Lê Đình Cai

Cuộc tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 của Cộng Sản Bắc Việt và sự sụp đổ của chính quyền Miển Nam.
Trong vòng tháng 3 và tháng 4 năm 1975, CSBV đã mở ba đợt tiến công vào lãnh thổ VNCH:
Đợt tiến công thứ nhất (từ 1-3-75 đến 26-3-75) mà trọng tâm là chiến dịch Tây Nguyên.
Đợt tiến công thứ hai (từ 19-3 đến 3-4-75) mà trọng tâm là chiến dịch Huế-Đà Nẵng.

Đợt tiến công thứ ba (từ 9-4 đến 30-4-75 mà trọng tâm là chiến dịch Hồ Chí Minh, nhằm chiến đóng toàn bộ đầu não của chính phủ VNCH tại Sài Gòn - Gia Định và kết thúc cuộc chiến tranh bằng sự sụp đổ hoàn toàn của phe quốc gia sau 30 năm tương tranh Quốc-Cộng (1945-1975).
Đợt tiến công thứ Nhất: chiến dịch Tây Nguyên
 (từ ngày 1-3-75 đến 26-3-75).
Căn cứ vào tài liệu trong "Đại Thắng Mùa Xuân" của đại tướng Văn Tiến Dũng thì ông ta đã vào tới cao nguyên miền Trung khoảng giữa tháng 2-75 và thay mặt Quân ủy Trung Ương và Bộ Tổng Tư Lệnh, Dũng thành lập bộ tư lệnh Mặt Trận Tây Nguyên gồm có:
Trung tướng Hoàng Minh Thảo: tư lệnh
Đại tá Nguyễn Hiệp: chính ủy
Thiếu tướng Vũ Lăng và các đại tá Phan Hàm, Nguyễn Lang, Nguyễn Năng đảm nhiệm chức vụ phó tư lệnh.
Đại tá Phi Triệu Hàm: phó chính ủy (1).
Các đơn vị CSBV tham dự mặt trận cao nguyên gồm có:
Bộ Binh: 5 sư đoàn (sư đoàn 320 và 10 của B-3 tức Tây Nguyên, sư đoàn 968 và 3 Sao Vàng của B1 tức quân khu 5; sư đoàn 316 từ Lào sang; cộng thêm 2 trung đoàn 95A và 95B của quân khu Trị Thiên, 2 trung đoàn địa phương là trung đoàn 25 và 29.
Lực lượng yểm trợ: Trung đoàn pháo, trung đoàn xe tăng, trung đoàn cao xạ, trung đoàn đặc công.
Lực lượng VNCH bảo vệ quân khu II được đặt dưới quyền tư lệnh của thiếu tướng Phạm Văn Phú gồm 2 sư đoàn Bộ Binh.
Sư đoàn 22 dưới quyền của chuẩn tướng Phan Đình Niệm đóng tại Bình Định, chịu trách nhiệm các tỉnh duyên hải.
Sư đoàn 23 dưới quyền chuẩn tướng Lê Trung Tường, đồn trú tại Cao Nguyên, bộ tư lệnh đặt ở Ban Mê Thuột.
Ngoài ra còn có 6 liên đoàn Biệt Động Quân gồm cả Biệt Động Quân biên phòng gồm người Thượng do quân đội Mỹ để lại.
Lực lượng yểm trợ có: 14 tiểu đoàn Pháo binh với 383 trọng pháo đủ loại; 5 thiết đoàn Kỵ Binh với 477 xe bọc thép và xe tăng, 2 sư đoàn Không Quân số 2 và số 6 với 444 phi cơ đủ loại đóng tại phi trường Pleiku, Phú Cát Bình Định, Thanh Sơn-Ninh Thuận; hai tiểu đoàn duyên phòng với 120 tàu đủ loại. (2)
Đại tướng Văn Tiến Dũng của CSBV nhân định về tương quan lực lượng đôi bên như sau: "So sánh với địch trên toàn bộ khu vực chiến dịch thì về Bộ Binh ta không hơn địch nhiều. Nhưng, do ta tập trung phần lớn lực lượng trên khu vực chủ yếu của chiến dịch, cho nên trên khu vực này ta đã thực hiện được ưu thế so với địch. Về Bộ Binh, ta 5.5, địch chỉ có 1; về xe tăng bọc thép, ta 1.2, địch 1; về pháo lớn ta 2.1 địch 1" (3).
Về kế hoạch của chiến dịch Tây nguyên, Văn Tiến Dũng tuân theo chỉ thị của Bộ Chính Trị và lời căn dặn của đại tướng Võ Nguyên Giáp, chuẩn bị đánh nghi binh vào Kontum, Pleiku, cắt các đường giao thông 19, 14, 21 để cô lập hóa Tây nguyên, rồi đánh thẳng và bất ngờ vào thị xã Ban Mê Thuột, sau đó sẽ đánh tung ra các mục tiêu ở bên ngoài thị xã (theo lối đánh "hoa sen nở"). Phần diễn biến của chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi dựa một phần trên bản tổng hợp của LS Hòang Cơ Thụy, “Việt Sữ khảo luận”, có đối chiếu với các tài liệu của các sữ gia miền Bắc cũng như miền Nam,  hồi ký của các tướng Cộng sản cũng như các tướng lãnh VNCH, đặc biệt là tài liệu của các phân tích gia tình báo Hoa Kỳ Frank Snepp và Stephen T. Hosmer (3b)
Ngày 01-03-75: sư đoàn 968 tiến đánh hai tiền đồn VNCH trên đường số 19, phiá Tây Pleiku, áp sát quận Thanh An. Tướng Phú và bộ tham mưu của ông cứ nghĩ là CSBV đang chuẩn bị địa bàn để đánh Pleiku nên đã điều trung đoàn 45 từ Thuần Mẫn (ngã ba đường số 14 đi Phú Bổn) lên Thanh An ngày 3-3-75. Tướng Văn Tiến Dũng cho rằng tướng Phú đã trúng kế nghi binh của ông nên ra lệnh tướng Hoàng Minh Thảo đánh mạnh và nã đại pháo vào sân bay Cù Hanh và dặn sư đoàn trưởng 968 "đánh một la mười" để đánh lạc hướng địch quân.
Ngày 4-3-75: trung đoàn 95 và sư đoàn 3 của quân khu 5 cộng sản chiếm một loạt các vị trí và cắt đứt đường số 19 trên hai đoạn ở phiá đông và ở phiá tây An Khê. Tướng Phú đã điều hai trung đoàn thuộc sư đoàn 22 của tướng Phan Đình Niệm từ Bình Định lên giải tỏa đông An Khê và lữ đoàn Kỵ binh số 2 từ Pleiku xuống giữ vùng Tây An Khê. Đồng thời bộ tư lệnh Quân Đoàn II của tướng Phú cho lệnh tăng cường phòng thủ phiá bắc Tây Nguyên, chủ yếu là bảo vệ Pleiku; điều hai liên đoàn Biệt Động Quân số 4 và số 6 thọc ra tây bắc Kontum và tây bắc Pleiku để tìm sư đoàn 10 và 320 của CSBV.
Ngày 5-3-75: trung đoàn 25 của CSBV đã cắt đứt quốc lộ 21 trên đoạn đường phiá đông Chư Cúc, phục kích đánh tan một đoàn xe của QLVNCH gồm hơn 80 chiếc. Vào buổi trưa cùng ngày, sư đoàn 320 cho một tiểu đoàn tấn công vào một đoàn xe quân sự gồm 14 chiếc, thu được hai khẩu kháo 105 ly trên đường số 14, đoạn bắc Thuần Mẫn đi Ban Mê Thuột.
Sáng ngày 6-3-75: VNCH cho tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 53 cùng một chi đội Thiết Giáp và một tiểu đoàn Bảo An hành quân lên Quảng Nhiêu, đông bắc Ban Mê Thuột.
Ngày 7-3-75: cộng quân đánh chiếm Chu Xê (ở phiá bắc Buôn Hồ) nhằm kiểm soát đường số 14 nhưng quân VNCH vẫn cứ hành quân tìm địch ở Quảng Nhiêu.
Ngày 8-3-75: sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn cắt hẳn đường số 14, đến trưa quân VNCH vội vã rút về Ban Mê Thuột.
Ngày 9-3-75: cộng quân đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Soong, Núi Lửa, mở thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, phiá đông Trường Sơn. Về hướng Bắc, họ đánh chiếm quận lỵ Thanh An trên đường số 19 và cho quân áp sát vào phiá tây thị xã Pleiku. Như vậy trong nội ngày 9-3 này, CSBV đã chia cắt phiá nam với phiá bắc Tây Nguyên, đã hoàn toàn bao vây và cô lập thị xã Buôn Mê Thuột.
Ngày 10-3-75: đúng 2 giờ sáng, bộ đội đặc công cộng sản nổ súng đánh vào sân bay Hòa Bình, hậu cứ trung đoàn 53, sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, mở màn cho cuộc tấn công Ban Mê Thuột. Nhưng trung đoàn 53 và Địa Phương Quân của VNCH chống trả mãnh liệt, đã giữ các cứ điểm quan trọng để chờ viện binh.
Trong khi ấy, khi súng bắt đầu nổ thì các lực lượng cơ giới của VC cũng bắt đầu xuất phát. Về phiá tây-nam, một tiểu đoàn Bộ Binh tháp tùng một đại đội xe tăng theo quốc lộ 14 từ Đức Lập tiến về Ban Mê Thuột. Về phiá tây bắc, trung đoàn 95B tháp tùng chiến xa, lách qua (tức bỏ lơ) các căn cứ quân đội VNCH ở Bản Đồn và Quảng Nhiêu, rồi đi theo tỉnh lộ Bản Đồn đánh thốc vào trọng tâm thành phố. Về phiá đông, sư đoàn 320 đến án ngữ phi trường Phụng Dực, lại đem đơn vị cao xạ về đó để bắn trực thăng.
Tướng Phú cho phi cơ phản lực A-37 tới oanh tạc các vị trí địch ngay sát vòng đai phòng thủ. Vì bị cao xạ VC bắn dữ dội nên các phi công phải bay quá cao, chừng 3000 m để thả bom, không may bom lạc ngay vào bộ tư lệnh sư đoàn 23 khiến nhà cửa bị xụp đổ, các đài truyền tin cũng tan luôn. Bộ tư lệnh sư đoàn, đại tá Vũ Thế Quang, phó tư lệnh, không còn liên lạc được với các nơi nữa.
Bộ tư lệnh Tiền Phương sư đoàn 23 BB do chính chuẩn tướng Lê Trung Tường chỉ huy - ông này ở Pleiku từ hôm trước - cho liên đoàn 21 Biệt Đông Quân từ Buôn Hồ về tiếp vận cho Ban Mê Thuột, để tái chiếm kho đạn Mai Hắc Đế và tiểu khu Darlac. Nhưng khi liên đoàn đang tiến vào thành phố thì chính ông Tường ra lệnh cho liên đoàn di chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện của Sư đoàn ở phiá Tây-Nam thành phố để bảo vệ bãi đáp trực thăng của ông xuống đón vợ con ông đang bị kẹt tại đó. Vì vụ này mà khi Liên đoàn trở lại Ban Mê Thuột liền bị VC ngăn chận dữ dội.
Tướng Phú thấy tình hình trầm trọng, liển cẩn báo về Bộ Tổng Tham Mưu (đại tướng Cao Văn Viên) để xin tiếp vận. Tin này đến phủ tổng thống thì Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân đoàn II phải lấy lại Ban Mê Thuột với bất cứ giá nào.
Tướng Phú liền cho 2 trung đoàn 44 và 45 thuộc sư đoàn 23 (chừng 2.000 người) từ Pleiku về giải tỏa Ban Mê Thuột. Đại đa số sĩ quan và quân nhân đều có vợ con, cha mẹ bị kẹt ở thị xã, nên đều quyết tâm về cứu tỉnh lỵ và gia đình. Nhưng trong 4 chiếc trực thăng khổng lồ CH-47 chỉ một chiếc có thể cất cánh, nên việc chuyển vận 2 trung đoàn bị chậm trễ. Xin Sài Gòn thêm trực thăng thì không có, phải cho đi mượn của mấy quân đoàn khác.
Rồi định cho đổ quân xuống phi trường Phụng Dực, cách thị xã 7km về phiá đông nam, thì bị sư đoàn 320 và cao xạ VC án ngữ, đành phải đổ bộ xuống quận lỵ Phước An nằm trên quốc lộ 21, cách Ban Mê Thuột 20km về phiá đông nam. Mà chuyển vận 4 ngày (từ chiều mùng 10 đến 13-3-75) mới đổ xong quân, thì thị xã Ban Mê Thuột đã mất từ 10 giờ 30 sáng hôm 11-3.
Ngày 11-3-75: lúc 7 giờ 20, pháo binh cộng sản bắn vào Bộ Chỉ Huy sư đoàn 23, đồng thời xe tăng và bộ binh địch đang trên đường tiến vào căn cứ, gồm các sư đoàn chủ lực số 10, 320 và 316. Lúc bấy giờ, nhà cửa trong Bộ Tư Lệnh đã bị trọng pháo địch bắn đổ nát. Lực lượng phòng thủ phải rút xuống hầm và nằm trong các ụ phòng thủ để ngăn địch.
Đại tá Vũ Thế Quang dùng đài vô tuyền yêu cầu Không quân oanh tạc ngay lên đầu ông để hy sinh cả mình, nhưng địch cũng tổn thất theo.
Song lúc bấy giờ cao xạ địch hoạt động mạnh nên Không quân không thể thực hiện ý muốn của đại tá Quang. Cuối cùng ông và đại tá Nguyễn Công Luật, tỉnh trưởng Darlac và bộ tham mưu của ông phải ra hàng.
Nhưng các lực lượng còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu, song rất khó khăn vì đạn dược đã gần cạn. Bộ chỉ huy Liên đoàn 21 BĐQ đánh điện về quân đoàn II xin tiếp tế đạn dược và tiếp vận.
Song lực lượng tiếp viện (2 trung đoàn 44 và 45 của chuẩn tướng Lê Trung Tường) cứ nằm ở Phước An, không ai ra lệnh tiến quân. Vì chưa tới đầy đủ!
Văn Tiến Dũng kể lại trong cuộc "Đại Thắng Mùa Xuân" của ông:
'Sau khi ta chiếm được bộ chỉ huy sđ 23 và trại thiết giáp, bộ đội ta còn chiếm thêm bộ chỉ huy trung đoàn 45, ty Cảnh Sát, Trung tâm Huấn luyện ĐPQ... Trận chiến coi như đã hoàn tất hồi 10 giờ 30 phút sáng ngày 11-3-1975" (sđd, tr. 87)
Vì không có tiếp vận nên các lực lượng còn lại chỉ cầm cự được đến chiều ngày 13 tháng 3 năm 1975.
Trong khi đó chính quyền Sài Gòn vẫn còn nói rằng Ban Mê Thuột chưa mất: đại phát thanh Sài Gòn còn loan tin đại tá Vũ Thế Quang được cử làm tư lệnh sư đoàn 23 Bộ Binh thay thế chuẩn tướng Lê Trung Tường đã bị thương trong khi ông dùng trực thăng đi thị sát khu đổ quân ở Phước An.
Ngày 12 và 13 tháng 3, Việt Cộng đánh các quận Buôn Hô và căn cứ Bản Đồn để mở rộng khu vực kiểm soát chung quanh Ban Mê Thuột.
Lực lượng tiếp vận đang đợi ở Phước An thì được lệnh rút quân về đồng bằng duyên hải.
Khi có lệnh này, binh sĩ thuộc SĐ23BB rối loạn ngay vì làm sao họ có thể yên tâm bỏ tỉnh này khi gia đình vẫn còn bị kẹt lại ở Ban Mê Thuột.
Lợi dụng tình thế đó, Văn Tiến Dũng cho sư đoàn 320 và 10 mở hai mũi dùi tấn công xuống Phước An và truy kích lực lượng triệt thoái.
Hai bên đã chạm súng tại núi Chư Cúc và trung đoàn 45 bị thiệt hại nặng.
Sau trận đánh ban Mê Thuột và tỉnh Darlac, báo Nhân Dân ở Hà Nội loan tin VC đã bắt được 2.000 sĩ quan và binh sĩ VNCH, thu 25 đại bác và 200 quân xa đủ loại. (4)
Sáng ngày 13-3-75, khi tin tức về thất thủ Ban Mê Thuột đã chắc chắn, Nguyễn Văn Thiệu triệu tập hội đồng An Ninh Quốc Gia để bàn về các biện pháp đối phó với tình thế mới trong đó có việc cho thi hành kế hoạch rút quân khỏi cao nguyên.
Trong buổi họp này, Cao Văn Viên đã đặt vấn đề: Làm thế nào để giữ được phần còn lại của cao nguyên?
Theo ông, sư đoàn chủ chực của quân đoàn II ở Cao Nguyên là SĐ23BB thì một trung đoàn đã tan sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, 2 trung đoàn còn lại đã được chuyển về Phước An. Do đó, Kontom, Pleiku coi như chỉ còn các đơn vị Địa Phương Quân và Biệt Động Quân.
Muốn giữ nổi hai tỉnh này thì phải tăng viện mà Bộ Tổng Tham Mưu hiện nay không còn các đơn vị trừ bị để đáp ứng nữa. Do đó chỉ còn giải pháp duy nhất là rút quân khỏi vùng naỳ.
Các hội viên khác đều không có ý kiến gì. Phần lớn họ đều là những người của ông Thiệu nên sẵn sàng làm theo ý ông ta. Quyết định rút khỏi cao nguyên đã được quyết định từ hôm đó.
     Ngày 14-3-75: ông Thiệu đánh điện triệu tướng Phú về Cam Ranh để nhận chỉ thị rút quân.
Ông Thiệu đặt cho chiến lược mới này cái tên "Đầu bé Đít to" (mà các học giả Hoa Kỳ gọi là chiến lược "Lighten the top, keep the bottom"). Khi tướng Phú triệu tập cuộc họp tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II vào buổi chiều cùng ngày để bàn cuộc rút quân theo đường số 7 (từ lâu không dùng tới, tuy xấu nhưng tạo được yếu tố bất ngờ, có thể rút quân được).
Khi bàn về kế hoạch rút quân, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm hỏi tướng Phú:
Còn các tỉnh trưởng, lực lượng địa phương và dân chúng, có tổ chức cho họ rút không?
Phú trả lời:
Theo lệnh của ông Thiệu, bỏ lực lượng này lại! không được thông báo cho cả tỉnh trưởng. Cứ để họ tiếp tục chống giữ. Khi chúng ta rút xong ai biết thì tùy họ. Điạ phương quân ở đây toàn là người Thượng thì trả họ lại cao nguyên.
Sau khi họp xong, Phạm Văn Phú ra lệnh cho Trần Văn Cẩm, tư lệnh phó quân đoàn II và đại tá Lý, tham mưu trưởng quân đoàn II soạn thảo kế hoạch rút quân.
Trong cuộc họp này, Phạm Văn Phú cũng thừa lệnh Nguyễn Văn Thiệu thăng cấp cho Phạm Duy Tất lên chuẩn tướng và cử Tất chỉ huy lực lượng bảo vệ cho cuộc rút quân. Trần Văn Cẩm thì được cử làm tư lệnh Bộ Tư Lệnh Tiền Phương chỉ huy cuộc rút quân.
Kế hoạch di tản được soạn thảo cấp tốc ngay chiều 14-3 để bắt đầu thi hành từ chiều 16-3-75.
Kế hoạch đại lược như sau:
Bộ tư lệnh Quân Đoàn di tản về Cam Ranh trước bằng máy bay.
Để đánh lạc hướng tình báo của địch, Bộ tư lệnh tung ra tin Quân đoàn II thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tại Nha Trang để tái chiếm Ban Mê Thuột.
Các đơn vị trực thuộc Quân đoàn sẽ di tản thành 3 cánh:
Cánh thứ nhất gồm 3 liên đoàn BĐQ, trung đoàn Thiết Giáp, liên đoàn Công Binh đi trước mở đường, bắc cầu từ đoạn từ Phú Túc đến Tuy Hòa. Cánh này cũng có nhiệm vụ bảo vệ Phú Bổn vì nếu Phú Bổn bị lọt vào tay Việt Cộng thì những cánh sau không rút được nữa.
Cánh thứ hai gồm bộ tư lệnh Quân Đoàn, 3 tiểu đoàn Pháo Binh, đại đội 21 Chiến xa M48 và 2 đại đội Thiết Giáp.
Cánh thứ 3 gồm 3 liên đoàn Biệt Đông Quân, một đại đội Thiết Giáp đi tập hậu, có nhiệm vụ cản địch để bảo vệ cho đoàn di tản.
Sáng ngày 16-03-1975, bộ tư lệnh Quân Đoàn di chuyển bằng máy bay.
Đồng thời các đơn vị ở các tiền đồn được lệnh rút về Pleiku để hợp với các đơn vị ở quân đoàn, cùng rút quân vào chiều hôm đó.
Các đơn vị được lệnh phá hủy quân trang, quân dụng, võ khí, đạn dược không mang đi theo được. Việc phá hủy này đã gây ra nhiều đám cháy với các cột khói bốc lên rất cao.
Tin bỏ cao nguyên bay ra thị trấn Pleiku như một tiếng sét đối với thị trấn nhỏ bé này.
Đột nhiên thành phố như nổ tung ra, khắp nơi tiếng động vang lên, người chạy nhốn nháo, xe cộ ngược xuôi.
Từ khắp nơi họ đổ dồn về thành phố... khắp nơi túa ra đường, quân và dân xa lẫn lộn, xe lớn, xe nhỏ, ba bánh, hai bánh. Lính đầy trên các xe be, dân đầy trên các quân xa, thành phố như một cái phễu xe khổng lồ. Tất cả đổ dồn về điểm tập trung đoàn xe phiá bắc thành phố...       
Lộ trình di tản là quốc lộ 14 từ Pleiku đến ngã ba Mỹ Thạnh, sau đó theo quốc lộ 7 qua Hậu Bổn (Cheo-Reo cũ) để xuống Tuy Hòa.
Quốc lộ này đoạn từ Mỹ Thạnh đến quận Phú Đức thì tương đối tốt, nhưng đoạn từ Phú Đức về đến Sơn Hòa, thì từ khi chiến tranh tái phát ở Miền Nam VN, đã bị bỏ không xử dụng vì quốc lộ này đi qua một mật khu của VC, không thể bảo vệ được an ninh.
Để chuẩn bị cho đoàn di tản, Công binh Chiến đấu phải đi trước để dọn đường, làm cầu. Số cầu tạm phải làm qua các suối nhỏ lên đến mười chiếc. Nhiều chỗ có suối nước cạn, không đủ thì giờ làm cầu. Công binh phải dùng xe ủi đất, xẻ dốc làm đường đi lên và đi xuống, để đoàn xe đi qua.
Theo kế hoạch di tản thì Biệt Động Quân sẽ đi trước để mở đường, nhưng dân chúng nghe tin di tản bằng quốc lộ 7 liền tự động chạy về Phú Bổn. Một số người đã dùng xe gắn máy chạy đi trước. Khi gần đến Hậu Bổn, tỉnh lỵ Phú Bổn thì bị một tiểu đội VC chặn lại. Nhiều người cứ liều chạy, bị VC xả súng bắn.
Biệt Động Quân phải tiến lên mở đường cho đoàn di tản, đồng thời gọi trực thăng vũ trang bay dọc theo quốc lộ 7 để yểm trợ cho bộ binh.
Đoàn di tản khởi hành từ trưa nhưng đến 5 giờ chiều, xe đầu tiên mới đến gần Hậu Bổn.
Đoàn xe đầu có độ 5,000 xe trong đó có 1.000 xe quân xa đã rời Hậu Bổn an toàn, nhưng phần còn lại, độ 1.000 xe nữa đã bị sư đoàn 320 chặn đánh lúc 17 giờ 30 ngày 17-3- tại đèo Ban Blech ở phiá đông nam thị xã Hậu Bổn.
Ở đấy liên đoàn 32 BĐQ đã bố trí bảo vệ đoàn di tản nhưng vì lực lượng của địch qúa đông nên đã bị thiệt hại nặng.
Liên đoàn 25 BĐQ chặn hậu đoàn di tản cũng bị tấn công tại Thanh An. Đồng thời VC pháo kích và tấn công tỉnh lỵ Phú Bổn.
Trong lúc lộn xộn, 4 tiểu đoàn Địa Phương Quân người Thượng, vì không muốn bỏ cao nguyên đã đào ngũ mang theo vũ khí, quay lại tấn công đoàn di tản đang bị kẹt tại Hậu Bổn để cướp bóc.
Những vụ lộn xộn này đã làm cho tỉnh lỵ Hậu Bổn trở nên hỗn loạn và tình hình phìng thủ tỉnh lỵ này suy sụp mau chóng.
Đêm 17-3, VC tấn công đoàn di tản và đóng chốt ở đèo Tuna làm cho lực lượng đi hậu tập bị kẹt lại. Liên đoàn 7 BĐQ cố sức mở chốt nhưng không được. Họ gọi Không quân đến can thiệp thì phi cơ A-37 lại ném bom trúng ngay đơn vị này.
Từ ngày 18-3, các đơn vị VC đã theo kịp và bám sát đoàn di tản. Họ phục kích bắn vào đoàn xe và pháo kích ở nhiều đoạn.
Trên đường máu chảy thành suối. Tiếng đạn pháo kích lẫn với tiếng súng nhỏ, tiếng kêu khóc của những người bị thương, tiếng trẻ em nức nở vì sợ hãi, tạo thành một địa ngục sống ở trần gian.
Người ta đã gọi đoạn đường này là "hành lang Máu" hay "con đường nước mắt".  Sáng ngày 18-3, liên đoàn 7 BĐQ lại bị một lực lượng khá đông VC tấn công.
Trước hoàn cảnh này, tướng Phú phải ra lệnh cho đoàn di tản cuối, bỏ hết xe cộ, vũ khí nặng, đi bộ, vượt rừng núi mà về Tuy Hòa, không qua đèo Tu-na nữa.
11 giờ 45 đêm 19-3, đoàn xe ngừng lại nghỉ giữa một khu rừng trồi. Đoàn xe đã đến sông Ba, nơi Công binh Chiến đấu từ nhiều ngày nay đã ủi đất làm đầu cầu nối cho đoàn di tản vượt sông Ba. Lúc này mùa nước cạn nên ở chỗ sâu nhất không qúa đầu gối. Do đó Công binh đã dùng các phên sắt trải phi trường để đặt ngầm dưới nước cho xe vượt sông. Các xe được nối lại với nhau, xe lớn thì 3, xe nhỏ thì 5, cũng mở máy hết sức, vượt sông. Xe nào không đủ sức thì có 2 máy kéo lôi qua sông. Đoàn xe đầu vượt qua sông Ba thì bị khựng lại vì tỉnh lộ 436 nối Tuy Hòa với Củng Sơn đã bị VC đóng chốt chận lại.
3 tiểu đoàn Địa phương quân VC thuộc tỉnh đội Phú Yên đã phục kích trên một quãng đường dài 10km. Địa điểm phục kích chỉ cách Tuy Hòa có 15km nhưng VC đã chiếm những cao điểm nên rất khó đánh lui.
Tiểu khu Phú Yên đã đưa Địa Phương Quân lên nhổ chốt nhưng không tiến được mấy vì lực lượng VC được lệnh tử thủ giữ các chốt đến cùng để sư đoàn 320 truy kích ở phiá sau.
Liên đoàn 6 BĐQ lại bị quân chính quy VC tấn công vào sáng ngày 20-3-75. Liên đoàn này vừa đánh vừa rút theo đoàn di tản.
Đến chiều ngày 22-3, đoàn di tản vào hết quận Sơn Hòa tỉnh Phú Yên. Lúc này đoàn di tản vẫn còn trên 100.000 người, với đủ các loại xe. Vì sư đoàn 320 đang bám sát phiá sau đoàn di tản nên lực lượng BĐQ do tướng Tất chỉ huy phải lập phòng tuyến ở Củng Sơn để chận địch.
Nếu phòng tuyến Củng Sơn bị vỡ thì tình mạng hàng trăm ngàn đồng bào đang kẹt ở sông Ba sẽ bị đe dọa nên BĐQ đã liều chết để cản địch.
BĐQ cũng còn phải yểm trợ cho những toán đồng bào chạy lẻ tẻ phiá sau bằng cách cho xe vận tải, sau khi tiếp tế cho quân đội trên phòng tuyến, chuyển chở đồng bào đi sau về sông Ba cho kịp đoàn di tản trước.
Mãi đến ngày 25-3, các chốt của VC trên tỉnh lộ 436 mới thanh toán xong và đến tố 26-3 thì đoàn di tản, kể cả những người ở quận Củng Sơn và Hiếu Xương chạy theo, về được tuy Hòa.
Ở đây đoàn di tản được tiếp tế lương thực và xăng nhớt để tiếp tục đi về hướng Nha Trang. Trong khi ấy phòng tuyến của BĐQ ở Củng Sơn được dời về phiá đông của quận lỵ này. Nhiệm vụ mới của họ là cản không cho sư đoàn 320 VC tiến về Phú Yên.
Một thành phần BĐQ đã đánh tập hậu một trung đoàn VC thuộc sư đoàn 320 trong khi một đơn vị khác phục kích một trung đoàn khác của sư đoàn này, gây cho sư đoàn 320 thiệt hại nặng. Nhờ vậy mà sức tiến của 320 bị chùn lại.
"Về phiá VC, sau vụ di tản Cao Nguyên, họ đã tuyên bố loại được ra ngoài vòng chiến 7.000 binh sĩ, thu 70 xe đủ loại và 100 đại bác.
Cũng sau vụ di tản này, các chiến lược gia Bắc Việt đã nghiên cứu và nêu ra nguyên nhân thất bại của VNCH vì ba lý do(5):
1.– Không chuẩn bị, không có kế hoạch định trước, không có dữ kiện về các phương án hành động từng bước, từng thời gian.
2. – Hoàn toàn bị động, việc di tản được quyết định trong sự hoảng hốt kinh hoàng.
3. – Gây chấn động dây truyền khiến các nơi khác như Quảng Trị, Quảng Đức, An Lộc bị mất theo ngay sau đó (từ 19-3 đến 20-3)" .
Theo Hoàng Lạc và Hà Mai Việt cho biết trong "Việt Nam 1954-1975" thì khi đoàn di tản từ Cao Nguyên về tới Tuy Hòa, chỉ còn 300 quân xa (trong số 1200); 5000 quân (trong số 20.000 binh sĩ); và 45.000 dân (trong số 200.000 thường dân). (6)
 (Xin đón đọc Chiến dịch tiến công Huế và Đà Nẳng (từ 21 – 3 đến 03 – 4 – 75) vào kỳ tới.
 Lê Đình Cai


Chú thích :
 (1) Văn Tiến Dũng, "Đại Thắng Mùa Xuân", Hà Nội. Nxb: Quân Đội Nhân Dân, in lần thứ hai, 1977, tr. 56
 (2) Những ghi nhận về lực lượng hai bên tại Mặt trận Tây Nguyên được cắn cứ theo tài liệu tổng hợp của luật sư Hoàng Cơ Thụy, sđd, tập 14. tr. 3660
 (3) Văn Tiến Dũng, sđd, tr. 57
 (3b) Ngoài tài liệu tổng hợp của Hoàng Cơ Thụy (sđd, tr. 3660-3674), xin đọc thêm chi tiết trong các tài liệu sau đây:
Trần Văn Trà, "Kết thúc 30 năm chiến tranh", Sài Gòn: nxb: Văn Nghệ, 1982, tr. 203-224
Văn Tiến Dũng, sđd, tr.55-125
Bộ Chính Trị, TKCKCCN, sđd, tr. 94-103
Lê Mậu Hãn...; "Đại cương lịch sử VN", tập III, Hà Nội: nxb: Giáo Dục, 1998, tr. 260-264
Nguyễn Khắc Ngữ, "Những ngày cuối cùng của VNCH", Montréal, Canada, 1979, tr. 183-212
Phạm Huấn, "Cuộc triệt thoái cao nguyên 1975", Hoa Kỳ, 1987, tr. 42-133
Phạm Huấn, "Điện Biên Phủ 1954-Ban Mê Thuột 1975", Hoa Kỳ, 1988, tr. 187-307
Nguyễn Trân, "Công và Tội", Hoa Kỳ, Xuân Thu, 1992, tr. 763-773
Frank Snepp, sđd. tr. 185-207
Steven T. Hosmer, "The Fall of Siuth Vietnam: Statement by Vietnamese Military and Civilian Leader, Rand Corp. Santa Monica, 1978, tr. 84-86
 (4) Nguyễn Khắc Ngữ, sđd, tr. 1999
 (5) Theo tài liệu trong tạp chí "Học Tập" của CS, số 232 tháng 4-1975, tr. 35 và báo Nhân Dân số 7646 ra ngày 4-4-75; được dẫn lại trong Nguyễn Khắc Ngữ, sđd, tr. 212
 (6) Hoàng Lạc & Hà Mai Việt, “Việt Nam năm 1954 – 1975”, Hoa Kỳ 1990, tr. 304

Không có nhận xét nào: