Những Hạt Ngọc Kết Tinh Từ Máu Lệ
Sứ mệnh thơ ơi !
Trong sáng tuyệt vời !
Bạn đọc yêu thơ sắp có dịp được thưởng thức những vần thơ độc đáo của một nghệ sĩ tài ba bị đày đoạ suốt bốn mươi năm trời dưới chế độ cộng sản toàn trị. Đó là tập thơ Trăng Ngục in trong cuốn Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành.
Ở nước ta, còn quá ít người biết về nhà thơ Phùng Cung (1928-1997)! May lắm là chỉ biết sơ sơ - anh đã tham gia trào lưu Nhân Văn - Giai Phẩm hồi giữa thập niên 50, đã cho đăng truyện ngắn «Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh» trên báo Nhân Văn số 4, tháng 10 năm 1956, sau đó bị đấu tố tơi bời, rồi bị cầm tù ròng rã 12 năm, ra tù còn bị hành hạ, sách nhiễu cho đến ngày qua đời. Còn với tính cách một nhà thơ thì hầu như không ai biết! Tập thơ «Xem Đêm» của anh, tuyển chọn những bài sáng tác vào các thời kỳ khác nhau, được xuất bản một cách thầm lặng ở trong nước cách đây không lâu, bị giới phê bình «cung đình» ém nhẹm, nên cũng ít ai được biết tới.
Vì thế lần này, tập thơ Trăng Ngục trong cuốn Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản chắc chắn sẽ đem lại một sự bất ngờ thú vị cho nhiều người yêu thơ. Tập Trăng Ngục gồm có 35 bài làm trong thời gian 12 năm bị giam cầm tại những nhà tù khét tiếng độc ác của chế độ cực quyền cộng sản Việt Nam, như Hỏa Lò, Bất Bạt, Yên Bái, Phong Quang... Có những bài được sáng tác ngay trong xà lim biệt giam - dưới một số bài tác giả có ghi rõ những dòng chữ: «Biệt giam Bất Bạt 61», «Biệt giam Yên Bái 65», «Biệt giam Lao Cai 71», «Biệt giam Bảo Thắng, Lao Cai 72».... Chỉ có một bài làm khi mới ra tù - Đêm Vó Ngựa.
Chính trong «ngục luyện» vô cùng ác độc đó của chế độ cộng sản, đã rèn đúc nên tính chất, ý chí, phong cách, bút pháp của nhà thơ, đã mài giũa ngòi bút của người nghệ sĩ thêm sắc bén, thêm sức mạnh tấn công vào chế độ tàn bạo lầy lụa máu và nước mắt của những người dân vô tội. Vì nhận thức rõ «sứ mệnh trong sáng tuyệt vời» của thơ, nên Phùng Cung đã dùng ngòi bút của mình vạch trần những tội ác của chế độ đang đày đoạ biết bao dân lành, trong đó có cá nhân anh. Chắc ai cũng đều biết là sáng tác trong tù ngục của chế độ độc tài Việt Nam, khi sự kiểm soát của đám cai tù - mệnh danh là «quản giáo»! - vô cùng nghiệt ngã, khi không có một tý giấy bút nào trong tay, đã là một điều rất khó. Mà sáng tác với nội dung như Phùng Cung tự đề ra cho mình đúng với quan niệm của anh về «sứ mệnh» thi ca, thì cái khó đó lại nhân lên hàng chục lần! Vì nó đòi hỏi tác giả phải có ý chí và dũng khí sắt đá, đòi hỏi nhà thơ phải kiên trì cao độ, phải học thuộc, ghi kỹ vào «kho nhớ», và khi ra tù thì phải khôi phục lại, chép ra giấy, rồi cất giấu kỹ... để có ngày, như hôm nay, bạn đọc được nâng niu những sáng tác đó trong tay.
Qua tập Trăng Ngục, bạn đọc nghe rõ tiếng khóc da diết của một con tim chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc lầm than, xót xa trước bi kịch của quê hương «đường quan lầy nước mắt», của «xóm làng queo quắt», đất nước bị lũ «rắn rết đang hoành hành dữ dội Biết bao dân lành ngày đêm rên siết», «dối trá đê hèn Trùm muôn cửa ngõ», cả nước tuồng như chìm đắm trong «nhật thực triền miên Ngày tối hơn đêm»... Nhà thơ khóc cho số phận bao người dân khốn khổ, nghèo nàn, bất hạnh - đó là những người vợ, người mẹ có chồng con bị bắt đi lính «hòng hõng mong thư tuyến lửa», «văng vẳng nỉ non tiếng lòng chinh phụ», những thiếu phụ khóc chồng tử trận «hòng hõng đợi người chồng tử trận Mấy chục năm rồi Đã mỏi xanh ! Nước mắt hoa râm Câm trôi duyên phận», là bà mẹ khóc con mới mười sáu tuổi đầu bị lấy đi chiến tranh, chết bỏ xác ở Khe Sanh - Dốc Miếu, là những cụ già cô đơn dờ dệt sức già - gãi đất vì tuổi trẻ - gái trai Bị lôi đi - đi hết để ném vào cuộc chiến tranh ở miền Nam, là những người dân khốn khổ bị cái đói lăn kín bốn mùa, là những oan hồn ngày đêm «thổn thức dưới mồ», là những trí thức, văn nhân, nghệ sĩ «bơ vơ một nẻo», bị Đảng «hết móc ruột moi gan Lại réo tên chỉ mặt» «nửa thế kỷ bị lưu đầy Trong cõi tung hô», là Em Quỳnh, em bé gái 12-13 tuổi, lần lượt bị đồng chí chủ nhiệm, đảng viên cốt cán, chú bí thư đảng uỷ mới bầu lợi dụng thoả mãn tình dục, rồi tống vào trại tù để giáo dưỡng, ở đây em lại bị bác cảnh binh, chánh giám thị Quê làng Sen trọ trẹ «tự xưng danh chức Đại diện bác Hồ Đại diện đủ ba lực lượng Đảng tiền phong - chính quyền - quốc hội» giở trò cưỡng hiếp, em dại dột khóc to, chánh giám thị sợ tai tiếng tìm cách lấp liếm, buộc tội cho em rồi đẩy em đến toán lao động cực nhọc cho em chết thảm trong tù, v.v... Triệu triệu giọt nước mắt của những con người bất hạnh đó trên đất nước đau thương lã chã nhỏ xuống và nhà thơ cảm thấy dường như chúng rúng động cả thiên cầu làm muôn vàn sao băng xao xuyến rơi...
...Tôi đứng trong đêm
Ngửng đầu nhìn cao xa
Vọng hỏi
Có phải nước mắt con người
Đằm đằm dội xuống
Mà trên thiên cầu
Bao vì sao xao xuyến đổi ngôi.
Lòng ái quốc, tinh thần nhân bản sáng ngời trên mỗi vần thơ!
Đất nước ơi
Tôi mến người
Như khi nhìn em bé ngủ
Tôi thương người
Như thương mẹ ốm
Vì đâu
Người khoác manh áo đỏ
Thừa sai - cũn cỡn
Tủi nhục tháng ngày
Long đong chiều sớm
Ôi ! có bao giờ
Người đau đớn như thế này không.
Trong 12 năm tù ngục, tiếng thổn thức của nhà thơ cho số phận đất nước, quê hương không ngớt vang lên: Tổ quốc kính yêu ơi! Văn hiến - thuần phong mỹ tục Phút chốc bàn tay cộng sản dập vùi... Quê hương ơi! Đường quan lầy nước mắt , Ơi đất nước sa cơ Già - trẻ bơ vơ nheo nhóc... Ơi quê hương Hỡi những ngày xưa! Thuỷ chung - nhân ái Tất cả chìm - ngâm Trong lừa dối cuồng điên... "Quê nôi" ơi ! Dối trá đê hèn Trùm muôn cửa ngõ ...
Đọc Trăng Ngục, đồng thời chúng ta cũng nghe được tiếng thét căm hờn đối với chế độ cường bạo, độc tài chuyên chế, đầy sắt máu. Bạn đọc nhận thấy Phùng Cung, vốn là một người cộng sản - do «lòng cả tin - nhẹ dạ» thời niên thiếu - đã tự «lột xác» triệt để như thế nào. Nhà thơ tuyên bố dứt khoát «quyết khước từ bước chân cộng sản Lội máu dân lành Hàng thế kỷ chưa ngơi». Không chút kiêng nể, e sợ, anh dám chĩa thẳng mũi nhọn tố cáo vào chính những «vật thờ thiêng liêng nhất» của chế độ cộng sản toàn trị, như «thò lò muôn mặt lê-mác-mác-lê» «mạ màu mao-ít», «đảng tiền phong - chính quyền - quốc hội», «bác Hồ». Anh «vả mạnh tim đen quyền lực», vả mạnh vào chính những biểu tượng của quyền lực độc tôn - «tàn bạo lên ngôi», «sừng sững dựng khải hoàn môn máu», «cờ máu rợp trời Lợm gió!», «máu cờ đỏ phấp phới hờn ghen», «bóng cờ ma», «nghênh ngáo quốc huy», ...«Thề phanh thây uống máu!...» - «có quốc thiều nào man rợ thế không», «đài phát thanh Bắc Việt Vẫn tối ngày bốn lần leo lẻo»... Anh dám lớn tiếng tố cáo thẳng thừng sự lừa dối bịp bợm và độc ác của đảng cộng sản cầm quyền, vạch rõ bộ mặt thật của giai cấp thống trị, «bản chất nó là cuồng bạo» lại «huênh hoang lấp biển vá trời «Kiến tạo địa đàng - hạnh phúc», v.v... Có một điều đáng nói là ngay từ cuối thập niên 50-đầu thập niên 60, nhà thơ đã âm thầm lo lắng trước âm mưu của tập đoàn thống trị chuẩn bị nội chiến. Anh «đã ưu tư» về điều đó trong bài «Sông Thương - Sao Thương» sáng tác năm 64:
...Ôi ! lòng đã ưu tư
LạÏi thai nghén chiến tranh
Hoạ cơm áo !
Vẫn giằng co súng gươm oan trái
Chăn viện trợ phủ kín biên thuỳ...
Và trong nhiều bài khác cái tinh thần chống chiến tranh, chống cảnh huynh đệ tương tàn cũng thường bật lên một cách mãnh liệt:
...Chính chúng nó
Phường cộng sản
Lái buôn binh lửa
Ôi ! Binh lửa triền miên
Tuổi trẻ gái - trai
Bị lôi đi - đi hết...
...Quan hà lộng gió chinh phu
Rừng thu tắm máu
Máu thu gội chiều
Tơ vàng nhỏ giọt lệ điều
Đăm đăm tay vẫn chiều chiều quay xa...
... Khe Sanh - Dốc miếu là đâu
Vắng con nhớ đến bạc đầu cô đơn
Máu chiều gội đỏ hoàng hôn
Nghĩa trang mồ giả, nắm xương không mồ
Đồng chiều gió tím mấp mô
Nén hương đẹn khói, mấy mùa khóc vay.
... Tôi biết em khóc nhiều
Vì chồng em tử trận
Em khóc lúc hừng đông
Nước mắt cử hành
Mặt nạ tay hèn
Lẻn vào đong đếm...
... Em khóc lúc hoàng hôn
Thì quanh em
Lộng gió cô đơn
Từng giọt rực sáng
Trong nhiều thế giới...
... Não lòng thay !
Mảnh đất bán khai
Tình nguyện tiền đồn
Đăng cai binh lửa...
... Tổ quốc kính yêu ơi !
Khói lửa ngút trời
Cháy gia phả
Cháy tình bằng hữu
Cháy cơi trầu bách niên giai lão
Cháy tia trăng thơm
Trên làn tóc trẻ thơ
Hiếu chiến thừa sai
Ruổi cờ dẫn lộ
Giàn cầu lửa
Di lăn - bách hại
Ngập máu !
Lời thơ Phùng Cung nhẹ nhàng, thanh thoát, trang nhã, ý nhị, sâu thẳm và giàu hình tượng, với những ngôn từ chắt lọc, sắc cạnh, đặt đúng nơi đúng chỗ, đem lại cho người yêu thơ nỗi xúc động bàng hoàng và nhiều khoái cảm đê mê. Bài Trăng Ngục - mà tác giả dùng làm nhan đề cho tập thơ - chỉ có hai mươi tám chữ, mà vô cùng xúc động. Bài thơ ghi lại một hoạt cảnh nhỏ của cuộc sống trong xà lim chật chội, tối tăm, lạnh lẽo, hôi hám - giữa đêm khuya tĩnh mịch, ánh trăng lọt qua song sắt vào tận ngục thăm nhà thơ, lúc đó đang lơ mơ ngủ, bỗng anh chợt tỉnh và lặng người đi vì xúc động: anh cảm thấy trăng thương xót cảnh tù biệt giam cô đơn, đã nhẹ nhàng vá lụa trên vai áo sờn rách của anh. Và tác giả thốt lên vô cùng ai oán: «Ôi, cái ngày tự do xưa kia, sao mà cứ xa mãi, biết bao giờ quay trở lại!». Bài này, theo tôi, đáng coi là một tuyệt tác!
Trăng qua song sắt
Trăng thăm ngục
Bỗng ta chợt tỉnh - sững sờ
Trên vai áo tù
Trăng vá lụa
Ngày xưa ơi !
Xa mãi đến bao giờ.
Mà không chỉ một bài Trăng Ngục đó! Còn bao nhiêu bài hay nữa, như Biển Cả, Em Quỳnh, Tổ Quốc, Quê Hương, Nước Mắt, Cung Trời, Thu Xa, Dòng Sông, Quê Xa, Mỏi Xanh, Mẹ, Sông Thương - Sao Thương, Sống Chết, Bước Vô Định, Tội Nghiệp...
Về thơ Phùng Cung, còn có thể viết nhiều nữa, nhưng ở đây tôi chỉ xin giới thiệu vài đoạn dể thấy rõ cái tình cảnh bi thảm của nhà thơ, cũng như ý chí bất khuất của anh.
...Ta một con người
Nạn nhân đang vòng tù ngục
Đêm ngày chân rỉ máu cùm lim
Linh hồn bất khuất
Trên đầu là thượng đế
Dưới chân là mặt đất hiếu sinh
Bức xúc lương tri
Ta phải xuống đường...
...Còng sắt cùm lim ngấy máu tù
Vầng dương mãi bỏ quên ta
Bóng du nguyệt chưa qua đã khuất
Thâu ngày đêm
Bị sự im lặng quấy rầy
Tóc mủn trạt vai chờ di chúc
Trái tim vẫn đều đặn
Mô phỏng nhịp trữ tình...
Trong cảnh đoạ đày khủng khiếp như vậy, đêm ngày chân rỉ máu cùm lim đến nỗi còng sắt cùm lim ngấy máu tù, bản thân anh thì bị lao phổi, viêm loét dạ dày mạn tính do bị tù ngục, lại phải sống trong những điều kiện khủng khiếp - hoàn toàn thiếu ánh nắng, ánh trăng thì chỉ thoáng qua trong giây lát, đêm xà lim lạnh buốt, bị sự im lặng giày vò, tóc đã mủn ra rồi chỉ chờ ngày chủ của chúng vĩnh biệt cõi trần, nhưng... lương tri của nhà thơ vẫn giục giã xuống đường, trái tim của anh vẫn đập theo nhịp trữ tình của Nàng Thơ. Thật là đẹp biết bao! Một tâm hồn cao thượng biết bao! Chính vì thế anh đứng trên cao khinh bỉ nhìn xuống bọn thống trị - tụi mặt dày tim rắn - và xót xa vì đất nước bị lọt vào tay chúng.
Đất nước tôi
Triền miên bất hạnh
Tụi mặt dày - tay bẩn
Tim rắn - lời cừu
Văn hoá lớp hai
Điều hành cuộc sống
Tránh làm sao
Khỏi nát ngọc nhân quyền...
Ngay cả lúc chúng thét gào dữ tợn thì thái độ nhà thơ vẫn ung dung, tự tại, không chút khiếp sợ:
...Ôi ! Bao yên lặng thanh cao
Đang chìm lăn
Trong thét gào man rợ
Thì nhắm mắt
Thì bưng tai
Phải đâu khiếp sợ
Chỉ điếc đui vừa đủ
Để làm ngơ...
Và anh suy tư, suy tư rất nhiều, nghiễm nhiên thành triệu phú trầm tư, vất vả lặn lội để kiếm tìm sứ mệnh trong sáng tuyệt vời của thi ca!
...Nhà thơ chân đất
Đãy vải - gió đưa
Kiếm tìm sứ mệnh
Mỗi ý nghĩ trong ta
Đều trải qua lặn lội
Như phận chiếc cò
Lặn lội trong phong dao...
Bài Xuống Đường , làm trong xà lim biệt giam Lao Cai hồi năm 71, là một trong những bài thơ vừa có sức mạnh tố cáo, vừa nêu bật ý chí mãnh liệt của nhà thơ.
Lãnh thổ mến yêu ơi !
Nai lưng trần dưới vòm trời nhiệt đới
Xứ sở của thi ca
Của lòng cả tin - nhẹ dạ
Của đói nghèo nhẫn nhục
Úp mặt - rủi may - đắp đổi
Khóc mếu tối ngày...
Thế rồi, cái học thuyết Rắn-hổ-mang-vua (tôi đoán nghĩa của chữ lạ trong bài như thế) đội lốt công nông từ trời Tây du nhập vào, lúc đầu - khi chưa nắm được chính quyền - nó làm ra vẻ ngoan ngoãn, hiền lành lắm, thậm chí còn tình nguyện làm ngựa làm trâu cho người dân (cái ý này có xuất xứ của nó: tôi còn nhớ trong một cuộc kỷ niệm của Đảng cộng sản Việt Nam - hồi còn đội lốt Đảng lao động - ông Hồ có đọc hai câu thơ của một tác giả Trung Quốc để ví với Đảng lao động, không sợ bất kỳ kẻ địch nào, nhưng lại nguyện làm trâu ngựa cho nhân dân: Liếc mắt xem khinh nghìn lực sĩ, Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng ):
Học thuyết King-cô-bra
Đội lốt công nông - rình rập
Từ trời tây ập tới
Lúc thoát thai
Nó vờ xin rửa tội
Trộm cắp ánh tà dương
Trước mọi người
Nó khoanh tay - quỳ gối - cúi đầu
Tình nguyện đời đời
Làm ngựa làm trâu
Khi gấp khúc nó ngoan ngoãn
Giành hoàn thiện chức năng gia cẩu
Hầu hạ phấn son
Len lỏi trong lẵng hoa
Trong đồ chơi em bé...
Thế nhưng, khi nắm được chính quyền rồi thì nó gây biết bao thảm hoạ cho nhân dân...
Mong hiện nguyên hình
Như dưới vòm trời bất hạnh - hôm đây
Bản chất nó là cuồng bạo
Huênh hoang lấp biển vá trời
"Kiến tạo địa đàng - hạnh phúc"
Tiếc thay, những người thường dân ngây thơ, mộc mạc đã trót lỡ chìa tay cho nó, nên nó càng mặc sức gây ra muôn vàn đau thương cho dân chúng. Có những đoạn trong thơ làm người đọc liên tưởng đến cuộc cải cách ruộng đất đầy tội ác ở miền Bắc...
...Khốn nạn thay !
Chân đất đầu trần chót chìa tay
Đã lỡ !
Thảm hoạ triền miên
Ôi ! tay chúng cầm lê
Đâm người - dấu mặt
Lại vội lau tay - vu cáo - gây thù
Cha con nghi ngờ
Vợ chồng cảnh giác
Già trẻ xóm giềng
Nhìn nhau len lén
Di hoạ đứng rình
Trong tối lửa tắt đèn
Ngột ngạt - tối tăm - quằn quại
Vô phương khả đảo...
Bắt chước thiên triều đỏ ở Liên Xô và Trung Quốc, tập đoàn thống trị cộng sản Việt Nam đãlàm biết bao điều bạo ngược.
...Nhịp bước thiên triều
Giày xéo thuần phong mỹ tục
Lăng nhục miếu đền
Sừng sững dựng khải hoàn môn máu
Quay quắt đổi đầu
Thò lò muôn mặt Lê-mác-mác-lê...
Còn người dân Việt Nam khốn khổ thì
Lầm than buộc bụng vác cờ
Tung hô bỏng họng
...Thiên triều tiếp sức
Õng ẹo điệu ương ca
Mạ màu mao-ít
Ma thuật ngoan tay
Tạt độc dược vào tâm - vào não...
Và khi người dân trúng độc rồi, chúng lại càng thêm bạo ngược:
...Cờ máu ngợp trời
Lợm gió !
Tiếng quốc thiều
Tăng âm cực đại thét gào
..."Thề phanh thây uống máu !..."
Ta lùng trong kho nhớ
Nhẩm biên niên sử
Xin hỏi loài người
Có quốc thiều nào man rợ thế không
Trước mặt sau lưng
Ngàn trùng khóc lóc
Ôi ! mỗi tiếng chim kêu
Đếm từng đọi máu
Sóng máu ào ào
Tràn bờ thế kỷ...
Trong tình cảnh đó, nhà thơ dù đang trong vòng tù ngục cũng thấy lương tri giục giã phải xuống đường tranh đấu, cái ý chí đó vô cùng mạnh mẽ, quyết hy sinh mình vì sự sống của muôn dân. Hình ảnh mài gươm dưới nguyệt của Đặng Dung trong bài Cảm Hoài hồi đầu thế kỷ 15, đã được Phùng Cung khéo dùng lại để tạo nên một tứ thơ mới nói lên ý chí của mình - nước mắt mài gươm, vừa hợp với hoàn cảnh của nhà thơ, lại gây ấn tượng mạnh.
...Phải xuống đường
Tìm sinh trong tử
Nước mắt mài gươm
Gươm bén dân lành
Ta chắp tay - ngửa mặt
Cầu xin các đấng linh thần
Cho ta sức mạnh phi trần
Đủ tung hoành, xông xáo
Tận cùng hang ổ
Băm xả vào đầu con rắn đỏ
Cây cỏ vươn reo
Mượn gió nhắn bốn phương
Con rắn đỏ tử thương - rãy giụa
Nó lí nhí van xin chôn cất...
Còn có thể nói rất nhiều nữa về thơ Phùng Cung, nhưng thiết tưởng với chừng ấy cũng đủ để bạn đọc thấy chúng ta đang có trong tay những di sản quý báu của thi ca nước nhà. Chỉ riêng việc những vần thơ này được trân quý, bảo trọng còn lại cho đến ngày nay và tới tay bạn đọc đã là một điều kỳ diệu! Chắc điều đó đáp ứng được phần nào ước nguyện thầm kín mà nhà thơ hằng ấp ủ mấy chục năm trường khi còn ở cõi trần.
Hy vọng rằng những hạt ngọc quý mà người nghệ sĩ Phùng Cung chiết ra từ máu và nước mắt của mình để hiến cho đời, sẽ càng thêm phô sắc, thêm rực rỡ dưới ánh mặt trời và đem lại cho bạn đọc Việt Nam nhiều xúc động và khoái cảm, đồng thời cũng đem lại những suy tư về trách nhiệm và hành động của mỗi người trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân./.
Phùng Cung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét