Nixon và Việt Nam
Lời tác giả- Bài này là một cái nhìn tổng quát về sự can thiệp của người Mỹ vào miền Nam Việt Nam từ 1965 tới ngày sụp đổ, nhấn mạnh ở giai đoạn đầu thập niên 70.
Người Mỹ bắt đầu can thiệp vào Đông Dương từ 1950 khi Trung Cộng viện trợ ồ ạt cho Việt Minh tại biên giới Hoa - Việt. Cuối tháng 10-1950 Hoa Kỳ vội viện trợ quân sự cho Pháp 300 triệu đô la, 40 máy bay khu trục và tiếp tục tài trợ cuộc chiến chống Cộng Sản cho tới 1954, tổng số tiền viện trợ quân sự của Mỹ gần 2 tỷ Mỹ kim, năm 1954 có tới 74% quân phí do tiền viện trợ của Mỹ.
Năm 1955 Mỹ hất cẳng Pháp nhẩy vào Đông Dương thành lập tiền đồn chống Cộng khi thuyết Domino bắt đầu thành hình, Domino có nghĩa nếu Việt Nam mất về tay Cộng Sản sẽ kéo theo sự sụp đổ của các nước lân bang như Mên, lào, Miến Điện, Thái lan, Mã Lai.. và cả Đông Nam Á như trong ván bài domino.
Tại miền Nam Việt Nam từ sau khi chính phủ Ngô đình Diệm bị lật đổ cuối năm 1963, Cộng sản Bắc Việt thừa cơ nước đục thả câu, ngày càng gia tăng xâm nhập, sống chết họ cũng phải chiếm cho được vựa lúa miền Nam vì miền Bắc bị thiếu hụt ngũ cốc, phải nhập cảng gạo của Miến Điện. Năm 1964, 1965 cuộc chiến ngày càng gia tăng và ác liệt, giữa năm 1965 trung bình trong một tuần lễ Việt Nam Cộng Hòa mất một quận và một tiểu đoàn, nếu Mỹ không can thiệp miền Nam sẽ mất trong vòng 6 tháng. Chính phủ Johnson không có con đường nào khác hơn là đổ quân ồ ạt vào miền Nam để cứu tiền đồn chống Cộng của Đông Nam Á .
Sự can thiệp của người Mỹ vào Đông dương như trên có từ 1950 nhưng chỉ là gián tiếp, chỉ viện trợ quân sự và gửi cố vấn sang huấn luyện. Họ can thiệp mạnh bắt đầu từ 1965, người dân Mỹ thường coi thời điểm này là sự can thiệp (involvement) của Hoa Kỳ vào Đông Dương. Cuộc chiến tranh của người Mỹ tại VNCH để chống Cộng Sản xâm lược có hai giai đọan rõ rệt: Thời Johnson 1965-1968 và thời Nixon 1969-1974.
Cuộc chiến thời Johnson –MacNamara.
Trước khi nói tới chính sách của Tổng thống Nixon đối với VNCH tôi xin nói sơ về giai đọan trước Nixon tức là giai đoạn do Tổng thống Johnson can thiệp vào VNCH. Năm 1965 là thời kỳ cao điểm của thuyết Domino, năm 1965 khi Nixon chưa làm Tổng thống ông đã ủng hộ nhiệt tình thuyết Domino, theo ông nếu Mỹ rút bỏ VNCH thì Miên, Lào, Thái Lan, Nam Dương cũng mất theo, nếu Mỹ bỏ VN thì Á châu sẽ bỏ Mỹ và Thái bình dương sẽ thành biển đỏ. Ông cũng nói nếu VN mất thì Á châu cũng sẽ không còn vì họ sẽ theo CS trước khi bị CS chiếm (if Vietnam is lost, all of Southeast Asia is lost… - Nguồn answer.com.)
Tháng 2 năm 1965 theo thăm dò của Viện Harris đại đa số (78%) người Mỹ cho rằng nếu họ rút khởi VN thì CS sẽ chiếm hết Đông Nam Á, lưỡng viện Quốc hội cũng hoàn toàn ủng hộ chính phủ đưa quân can thiệp vào Đông Dương. Về điểm này nhiều nhà sử gia Việt nam chỉ trích Hoa Kỳ đổ quân vào VNCH làm mất chính nghĩa đưa tới sụp đổ, sự thực thì người Mỹ không còn con đường nào khác hơn. Sau này năm 1969 Tướng Wesmoreland cho biết nếu Mỹ không đổ quân vào Đà Nẵng năm 1965 thì VNCH sẽ mất trong sáu tháng, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cũng nói năm 1965 tình hình an ninh của ta rất nguy kịch, trung bình một tuần VNCH mất một quận và một tiểu đoàn (Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh 1972).
TT Johnson được Quốc hội ủng hộ cho tăng quân đều đều hàng năm từ 184,300 người năm 1965 lên 385,000 năm 1966, lên 485,600 năm 1967 và 536,100 năm 1968. Nhờ hỏa lực mạnh của quân đội Mỹ, miền nam VN đã được bình định, Cộng quân bị đẩy lui lên các vùng hẻo lánh, địch bị thiệt hại nặng . Kế họach lùng và diệt địch của Mỹ có kết quả tốt, VNCH lấy lại được thăng bằng. Trong ba năm 1965, 1966, 1967 kế hoạch chiến tranh hạn chế của Johnson-Mcnamara chỉ cho lùng diệt địch trong phạm vi VNCH không cho đánh qua biên giới cũng như phía trên khu phi quân sự, cuộc chiến chỉ phòng thủ không tấn công. Trong 3 năm kể trên BV đã bị thiệt hại khoảng gần 350 ngàn người nhưng họ vẫn tiếp tục gia tăng nhân lực từ 180 ngàn năm 1964 lên tới 261 ngàn trong năm 1967, họ thay thế được số thiệt hại mà còn gia tăng thêm quân số.
TT Johnson cho oanh tạc BV từ 1964 và ngày càng leo thang nhưng cũng vẫn hạn chế mục đích hăm dọa để Hà Nội phải đàm phán rút về Bắc. Được CS quốc tế viện trợ quân sự rất dồi dào, BV tiếp tục cuộc chiến, đẩy thanh niên vào chỗ chết, chấp nhận thiệt hại nhân mạng theo tỷ lệ 16 đổi 1 để đẩy mạnh phong trào phản chiến tại Mỹ. Số thiệt hại nhân mạng của Mỹ tăng dần, năm 1965 có 1,863 lính Mỹ chết tại VNCH (kể cả những người chết trận cũng như những lý do khác), năm sau 1966 tăng lên 6,143 người, năm 1967 lên 11,153 người , năm 1968 lên 16,592 người, từ 1965 tới 1968 có tất cả 35,751 người. Số lính Mỹ tử thương lên cao được truyền hình và báo chí Mỹ thổi phồng đổ dầu vào lửa khiến phong trào phản chiến ngày càng quyết liệt hơn.
Cuộc tổng công kích Tết Mậu thân 1968 của CS là một chiến thắng quân sự của miền Nam nhưng ngược lại địch đã đạt được thắng lợi lớn về chính trị, tỷ lệ người ủng hộ cuộc chiến tranh VN tụt thang nhanh chóng và tỷ lệ chống chiến tranh lên cao đòi chính phủ rút quân về nước, họ cho rằng không thể thắng được cuộc chiến này.
Mọi kế hoạch của Johnson - McNamara thất bại, lối đánh hao mòn để gây thiệt hại cho Cộng quân không có kết quả, BV sẵn sàng đẩy hàng triệu thanh niên vào chỗ chết để gây ảnh hưởng tối đa phong trào phản chiến tại Mỹ.
“Chiến lược hao mòn (Strategy of Attrition) bị chỉ trích vì làm hao tổn sinh mạng binh sĩ với một mục đích không rõ ràng, chiếm một ngọn đồi hay một cánh rừng không có tính cách chiến luợc và sau đó lại bỏ đi”
Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 310.
Cuộc chiến tranh hạn chế thất bại, đó chỉ là cách đánh hù dọa, răn đe để cho BV thấy cái giá phải trả rồi sẽ phải ngồi vào bàn hội nghị. Trên thực tế kế hoạch của McNamara chỉ khiến cho cuộc chiến tranh kéo dài thêm, vô tình nuôi dưỡng phong trào phản chiến lên cao làm tiêu tan mọi nỗ lực đưa tới sụp đổ dần dần. Điều sai lầm cơ bản của Johnson là để McNamara, một người dân sự nắm toàn quyền hoạch định chiến lược quân sự mà thực ra phải do các Tướng lãnh đảm nhiệm, vì khoán trắng cho McNamara nên đã đưa tới hậu quả tai hại như trên.
Cuộc chiến từ 1969, Hành quân vượt biên giới.
Nixon lên nhậm chức Tổng thống đầu năm 1969, nếu giai đoạn trước từ 1965-1968 Johnson được cử tri, Quốc hội, dân chúng ủng hộ đem quân ồ ạt vào VN chống CS bình định miền Nam thì giai đoạn này khởi đầu từ 1969, Nixon phải đem quân về nước, phục hồi hòa bình vì phong trào chống đối lên quá cao. Nixon gặp vô cùng khó khăn tại nội bộ Hoa kỳ không được nhiều thuận lợi như thời Johnson.
Trong No More Vietnams trang 88 Nixon nhận xét về Johnson như sau:
“Khi một ông Tổng thống Mỹ đưa quân đi tham chiến thì một cái máy đếm thời gian (timer) vô hình bắt đầu chạy. Ông ta có một khoảng thời hạn nhất định để chiến thắng trước khi người dân mệt mỏi vì nó. Tháng hai năm 1968, Tổng thống Johnson đã hết thời hạn của ông”
(When a President send American troops to war, a hidden timer starts to run. He has a finite period of time to win the war before the people grow weary of it. In February 1968, Presindent Johnson ran out of time.)
Nhận xét trên của TT Nixon về giai đọan 1965-1968 thật tuyệt vời, cụ thể. TT Johnson đã được quá nhiều thuận lợi, thiên thời địa lợi nhân hòa, Quốc hội và nhân dân ủng hộ, nắm trong tay nửa triệu quân võ trang hùng hậu nhưng đã không giải quyết được cuộc chiến Đông Dương để rồi người dân quá chán nản chống đối dữ dội đòi hành pháp phải rút khỏi VN bất kể đất nước xa xôi này còn hay mất. Nixon, người kế vị Johnson đã lãnh đủ, ông thừa hưởng căn nhà dột nát, siêu vẹo do cặp Johnson-McNamara để lại.
Tình hình an ninh trật tự nước Mỹ từ sau 1968 ngày càng trở nên tồi tệ, theo Nixon (No more Vietnams, trang 126-127) phong trào chống đối chiến tranh Đông Dương, Việt Nam gia tăng mạnh năm 1969. Năm 1968 phản chiến nói chung bất bạo động như biểu tình, đốt thẻ trưng binh nhưng sang năm 1969 khi Nixon lên làm TT đã tiến tới bạo động, đổ máu, sinh viên bắn cảnh sát, dùng dao uy hiếp ban giám đốc nhà trường, bắn súng đốt nhà, đập cửa kính, ném bom lớp học... Năm 1969-1970 có 1,800 cuộc chống đối biểu tình, 7,500 người bị bắt, 247 vụ đốt nhà, 462 người bị thương, trong số này 2/3 là cảnh sát, 8 người chết. Bạo lực không chỉ ở trường học mà còn lan ra toàn quốc. Từ tháng 1-1969 tới tháng 2-1970 có 40,000 vụ ném bom, âm mưu ném bom hoặc đe doạ ném bom hầu hết có liên hệ tới cuộc chiến, gây thiệt hại 21 triệu về tài sản, 43 người chết, mấy trăm người bị thương.
Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28% (nguồn Wikipedia).
Khi Nixon lên làm Tổng thống, quan điểm chính trị của người dân đã quay 180 độ, thay vì ủng hộ cuộc chiến như trước đây họ đòi chính phủ rút quân về nước bỏ Đông Dương. Tổng thống Nixon ngày càng gặp nhiều khó khăn vì người dân chống đối liên tục. Ngày 18-3-1970 Thủ tướng Lon Nol lật đổ vua Sihanouk và cho lệnh tấn công các lực lượng CS tại Miên, CS bèn phản công trên khắp miền biên giới và cắt trục lộ về Nam Vang khiến cho tình hình quân sự tại đây rất đen tối. VNCH được Hoa Kỳ yểm trợ đã mở cuộc hành quân sang Miên ngày 13-4-1970 để phá hủy các căn cứ hậu cần an toàn của BV nơi xuất phát những cuộc tấn công VNCH, để giúp chính phủ Miên chống lại áp lực của CS, và sau cùng hồi hương các Việt Kiều đang bị người Miên quá khích bách hại.
Cuộc hành quân sang Kampuchia từ 29-4-1970 tới 22 -7-1970 đã đánh bại và ruồng bố được khoảng 40,000 quân CS, giết trên 10 ngàn cán binh, tịch thu được 22,890 vũ khí cá nhân, 2,500 vũ khí cộng đồng, phá hủy nhiều cơ sở quân sự, làm suy yếu áp lực địch tại miền Nam VN
“Sir Thompson, một chuyên viên về phản du kích nhận định rằng hành quân Kampuchia và việc chiếm đóng hải cảng Kompong Som đã khiến kế họach phản công của CS bị chậm lại khoảng hai năm. Tiến sĩ H. Kissinger cũng đồng ý khi viện dẫn việc CS chỉ có thể phát động cuộc tổng tấn công mùa hè năm 1972 qua khu phi quân sự vì đây là con đường tiếp liệu ngắn nhất. Mật khu của họ tại Miên vẫn chưa đủ sức phục hồi và cuộc hành quân Kampuchia đã cho thấy rất dễ bị càn quét bởi QLVNCH”
Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 495.
TT Nixon cho biết (No More Vietnams trang 124) người dân kết án cuộc hành quân sang Miên là càng lún sâu hơn vào cuộc chiến nhưng không phải như vậy. Cuộc tấn công của VNCH và Mỹ vào các vùng bất khả xâm phạm của CS rất quan trọng nó giúp ta rút quân đội Mỹ khỏi nam VN một cách thuận lợi, để họ có thời giờ huấn luyện quân đội miền Nam tự vệ. Tháng 1-1970 Hoa Kỳ còn 542,000 quân tại VN, tháng 7 -1970 khi cuộc hành quân sang Miên chấm dứt chỉ còn 404,000 người, nhờ đó công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh khả quan hơn. Hoa Kỳ đẩy mạnh chương trình rút quân thêm được 179,000 người trong 12 tháng kế tiếp, tháng giêng 1972 sẽ chỉ còn 45,000 người tại Nam VN.
Trong bài diễn văn về cuộc hành quân qua Miên, ông nói:
“Thưa đồng bào, mười ngày trước tôi đã tường trình cùng đồng bào về vấn đề Việt Nam, tôi đã thông báo quyết định rút thêm 150,000 quân Mỹ khỏi Việt Nam trong năm sau. Tôi cũng đã nói tôi quyết định như vậy mặc dù biết địch gia tăng hoạt động tại Lào, Miên và miền nam VN. Và khi ấy tôi đã cảnh cáo nếu địch gia tăng họat động tại các vùng này tôi sẽ sẵn sàng dùng sức mạnh để đối phó với tình hình. Mặc dù đã cảnh cáo nhưng BV vẫn gia tăng tấn công tại các phần đất trên nhất là tại Miên.
Sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với Hội đồng An Ninh Quốc Gia, Đại sứ Bunker, Tướng Abrams và các cố vấn khác của tôi, tôi kết luận những họat động của địch trong 10 ngày vừa qua rõ ràng là đe dọa tính mạng của người Mỹ còn ở Việt Nam hiện nay và cũng sẽ tạo nguy hiểm cho những Mỹ người còn ở lại sau khi ta rút thêm 150,000 người nữa. Để bảo vệ những người của chúng ta còn ở tại Việt Nam và để bảo đảm kết quả cho chương trình rút quân và Việt Nam hóa chiến tranh, tôi đã kết luận rằng đây là lúc phải hành động”
Nguồn Americanrhetoric.com: Richard M. Nixon, Cambodian incursion address.
Cuộc hành quân Kampuchia đã bị chống đối dữ dội, ngày 4-5-1970, quân đội nổ súng chết 4 sinh viên tại đại học Kent, Ohio khiến phong trào bùng nổ mạnh, tính tới cuối tháng 5, khoảng 57% các đại học xá Mỹ tham gia biểu tình chống chiến tranh VN. Sau khi chính phủ loan báo về cuộc hành quân, một làn sóng chống đối lan tràn khắp nước Mỹ, tại đại học Maryland, 50 người bị thương khi sinh viên đụng chạm với cảnh sát, tại đại học Kent Ohio, hàng trăm người biểu tình nhìn hai người phóng hỏa đốt phòng huấn luyện sĩ quan trừ bị tại đại học xá cháy rụi, thống đốc Ohio kêu gọi quân đội can thiệp. Ít này sau một đám sinh viên ném gạch đá vào vào lính, đẩy họ lên một ngọn đồi. Khi lên đồi lính quay lại, vài người nổ súng, bốn người chết (2 biểu tình, 2 người đi xem), tháng 8, một xe van có chứa chất nổ phát nổ cạnh một tòa nhà tại đại học Wisconsin, một sinh viên chết, 4 bị thương , gây thiệt hại 6 triệu.
TT Nixon kết án hành động của đám sinh viên bạo động đã khuyến khích CSBV gây chiến không chịu đàm phán nghiêm chỉnh, bọn biểu tình đã ngẫu nhiên làm lợi cho Cộng Sản. Ông nói đối với những người phản chiến tôi cám ơn họ đã quan tâm tới hòa bình nhưng rất bất bình vì thái độ quá khích của họ nhất là không nhìn nhận thiện chí hòa bình của tôi và của chính phủ trước. Dù tôi quan niệm về họ thế nào hoặc họ đánh giá tôi làm sao thì hành động của họ đã khuyến khích kẻ địch tiếp tục gây chiến và không chịu đàm phán nghiêm chỉnh. Hành động chống chiến tranh của họ đã kéo dài chiến tranh là điều mỉa mai nhất trong giai đọan này. Đại diện BV tại hòa đàm Paris đã nhiều lần chửi đại diện Mỹ trong những lần đi đêm vì họ biết hành pháp Mỹ yếu thế, bị sinh viên và quốc hội chống đối dữ dội, CS đã thừa cơ nước đục thả câu.
Những ngườøi phản chiến muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam, chính Tổng thống cũng muốn thế nhưng họ không thấy cái sai của họ khi bỏ rơi người dân miền nam VN để chấm dứt chiến tranh ngay, cương vị Tổng thống tôi phải làm điều mà tôi cho là đúng đối với nước tôi, chính sách của ta phải được thể hiện trong phòng phiếu chứ không thể hiện ngoài đường phố. Cuộc chiến nào cũng khó nhưng tại VN đó là cuộc chiến khó đánh nhất mà người lính Mỹ chưa gặp như thế bao giờ, ta khó mà biết kẻ địch ở đâu.
Tổng thống Nixon cho rằng truyền thông báo chí Mỹ đã phóng đại tin xấu về cuộc chiến, họ nói quân đội ta kỳ thị chủng tộc, vô kỷ luật, nghiện xì ke, gây tội ác… theo ông quân đội Mỹ ở VN có kỷ luật hơn hồi ở Triều Tiên. Sinh viên Harvard năm 1968 có tới 75% “phi xì ke” trong khi lính Mỹ ở VN chỉ có 50% xì ke, 28% thuốc phiện, họ nghiện từ trước khi sang VN. Báo chí nói Hà Nội đối xử tốt với tù binh, họ xuyên tạc sự thật, họ tuyên truyền với lính Mỹ rằng cuộc chiến này không thể thắng được, ta không có chính nghĩa, đa số người dân Mỹ chống chiến tranh VN.
Theo Nixon (No More Vietnams trang 136) từ 1966-1971 CSBV xử dụng đường mòn Hồ Chí Minh chở vào Nam 630,000 quân, 100,000 tấn thực phẩm, 400,000 tấn vũ khí, 600 triệu viên đạn. Năm 1970 Lon Nol không cho BV xử dụng cảng Sihanoukville, mọi tiếp liệu của địch bây giờ phải chuyên chở qua đường mòn Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm1970, suốt con đường 1,500 dặm bên Lào đầy nhóc những cán binh, hàng tiếp liệu chạy về Miên để chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân 1971 hoặc 1972. Để bảo đảm sự tồn vong của VNCH khi bị CS tấn công ta cần phải cắt đường tiếp liệu của ho.
Tháng 1-1971 ông ban lệnh hành quân cắt đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc hội ngăn cản không cho chính phủ đưa quân Mỹ sang Lào, Nixon tin tưởng Quân đội VNCH có thể đảm trách cuộc hành quân, người Mỹ chỉ phòng thủ dưới khu phi quân sự và biên giới Việt Lào. Mỹ giúp chuyên chở tiếp liệu và các lực lượng VNCH bằng trực thăng vận và yểm trợ phi pháo. Kế hoạch giao cho quân đội VNCH tiến sâu khoảng 20 dặm vào đất Lào theo đường số 9 để chiếm tỉnh Tchpone, nơi tập trung các tuyến đường xâm nhập của CSBV, kế tiếp tiến sâu hơn vào vùng xung quanh để phá hủy các cơ sở CS. Trong khi ấy các đơn vị VNCH khác cũng sẽ mở cuộc tấn công tương tự vào các căn cứ CS tại Miên.
Cuộc hành quân lấy tên Lam Sơn bắt đầu ngày 8-2-1971, Quân đội VNCH chiến đấu anh dũng và hữu hiệu nhưng rồi lại gặp trở ngại. Lực lượng hành quân VNCH gồm Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn Dù, Liên đoàn 1 Biệt động quân và Lữ đoàn 1 Kỵ binh, Sư đoàn TQLC là lực lượng trừ bị, tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1, quân số lúc nhiều nhất là 17,000 người.
BV phản công mạnh hơn ta tưởng rất nhiều đồng thời bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn lại thiếu yểm trợ không quân, các đơn vị VNCH tiến sâu vào Hạ Lào khoảng mười dặm bị thiệt hại nặng, khi thiệt hại lên tới 3,000 TT Thiệu lệnh cho các Tướng lãnh ngưng tiến quân. Giữa tháng ba, một thời gian ngắn sau khi quân VNCH tới Tchpone, họ rút lui về phía nam theo đường 914.
TT Nixon nói truyền thông báo chí Mỹ xuyên tạc cuộc hành quân khi họ chỉ đưa ra những thất bại của VNCH. Vì thiếu yểm trợ không quân khi rút lui, bị địch pháo kích khiến binh sĩ miền Nam hốt hoảng. Báo chí đưa một số hình ảnh lính VNCH bám càng máy bay trực thăng khiến nhiều người tưởng lính VNCH hèn nhát, chiến đấu kém. Theo Nixon trái với tin tức báo chí Mỹ, cuộc hành quân đạt thắng lợi quân sự. VNCH giết trên 9,000 tên địch , phá hủy 1,123 súng cộng đồng, 3,754 súng cá nhân, 110 xe tăng, 270 xe vận tải, 13,630 tấn đạn dược, 15 tấn đạn hỏa tiễn 122 ly . Trong số hai mươi hai tiểu đoàn VNCH tham gia cuộc hành quân, có mười tám tiểu đoàn chiến đấu anh dũng, bốn tiểu đoàn tác chiến kém. Cuộc rút quân mặc dù có một số hốt hoảng nhưng đa số có trật tự, Quân đội VNCH không thực hiện được hoàn toàn các mục tiêu đề ra nhưng đã ngăn chận được cuộc Tổng tấn công của địch vào miền Nam dự trù năm 1971.
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 lần đầu tiên Quân đội VNCH tấn công CSBV không có cố vấn Mỹ, đây cũng là lần cuối Quân đội Mỹ tham gia trận chiến mặc dù chỉ là yểm trợ.
Về tổn thất hai bên ông Nguyễn Đức Phương dựa theo tác giả R.H Cole trong Southern Defeat on the Ho Chi Minh Trail. The Vietnam War, Salamander Books Ltd, pp190-197, 198.
“Kết quả cuộc hành quân Lam Sơn được ghi nhận như sau:
Mỹ 176 chết, 1,942 bị thương, 42 mất tích, thiệt hại quân dụng: 108 trực thăng và 7 phi cơ bị phá hủy.
VNCH: 1,483 người chết, 5,420 bị thương, 691 mất tích. Thiệt hại quân dụng: 75 chiến xa và thiết vận xa, 405 xe vận tải bị phá hủy; mất 198 vũ khí cộng đồng và 3,000 vũ khí cá nhân.
CS: 13,535 chết, 69 tù binh. Thiệt hại quân dụng: 76 đại bác, 106 chiến xa, 405 xe vận tải bị tịch thu hoặc phá hủy; 1,934 vũ khí cộng đồng và 5,066 vũ khí cá nhân bị tịch thu”.
Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập trang 519.
Cựu Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên có nhận xét dè dặt về chiến dịch này như sau:
“Hành quân Lam Sơn 719 chận đứng kế họach phản công của CSBV ở vùng I. Mặc dù không thành công mỹ mãn như cuộc hành quân qua Cam Bốt, cuộc hành quân đánh qua Hạ Lào đã phá hủy một số lớn quân nhu dụng ở vùng Tchepone, và làm gián đoạn sự xâm nhập của CSBV vào Nam.”
Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa trang 289.
Theo TT Nixon cuộc hành quân Lam Sơn là một thắng lợi của Hoa kỳ và VNCH trong cuộc chiến đầu thập niên nhưng nhiều ý kiến khác phía VNCH cho thấy cuộc hành quân thất bại.
“Môt sĩ quan QLVNCH đã viết: “Nói đến trận Hạ Lào cả trăm người đều nói chúng ta đã thua; cái lý luận một chiều này 17 năm nay ai cũng cho là đúng”. Không đợi đến 17 năm sau mà ngay sau khi cuộc hành quân vừa chấm dứt, Đại úy Hy , pháo đội trưởng pháo đội C/44 tại CCHL 30 đã được một nữ sinh Huế đặt câu hỏi: “Thưa Đại úy, mình đánh thắng, sao em nghe các anh pháo binh rút lui, bỏ súng lại bên Lào hết?”
Nguyễn Đức Phương CTVNT T, trang 522.
Tướng Sutherland tuyên bố cuộc hành quân hoàn toàn thành công khi ông cho biết số cán binh CS bị giết và chiến lợi phẩm tịch thu được tại Hạ Lào, còn TT Nixon tuyên bố VN hóa chiến tranh thành công.
Theo Nguyễn đức Phương nhận xét, cuôc hành quân đã không đạt được mục đích.
“Nếu nói về mục đích thì rõ ràng QLVNCH không đạt đươc thắng lợi như ý muốn. Khi vượt biên qua Lào, như tài liệu của khối quân sử của Bộ TTM đã xác định là để… Mở các cuộc hành quân diệt địch và khám phá các kho tàng… là dùng quân sự kiểm soát đường số 9 từ biên giới Lào Việt đến Tchépone để cắt đứt đường tiếp tế chính từ Bắc Việt vào các chiến trường Nam Việt và Đông Bộ KPC”
CTVNTT trang 522
Như vậy ta chỉ mới thực hiện được giai đoạn đầu của cuộc hành quân, chưa chiếm giữ lâu dài Tchépone (Nixon viết Tchpone). Cuộc hành quân chiếm Tchpone để kiểm soát không cho CSBV chuyển vận vũ khí vào Miên, Lào giống như năm 1953-1954 khi quân Pháp chiếm lòng chảo Điện Biên phủ để ngăn chận viện trợ vũ khí từ Trung Cộng sang Bắc VN cũng bị thất bại gần giống như vậy vì địch liều chết bảo vệ con đường huyết mạch của họ. CS đã dốc toàn lực vào để đánh lại các cuộc hành quân ấy.
Về sự tổn thất hai bên, các con số thống kê của VNCH, Hoa Kỳ, CSBV đưa ra khác nhau rất nhiều, như trên VNCH (theo R.H Cole) có 1,483 người chết nhưng tuần báo Newsweek số ra ngày 5-4-1971 cho biết VNCH thiệt hại 9,775 và khoảng 3,800 người tử trận, Nixon nói VNCH có 3,000 người chết, Tướng Hoàng Xuân Lãm cũng nói ta có 3,000 người tử trận. Phía CSBV đưa ra con số 23,000 quân ngụy Sài gòn (kể cả sĩ quan) và hàng ngàn lính Mỹ. Chúng ta thấy con số này hoàn toàn phóng đại, toàn bộ quân số VNCH tham gia hành quân Lam Sơn chỉ có 17,000 người, BV nói bắt được hàng ngàn lính Mỹ tại đây, sự thực toàn bộ tù binh Mỹ bị giam giữ tại Hà Nội khi trao trả năm 1973 chỉ có 580 người, tóm lại con số thống kê của CS không thể nào tin được.
Phía VNCH cho biết thiệt hại CSBV là 13,535 con số này cũng có thể tin được vì thường trong các trận giao tranh giữa CSBV và Mỹ, VNCH tổn thất của CS bao giờ cũng cao hơn đối phương gấp mấy lần, không riêng gì chiến tranh VN mà trong bất cứ cuộc chiến nào như Thế chiến thứ hai (1939-45), chiến tranh Triều Tiên (1950-53).. phía CS bao giờ cũng tử vong gấp bội lần đối phương vì họ chủ trương lấy xương máu đổi chiến thắng. Trong cuộc hành quân này, Hải quân Mỹ yểm trợ 1,900 phi vụ, Không quân Mỹ yểm trợ 9,114 phi vụ, trung bình mỗi ngày Không quân Mỹ thực hiện khoảng 100 phi vụ, Hải quân và TQLC thực hiện khoảng 63 phi vụ. Hai tiểu đoàn pháo binh Mỹ đã bắn yểm trợ 208,962 quả, phần lớn bom đạn yểm trợ do không quân Mỹ với số lượng tổng cộng hơn 14,000 tấn. Với khối lượng bom đạn yểm trợ dữ dội như thế sự thiệt hại lớn của BV là điều chắc chắn, con số 3,500 cán binh tử trận tại Hạ Lào do chính phía CSBV đưa ra quá thấp không thể tin được.
Ngoài ra Hoa kỳ còn yểm trợ cho VNCH về trực thăng vận tải quân và tiếp tế, Bộ binh Mỹ yểm trợ 24,000 phi vụ trực thăng vũ trang, 12,000 phi vụ của Kỵ binh không vận, 34,000 phi vụ tải quân, 19,000 phi vụ tiếp tế, TQLC Mỹ 2,000 phi vụ trực thăng vũ trang, 3,000 phi vụ tải quân, 900 phi vụ của các loại phi cơ khác.
Năm 1972 tại Hạ Lào với sự yểm trợ hùng hậu của Không quan, Hải quân Mỹ về hỏa lực, tải quân, tiếp tế..mà còn thất bại, như thế tình hình chiến sự VNCH 1975 khi ta bị cắt giảm viện trợ quân sự tối đa và không được yểm trợ của Không lực Mỹ cả về hỏa lực lẫn vận chuyển thì đủ thấy sự khó khăn gian nan trong giai đoạn này như thế nào!
Tướng Westmoreland, nguyên tư lệnh quân đội Mỹ tại VN cho biết phải cần hai quân đoàn (khoảng 6 sư đoàn) cho cuộc hành quân sang Lào. Trên thực tế quân số VNCH toàn bộ chỉ có 17,000 chưa tới hai sư đoàn không đủ để đương đầu với các cuộc tấn công biển người của BV. Đầu tháng 2-1970, 17,000 quân VNCH chỉ đương đầu với khoảng 22,000 quân CSBV, nhưng đến cuối tháng 3-1970, BV đã huy động khoảng 4 sư đoàn, hơn một trung đoàn xe tăng, và nhiều tiểu đoàn pháo mặt đất, pháo phòng không với quân số khoảng 40,000 người nên cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía BV. Thất bại vì khinh địch, không ước lượng trước lực lượng đông đảo của BV khi hành quân vào một vùng núi non hiểm trở có nhiều sư đoàn chính qui CS, họ tập trung lực lượng tấn công quyết liệt.
“Một sĩ quan TQLC cao cấp, trực tiếp tham dự cuộc hành quân cũng đồng ý với thất lợi trên khi viết… “Trước khi cuộc hành quân mở màn, tin tức đánh giá chỉ có sự hiện diện của 1 hay 2 sư đoàn địch hoạt động trong vùng mà không đề cập tới khả năng tăng cường của các đơn vị từ biên giới Lào-Bắc Việt tiến vào can thiệp. Tới khi trận chiến bùng nổ thì thực tế lực lượng địch có mặt khắp vùng đã lên tới 4, 5 sư đoàn tác chiến không kể hệ thống phòng không dầy đặc và chiến xa địch mà tin tức tình báo đánh giá quá thấp. Đặc biệt là tại mục tiêu Tchépone tin tức cũng không được ghi nhận môt cách đúng đắn, chính xác mà chỉ dựa vào những tin tức mà địch đã loan ra trên đài phát thanh Hà Nội mà phác họa kế hoạch tấn công. Kết quả là ta đã bị uy hiếp. Bao bây phản kích suốt thời gian lui quân từ Tchépone về tới ranh giới Việt Lào”
Nguyễn Đức Phương , CTVNTT trang 525
Ngoài ra bí mật của cuộc hành quân đã bị tiết lộ, tại Sài gòn, Tướng Abrams họp báo vô tình đã tiết lộ những chi tiết khiến báo chí Mỹ đoán được cuộc hành quân sắp khai diễn, ngày 2-3-70 báo New York Times và Los Angeles Times đã bàn chi tiết cuộc hành quân này, ngày 5-2 báo Wall street Journal cũng tham gia loan tin, báo New York Times còn tiên đoán kế họach sẽ thất bại.
Người Mỹ biết CSBV đã khám phá được kế hoạch hành quân sang Hạ Lào nhưng vẫn cho tiến hành vì tin tưởng không quân sẽ tiêu diệt địch. CSBV đã cho di tản các kho hàng quân sự, căn cứ tiếp liệu….Họ chuẩn bị tọa độ pháo binh tại các địa điểm nghi ngờ có đổ quân của VNCH…
Như ta đã thấy TT Nixon đã có cái nhìn chủ quan khi cho rằng cuộc hành quân đạt kết quả tốt như :
“Trái với tin tức của giới truyền thông, cuộc hành quân là một chiến thắng quân sự”
No More Vietnams, trang 137
Sự thực hai bên đều bị thiệt hại nhưng tại đây CSBV đã bị suy yếu vì số cán binh tử thương rất cao và các kho tiếp liệu quân sự bị phá hủy nhiều khiến cho cuộc tổng tấn công năm 1971 của họ không thực hiện được mà phải rời đến năm sau. Khác với vị Tổng thống tiền nhiệm Johnson đã được Quốc hội cử tri ủng hộ trao quyền hành rộng rãi, TT Nixon lúc này đang bị Quốc hội và phong trào phản chiến chống đối dữ dội nên ông cũng khó mà yểm trợ, giúp đỡ đồng minh được nhiều, từ đó cuộc hành quân đã gặp nhiều khó khăn khiến ta không đạt được kết quả mong muốn.
Khác với Johnson đã được thời thế ưu đãi, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Nixon đã lãnh đủ mọi sai lầm, thất bại do vị Tổng thống tiền nhiệm để lại, ông luôn phải ưu tư, lo lắng trước các phong trào chống đối nhất là Quốc hội phản chiến.
Trong No More Vietnams trang 142 , TT Nixon cho biết từ năm 1969 ông đã phải đương đầu với nguy cơ Quốc Hội ra luật chấm dứt chiến tranh, rút hết quân về nước bỏ Đông Dương, bỏ VN để đổi lấy sinh mạng cũa 580 tù binh Mỹ còn bị BV giam giữ. Theo ông năm 1972 Thượng Viện đã tiến hành thông qua dự luật chấm dứt chiến tranh này, tại Hạ viện số phiếu gần đủ nhưng không thành vì chính phủ đã tuyên bố rút quân nên số dân biểu ủng hộ chính phủ đã thay đổi tình hình, như thế ta thấy VNCH thoát chết năm 1972.
Cuộc Tổng tấn công năm 1972
Nixon cho biết công cuộc bình định và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh đã thay đổi toàn diện cuộc chiến tại Việt Nam. Chiến sự năm 1972 khác hẳn tình hình cuối 1970, ta đã đối phó với chiến lược du kích chiến lợi hại của địch, nay họ bỏ sang chiến tranh qui ước như chúng ta.
Những tháng đầu của năm 1972, Hoa Kỳ đã đoán trước một cuộc tổng tấn công quyết định của BV. Sự xuất hiện của xe tăng tại Lào cho thấy trận này sẽ không giống như tổng khởi nghĩa Tết Mậu thân mà sẽ là dàn trận đánh công khai, nếu thắng trận họ sẽ xóa bỏ VNCH trên bản đồ, ngược lại thất bại họ sẽ phải đàm phán nghiêm chỉnh chấm dứt chiến tranh. Theo Nixon (No More Vietnams, trang 140-142) phía Hoa Kỳ và VNCH đã chuẩn bị đối phó với trận tổng công kích của BV vì đã kết hợp năm yếu tố của chính sách VN.
- Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh đưa QLVNCH lên thành một đạo quân hùng cường gồm: 120 tiểu đoàn bộ binh tổ chức thành 11 sư đoàn, 58 tiểu đoàn pháo binh, 19 đơn vị thiết kỵ cấp tiểu đoàn, Hải quân gồm 1,680 tầu bè các lọai, máy bay gồm trên 1,000 chiếc, dân số miền Nam 19 triệu có trên một triệu lính.
- Chương trình bình định khiến ta đã kiểm soát từ Sàigòn cho tới các xã thôn, phá hủy hạ tầng cơ sở CS, triệt hạ cơ sở tình báo, tiếp liệu địch. Viện trợ kinh tế Hoa kỳ đưa đời sống miền Nam lên cao chưa từng thấy.
- Chính sách ngọai giao với các siêu cường để cô lập BV với Nga, Tầu. Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Trung Cộng tháng 2-1972 , Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai chỉ phản đối xuông nhẹ nhàng về hành động của Mỹ tại VN. Nixon cũng sang Nga để hòa hoãn với anh trùm CS này. Cuộc họp thượng đỉnh với Brezhnev tháng 5-1972 tại Mạc Tư Khoa, Nixon đã bàn thảo giải quyết những vấn đề quan trọng với Nga như tài giảm binh bị, mua bán lúa mì. Brezhnev chỉ coi vấn đề VN vào hàng thứ yếu.
- Chương trình rút quân đã lấy được sự ủng hộ của Lập pháp và người dân trong mấy năm, tháng 1-1972 Hoa kỳ đã rút trên 400,000 quân khỏi VN, số 133,200 người còn lại không có ai tham gia chiến đấu mà chỉ chờ ngày về nước trong 6 tháng.
- Với lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng, Kissinger cố sức giải quyết mọi bế tắc trong các phiên họp tại Paris, BV từ chối mọi đề nghị của ta. Tháng 10 -1971 Hoa kỳ đã đưa ra một đề nghị hòa bình nhưng BV vẫn tìm cách cù cưa để phân hóa chia rẽ nội bộ nước Mỹ, họ đòi Mỹ rút quân và lật đổ chính phủ Thiệu. Nixon đã tuyên bố cho nhân dân Hoa kỳ biết thái độ ngoan cố của CSBV để chuẩn bị trừng trị họ thích đáng bằng vũ lực.
Ngày 30-3-1972, Hà Nội mở trận tấn công đại qui mô vào VNCH, địch tập trung ba Sư đoàn bộ binh, 200 xe tăng T-54, nhiều đại bác 130 ly vượt qua khu phi quân sự, nhiều đơn vị khác theo đường số 9 Hạ Lào hướng về Huế, hai Sư đoàn tiến về Kontum, ba Sư đoàn từ Miên tiến đánh Bình Long giống như Bắc Cao ly xâm lăng Nam Cao Ly năm 1950.
Nixon cho đây là một cuộc tấn công tuyệt vọng của địch vì họ biết Mỹ đã hòa hoãn được với Nga, Trung Cộng. BV biết họ không còn ở thế thuận lợi nên phải làm liều. Trong tuần đầu, ngày 2-4-1972 CSBV đánh sụm Sư đoàn 3 của VNCH dưới khi phi quân sự, mười bốn căn cứ phải rút chạy trước sức tấn công rất mạnh của địch. Ngày 5-4, ba Sư đoàn CS tấn công Bình Long. Ngày 13-4 địch bao vây An Lộc, ngày 23-4 BV tấn công Kontum, Sư đoàn 22BB VNCH rút chạy, Sư đoàn 23BB vẫn giữ vững vị trí. Ngày 27- 4 địch tấn công mạnh mặt trận Bắc VNCH, 4 ngày sau Quảng trị thất thủ.
Trong cuộc tấn công tại Quảng trị, BV pháo kích vào dân chúng chạy loạn. Hoa Kỳ phản kích địch nhanh chóng, các đơn vị lớn của CS như xe tăng, tiếp liệu… thành mục tiêu rõ ràng cho không quân Mỹ, ngày 1- 4 Nixon cho lệnh oanh tạc 40 cây số phía trên vĩ tuyến thứ 17. Hai tuần sau ông cho lệnh oanh kích vĩ tuyến 20, cho tập trung các lực lượng Hải quân, Không quân Đông Nam Á, gửi hai tuần dương hạm và 8 khu trục hạm để hải pháo, 20 B-52, bốn phi đội F4 oanh tạc BV trở lại và nhiều đòn giáng trả tiếp theo đó. Ngày 2-5 tại bàn hội nghị Paris, BV tưởng sẽ đè bẹp miền Nam bằng quân sự nên tỏ ra hỗn láo, Kissinger không chịu nổi phải bỏ họp.
Tin tình báo cho biết muốn tấn công miền Nam, CSBV cần nhiều ngàn tấn nhiên nhiên liệu và đạn dược mỗi ngày, tốt nhất phải ngăn chận sự vận chuyển tiếp liệu này. Hai tháng trước Nixon mở bang giao với Trung Cộng, ba tuần nữa ông sẽ họp thượng đỉnh với Brezhnev tại Moscow. Nixon phân vân không biết phản ứng của hai anh trùm CS này ra sao khi ông tấn công chư hầu BV của họ. Ông cho rằng nếu để BV chiếm miền Nam, Bộ chính trị Nga, Trung Cộng sẽ cho là Mỹ nhu nhược và sẽ coi Mỹ như một con cọp giấy chẳng đáng nói chuyện vì thế ông ra lệnh gài mìn phong tỏa cảng Hải Phòng và oanh tạc các mục tiêu quân sự tại BV kể cả Hà Nội
Ngày 8-5-1972 Nixon lên truyền hình, sau khi đã thông báo về cuộc tấn công xâm lược của BV, ông đưa ra ba nhiệm ý: Rút quân bỏ VN, đàm phán hòa bình, và lấy sức mạnh quân sự chấm dứt chiến tranh.
Theo ông trước hết không thể bỏi rơi đồng minh vì ta sẽ khuyến khích CS gây hấn trên thế giới. Hoa Kỳ muốn đàm phán nhưng BV không muốn nói chuyện, như vậy chỉ còn cách ngăn chận cuộc tấn công xâm lăng của địch. Khi ấy phong trào phản chiến và truyền thông chống đối Nixon dữ dội, một tờ báo cho đây là canh bạc tuyệt vọng và đề nghị Quốc hội cắt ngân khoản chiến tranh để cứu chính Tổng thống và cứu đất nước khỏi tai họa. Mọi người cho rằng hội nghị thượng đỉnh với Nga sẽ bị hủy bỏ, Hà Nội kêu cầu cứu đàn anh nhưng họ chỉ phản đối xuông. Nga vẫn muốn họp thượng đỉnh dự trù vào ngày 22-5-1972 vì muốn có quan hệ ngọai giao tốt với Mỹ, vả lại Nga nể sức mạnh và lập trường cứng rắn của Mỹ, đòn trừng trị của Mỹ cũng là để “dằn mặt” hai anh trùm CS quốc tế. Trước đây chính phủ Kennedy và Johnson sợ đánh mạnh BV sẽ khiến Nga, Trung Cộng vào can thiệp nhưng nay tình hình thay đổi.
Trong tháng 5 -1972 VNCH đã thắng thế CSBV, gió đã đổi chiều, BV lộ mục tiêu làm mồi cho B-52. Ngũ Giác đài đề nghị Nixon oanh tạc BV hạn chế như thời Johnson nhưng ông cho rằng thời Johnson dơ cao đánh khẽ sẽ làm cho kẻ địch lờn mặt, coi thường
(I think we have too much of a tendency to talk big and act little, I wrote “This was certainy the weakness of the Johnson administration).
Nixon nói chúng ta có sức mạnh để đập tan tiềm lực quân sự của chúng, chỉ còn vấn đề là khi nào ta muốn dùng sức mạnh. Tôi khẳng định muốn xử dụng vũ lực và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của nó.
Khi quả quyết như vậy, Nixon đã dùng hỏa lực vũ bão đánh BV và đạt kết quả mỹ mãn, ông trưng dụng tối đa các chiến hạm của Đệ Thất hạm đội, hơn 400 pháo đài bay B-52 và khu trục cơ F-4 để oanh kích cả hai chiến trường Nam Bắc. Cũng như Johnson, ông chỉ cho oanh tạc các mục tiêu quân sự nhưng khác với Johnson ông không đích thân kiểm soát các mục tiêu mà ủy cho Đô đốc Moorer phụ trách.
Trong tháng 11-1972 Hải quân Mỹ đã pháo 16,000 tấn đạn xuống phía dưới khu phi quân sự và ném 155,000 tấn bom xuống miền Bắc, Nixon xử dụng ít bom hơn Johnson trong thời hạn tương đương, vì CSBV dàn quân đánh qui ước nên Mỹ đã xử dụng tối đa ưu thế của không quân để đè bẹp họ. Cảng Hải phòng một năm tiếp nhận 2.1 triệu tấn hàng gồm 85% quân dụng, vũ khí và 100% dầu, nhiên liệu, khi bị Hoa kỳ phong tỏa thì không một chiếc tầu nào ra vào hải cảng được, cuộc tấn công của địch bị khựng lại.
Sau này, năm 1978, trả lời một sinh viên bên Anh, Nixon nói tiếc rằng ông không cho đánh qua Miên sớm hơn, oanh tạc BV sớm hơn hồi tháng 5-1972, đáng lý ra phải oanh tạc BV và phong tỏa cảng Hải phòng từ 1970 khi hành quân qua Kampuchia. Nói về mặt quân sự thà đánh phá các cơ sở quân sự của CS Hà Nội tại BV tốt gấp bội lần đợi các lực lượng của chúng xâm nhập qua Ai Lao, Cao Miên hoặc gây chiến tranh tại VNCH.
Tháng 6-1972, QLVNCH bắt đầu phản công, tại An Lộc các đơn vị trú phòng đã anh dũng chiến đấu sau hơn hai tháng bị Cộng quân bao vây pháo kích tàn bạo, nay được sự yểm trợ của không quân Mỹ, họ bắt đầu phản công, sau hai tuần dành nhau từng căn nhà một họ đã giải tỏa thị xã khỏi tay Cộng quân. Tháng 8 -1972 Quân đội VNCH đã chiếm lại tỉnh Bình Long, ngày 28-6-1972 quân đội miền Nam bắt đầu tấn công mặt trận phía bắc, mười tuần sau mặc dù mưa gió ba Sư đoàn VNCH đã đẩy 6 Sư đoàn BV ra khỏi Quảng Trị. Trong trận chiến 1972, BV đưa hết lực lượng vào Nam gồm 14 Sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập, họ để lại một Sư đoàn và bốn trung đoàn độc lập tại Lào, không để lại một Sư đoàn nào tại miền Bắc. Quân đội CSBV bị đánh tan nát, tơi bời, 75% số xe tăng bị bắn cháy, cán binh CS nay chỉ toàn là những thiếu niên 16, 17 tuổi, số tử thương khoảng 100,000 người .
TT Nixon nhận xét trận tổng tấn công của CS 1972 lần đầu tiên QLVNCH một mình đẩy lui địch mà không cần sự yểm trợ của bộ binh Mỹ, điều này chứng tỏ nếu được võ trang đầy đủ, họ có thể đương đầu với các Sư đoàn tinh nhuệ của BV. Ông cũng cho biết VNCH đã chận đứng cuộc tấn công của địch dưới đất, không lực Mỹ đã đè bẹp chúng.
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét