của ngoại bang, v.v..

Một trong những ca khúc được giới văn nghệ yêu mến chính là Bên Kia Sôngđã được hai giọng ca truyền cảm mượt mà của Đồng Thảo và Bích Hạnh trình bày song ca thật điêu luyện và duyên dáng. Ca sĩ Đồng Thảo kể rằng trước đây thì có thêm anh NDQuang cùng hát chung, tức là có 3 người, nhưng nay chỉ còn hai, và khoảng trống của anh Quang không thể nào thay thế được.

Trang sử đau thương và ngỡ ngàng nhất trong lịch sử của dân tộc Việt chính là biến cố Tết Mậu Thân 1968. Khi toàn dân đang hân hoan chuẩn bị đón mừng ngay Tết, là một ngày văn hóa truyền thống, và ngày linh thiêng nhất trong năm của tất cả con dân Việt, thì súng đạn tàn bạo của những kẻ vô thần đã đổ xuống như mưa sa bão táp trên đầu ngừơi dân vô tội. Cả thành phố Huế như vấn khăn tang. Cả đất nước miền nam tự do như một đám ma điêu tàn. Người thanh niên Du Ca NĐQuang, lúc bấy giờ 24 tuổi, đã có dịp đi ngang qua thành phố Tuy Hòa bé nhỏ. Anh đã sững sờ trước quang cảnh đổ nát điêu tàn vì bom đạn tàn phá, trước cảnh người dân ngơ ngác hoang mang hỏang sợ. Trong niềm xúc động ấy, anh đã ghi lại niềm cảm xúc sâu sa qua ca khúc Chiều Qua Tuy Hòa và được làm sống lại qua giọng hát trầm ấm của Hoàng Vinh.

Du Ca Mây Lan, vốn là đoàn viên của Du Ca Quy Nhơn trước 1975, hiện là giám đốc chương trình Radio Sóng Việt tại San Jose, đã làm ngạc nhiên những thính giả ái mộ vốn quen thuộc giọng nói của cô trên đài, nay được nghe cô hát một bài rất hay của anh Quang nhưng ít được nghe, bài Vỗ Cánh Chim Bay.

Trước đây khoảng 6 tháng, khi du ca Tâm Nguyên cùng thân hữu đang chuẩn bị tổ chức đêm nhạc Nguyễn Đức Quang tại Cafe Paloma (San Jose), thì được tin anh ngã bệnh bất ngờ. Thế là buổi “Hát Với Nguyễn Đức Quang” đã nhanh chóng biến thành buổi hát chúc sức khỏe cho anh sớm lành bệnh. Thế rồi 6 tuần sau, vào ngày 27 tháng 3 tại Quân Cam, Tâm Nguyên lại tham gia với Hướng Đạo và Du Ca Nam Cali trong buổi văn nghệ tại Emerald Bay để vinh danh Nguyễn Đức Quang, thì được hay tin anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ sáng sớm chủ nhật hôm ấy. Buổi sinh hoạt văn nghệ bỗng nhiên trở thành buổi lễ tưởng niệm, một biến cố gây xôn xao và đông đảo mọi người kéo về chật kín hội trường để bày tỏ tình thương mến sâu xa dành cho một tài danh đã khuất.

Qua mấy ngày sau, để chuẩn bị cho buổi lễ tưởng niệm tại hội trường báo Ngừơi Việt vào ngày 2 tháng 4, 2011, Du ca Tâm Nguyên đã xúc động viết lên một bài hát cho “Người Anh Du Ca trong đó có những ca từ trang trải trong các ca khúc của NĐQuang, cộng thêm niềm tâm sự chất ngất của người một em muốn đi theo con đường anh đã chọn:

“Một buổi sáng rất sớm, người Anh tôi ra đi,
Về bên kia sông, đi tìm ánh mặt trời.
Một tiếng khóc chới với, tìm đâu trong hư vô.
Người yêu Quê Hương, chờ mong sao anh đành chia xa!
Hàng ngàn cánh tay với, triệu con tim hiên ngang,
Rền vang câu ca, sôi dòng máu Lạc Hồng.
Vạn bước chân đi tới, lời Du Ca vang xa.
Hẹn Anh Em Tôi: Việt Nam mai ta cùng vẻ vang!
Người đi về đâu? để thương nhớ chôn sâu!
Chia sớt bao nhiêu lần, còn thêm đớn đau.
Trời quê hương, sao mãi nghìn trùng!
Niềm Hy Vọng tôi, vụt lên suốt đêm thâu,
trên mắt môi bạn bè, niềm tin mới dâng.
Đường Việt Nam, đi về có nhau.
Một buổi sáng rất sớm, người em đi theo anh,
Hẹn nhau bên sông, mong tìm dấu mặt trời.
Chợt thấy có tiếng hát, vọng xa trong hư vô
Ngưòi Anh Du Ca, về quê hương với Mẹ, với Cha.”

Bài hát đã được ca nhạc sĩ Nguyên Nhu, vốn là đoàn viên Du Ca Cần Thơ, diễn tả với hết cả tấm lòng, thể hiện được tiếng khóc chới với của người yêu Quê Hương đang chờ mong anh, nhưng anh đã vĩnh viễn " về bên kia sông”, đã thật sự đi về với Mẹ, với Cha.
*
Chuyển sang phần hai của chương trình, Du Ca Trương Xuân Mẫn, cựu đoàn phó Du Ca Đà Nẵng thành lập năm 1969, là đoàn Du Ca lớn thứ nhì sau Du Ca trung ương Sài Gòn với 3 liên toán và hơn một trăm đoàn viên, đã thay mặt ban tổ chức cám ơn quan khách, thân hữu và quý mạnh thường quân xa gần đã nhiệt tình ủng hộ và yểm trợ mọi mặt từ tinh thần đến vật chất. Anh Mẫn cũng đã xúc động kể lại những kỷ niệm vui buồn với các huynh trưởng đã ra đi, và mời mọi người cùng đứng lên dành một phút tưởng niệm 5 trong số các huynh trưởng gồm:

Nhạc Sĩ Ngô Mạnh Thu (1938-2004) Thành viên Ban Quân Nhạc Không Quân VN, chuyên viên Bộ Dân Vận Chiêu hồi, ký giả Báo Người Việt, Du Ca VN Trung ương;

Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng (1937–2000) tên thật Nguyễn Văn Lợi, quê quán Quảng Nam, nhà giáo, sáng lập Trung Tâm băng nhạc Tinh Hoa, Du Ca VN Trung ương;

Nhạc Sĩ Giang Châu: (1939-1972) Phục vụ trong binh chủng KQVNCH, căn cứ Biên Hòa, Du Ca VN Trung ương;

Nhạc Sĩ Trần Đình Quân (1938-2003) Quê quán Thừa Thiên - Huế. Giáo sư Việt văn Trường Phan Châu Trinh Đà-Nẵng, Đoàn trưởng Đoàn Du Ca Đà-Nẵng, Ký giả Báo Người Việt;

Và Nhạc sĩ Lý Văn Chương: (1955-2005) Bút hiệu Nguyên Chương, Huynh trưởng Đoàn Du ca Đà Nẵng, Kiến Trúc Sư, Ban biên tập báo Người Việt.

Một tác phẩm tiêu biểu của mỗi huynh trưởng đã được trình bày gồm:

Trần Đình Quân với " Ngày Ấy Đất Nước Hồi Sinh" Tứ ca; Trầm Tử Thiêng với "Kinh Khổ" Bích Hy đơn ca; Ngô Mạnh Thu với "Con Chim Xanh" Sinh hoạt ca với Trương Xuân Mẫn; Lý Văn Chương với " Tình Ca Ngày Về do Công Dũng & Anh Thư song ca; và Giang Châu với "Tuổi Trẻ Chúng Tôi" Đồng ca .

Chưng trình văn nghệ Du Ca dược kết thúc với hai bài của NĐQuang " Đường Việt Nam" và "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" Mọi người cùng hát chung với tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường Trianon trong một buổi chiều chủ nhật nắng ấm tại thung lũng hoa vàng tại Bắc Cali. Mọi người trong hội trường đều muốn nán lại để nghe những bài khác nữa , nhưng rất tiếc vì đã hết giờ , đành hẹn lại một dịp khác. Một số thân hữu đã cám ơn ban tổ chức giúp cho họ nghe được những bài hát tuyệt vời về tình yêu quê hương, yêu dân tộc, mà không thể nào được nghe ở bất cứ nơi nào khác ngoài khung cảnh văn nghệ Du Ca .
*
Sau buổi văn nghệ tưởng niệm, anh chị em đoàn Du Ca Bắc Cali đã gặp gỡ thân mật với nhau tại nhà Du Ca Tâm Nguyên để tiễn đưa phái đoàn Du Ca quận Cam lên đường xuôi Nam. Trước khi chia tay, trưởng đoàn Trương Xuân Mẫn đã hẹn tái ngộ cùng nam Cali vào năm tới trong ngày Truyền Thống Du Ca dự định sẽ được tổ chức tại hội trường báo Ngừơi Việt vào ngày thứ Bảy, 24 tháng 3 năm 2012, nhằm vào ngày giỗ đầu 1 năm của huynh trưởng Nguyễn Đức Quang.

Các thành viên Du Ca San Jose & Bắc Cali gồm Đồng Thảo, Mây Lan, Xuân Liên, Thiên Cúc, Ánh Loan, Bích Hy, Công Dũng, Anh Thư, Tâm Nguyên, Trung Cao, Nguyên Nhu , Lương Thiện, Hoàng Vinh, Thy Ngọc, Nguyễn Bích, và Trương Xuân Mẫn. Muốn biết thêm chi tiết hay tham gia sinh hoạt, xin gọi 408-206-3953; 408-876-8766 hay email: DuCaBacCali@yahoo.com; hay muốn tìm hiểu thêm về lịch sử, sinh hoạt, và âm nhạc Du Ca xin vào trang nhà DuCaVN.com do huynh trưởng “Fa Thăng” Nguyễn Quyết Thắng chủ biên.
Lê Phong

Không có nhận xét nào: