Thắp Nắng Bên Trời
Chương Sáu
Hàn Song Tường Lắng Âm Vọng
Từ Đáy Thẳm Tâm Tư
Qua Chùm Thơ Trải Bao Ngày Tháng Cũ
Sau thi tập ''Viên Sỏi Quê Hương'' trình làng vào năm 1986 cho tới nay, cách 20 năm qua, Hàn Song Tưòng vẫn tiếp tục làm thơ, nhưng không cho in thành tập thơ nào nữa. Suốt 20 năm, thơ của chị không cần phải có nhiều thời gian để lột xác lần lần. Sau thi tập đầu tiên, chị không làm thơ thời thế nữa. Đó là loại thơ nói lên niềm nhớ thương cố quốc, thơ bài xích chế độ hà khắc đương thời, thơ kể lể chuyến vượt biển tìm đất nước tự do, thơ tả oán cuộc sống mất điểm tựa trên đất nước định cư... Đối với chị những đề tài đó đã được chị xếp vào xó kẹt dĩ vãng để chị mở cái nhìn khắp chân trời thi ca khoáng đạt hơn.
Ở quyển ''Thắp nắng bên trời'', tôi chọn một số thơ trong chùm thơ mà chị đã gửi cho tôi vào thời kỳ vãn tiết hương của mùa thu năm 2006. Còn gì thú vị hơn là lúc đọc thơ của Hàn Song Tường trong những buổi xế êm đềm nhàn nhã khi khắp đất trời bên ngoài đang thiêm thiếp trong tiết hàn nhuận bảng lảng bóng sa mù.
Hàn Song Tường rất dễ tính trong tình bạn, nhưng rất khó tính trong công việc sáng tác thi ca. Đối với chị sáng tác văn chương là một nổ lực hăm hở, một cuộc canh tân không ngừng nghĩ. Nhà thơ nữ ấy đã phải sục sạo khắp nơi để tìm cái đẹp ẩn mật của thơ. Ngoại cảnh, ngoại hình sự vật lẫn vấn đề nội tâm, những vấn đề siêu hình kỳ bí.., vâng, đúng vậy, chỗ nào cũng có hồng ân của Thượng Đế dành cho thơ. Trong niềm sùng tín tri ân Thượng Đế mà vua David sáng tác những bài ''Thánh vịnh'' (les Psaumes). Trong tình cảm pha trộn nhục cảm lứa đôi mà vua Salomon dệt những bài ''Diễm tình ca'' ( còn gọi là ''Nhã ca'' / ''Cantique des Cantiques'') hàm nhuận luôn niềm gắn bó giữa con người và Thượng Đế. Trong Tinh thần Bát-nhã của Phật giáo, các Thiền sư nói lên những bài kệ thấm nhuần Thiền phong Thiền vị. Trong cảm giác hâm hấp dục tình hay hừng hực khoái lạc xác thân mà Charles Beaudelaire hay của Paul Verlaine sáng tác những bài thơ nhục cảm ngợi ca hai bản mặt song đôi: hạnh phúc và đau khổ, khoái lạc và chán chường.
Trong thế giới mênh mông và phồn tạp của thi ca, chúng ta nếu hỏi Hàn Song Tường đã nắm bắt được những gì? Chắc chị sẽ trả lời: ''Không được điều gì cả, ngoài một vài kinh nghiệm sáng tác thơ''. Thật ra, ai dám bảo mình nắm bắt được quan niệm đúng đắn về thơ, về hạnh phúc mà nhà thơ liên tục kiếm tìm? Ai dám bảo qua thi ca, mình tìm được sự giải thoát lớn lao cho cả cuộc đời mình? Ai dám bảo nhờ thơ mà mình chứng ngộ vào cái bản thể cuộc sống, tức là sự thật đầu tiên và cuối cùng của vạn pháp, của hiện hữu?
Hàn Song Tường vốn thừa kinh nghiệm về thi ca. Nếu chị không nâng thơ mình lên một cương vị huy hoàng và cao vòi vọi thì cũng tháp cho thơ mình một đôi cánh bay cao hơn những người làm thơ theo kỹ nghệ hay làm thơ theo tiểu công nghệ. Đề tài của thơ chị chưa hẳn là mới mẻ hơn đề tài thơ của những nhà thơ trẻ nổi danh khác, nhưng sự diễn tả của chị thật đặc sắc. Lại nữa, cách kiến trúc của nó không theo đường nét cổ điển mà vạch lên những nét kỷ hà thuần chất sáng tạo, hoặc vạch lên những đường nét tạo hình lạ lẫm. Xin đọc bài
Vết xâm
Có thể chuyến xe không đợi nữa
Chiều hoang vu nắng quái mênh mông
Sông chào đón dưới cơn mưa run rẩy
Mặt nước chao, nàng đã quá giang
Có thể chuyến xe rồi trở lại
Đưa nàng đi sau một lần đò
Bàn tay vẫy ngón xanh màu lá
Bỗng chập chùng như những cánh lan
Có thể nàng tình cờ trở lại
Đường năm xưa phố thị ngỡ ngàng
Chuyến xe đón nàng qua một dặm
Mưa mù trời dài mấy quan san
Có thể chuyến xe còn chờ mãi
Hàng trăm năm mục nát tan tành
Ôi! dấu tích hóa thành mặt nạ
Treo bên đời tựa một vết xâm
Ở đây, chuyến xe đò và người hành khách bắt hụt nhau. Chuyến xe có thể đi trước khi người hành khách đến. Nhưng người hành khác là ai? Đó là nhân vật ở ngôi thứ ba trong danh xưng (nàng) và cũng có thể đó là tác giả Hàn Song Tường. Nàng đoán có thể là chuyến xe trở lại. Và nàng phân vân nghĩ rằng cũng có thể nàng trở lại để xe đưa nàng trở về cuộc viễn du trên con đường kỷ niệm ướt mưa. Vẫn chưa hết! Nàng lại giả dụ chuyến xe còn chờ nàng mãi tới lúc nó trở thành vật hư hoại phế thải để nàng nghĩ: ''Ôi! dấu tích trở thành mặt nạ'' / ''Treo bên đời tựa một vết xâm''.
Chuyến xe ẩn dụ cho cái gì? Cho ai? Có phải người tình năm cũ chăng? Hụt một chuyến xe trong buổi hoàng hôn nắng úa chỉ là một việc quá đỗi tầm thường, nhưng sao khung cảnh và tâm tình trong thơ gieo một nỗi bàng hoàng hiu hắt trong lòng người đọc đến vậy? Và dưới đáy thẳm của bài thơ như gờn gợn một nhân sinh quan bi đát nói lên cái hạnh phúc lưôn tưột tầm tay với của con người. Con người bị một nghiệp lực oan nghiệt cuốn hút nên cứ chạy sa đà trên những con đường không bao giờ gặp lại người yêu dấu để cùng tới bến bờ hạnh phúc.
Thơ Hàn Song Tường rất giản dị và trong sáng trong ngôn ngữ, nhưng tâm tình trong thơ, tình ý trong thơ rất phức tạp. Nó gợi nên một nền trời quang đảng phía trên mặt hồ phẳng trải gương, nhưng ai biết mầm mống ác hiểm của thiên tai đã mai phục đâu đó, chờ cơ hội thuận tiện để tác nghiệt lộng hành.
Cái mà tác giả ngỡ là hạnh phúc, là điều tốt đẹp đến mình lại hóa ra những cái tương phản, chẳng những không ăn khớp với hoài bão của mình mà còn làm mình bị vò xé bởi cái trái cựa phũ phàng của của nó.
Tháng giêng
Gió may thấm thía da người
Hóa ra phún thạch tơi bời lửa than
Trời ơi - Cái điệu nhân gian
Hụt chân để lỡ muộn màng tháng giêng
Như thế ở nhận xét đầu tiên, chúng ta bắt gặp Hàn Song Tường làm thơ không phải để ngợi ca hạnh phúc, mà cũng không phải để khóc gió than mây một cách hời hợt. Chị dù không có tham vọng đi vào cốt tủy của thơ, nhưng chị với từng bước lặng lẽ âm thầm đưa thơ vào một chiều sâu khả quan, vào một chiều rộng dàn trải trong tâm hồn người đọc một niềm bâng khuâng man mác.
*
* *
Cái ngộ nghĩnh khả ái trong thơ của Hàn Song Tường là những giấc mơ diễm ảo mà chị lồng vào người yêu của mình như đem cái áo hào hoa rực rỡ mặc cho chàng. Chị không cần biết áo ấy sẽ rộng hay hẹp đối với chàng không? Tuy nhiên, chị vẫn yêu cái áo ấy nhưng lại tưởng chừng mình yêu người mặc áo. Thật ra, trong cuộc sống của đa số chúng ta, mộng mơ và thực tại đâu có bao giờ ăn khớp vào nhau, nếu không bảo là cả hai va chạm chan chát với nhau. Cuộc sống thực tại thường thường không đáp ứng một chút gì cho kẻ nuôi giấc mơ lộng lẫy bất tuyệt. Nó làm cho đương sự thất vọng đến độ dã dượi dại khờ.
Trong tình yêu, Hàn Song Tường nghĩ về người yêu qua những biểu tượng rất thơ như nước mát, gió nhẹ, qua niềm bát ngát, thiết tha. Chị gán rất nhiều cái đẹp mềm mại, dịu nhẹ, khinh khoái cho chàng, nhưng chàng không đáp ứng cái hoài bão thiết thành của chị được bao nhiêu. Có thể là chàng dè sẻn không ban bố cho chị những điều mà chị mong mỏi. Cũng có thể chàng không có nhiều những cái mà chị đã vẽ vời trong cõi mường tượng của chị. Xin đọc bài
Tâm ảnh
Em ngỡ chàng như nước
Lỡ trầm mình xuống sông
Giòng sông vang tiếng khóc
Mai một cuộc tình hồng
Em ngỡ chàng như gió
Gởi đến chàng trang thơ
Thơ như đời em đó
Giữa một cuộc hư vô
Em ngỡ chàng bát ngát
Như mây trời mênh mang
Chờ một đêm ánh sáng
Về với bóng trăng lan
Em ngỡ chàng tha thiết
Lời vọng đến muôn thâu
Em hân hoan mừng nhận
Một chút tình rồi đau
Còn oái oăm cay nghiệt hơn nữa là nhân vật xưng em (có thể là tác giả) đi tìm cái đẹp qua lời đồn đãi hoặc trong cõi tưởng tượng mà nàng đã từng ấp ủ bao năm. Nhưng khi nàng đến nơi thì cái đẹp ấy không còn nữa, đã hóa ra bóng khói hình sương tan trong ảo ảnh. Đó là trường hợp nhân vật xưng em nhìn dáng núi in lên chân trời, nơi bên kia núi có chàng thi sĩ cư ngụ. Sắc thúy màu lam của dáng núi ở xa là một hình ảnh rất mộng rất thơ quyến rũ khách vãn cảnh đến đó tìm cái đẹp. Đó cũng như trường hợp cổ nhân nước Tàu vào rừng sâu núi thẳm mùa xuân để nhặt nhạnh lông chim phỉ thúy (chim trã) và tìm hái hoa thơm (thập thúy tầm phương). Nàng không thập thúy tầm phương đâu, nàng chỉ mong gặp thi sĩ thần tượng của mình. Thi sĩ một khi đi vào văn chương đối với những tâm hồn lãng mạn thì làm sao mà chẳng tuấn nhã? Nếu không thì họ cũng đượm đà nhuần thấm chất văn thái tinh hoa. Chàng có thể như Tống Ngọc thời Xuân Thu Chiến Quốc đã sáng tác bài ''Cao Đường phú'' đẹp như gấm, có thể như Lord Byron với những thi tập trác tuyệt tình ý như ''Heures de loisir'' (''Giờ nhàn hạ'') hay cũng có thể là một Xuân Diệu thứ hai nồng mặn tình yêu qua thi tập ''Gửi hương cho gió''.
Nhưng than ôi, khi nàng qua tới bên kia núi thì thi sĩ đã chết. Ác nghiệp oái
oăm thế là đã đập tan giấc mộng đẹp mà nàng đã dày công nuôi dưỡng trong dự tính từ bao lâu. Thật ra, núi chắc không thể đẹp như lúc nàng trông từ xa, phong cảnh bên kia núi chắc chắn không phản ảnh trung thực được những điều mà nàng đã tưởng tượng. Và còn thi sĩ đã chết đêm qua trước khi nàng tới, có lẽ đã được mai táng gấp gáp rồi. Chân dung và phong thái của chàng ra sao, nếp sống chàng thế nào thì làm sao nàng biết được? Cho nên chàng vẫn mãi mãi là giấc mơ đẹp tuyệt vời của nàng.
Cảnh ngộ nàng tuy có đau xót thật đấy, nhưng nhìn qua khía cạnh tích cực thì chúng ta lại thấy chàng sẽ muôn đời bất tử trong tâm tưởng nàng. Con người thật của thi sĩ sẽ già, sẽ xấu và biết đâu sẽ đổi tánh trái nết để rồi trở nên dễ ghét. Nhưng chàng thi sĩ trong mơ của nàng sẽ trẻ mãi, thơ mộng mãi và khả ái mãi do lớp hào quang trong tâm tưởng nàng dệt nên.
Bài thơ ẩn dụ cho công việc đi tìm cái đẹp. Cái đẹp chỉ ở chỗ từ xa nhìn tới, chỉ là huyễn ảnh như trăng lồng bóng đáy nước, như hoa giả hiện trong gương. Tuy thế, cái gì trong vạn pháp và hiện hữu này, dù là cơn mê hay cơn mộng ảo đi nữa vẫn có hai đối đãi nhau: mặt tiêu cực lẫn mặt tích cực.
Bài thơ ''Núi biếc'' được Bác sĩ Nguyễn Đình Phùng phổ nhạc và được giọng hát vang vang âm vọng tiếng chuông mai của Thái Hiền diễn tả rất điệu nghệ.
Núi biếc
Bên kia vùng núi biếc
Cỏ có xanh không anh
Em tìm đường sang đó
Chiều hạ nắng mông mênh
Lối xa xôi diệu vợi
Muôn chỗ không cõi bờ
Em một mình qua núi
Triền dốc đá hững hờ
Phía bên kia núi biếc
Trời có gần không anh
Từng cơn mưa rất nhẹ
Buộc vào kiếp hư sinh
Em đã sang bên núi
Thi sĩ chết đêm qua
Ánh tà dương vời vợi
U uất hồn cỏ hoa
Em còn chờ mấy kiếp
Bên kia núi thanh bình
Chàng thi nhân lỗi hẹn
Cỏ đã lạc dấu chân.
Nhưng đã là thi sĩ, Hàn Song Tuờng đâu thể tránh né những giấc mơ, những cái đã làm nên tâm hồn thi sĩ cho chị. Nếu lột trần những ảo tưởng, những hoài bão, những hoài niệm, những hình bóng hạnh phúc dĩ vãng thì làm sao tâm hồn chị được phì nhiêu? Làm sao cảm hứng chị được phong phú?
Dung nhan
Em như một vạt nắng
Nằm hắt hiu trên anh
Màu da vàng quê mẹ
Cũng ửng sầu mong manh
Em như một tia sáng
Chiếu nhẹ vào mắt anh
Mắt sâu bao đêm thức
Quê hương đã nhọc nhằn
Em như một làn nước
Quay vòng bên mình anh
Nước hải hà muôn sắc
Chảy nguyên giòng vô sinh
Em như một cơn gió
Thổi vật vờ tóc anh
Tóc xanh giờ đã bạc
Sông núi cũng vị tình
Em như một bóng mát
Đứng dịu dàng bên anh
Nào ngờ cơn bão động
Nên còn mẫi lênh đênh
Và chị cứ mơ, cứ ôm bóng trăng lạnh để mường tượng cõi thơ, cứ thêu thùa những bông hoa trên nền nhung vóc lụa để nghĩ về một vườn thượng uyển trên trang sách dị sử kỳ tình. Nhưng khi tỉnh ra, vườn thượng uyển chỉ là một cuộc đời bị bóc trần, bị bôi rửa lớp sơn ảo mộng. Người thi sĩ đó đã gặp nhiều mất mát. Nhưng quả thật chị có thật sự mất sạch sành sanh không? Quả thật chị chẳng còn một mảnh vụn nhỏ nhặt tích cực nào không? Xin thưa, vẫn còn chứ bộ. Đó là những tác phẩm văn chương nói chung, những thi phẩm nói riêng để chị làm đẹp tâm hồn người thưởng ngoạn đồng điệu.
Kiếp xưa
Vườn thượng uyển sẽ xa vời cách biệt
Cõi riêng chàng lưu luyến đã bao năm
Em nữ tính ngủ vùi trong dốc núi
Triền miên sầu sỏi đá cũng ăn năn
Em thoáng chốc hiểu chàng từ tiền kiếp
Như mây hoang vẫn mải miét phiêu linh
Em thoáng chốc yêu chàng từ ngàn kiếp
Bắt gặp bên đời nỗi khổ lênh đênh
Vườn thượng uyển sẽ trầm kha mãi mãi
Em dẫn chàng ra khỏi mịt mù
Em đứng bên chàng nhìn người quá khứ
Nghe giòng đời xuôi ngược để ưu tư
Ngay xưa cũ ném xuống đời mộng mị
Vết dấu xưa đã mù mịt tan hoang
Em đứng ngắm muôn trùng xa khuất mãi
Khốn khổ một đời cũng đủ chung thân
Vết thuơng cũ chợt gần như dấu tích
Còn trên cây vườn thượng uyển u sầu
Em dẫn chàng xa vùng trời lận đận
Bỏ lại đời mưa núi cảnh trầm luân
Hàn Song Tường sau khi ra khỏi cái vườn ảo mộng được ngụy trang là vườn thượng uyển chẳng ''khốn khổ một đời cũng đủ chung thân'' (sic) đâu. Chị còn lời lãi nữa là khác vì chị đã nắm bắt hạnh phúc khi: ''Em dẫn chàng xa vùng trời lận đận''/ ''Bỏ bên đời mưa núi cảnh trầm luân'' (sic). Đã vậy chị còn có thêm một bài thơ sâu sắc ý tình như bài thơ ''Kiếp xưa'' này.
*
* *
Hàn Song Tường sở trường làm thơ tình yêu. Tình yêu trong thơ của chị không sướt mướt tỉ tê nhưng thật ra tình ý lại không đơn giản như trong thơ của Mai Quý Phi (tình địch của Dương Quý Phi), như Tiết Đào, như Ngu Huyền Cơ thuở Thịnh Đường... Thơ chị có một tình ý ẩn mật hơn, viễn thâm hơn, như thơ của Elizabeth Barrett Browning (người Anh). Nữ sĩ Elizabeth Barrett Browning (1806 - 1861) trong thi tập ''Les Sonnets de la Portugaise'' (''Những bài thơ của cô Bồ-đào-nha'', năm 1850) diễn tả sự đam mê thần bí mà bà đã cảm nhận ở chồng bà tức là thi sĩ Robert Browning. Ngay cả Nữ nam tước Hélène de Ruylen de Nyevelt chỉ là một tên tuổi lu mờ trên thi đàn nữ giới của Pháp vào thập niên 10 trước những tay gạo cội thi ca phái nữ như Nữ bá tước Anna de Noailles, nữ sĩ gốc Mỹ Natalie Clifford Barney, nữ sĩ gốc Anh Renée Vivien, nữ sĩ Lucie Delarue Madrus. Nhưng thơ tình yêu của bà cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ lắm chứ:
Tình yêu của những niềm cô đơn tuyệt đẹp
Đã len vào trái tim cay đắng của tôi
Này đây tập hợp chuông hòa âm xanh lơ của mùa Đông
Ném vào khúc nhạc dạo
Làm thơ tình yêu mà không có đam mê, không có khổ lụy tiếp sau thời gian nồng mặn ân tình thì lấy cái gì để làm ra một chặng tâm tình ướt át sương mưa hay một đoạn đời giông bão theo nhu cầu cổ điển của lối sáng tác thơ tình? Trong cái mẫu số chung của thơ tình nếu chúng ta cứ ngoan ngoãn đi theo đường cũ lối mòn đã vạch sẵn thì chúng ta chỉ đưa thơ của mình vào một khối đông chung chung, thiếu bản sắc, thiếu tinh thần sáng tạo. Hàn Song Tường vẫn tuân phục cái mẫu số chung đó. Nhưng chị vẫn mang nó đi xa hơn: vào trong vấn đề siêu hình, vào trong cái oan khiên thần bí, vượt hẳn cái đo lường và cái vòng hiểu biết của con người.
Nhân ảnh
Người như sông sâu
Người như cửa biển
Tôi bơi giữa giòng
Mắc cạn bao năm
Tôi mắc cạn
Bởi giòng sông nhỏ bé
Bởi người quên là sóng nước bao la
Tôi xoay chiều
Trăm lần khó thoát
Nên mù mờ như cánh nhạn bay qua
Người như núi đồi
Người như hoa cỏ
Tôi thu mình ẩn náu
Giữa thiên nhiên lòng rướm máu thương thân
Có biết đâu ngàn thu hàng lau lách
Cứa nát tay tôi
Một điệu ân cần
Người như ngọc ngà
Quên lòng cứu khổ
Nên bọt bèo bám mãi lấy chân tôi
Cánh cửa mở
Cánh cửa vừa hé mở
Con thiêu thân chưa thoát dương trần
Người cho tôi ánh sáng phù sinh
Chiếc gương nhân thế
Và nhã nhạc thoát hai từ muôn kiếp
Một vòng hoa
Những gai nhọn khổ đau
Người như sách đèn
Đọc suốt thâu đêm
Tôi năm khóc giữa những trang sầu muộn
Người tài tử
Như trăng sao vời vợi
Như tình yêu tha thiết mãi trong tôi
Chất liệu trong thơ tình yêu của Hàn Song Tường không mấy đơn giản nên rất khác biệt chất liệu dành cho thơ tiền chiến. Chúng kín đáo hơn, sắp đặt khéo léo nên có dáng dấp mới lạ hơn. Và chúng có một sự dung chứa biết bao tình ý mà tác giả muốn thố lộ, muốn khai triển. Ba câu thơ: ''Tôi mắc cạn'' / ''Bởi giòng sông bé nhỏ'' / ''Bởi người quên là sóng nước bao la'' quá mênh mông diệu vợi ý tình mà mỗi độc giả chúng ta sẽ có một lối chiêu cảm riêng, nhưng chúng ta khó mà giải thích rành mạch.
Cuộc tình trong thơ của Hàn Song Tường đôi lúc làn lạt như khói rạ đốt trong cánh đồng rực rỡ nắng trưa. Ý tình của chị hơi khép kín. Khung cảnh tình tự không thơ mộng, không trăng sao làm nhân chứng, không trời nước lồng bối cảnh như các bối cảnh trong những bài thơ lãng mạn lỗi thời. Chính cái khung cảnh tầm thường với nhà ga xe lửa, hành lang phòng trọ, quán nước khiêm tốn, câu chuyện cô gái ma đứng trên tàu tị nạn, ngọn đèn lù mù trong toa xe lửa, con đường về ướt mưa mới làm cho không khí (ambiance) và những nét tạo hình khi đi vào thơ của chị trở nên lạ lẫm bất ngờ, mới mẻ một cách kỳ đặc. Chúng không rơi vào những hình ảnh đã bị dùng đến độ mòn hao trong các bài thơ tình của những nhà thơ còn nuối tiếc ánh tà dương của thơ tình yêu thời tiền chiến. Trong thơ có nắng vàng rực rỡ dưới ngàn cây, nhưng khung cảnh lại đi vào tâm hồn độc giả bằng thứ ánh sáng héo úa vì cảnh hẹn hò không sôi nổi, không bừng bừng ngọn lửa đam mê. Lại nữa câu chuyện ma quái, quán nước hiu quạnh làm cho không khí thêm tẻ ngắt nếu không bảo là thê luơng. Cuộc hẹn hò tình tự có vẻ lạc loài đứng khép nép bên lề cảm xúc hăm hở nồng nàn của những kẻ si tình đắm đuối nhau. Rồi câu chuyện về quê hương tổ quốc càng đẩy xa cuộc tình tự ra khỏi lạc thú gối chăn ướt sũng mạch ân tình. Hình như nàng và chàng tìm nhau để tạm rời xa nỗi cô đơn thường nhật, để trốn ám ảnh bông lông mơ hồ hơn là để làmcuộc giao thoa giữa hai tâm hồn và giữa hai thân xác.
Giọt lệ
......
......
Buổi hẹn hò trễ muộn
Tháng sáu nóng nực
Trường lớp đã nghỉ hè
Anh đón em ở ga xe lửa
Dáng anh hiu quạnh như gã mất nước
Trông lang thang
Tội nghiệp biết bao nhiêu
Anh mở nhạc cho em nghe
Bản nhạc có câu
''trái tim mất tích''
Anh nghe cười
Em lặng thinh
Anh gọi ''Song song''
Buổi trưa có gió
Nắng cũng vàng rực rỡ dưới ngàn cây
Em không trả lời
Từ chối hay ưng thuận
Có gì hơn
Hai kẻ lạc loài...
Từ tiệm cà phê
Cô chủ quán kể chuyện ma quái đản
Ai cũng nghi ngờ
Người con gái ma từ biển xanh
Đứng trên tàu tị nạn
Em tin cô
Nên buồn suốt đường về
Lối dốc của hành lang phòng trọ
Những người bạn ngoại quốc
Hỏi han khi gặp em
Họ biết mùa hè em trở lại
Mùa hè em có anh
Để lặng nghe nhau nói
Em nói tiếng miền Nam
Khen che quê anh đẻ
Miền quê nào cũng ly loạn hả anh?
Nằm bên anh buổi tối
Em kể về con sâu
Ngã xuống chết bên dòng sông nhỏ
Làn nước cuốn nhanh
Chẳng còn chút bóng hình
Như em với anh
Nhìn về quê hương xa thăm thẳm
Chợt hãi hùng thấy mất mát từng ly...
Cuộc tình tự thiếu nhiệt thành như thế, nhưng khi nàng tạm rời xa chàng để trở về Hoston thì lại khác:
Khi trở về Houston
Chuyến xe lửa cuối
Kêu từng hồi
Em dấu anh giọt lệ
Ngọn đèn mù mù
Đường mưa chẳng ngớt
Xa anh rồi
Chiếc ghế xoay tròn
Một giọt lệ rơi
Làm sao phân tách và xác định được giọt lệ của nàng? Nàng luyến tiếc chàng chăng? Nàng khóc phút sum họp ngắn ngủi chăng? Hay là nàng khóc vì thói quen mỗi khi chia tay với kẻ đã ăn nằm cùng nàng? Cuộc tình của nàng, tâm trạng của nàng rất mù mờ trên những dòng thơ của bài ''Giọt lệ''. Chúng khoác lờ mờ bóng khói huyền hoặc, lớp sương mịt mùng. Trong thi ca, chúng trở nên quyến rũ vì chúng khiến người đọc phải bần thần tra vấn mọi chi tiết của vận sự. Và chúng ta sẽ đặt nhiều dấu chấm hỏi ở từng chặng cuộc gặp gỡ giữa chàng và nàng.
*
* *
Khi nói đến tình yêu là phải nói luôn đến kỷ niệm. Tình yêu như chiếc gương, kỷ niệm là cái giá dựng gương, hai cái đi liền nhau. Thiếu cái giá thì gương không thể dựng lên. Thiếu kỷ niệm, tình yêu lấy gì để kể lể, để soi sáng tâm tình người trong cuộc?
Kỷ niệm tình yêu của Hàn Song Tường không thuần túy là kỷ niệm thơ mộng. Nó chỉ có khung cảnh tầm thường, nếp sống mặt ngoài bình thường. Nhưng tác giả nhìn sâu vào nó, đã gặp cả một trời giông bão trong ly nước, gặp cả một cuộc hổn mang trong đáy ao nhỏ, dưới mặt phẳng trải gương. Nhờ đó, nếp suy tư của chị thêm sâu sắc, thêm nặng oằn hệ lụy. Xin đọc bài
Tháng chạp
Như con gió
Còn gì mà giữ
Như cánh chim
Chẳng ngại đường xa
Tháng Chạp đến một lần mê thiếp
Sầu thương xưa còn một chút nghi ngờ
Đừng bay nữa
Cánh chim in mặt nước
Với hàng cây
Chiếc lá lìa cành
Tháng Chạp vô tình rơi chiếc lá bay
Quấn quít mãi bước chân qua tội nghiệp
Em cứ thở
Với gió mùa heo hút
Bằng phù du
Bằng câu nói của ai
Đời chia phôi một nửa con người
Nửa thầm kín trong tim em sống sót
Uống cạn hết từng giọt mưa tháng chạp
Tháng xanh xao trên dấu tích người
Cuối năm em về
Mặt đất tinh khôi
Trần thế đó
Mà người chẳng biết
Như mãi mãi
Vì sao để nhớ
Để lãng quên
Để ai đó của em
Để mà chi
Cánh gió - chim ngàn
Như giấc mộng
Thổi qua cơn hồng thủy
Cánh cửa hẹp người về chia chác
Tháng chạp gần - gần một giải tay
Bình minh tàn
Hoàng hôn tím phương xa
Người có thử một chuyến đi biệt xứ
Người có biết - mặt hồ in bóng nhạn
Cánh chim giăng - để gió cuốn đi
Cuốn cả em đi - cuốn cả lá đi
Đường xa tắp - cánh chim lăn trong gió
Đường mưa bụi - nghe mưa say mướt
Mặt hồ xưa- cùng bóng dáng em
Để một lần chợt đến rồi quên.
Bài thơ mượn cây trụi lá, chiếc lá lìa cành, cánh chim, mặt hồ in bóng nhạn, hơi gió mạnh để dựng bối cảnh. Quá ít. Nhưng cớ sao người đọc vẫn cảm thấy hơi may heo hút tỏa lạnh khắp bài thơ. Tâm sự cô đơn của tác giả, những vò xé tâm tư trước cái ẩn mật của cuộc tình, trước vận sự hiện diện rồi mất hút của người tình, ngần thứ ấy chất từng tảng bóng tối vào bài thơ. Niềm ưu tư về về cái phù ảo vô thường, về cái bi thảm phận người đã khơi cho mùa đông trong thơ một chiều sâu hun hút về phương diện ý tình. Tháng chạp của Hàn Song Tường khác biệt rất nhiều bài thơ của các trường phái khác.
Mùa hạ, nơi tác giả định cư cũng ghi cho cho chị một vài kỷ niệm không vui, nhưng không hẳn là buồn bã tiêu cực. Nỗi niềm se sắt của chị lờ mờ trộn lẫn từng chuỗi suy tư lan man, cái này kế tiếp cái kia gần như đến ngút ngàn. Hình ảnh mùa hè trong thơ chị có một vài chất liệu để dưng lên bối cảnh: nắng chói lòa, góc phố, hàng rêu xanh, vùng bán khai, cơm mưa sa mạc, ngày cuối mùa trở bão, thành phố trung nam đông dân... Tất cả những thứ đó chỉ được tác giả kể ra chứ không được chị miêu tả. Chúng không phải để giúp cho tác giả vẽ nên một bức tranh mùa hạ mà là để cho chị dùng làm đầu mối khai thác tâm tình, nhân sinh quan, ý nghĩ của mình. Mùa hạ của Hàn Song Tường là một mùa hạ sưu tập những kỷ niệm tràn trề những ý nghĩ miên man về quá khứ nhàn nhạt, về hiện tại vô vị, về tương lai không một dự phóng rõ rệt. Nó không hấp dẫn đối với kẻ du ngoạn đến viếng thăm. Nhưng trong thi ca, đó là một mùa hạ đặc thù thắp sáng tài năng của nhà thơ. Và nhà thơ dùng xúc cảm và suy tư của mình để biến nó thành một mùa hạ không trùng lẩn với mùa hạ trong thơ của ai khác.
Mùa hạ
Cho hết mùa nắng hạ
Rồi mai đây với nắng cũng tàn phai
Nắng chói lòa - nắng rọi bạc người
Những buổi sớm trôi hoài lặng lẽ
Mùa hạ trở về
Lời nói chung tình kết liễu
Dấu thời gian thay đổi muôn màu
Như hình nhân đứng mãi góc trời
Như đôi mắt trong lòng người thất chí
Cho hết mùa nắng hạ
Nơi cỏ cây bốc khói sương đêm
Em đếm quá một ngày
Trở lại đầu mùa
Từng góc phố hàng rêu xanh héo úa
Mai người đi trăm năm
Cánh tay sương gió
Đêm nóng mê man
Mùa hạ chết tình nghèo
Em đợi quá hai ngày
Lời nói xa xa cổ tích
Mơ hồ - âm điệu
Xin giữ hết cho em
Thời gian bất kể - mặt trời nắng về khuya
Cơn mưa sa mạc
Chuyến xe tốc hành
Thất lạc muôn thu
Em ở đây
Như kẻ văn minh - đợi người man rợ
Vùng bán khai - trườn dốc ngọc ngà
Cơn gió đầu mùa
Giấc mộng phiêu du
Như sinh mạng
Đổi một lần vượt biển
Đêm ngủ mơ - mùa hạ trắng tình giã biệt
Thoảng đời nhau
Mà lệ ứa kẽ tay
Khúc hát trầm mình
Thành phố ân tình
Gió cùng tận - ngày cuối mùa trở bão
Cho hết mùa nắng hạ
Cuộc vui buồn thổi quét đôi ta
Cuộc vui buồn mọc nhánh mù lòa
Niềm bí mật
Vết chàm nơi tình yêu tội nghiệp
Cho hết mùa nắng hạ
Ngón tay vàng dấu mặt trời
Thành phố trung nam dư giả con người
Muôn dặm nhớ kẻ không còn gốc tích
Em cứ đợi
Thêm một ngày rồi hết
Thêm một hôm mất biệt hư hao
Em thức trọn đêm - tiếng không trung đổi gió
Thành phố tận tình hóa kiếp xanh xao
*
* *
Có thể tình yêu tan vỡ hay dang dở sẽ làm cho thi nhân khởi hứng khi trước tác loại trử tình ca hơn. Ở ngoài đời, ai mà không thích cuộc tình tròn trịa, một chung cuộc hạnh phúc. Nhưng cuộc tình hồng ánh đèn đêm tân hôn như thế khi vào trong văn chương trở nên ngắn hơi, không kéo dài ngân vang và âm vọng suốt con đường dài thăm thẳm trong tâm tưởng người đọc. Hồi mới lớn lên, thế hệ chúng tôi cứ thích xem loại tiểu thuyết có kết cuộc chia lìa như ''Đôi bạn'' của Nhất Linh, ''Hồn bướm mơ tiên'' của Khái Hưng, ''Một truyện tình mười lăm năm về trước'' của Lưu thị Hạnh (một bút hiệu của Hồ Dzếnh). Khi xem chớp bóng, chúng tôi cứ xem đi xem lại những cuốn phim có cái kết cuộc sinh ly tử biệt như phim ''Love is a many splendored thing'' của Henry King phóng tác theo quyển tiểu thuyết tự truyện ''A many splendored thing'' của nữ sĩ Han Suyin (Hàn Tố Anh).
Những cuộc tình trong thi ca của Hàn Song Tường tuy không có cảnh tử biệt sinh ly, nhưng vẫn là cuộc tình không hạnh phúc. Đó cũng không phải là những cuộc tình bất hạnh, nhưng giữa đôi lứa yêu nhau có nhiều vấn đề: vết thương đất nước chưa phai, mụt ung thư của lịch sử vẫn lan rễ, những thắc mắc siêu hình cứ liên tục xâm chiếm ý nghĩ của kẻ trong cuộc, những mâu thuẫn nội tại luôn ray rứt trong tâm tư, những nghịch lý trong đời sống cứ tiếp diễn thường nhật, những nghi vấn trong đủ mọi lãnh vực chưa ổn thỏa v.v... Thơ tình yêu của Hàn Song Tường chẳng những không suông trơn cạn cợt mà nó được cái nhìn của chị phóng chiếu vào những lãnh vực nhiêu khê phiền toái để thơ thăng hoa lên một cương vị cao hơn. Tuy lên cao mà thơ chị vẫn đượm nhuần chất thơ, không vướng mắc dăm ba lý luận đáng ghét, không bỏ rơi chất thơ để tránh khỏi trạng thái khô khan.
Khúc âm xưa
Bóng tối vẫn là nơi người ở
Trăng bỏ đi ai cũng bỏ đi
Ta cúi xuống bên thềm trăng gọi
Khúc âm xưa trí mỏng ơn tàn
Người cứ tưởng trăng lìa phố cổ
Biển quá xa ta ở quá xa
Người cứ nghĩ ta đi biền biệt
Dấu thiên thu, chuyện cũ, biển sầu
Hai mươi năm ta về phố chợ
Hỏi thăm nhau ta biết nói sao
Bóng tối vẫn là nơi người ở
Ta ôm ngườivới nỗi hư hao
Ta ôm người ta đau như giết
Chút tàn hơn người ngộ trong ta
Con nước biếc trôi hoài ở cõi
Cố tìm về muôn dặm bao la
Người cứ mặc bóng trăng và biển
Biển cô đơn biển vỡ tan đi
Người cứ mặc như ta không đến
Trùng dương xưa biển động thầm thì
Ta ôm nguời ta đau như cắt
Từng vết thương từng nỗi ngậm ngùi
Đêm vẫn xuống tận cùng bóng tối
Nằm bên người với nỗi tàn phai
Yêu nhau trong nghịch cảnh, trong thiên tai, trong hoạn nạn càng làm đậm thêm chất lãng mạn, làm mối tình thêm thần thánh, thêm thiết tha pha trộn cái đắng đót rất dễ say lòng người. Cái thiên tai, cái nghịch cảnh trong thơ Hàn Song Tương là những cái phản ảnh do tâm trạng của đôi lứa yêu đương phóng chiếu ra để thắp sáng một cách gay gắt cái đẹp của bài thơ.
Rừng nhiệt đới
Nắng đã thiếp bên rừng nhiệt đới
Chiều đã tàn hòa với gió vừa lên
Cây cứ trẻ mặc thiên thu hối hả
Bạn trăm năm, xin ngỏ một lời nguyền
Con nước chảy loáng nhanh như cắt
Xướt máu tuôn đọng tím trên cành
Em như thể con dơi bay lãng mạn
Thả trôi lần tự vận không thành
Nắng vẫn chiếu qua rừng nhiệt đới
Xõa lên cây lõa thể đổi màu
Như em đã hóa thân mầu mật
Con dơi bay vòng một bờ lau
Đêm nguyệt thực treo nghiêng vòm cây cỏ
Ngủ đi anh con nước trở về nguồn
Em ru nhỏ câu ca dao kỳ lạ
Anh nghe rồi cứ ngỡ một lời kinh
Rừng nhiệt đới chìm trong âu yếm
Đêm tương tư lồng lộng tiếng yêu đương
Em rửa mặt không bao giờ biết khóc
Con dơi bay chưa lỡ một lần đường
Ngủ đi anh thả dài cơn mê đẹp
Rừng bao dung che chở bước đôi ta
Con dơi đã quên những ngày xưa cũ
Bạn trăm năm, rừng nhiệt đới nở hoa
Thơ Hàn Song Tường không nhiều hình ảnh. Thường thường chị lấy ngoại cảnh như bờ bãi, trùng dương, sông hồ, núi đồi, trăng sao, cây cỏ, hoa lá, chim bướm làm chát liệu cho thơ. Bóng tối và ánh sáng làm nổi bất từng khung cảnh với nét đậm bóng nhạt. Âm thanh, nhạc khúc đưa thơ ra khỏi cảnh cuốn phim câm hay khúc phim bị hỏng phần nhạc đệm.
Ở bài ''Rừng nhiệt đới'', nét tạo hình không sắc sảo, không táo tợn hoang dã lắm. Nhưng không khí khá gay gắt may nhờ những lời nói âu yếm và an ủi của nàng (nhân vật xưng em) mà bài thơ trở thành khúc nhạc ru (la berçeuse).
Bài ''Khu rừng cháy'' có thể xóa mất dấu tích nơi kỳ hẹn rong chơi của đôi lứa yêu nhau. Nhưng dù sao thì ''chúng ta mất hết, chỉ còn nhau'' (nói theo Vũ Hoàng Chương). Tai nạn lớn bỗng biến thành thiên tai. Nhưng thiên tai trong thơ không có gì ghê gớm, cái kết cuộc vẫn có hậu, dù là để lại phế tích hoang tàn. Nhưng dù sao, chàng vẫn đau khổ. Cánh rừng khi chưa bị cháy đã làm nhân chứng những kỷ niệm gì cho chàng mà tác giả không nói ra. Nhưng chắc chắn là chàng hạnh phúc khi chạy rong xuyên qua rừng. Khi rừng đã bị thiêu hủy, trái tim chàng bị một dấu ấn khốc liệt khắc sâu nên vừa một ngày đêm tóc chàng đã bạc một bên. Có phải cánh rừng kia còn là biểu tượng một tòa lâu đài tráng lệ và nguy nga mà chàng đã tàng trử một dĩ vãng diễm ảo, những lý tưởng huy hoàng, những dự phóng hào hứng? Bây giờ thì nó chỉ còn là than nguội tro tàn, có thể làm cho cuộc sống chàng bị lột trần những ước vọng chăng? Con người đã mất sạch ước vọng, không thấy bên chân trời tương lai lóe sáng một viễn ảnh nào thì đương sự tìm đâu ra lẽ sống cùng điểm tựa tinh thần?
Khu rừng cháy
Em nhìn khu rừng cháy
Lửa cao cao một trời
Em thấy anh xuôi ngược
Chạy xuyên cánh rừng chơi
Em đỡ anh đứng dậy
Cánh tay đã mệt nhoài
Lòng bỗng dưng tội nghiệp
Một kẻ thử cuộc vui
Gió cao cao lên mãi
Lửa tắt dập đêm qua
Những tàn tro lưu lạc
Phất phới giữa phong ba
Ôi - Rừng xưa đã chết
Ngàn đời chẳng còn nhau
Cánh rừng xưa đã hết
U uất biệt giang đầu
Em nhìn khu rừng cháy
Tàn vừa một ngày đêm
Em thấy anh không ngủ
Tóc đã bạc một bên
*
* *
Trong cuộc tình hay trong cuộc đời, mầm mống thiên tai có nhiều bộ mặt để phát tác. Thi nhân thường làm nhân chứng cho các cuộc lộng hành của nó để suy ngẫm những bí ẩn trong cuộc sống. Dù không tìm ra cái gốc rễ của nó, kẻ khác gán một cách gượng gạo cho nó là cái định mệnh do Thượng Đế trừng phạt chúng sinh trong cơn thịnh nộ hung hăng. Nhưng thi nhân lại không nghĩ như thế. Họ mường tượng đến một lý do thâm huyền hơn, một nguyên nhân cao xa bí ẩn hơn mà ngôn ngữ nhân loại không đủ khả năng diễn tả.
Hàn Song Tường không giải mã một cơn bão mùa hạ. Chị chỉ nói lên những cảm nghĩ khi đối diện với cái bí nhiệm của nó cùng cái oan khốc thảm thương của phận người. Cơn bão hạ cũng có thể làm chúng ta liên tưởng đến miền Nam Việt Nam bị rơi vào tay Cộng quân miền Bắc vào tiết sơ hạ 30/ 4/ 1975 để rồi dân miền Nam bắt đầu bị áp lực sau bức màn tre. Nhưng tác giả không chịu làm thơ thời cuộc đâu. Biến động vào mùa hè năm 1975 đã được hàng nghìn nhà thơ tài tử hay nhà thơ chuyên nghiệp khác khai thác tả tơi xơ mướp rồi. Hàn Song Tường cố tình phóng đại cái biến động ấy vào nhân loại để bài thơ mênh mông tình ý hơn và nhất là không rơi vào đường cũ lối mòn mà các nhà thơ thời thế say sưa đeo đuổi.
Cơn bão hạ
Cơn bão hạ giữa vùng trời tháng hạ
Vời lên cao trong nỗi nhớ một ngày
Em đã hiểu giá tự do lịch sử
Hoài bão của chàng bỏ lại rùng vây
Em chẳng thể nhìn vào đêm dĩ vãng
Vương vấn trong cơn mưa gió rực trời
Có nỗi đam mê thăng hoa trầm lặng
Trở về nguồn nguyên thủy thuở yên vui
Em vẫn giận trăm năm là cơn bão
Ném xuống thân em sương ảo mông mênh
Em ngỡ tưởng ấm một vùng ngực lạnh
Trong vực sâu đáy mắt trầm luân
Con dốc cuối, cuối đời ta còn lại
Một giòng sông một ảo ảnh phù du
Những vương vấn đường lộ trình trốn bỏ
Còn lại đời một khoảng trống thờ ơ
Ôi dĩ vãng đã tận cùng miên viễn
Chỉ còn nhau trong lối ngõ trầm kha
Cơn bão hạ tắt ngoài khung cửa mở
Đã vật vờ nhìn bức tử đời ta
Cũng vậy, bài ''Vượt'' chỉ là cuộc vượt biên để kẻ trốn lánh bạo quyền tìm đất nước biết tôn trọng nhân quyền. Nhưng tác giả đâu muốn chỉ kể lại cuộc giỡn bóng Tử Thần của kẻ tìm về miền Đất Hứa. Chị muốn phóng chiếu lên tâm tưởng người đọc những vấn đề thâm viễn hơn. Vượt thoát cái gì? Ái tình hay nhục cảm? Ám ảnh hay ác mộng? Đam mê oan nghiệt hay thân phận ngục tù trong kiếp nô lệ tinh thần? Hay vượt nhưng cạm bẫy siêu hình nào khác? Chúng ta cứ tha hồ mà suy nghĩ kiếm tìm những điều ngoài cuộc vượt biên vì tác giả đã đào sẵn cho bài thơ một nội dung thăm thẳm qua thứ ngôn ngữ huyền ảo, rất thơ cho bài thơ.
Trong bài thơ ''Vượt'', tiếng chân được coi là tiếng nhạc đệm (musique de fond) cho diễn biến cuộc vượt thoát. Nhưng tiếng chân của ai? Của kẻ rượt đuổi những người đi tìm tự do? Hay tiếng chân của kẻ chạy lánh bạo hành? Hay tiếng chân vang trong ám ảnh, trong ảo tưởng của kẻ vượt từng chặng đường kinh hoàng? Nào ai biết đích xác sự thật của tiếng chân đó. Bởi không biết rõ nên độc giả mới phân vân lẫn bàng hoàng và đi lạc vào cõi thơ do tác giả Hàn Song Tường hồi nào không hay. Cõi thơ mà đầy dẫy chữ sao nghĩa vậy, minh bạch một cách trơ trẻn thì đâu còn là cõi thơ nữa. Nó phải chập chờn mờ ảo trong ánh sáng soi rọi chập chờn của ngọn đuốc chong giữa đêm rừng sâu. Nó phải mộng mị như ánh trăng trải lên gương hồ huyền bí.
Vượt
Anh có nghe tiếng chân
Lạc trong cơn mưa gió
Anh có nghe tiếng gọi
U uất từ ngàn lau
Đêm - đêm dài tĩnh lặng
Từng bước từng bước mau
Anh có nghe tiếng chạy
Dồn dập cõi thiên hư
Em, tấm lòng đã lạnh
Thoáng ảo ảnh phai mờ
Anh có nghe hơi thở
Ấm ướt giữa vòng tay
Chút huơng tình dã nguội
Có ấm đủ đêm nay
Từng bước xa từng bước
Cơn mưa vượt hàng dài
Ngừng, còn nghe tiếng chạy
Đường biên giới chia hai
Cũng đề tài vượt biên, nhưng thay vì bằng lộ trình như trong bài ''Vượt'', thì đây là cuộc vượt biên bằng thủy trình rồi bằng hải trình. Nhưng tác giả đâu chịu kể lể suông trơn về cuộc vượt sông vượt biển để tìm về bờ bến của đất nước tự do. Chị ngắm biển, nghĩ đến thân phận con người, rồi đưa dòng suy tư lên những cung bậc cao hơn cái hoàn cảnh hiện tại. Chị thả tâm trí đi sâu vào cái bát ngát trải dài trên mặt biển để nghĩ đến cái vô cùng vô hạn nào khác chỉ có trong khái niệm con người mà không bao giờ con người có thể chứng nghiệm được. Xin đọc bài
Mất tích
Người bỏ sông ra biển
Đêm tháng năm xanh biếc thủy triều
Biển ân cần
Người có bình yên?
Đêm thật ngắn
Ta xin làm tiếng sóng
Người cứ ngỡ
Ta chân nhân - huyễn mộng
Nên trăm năm vì tựa cuộc vui
Người nhắn ta
Tự biến
Tan đi
Đừng quay về nữa
Cuộc vượt biên bằng đường biển của Hàn Song Tuờng ở đây thoát khỏi cái khung chật hẹp được xây dựng theo lề lối kiến trúc nhàm mắt của đa số nhà thơ vượt biên khác. Chị không than thở cảnh ngộ nước mất nhà tan, không rên rỉ thương nhớ quê cha đất tổ, không cằn nhằn chì chiết trước viễn ảnh phải sống tạm dung nơi đất khách quê ngưới, không ó ré đả kích bạo quyền... Thế có nghĩa chị không xài những chất liệu cũ rích cũ xì đã bị các nhà thơ quá khích với tấm lòng thù hận nặng chĩu đã nhai đi nhai lại như bã trầu nát ngướu rồi. Chị dùng chuyến vượt biên để mở rộng một chân trời thơ thật mới, thật bao la. Chị lợi dụng cuộc xa lánh bạo hành và cường quyền để mở một vài cánh cửa trong muôn vàn cánh cửa đã từng đóng kín cái bí nhiệm của hiện hữu. Xin đọc tiếp:
Người hát cho ta nghe
Điệu nhạc tương tư
Biển lộng gió âm vang muôn kiếp
Người vẫn giận
Muốn ta thành bọt nước
Ngàn năm sau chẳng thể làm người
Cho ta xin
Giả một cuộc chơi
Như sân khấu
Vở kịch đời đã khép
Cuối tháng năm
Người vẫn còn ở biển
Gởi cho ta
Chén nước biển đầy
Ta uống mặn nước mắt
Lan trong ta - quấn quít máu ta
Và hóa kiếp
Biến ta xa lạ
Ta sợ hãi
Như ngày bỏ xứ
Biệt quê hương
Thoát cuộc cháy rừng
Ta thấy ta kỳ lạ muôn trùng
Nên quanh quẩn người nói ta mất tích
Từ một biến động lịch sử của dân tộc chúng ta, Hàn Song Tường dùng làm bàn đạp đi vào vấn đề siêu hình. Cái bản lãnh đó không phải nhỏ nhít tầm thường. Nó phải có một đột biến lạ lùng và khởi sắc trong phút cảm hứng để chị thăng hoa đề tài của thơ mình lên một mức độ cao rộng và xán lạn hơn.
Ngay trên đất nước định cư (có thể là Hoa Kỳ) trong cuộc di chuyển từ một địa danh này sang một địa khác, Hàn Song Tường thật sự đã tìm được sự tự do để chị làm cánh bướm rong chơi. Và chị xem như mình đã đoạt được giấc mơ tuyệt đối, một hoài bão tối hậu. Nhưng vận sự lại biến chuyển theo một chiều hướng khác. Bài thơ có thể chứa một ẩn dụ: hạnh phúc, tự do ở trước mặt mình mà mình không chịu nắm bắt. Mình lại cứ tìm nó ở nơi mình tưởng tượng. Nếu nó không phải là ảo ảnh, thì là cạm bẫy khoác vóc dáng huy hoàng để lừa phỉnh mình, đưa mình vào đau khổ nếu không phải là địa ngục.
Lãng du
Nắng thắp sáng trong mắt em sâu thẳm
Mặt trời huy hoàng chờ đón em sang
Nắng bên đó
Long lanh trên đá
Cắt chân em tuôn máu từng hàng
Máu đã thắm gót chân em đỏ rực
Anh cầm xem
Non ửng vết thương
Đá cứa nát trong lòng em giông bão
Nắng mù trời ngồ ngộ con đường
Anh dặn dò
Đừng sang bên ấy
Phong thổ người có thích hợp em đâu
Cánh bướm ham chơi
Lãng du phố lạ
Thử một lần nắng ngập chói chiêm bao
Người ta kể với anh
Con lý ngư mắc cạn từ trăm năm vẫn sống
Nhưng thay hình dổi dạng dị thường
Ừ - phong thổ nơi xứ này cũng vậy
Em thở từng ngày
Như mọc cánh sau lưng
Nắng bàng hoàng trên môi em lặng lẽ
Ngôn ngữ cõi trần kiều diễm dung quang
Em mua quyển sách
Gởi về anh tháng trước
Trời tự do nắng ấm từng trang
Anh lại nói
Đừng sang bên ấy
Lỡ mai đẩy chẳng hợp xứ người
Anh quên mất
Trần gian là một
Xứ sở nào ngăn cánh buớm thanh xuân
Anh lai bảo
Đọc từng trang sách
Ví em như một hiện hữu ân cần
Nhưng xứ người chẳng cho chị kịp làm quen với khí hậu. Chị bơ vơ lạc loài trong sự tự do. Chị bị thua cháy túi trong canh bạc cuộc đời. Chị bị dị ứng bởi nhiều chuyện siêu hình khác. Cho nên chị trở về nơi có người yêu của mình, nơi mình đã dung thân từ bao năm trước.
Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng bài thơ này nói đến tác giả muốn bỏ xứ sở Việt Nam để tìm đất nưóc tự do, nhưng rồi thất vọng trở về. Nghĩ như thế cũng làm cho ý tình bài thơ thêm phong phú, nếu có nghĩ sai đi nữa. Bài thơ nào đến độc giả bằng nhiều ý tưởng tuy hơi khác biệt nhau, nhưng với điều kiện là phải có một mẫu số chung thì là một bài thơ thành công ở chỗ biến ảo vạn trạng thiên hình. Cái mẫu số chung của các ý tưởng trong thơ là chuyến trở về chốn cũ của người thiếu phụ vì nàng dị ứng nơi thị trấn mới.
Em bước vào ngưỡng cửa
Nắng hanh vàng trải như chiếu hoa
Anh hỏi thăm
Đồng tiền xấp ngửa
Nơi xứ người em được em thua
Em mỉm cười
Đồng tiền bạc nghĩa
Em trắng tay nhưng không tiếc bao giờ
*
* *
Thơ Hàn Song Tường thường có nghĩa đôi. Nghĩa đen đã đẹp, mà nghĩa bóng càng thâm thúy hơn. Và cứ thế, Hàn Song Tường dùng đề tài một con ngựa hồng ''xa bờ sông tri ngộ'' (sic) chạy theo một hướng vô định trong bóng đêm, không phải với một ý thức mù lòa đâu, mà nó đến tìm một cõi tuyệt vời trong trái tim người yêu đã chết. Nó chạy bên dòng sông tuôn nước cuồn cuộn réo sôi , trong tiếng thê thiết của mười phương đất trời, tức là trong niềm chia sẻ tâm sự của thiên nhiên. Bóng đêm phủ kín nên nó không nhận thấy vết ruồi son tức là cái hảo tướng của hạnh phúc mình. Chạy sa đà như thế đến cảnh ngộ''ngựa đã cùng đường đất đã hoang tàn'' (sic). Nhưng con ngựa hồng biểu tượng cho ai? Phải chăng đó là người yêu của nhân vật xưng em? Phải chăng đương sụ muốn chia sẻ cuộc đời với nó ? Chúng ta chỉ biết rằng sau bao lần bôn ba, nó không biết hạnh phúc ở nơi nó như nốt ruồi kia. Vì nó u mê nên không biết mình có sẵn người yêu. Cho nên dù có chạy miệt mài, nó vẫn đứng bên kia biên giới của cuộc tao ngộ hạnh phúc. Nhưng sau khi ngủ nghỉ sảng khoái tròn một ngày nên khi thức tỉnh, nó chợt thấy nốt ruồi son hảo tướng sáng hớn hở trên ngực mình và nhân vật xưng em sẵn sáng chia với nó từng nhánh yêu thương (sic). Những nhánh đó có thể từ một cây rườm rà hay cũng có thể từ một cánh rửng sầm uất.
Bài thơ nói lên cái ẩn dụ như sau: hạnh phúc ở sẵn nơi ta, vì quá tham vọng, quá hối hả nên ta mê muội chạy đi tìm kiếm ở nơi khác, ở đâu đâu ấy. Nhưng khi tâm ta lóng lặng, ta mới thấy hạnh phúc chăng ở ngoài ta, mới gặp được người cùng ta yêu nhau chân thành.
Ngựa hồng
Ngựa hồng chạy trên bờ sông lạnh
Từ đáy sông trăm nhánh dội từng cơn
Em môi má vệt nắng vàng loang vỡ
Chân bước sang đường phiêu bạt như không
Ôi một cõi trái tim người quá vãng
Tiếng thở dài như tiếng nấc mười phương
Ngựa hồng đến giữa lòng em hoang dã
Con nước sông cuồn cuộn một đường
Đêm đã thiếp ngựa hồng ngừng chạy
Giòng nước sông gióng từng nhịp miên man
Trong một góc bóng trăng run tiếng gọi
Ngựa đã cùng đường đất đã hoang tàn
Đêm yên lặng chờ người từ biên giới
Chia cách nhau bằng tiếng phụ phàng
Đêm che đậy nốt ruồi son nhu nhuận
Dưới tay người một điệu tương quan
Đêm níu kéo giòng nước sông trôi nổi
Đất trời nào ta lại vì nhau
Trăng khóc mướt bên ngựa hồng mỏi vó
Giọt lệ vơi đầy giọt lệ chứa chan
Hãy trở lại bờ sông hiền tri ngộ
Nhiệt tình em chia từng nhánh yêu thương
Ngựa hồng ngủ tròn một ngày trỗi dậy
Nốt ruồi son vui trên ngực dị thường
Con người thơ của Hàn Song Tường thường hay hoang mang, không biết đâu là chân hạnh phúc, đâu là thiên đường riêng biệt của mình và đâu là khuôn mặt thật (diện mục bản lai chăng?) của người yêu mình. Cho nên ở bài ''Hóa trang'' chị trình bày một khuôn mặt hóa trang của người yêu mình, chị nhận bắt gặp ở mỗi khuôn mặt cái bất hạnh của đương sự và luôn cả cái bất hạnh của mình. Tuyệt vời thay, chính cái bất hạnh đó đưa chị vào một cõi thơ tha thiết ý tình. Tuy nhiên khi chàng hóa trang nhật thực dù có ''Thân chàm trăm vết ố''/ ''Ngời sáng một đêm vui'' (sic), tuy có hậu giữa tai ương nhưng cũng bừng sáng một chút hạnh phút dù hạnh phút chỉ kéo dài một đêm.
Hóa trang
Chàng hóa trang như nước
Trôi giạt dưới chân em
Kiếp mưa xưa đã tận
Mịt mù con suối đêm
Chàng hóa trang như đá
Lạnh lùng đến ngàn năm
Trăng dõi soi muôn dặm
Điệu buồn từng phiến lăn
Chàng hóa trang như ảnh
Đêm thức giấc ngại ngần
Trong tay em bóng dáng
Vỡ tan ngày hư sinh
Chàng hóa trang nhật thực
In trên da mặt trời
Thân chàm trăm vết ố
Ngời sáng một đêm vui
*
* *
Hàn Song Tường đến với thi ca bằng tiếng vang từ đáy thẳm tâm hồn mình. Ý thơ của chị như liên kết bằng thứ tơ mong manh . Ý thơ không xếp theo hệ thống rõ ràng và mật thiết nhau nên độc giả đôi khi bắt hụt ý của chị. Tâm sự trong thơ của chị không quá đậm đà đến độ thô kệch. Nó có tảng đậm bóng nhạt hài hòa nhau. Trong tảng đậm hay trong bóng nhạt ẩn náu biết bao tình ý sâu xa được bộc lộ khéo léo.
Xếp lại mớ bản thảo trong chùm thơ của Hàn Song Tường, bút giả có cảm tưởng tiêu cực như sau: Vết thương trong tâm hồn tác giả, vết thương ở ngoài cuộc sống của chị có vẻ được băng bó cẩn thận, nhưng chưa chắc chúng đã chịu khép miệng nói chi đến chuyện lành lặn hay biến thành sẹo.
Tâm hồn mang thương tích đã làm ra thơ Hàn Song Tường đậm nét siêu hình hay mở một trời tư tưởng cho chị để chị đem vào thơ. Đó cũng là một hiến lễ huy hoàng cho một tác giả tận tụy với văn chương gần 20 năm qua.
Hồ Trường An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét