Đối mặt
(Tiếp theo Tổ Quốc 107)
Hôm nay là ngày thứ tư tiếp tục chương trình thẩm vấn. Trưởng phòng tư tưởng – văn hóa công an tỉnh Lạng Sơn cùng cậu thư ký của anh ta làm việc với tôi, mở đầu buổi làm việc, trưởng phòng đặt vấn đề:
— Trước tiên tôi muốn trao đổi với anh một việc. Mấy ngày nay tôi suy nghĩ rất nhiều về anh, thấy rằng anh là người thật thà, là người tốt, có trình độ năng lực nhất định. Con người ta ai cũng có những lúc sa ngã, quan trọng là phải biết tự đứng lên và chọn cho mình hướng đi đúng đắn. Anh còn đến chục năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy tôi muốn thuyên chuyển anh về tỉnh công tác, anh nghĩ thế nào? Nếu anh đồng ý tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo chắc chắn sếp sẽ chấp nhận. Anh không cần phải trả lời ngay, cứ suy nghĩ đi rồi trả lời tôi lúc nào cũng được.
Thật bất ngờ với tôi về tình huống này. Trong giây lát lưỡng lự, tôi hình dung toàn bộ những ý đồ của họ đối với tôi. Đây là phương sách để buộc tôi từ bỏ con đường đấu tranh dân chủ; mục đích chính của họ là tìm cách để quản lý tôi chứ thực chất họ chẳng có lòng nhân đạo gì. Tôi biết tôi sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, bị cách chức các chức vụ tôi đang đảm nhiệm. Họ định chuyển tôi lên tỉnh để bố trí một chân lon ton ở một cơ quan nào đó để họ đạt được mục đích tách tôi ra khỏi phong trào dân chủ, có cớ quản lý tôi, theo dõi tôi, buộc tôi chấm dứt mọi hoạt động chống lại chủ trương, chính sách của đảng; và nếu tôi chấp nhận thì hiển nhiên tôi sẽ phải chấp nhận mọi điều kiện của họ đưa ra.
Tôi bắt đầu lấy lại thế chủ động trao đổi với trưởng phòng công an tỉnh:
— Hoàn cảnh gia đình tôi, mẹ già đã ngoài 70 tuổi, tôi là con trưởng, trách nhiệm rất lớn, con còn nhỏ, với đồng lương của tôi hơn 2 triệu/tháng mà đi làm ở xa, thật sự tôi không chịu nổi. Vì vậy tôi có thể nói ngay với anh rằng tôi không thể đi được. Nguyện vọng của tôi như đã trình bày ở bản tường trình, là tôi xin nghỉ chế độ. Theo luật bảo hiểm mới ban hành thì tôi đã đủ tiêu chuẩn để nghỉ, bởi tôi đã nộp bảo hiểm 32 năm, có tuổi đời đã 51 tuổi, điều kiện là phải đi giám định sức khoẻ và chấp nhận hưởng phần trăm thấp, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng rồi.
— Nhưng nếu giám định sức khoẻ anh chưa đủ điều kiện thì sao?
— Thì buộc tôi phải chờ để đủ tuổi, tôi chấp nhận.
— Tôi vẫn cứ đề nghị anh suy nghĩ cho kỹ để quyết định vấn đề này.
— Tôi đã nghĩ kỹ.
— Nếu vậy thì tôi đề nghị tỉnh yêu cầu huyện bố trí công việc cho thuận lợi hơn, được không? Sợ rằng anh băn khoăn là người đang có quyền chức, bây giờ bị kỷ luật, bị mất chức, mất đảng, xuống làm một cán bộ bình thường anh không chịu thôi.
— Không, nguyện vọng của tôi là nghỉ, dù chế độ đãi ngộ tôi thế nào, tôi cũng nghỉ. Anh cứ giải quyết theo hướng đó.
— Thôi được tôi biết thế. Về chế độ sẽ có cơ quan chức năng người ta giải quyết cho anh, còn tôi chỉ có nhiệm vụ tham mưu định hướng cho anh, tìm cho anh lối thoát trong lúc anh đang lâm nạn. Đó là tình người. Tôi mong anh tiếp tục suy nghĩ rồi có quyết định sáng suốt.
— Cảm ơn anh. Tôi đáp.
— Bây giờ thì tôi trao đổi với anh một số nội dung xung quanh những bài viết của anh.
Nói rồi anh ta mở quyển sổ ghi chép cá nhân ra. Ở đó ghi những gì anh ta cần nói, những gì anh ta cần hỏi, đều được chuẩn bị cẩn thận để làm việc với tôi. Lại một lần nữa giọng điệu giống y hệt như những nội dung mà phó ban tổ chức tỉnh uỷ đã quán triệt hôm trước: nào là những khuyết tật của các nhà đấu tranh dân chủ như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương... cho đến những người trẻ tuổi mới bị bắt như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài... Đặc biệt anh ta nói rất kỹ cho tôi biết về tổ chức của đảng Việt Tân, do Hoàng Cơ Minh cầm đầu đã bị quân đội Lào tiêu diệt như thế nào, tổ chức Đảng Dân Chủ Nhân Dân do Đỗ Thành Công cầm đầu âm mưu về nước đánh bom khủng bố ra sao... Sự phát hiện tài ba của công an Việt Nam như thế nào...
Tôi cư ngồi im để anh ta thao thao bất tuyệt cho hết thời gian. Mệt quá, anh ta lại dừng, uống nước rồi lại tiếp tục. Thời gian làm việc của buổi sáng đã sắp hết. Tôi thấy cần chỉnh đốn anh ta vài lời, tôi cắt ngang:
— Xin lỗi anh, những tài liệu của anh hoàn toàn được đăng trên báo An Ninh Thế Giới. Tôi phải nói với anh rằng, từ lâu lắm rồi tôi luôn có một tờ An Ninh Thế Giới mà Đảng, Nhà Nước cấp cho tôi. Vì vậy tất cả những gì anh nói với tôi, tôi quá tường tận. Tôi đề nghị không cần chuyển tải cho tôi những gì mà báo chí đã đăng tải, vì tôi đã đọc, đã biết.
Anh ta lúng túng, cười gượng gạo:
— Tôi biết anh làm công tác tư tưởng của Đảng nên có nhiều thông tin, nhưng tôi vẫn phải nói với anh để anh hiểu thêm vì con người ta không ai nhớ hết được mọi sự kiện, và đó cũng là trách nhiệm của tôi. Thôi sáng nay ta nghỉ ở đây, chiều 2 giờ tiếp tục.
14h, tôi lại có mặt tại phòng làm việc để trưởng phòng công an tỉnh chỉnh huấn tư tưởng tôi.
— Tôi với anh làm việc trên tinh thần cởi mở, thoải mái. Anh thấy thế nào, có gì cần trao đổi không?
— Vâng, rất cảm ơn. Tôi chỉ có chút đề nghị nho nhỏ,
— Anh cứ nói.
— Đề nghị của tôi là những nội dung gì mà trước đây đã được làm rõ ở những cuộc thẩm vấn trước thì không đề cập nữa, vì những gì cần nói tôi đã nói, bây giờ buộc phải nói lại, tôi vẫn nói như thế. Chúng ta nên trao đổi những vấn đề mà các lần làm việc trước chưa đề cập, tôi nghĩ như thế nó hiệu quả hơn
— Nhận thức là cả một quá trình, tôi nghĩ qua mấy ngày làm việc với chúng tôi anh sẽ có những chuyển biến nhất định.
— Không, chẳng có gì mới đối với tôi.
— Thôi được rồi, tôi chỉ làm theo trách nhiệm được phân công, anh tiếp thu đến đâu là tùy. Phía trước anh còn là cả một vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm việc với anh.
Điện thoại di động nổ chuông, anh ta ra ngoài nghe, lát sau anh ta vào và thông báo cho tôi:
— Anh Hồi uống nước đi, tôi đi có việc chút rồi về. Anh cứ nghỉ tại chỗ.
Nhìn sang phía bên kia phòng họp của ban tổ chức tỉnh uỷ, có mấy gương mặt quen thuộc: trưởng, phó ban tổ chức tỉnh uỷ, trưởng phòng bảo vệ chính trị, cán bộ tổng cục an ninh cùng một số người khác đi vào phòng họp.
Tôi mở toang cửa sổ ra cho thoáng. Trước mặt tôi cách chừng 300m đường thẳng, toà địa ốc tỉnh uỷ Lạng Sơn hoành tráng uy nghi, ngự trên một đại lộ lớn nhất của thị xã (nay là thành phố). Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ngắm nghía toà “nhà đỏ” của một địa phương vốn đang nằm trong danh sách mười nơi nghèo nhất nước. Không có gì thay đổi nhiều. Trước đây con đường (đại lộ) thẳng tắp lao thẳng vào cổng chính, nay cổng chính ra vào được dịch lệch hẳn sang một bên. Nguyên do nhiều người bàn tán cho rằng con đường đâm thẳng vào nhà thì chủ nhà bao giờ cũng đen đủi, ốm đau, nảy sinh nhiều chuyện ảnh hưởng đến thân chủ. Mấy đời bí thư tỉnh uỷ hay ốm yếu, gầy mòn... nên chiếc cổng được điều chỉnh để “tránh phá”. Thế rồi trong khuôn viên đẹp đẽ này cũng xuất hiện một ngôi đền tượng trưng. Số là khu đất này một phần thuộc đất của một ngôi đền cũ, tỉnh thu về để xây dựng cơ quan lãnh đạo tối cao của địa phương. Có điều khó lý giải: khi mở rộng đến khu đất đó, người đứng đầu cơ quan tỉnh uỷ không may gặp phải những ốm đau liên miên, trong khi đó công tác chăm sóc sức khoẻ thì khỏi cần nói nhưng vẫn ba ngày béo, chín ngày gầy. Từ ngày ông về hưu đến gần chục năm nay tự nhiên ông lại khoẻ ra, và đó cũng là lý do việc xây cất ngôi đền tượng trưng trong khuôn viên “toà nhà đỏ” này.
Những tưởng thế là ổn, ai ngờ người thay thế ông là chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, từ khi sang tỉnh uỷ làm bí thư cũng là thời điểm xuất hiện ốm yếu liên miên. Ông là người xấu số nhất, vì sau một thời gian người ta phát hiện ông bị ung thư gan và vĩnh viễn ra đi trong lúc đang nắm trong tay đỉnh cao quyền của tỉnh. Người kế vị là một người có học hành bài bản, tuổi trẻ, khoẻ, được đảng đưa vào trung ương uỷ viên khóa 8, lúc đó mới là phó bí thư, tự nhiên đổ đốn ở đâu về sinh ra mất đoàn kết nội bộ. Có thể là còn trẻ, kinh nghiệm hạn chế nên bị cấp dưới “vượt mặt”, thấy mình là trung ương, là bí thư tỉnh uỷ, người lãnh đạo cao nhất của địa phương này mà bị vượt mặt thì quả là hết chịu nổi nên đã tự mình châm ngòi nổ nhằm hạ bệ phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh. Thế là cuộc đối đầu ngày càng lún sâu vào vũng bùn nhơ, trung ương phải ra tay phân xử. Kết cục là cả hai lãnh án cảnh cáo, bí thư tỉnh uỷ về trung ương làm phó ban tài chính đảng. Hiện cơ quan này nhập vào văn phòng trung ương, nay thỉnh thoảng xuất hiện trên tivi đi tháp tùng cho Tổng bí thư. Tất nhiên chân trung ương uỷ viên của anh ta cũng mất luôn sau đại hội 9 của đảng. Còn chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh thì cho về nghỉ hưu. Cuộc đấu đá đã đi vào lịch sử của địa phương, bởi nó chưa từng xẩy ra trong lịch sử đảng bộ của tỉnh. Do mất đoàn kết nội bộ nên Lạng Sơn là tỉnh được “ưu ái” tiến hành đại hội sau cùng nhất trong toàn quốc, trước khi diễn ra đại hội 9 đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi là đại biểu dự đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ 14 diễn ra vào cuối năm 2005, một đại hội trong bầu không khí ảm đạm, một đại hội mà ngoài thời gian làm việc tập trung, các đại biểu chỉ bàn luận đến việc đấu đá của hai vị nguyên thủ địa phương, chẳng ai đoái hoài đến chương trình nghị sự của đại hội.
Trưởng phòng công an cùng cậu thư ký của anh ta trở lại, với tâm trạng mệt mỏi, ngao ngán:
— Mệt mỏi quá anh Hồi ạ! Khổ cái thân tôi thế này.
— Lãnh đạo cao, trách nhiệm lớn mệt là phải. Tôi đáp.
— Lãnh đạo chẳng đến mình, làm công ăn lương thôi, mà tôi thật sự chán anh lắm rồi anh Hồi ạ.
— Tôi biết anh không những chán mà còn căm ghét tôi, vì tôi với anh hai con người khác nhau, hai tư tưởng khác nhau.Việc khác nhau này ở các nước văn minh thì là việc bình thường nhưng ở ta lại là việc động trời. Mà anh thấy đấy, có ai đi cấm đoán được suy nghĩ của người khác? Bắt người khác phải suy nghĩ theo mình là việc làm không thể.
— Anh suy nghĩ thế nào kệ anh, nhưng anh công khai lên tiếng chống lại đảng, nhà nước là việc làm vi phạm pháp luật. Anh ta lại phát khùng.
— Tôi không tranh luận với anh nữa. Tôi đáp.
Chiếc xe con mang biển số 80a đang nổ máy đậu giữa sân ban tổ chức tỉnh uỷ. Người sĩ quan tổng cục an ninh cùng cậu công an Hà Nội thường phiền nhiễu tôi trong mấy ngày qua lên xe. Trưởng, phó ban tổ chức tỉnh uỷ cùng mấy người khác ra tiễn. Tôi hiểu như vậy là việc thẩm vấn của tôi đã kết thúc. Việc còn lại do địa phương xử lý về mặt tổ chức.
Trưởng phòng công an nhìn lướt hết trang này đến trang khác. Vẫn quyển sổ tay ghi những câu hỏi để thẩm vấn tôi.
Trong bài “Quốc hội Việt nam dân bầu hay Đảng cử?”, anh đả kích ban chấp hành trung ương vi phạm nghiêm trọng hiến pháp Việt Nam. Tại sao anh nói vậy?
— Vâng, như anh biết đấy, trước khi kết thúc nhiệm kỳ khóa 8, ban chấp hành trung ương đã họp, ra nghị quyết: quyết định ngày bầu cử quốc hội khóa 12, quyết định cơ cấu, số lượng và phân bổ đại biểu cho cá địa phương, các bộ, ban ngành trung ương. Nghiêm trọng hơn thế là quyết định rút ngắn nhiệm kỳ của quốc hội từ 2007-2012 xuống còn 2007-2011; kéo dài nhiệm kỳ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp từ 2004-2009 lên 2004-2011. Đó là việc làm vi phạm trắng trợn hiến pháp Việt Nam, bởi vì chỉ có Quốc hội mới có quyền thảo luận và quyết định những vấn đề đó.
— Chính anh cũng thấy là việc tiến hành đại hội Đảng diễn ra một thời điểm khác; bầu cử quốc hội vào thời điểm khác; rồi lại bầu cử hội đồng nhân dân các cấp diễn ra vào thời điểm khác. Như vậy suốt ngày chỉ lo cho việc bầu cử, còn nghĩ được gì khác nữa, mặt khác nó gây lãng phí tốn kém tiền bạc của nhân dân. Kỳ này trung ương nhìn ra vấn đề nên quyêt định như vậy là hợp lòng dân, là sáng suốt, lẽ ra anh là người phải ủng hộ nghị quyết đúng đắn này mới phải đằng này lại đi công kích Đảng, vậy là sao?
— Tôi công kích gì đâu! Tôi thấy Đảng lấn sân, bao biện làm thay, tôi thấy Đảng vi phạm pháp luật, bởi đó không phải việc của Đảng, đó là việc của Quốc hội.
— Anh đọc điều 4 hiến pháp chưa? Cậu thư ký của trưởng phòng khùng lên với tôi.
— Xin lỗi, tôi không những đọc mà tôi còn thuộc cả điều 4 hiến pháp Việt Nam.
— Thôi nghỉ thôi, tranh luận với ông này mãi cũng thế thôi! Trưởng phòng công an tuyên bố.
Vi Đức Hồi
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét