Lê Dinh

Phỏng Vấn Hà Huyền Chi Về Duyên Anh

Lê Dinh: Sơ lược tiểu sử của anh?
Hà Huyền Chi: Tên thật là Ðặng Trí Hoàn, sinh quán Hà Ðông, 1935, trưởng thảnh tại Hả Nội. 1954 di cư vào Nam, một mình. 1957 nhập ngũ, khóa 14 VBQGVN. 1975 đào thoát qua Hoa Kỳ.
Hà Huyền Chi tập làm thơ từ rất trẻ. Chỉ nhập thơ lúc trưởng thành. Bài đầu tiên được đăng trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hoà: "Không Gian Vương Dấu Giầy". Hiện cư ngụ tại Washington State, Tây Bắc Hoa Kỳ, tiểu bang mưa, khiến ướt thơ, lạc tuổi. Bởi thơ và nhạc vốn không tuổi.
LD: Anh và nhà văn Duyên Anh đã có những quan hệ trước 1975?
HHC: Thuở mới lớn, hàn vi: 1954, chúng tôi cùng tạm trú trong Nhà Hát Tây, Saigon một thời gian dài. Duyên Anh chuyển trại Gia Long hay rời xuống lục tỉnh dậy Anh Văn. (Học bài nào, dậy bài ấy) Còn tôi chuyển xuống trại học sinh Pavie Lamothe gần trường đua Phú Thọ.
Thuở trưởng thành: Duyên Anh viết văn, viết báo. Tôi vừa cầm súng vừa cầm bút. Thân thiết hơn khi tôi đóng phim Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Nhà Tôi... (Truyện phim từ tiểu thuyết Duyên Anh, do Lê Hoàng Hoa, Lê Dân đạo diễn). Chúng tôi thường gặp nhau ở sân quay, hoặc ở những buổi nhậu, sau đó.
Giữa tháng Tư, 1975, Duyên Anh lái chiếc Pinto mầu xanh cánh cam, tìm gặp tôi tại sở (2 bis Hồng Thập Tự) để trao 50 ngàn đồng tiền nhuận bút cho mấy bài thơ đã đăng đâu đó. (Kể như món tiền nhuận bút lớn nhất mà tôi có, qua thơ). Duyên Anh rủ tôi đi nhậu nhưng tôi kiếu, vì đang bận công vụ.
LD: Tại sao sau 1975 thì tình bạn giữa Duyên Anh và anh trở thành tình tri kỷ?
HHC: Là lúc Duyên Anh bước vào cõi thơ, tôi nghĩ vậy. Từ Paris, Duyên Anh và tôi có những liên lạc thường xuyên hơn sau Thơ Tù Duyên Anh, và sau đó là thơ tình, thơ Ðộc Ngữ.
LD: Anh đã đến Paris thăm Duyên Anh. Anh có thể cho biết những suy tư nào, những nhận định về thời cuộc vào buổi ấy của hai anh. Lúc ấy, tiếng đồn "ăng ten" đã có chưa? Anh nghe và hiểu được tiếng đồn ấy đến từ đâu?

HHC: Khi tôi đến Paris, 1987, để ra mắt thi tập Ðời Bỗng Dưng Thừa do Nam Á, Paris ấn hành, Duyên Anh và tôi gặp nhau thường nhật. Thời tai tiếng của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đang trên đường phá sản. Thời tiếng đồn đại "ăng ten" Duyên Anh đang bộc phát. Tôi không tiện hỏi thẳng Duyên Anh việc này, và cũng không nghe Duyên Anh giải thích gì. Hiển nhiên là Duyên Anh xem nhẹ những lời đồn đại ấy. Trước sau, tôi chưa từng nghe biết 1 nhân chứng đích thực nào nói về việc này. (Sự việc được khai thác mạnh, trở nên tồi tệ hơn, qua 1 nhân chứng giả là nhà thơ Huy Trâm. Nhưng chính Huy Trâm cũng chỉ mơ hồ thuật lại những gì nghe lại từ người khác).
LD: Trong "Tiễn Hà Huyền Chi" (6-1987), Duyên Anh viết:
...Gặp ngươi tâm điểm vuông tròn
Biển dâu dâu biển chỉ buồn phồn hoa
Vẫn còn ta, mãi còn ta
Cái hôm nay lại sẽ là ngàn sau
Ngươi về đâu, ta ở đâu?
Về hay ở cũng chiêm bao gọi chiều
Ngựa đi nhạc tủi chân đèo
Vó hồn rã rượi hắt hiu cuối rừng
Thôi ngươi trở gót phiêu bồng
Dễ gì vụt thức dậy lòng viễn du?

LD: Duyên Anh muốn nói, muốn tâm sự những gì với anh?
HHC: Tôi đến Mỹ từ tháng 5, 1975 nhưng mãi chôn chân ở 1 xó rừng hiu quạnh. Tôi từ khước nhìn cảnh đẹp quanh đời, từ khước du lịch. Vì Duyên Anh và Mai Trung, 1 niên đệ, tôi đã qua Paris khi ấy.

LD: Trong "Duyên Anh ở lại" (6-1987), anh rời Paris mà lòng vẫn còn vấn vương người bạn Duyên Anh:
...Ta về hồn ở Pa-ri
Ta về ngươi cũng hồn chia nỗi mừng
Mai kia lở núi tan rừng
Vẫn trong nỗi nhớ chập chùng hôm nay

LD: Tình bạn như hai anh thật không thể có được ở thời buổi nhiễu nhương này. Những vần thơ của anh đã diễn tả thật đầy đủ tâm trạng của hai tri kỷ khi phải xa nhau. Nhân dịp này, anh có thể giải thích rõ ràng hơn ý nghĩa của bài "Duyên Anh ở lại"?

HHC: Cũng trong tâm trạng lưu đầy như tôi, DA vùi đầu vào sáng tác, từ khước rong chơi. Thế nên chuyến gặp nhau này kể như là lần đầu, và lần chót ở xứ người.

LD: Tháng 10 năm 1987, anh viết "Ngươi đi đâu bây giờ" diễn tả sâu sắc nỗi niềm thương nhớ bạn hiền Duyên Anh.

NGƯƠI ÐI ÐÂU BÂY GIỜ
Ðây dốc núi mù sương
Thu chín đỏ phố phường
Paris chừng cũng vậy
Thế giới này tang thương
Ði giáp vòng trái đất
Vẫn mộng du bàng hoàng
Cái ta còn ta mất
Trong trí nhớ tro tàn
Nhật Nguyệt Ðàm, sông Seine
Ðều lềnh bềnh rác rưởi
Gác xép dăm bạn hiền
Hơn kỳ quan ngàn tuổi
Riêng ta, chỗ thèm đi
Vẫn ma vương chắn lối
Con hẻm nhỏ Thị Nghè
Nàng trăm năm còn đợi
Trong cảnh đời lữ thứ
Duyên Anh, ngươi đi đâu
Vàng thau nhòa tâm sự
Luân lý cũng thay mầu
Bên Tây thừa vô lại
Ðức, Mỹ... cũng vậy thôi
Bạo lực là lẽ phải
Dối gian làm đuốc soi
Chúng chặt tay, bắn, đốt
Những "Thằng Người Có Ðuôi"
Chúng đâm nhau bằng bút
Khiến văn chương nặng mùi
Ðất trời không đủ rộng
"Sỏi Ðá Ngậm Ngùi" chưa
Ngươi còn trong dị mộng
Ta "Ðời Bỗng Dưng Thừa"
Trong cảnh đi lữ thứ
Ngươi đi đâu bây giờ?

Bài thơ trên nói về tình bạn mà cũng hình như diễn tả tâm sự của chính tác giả. Đấy có phải là điểm tương đồng mà anh và nhà văn Duyên Anh đã trở nên tri kỷ và tri bỉ?
HHC: Ðời sống đích thực của một nhà văn là sáng tác. Duyên Anh cũng tâm niệm như vậy. Duyên Anh viết rất mạnh, thị trường báo chí Châu Âu không đủ sức khai dụng. Thế nhưng dư luận hàm hồ với 2 chữ "ăng ten" đã là những đá tảng níu chân người. Nhưng cuối cùng thì Duyên Anh cũng phải sang Mỹ, phải đương đầu với mệnh số bất công, bất nhẫn sẵn dành.
LD: Trong "Thơ Vỗ Mặt Trời", có đoạn:
Bạo lực trét bùn lên đuốc sáng
Một nhà văn gục, vạn người đui
Trống đồng, bia đá đều bi thảm
Phản ánh gương buồn hậu thế soi

"Nhà văn" ở đây có phải anh ám chỉ nhà văn Duyên Anh? Qua bài thơ này, độc giả nhận thấy là anh có nhiều suy nghĩ rất tương đồng với nhà văn Duyên Anh về thời thế, thói đời, thói người... Có phải đây là bài thơ viết gửi Duyên Anh nhưng cũng nói lên tâm sự, suy nghĩ của chính tác giả?
HHC: Thưa đúng như vậy. Khi Duyên Anh bị nạn, tôi đang nằm điều trị tại một y viện tư ở San Jose. Bài thơ này được viết trên giường bệnh tôi, trong nỗi căm phẫn tột cùng của bạo lực đối với nhà văn.
LD: "Chiều Bơ Vơ", một bài thơ của anh đã được nhà văn Duyên Anh phổ nhạc vào tháng 11/1984. Tại sao Duyên Anh lại chọn "Chiều Bơ Vơ"? Có thể coi "Chiều Bơ Vơ" là tâm sự chung của anh và Duyên Anh?
HHC: Vâng, có thể nói như vậy ở những cảm nghĩ chung, riêng. Theo cảm nhận tôi thì Duyên Anh không có hạnh phúc gia đình.
LD: Hậu quả của việc nhà văn Duyên Anh bị đả thương tại quận Cam năm 1988 phải chăng do nhà văn cô đơn này đã tố cáo những sai trái, những lừa bịp của các tướng tá, các hội đoàn, mặt trận hải ngoại?
HHC: Nhiều người cũng nghĩ như vậy, nhưng sự thật còn nằm trong vũng tối. (Kinh tởm hơn một bậc, vì dư luận khi ấy nói về cách đả thương Duyên Anh: Không cho chết, chỉ gây tàn phế suốt đời!)
Khoảng 1995, 96 gì đó, tôi gặp lại Duyên Anh ở quán Ðào Viên, quận 13 Paris. Khi ấy Duyên Anh đã tạm xê dịch được, và nói còn rất ngọng nghịu. Duyên Anh khoe đang tập viết bằng tay trái, dạng chữ run rẩy nhưng khá đẹp. Duyên Anh nói là anh đã biết bọn nào đả thương anh, nhưng anh đã tha thứ cho chúng rồi.
LD: Công bằng mà nhận xét: Nhà văn Duyên Anh luôn luôn ngưỡng mộ và đề cao quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thế nhưng vô số tướng tá, sĩ quan miền Nam Việt Nam đả kích Duyên Anh đến nơi đến chốn. Ngược lại, một số "rất ít" sĩ quan Việt Nam lại trân trọng công việc văn hóa quốc tế vận của Duyên Anh. Thí dụ như trường hợp Trung tá Phạm Kim Vinh đã thẳng thắn nhận xét rằng những bước đi của Duyên Anh "đã làm đẹp mặt cho người tị nạn Việt Nam trước mắt cộng đồng quốc tế, và làm đẹp hai chữ Việt Nam..." Là một người từng phục vụ trong quân đội, anh có nhận định thế nào về hai "trường phái" bênh và chống nhà văn Duyên Anh như thế?
HHC: Theo tôi thì không có trường phái nào bênh hoặc chống Duyên Anh. Chỉ là công việc của cá nhân. Và đám đông a dua mà thôi. Tôi đồng ý với Phạm Kim Vinh rằng nhà văn Duyên Anh đã làm đẹp mặt cho cộng đồng Việt Nam. Thành tích quốc tế vận ấy chưa một cá nhân hay đoàn thể nào làm được xưa nay.
LD: Những kỷ niệm nào về Duyên Anh mà anh có thể kể cho mọi người cùng biết?
HHC: Kỷ niệm đẹp nhất với Duyên Anh là ở nhà Ðào Hiệp, Paris. Tên dược sĩ Playboy này đã hào hiệp khui hết 2 chai rượu "gia bảo" để chúng tôi nhâm nhi và làm thơ tặng nhau tại chỗ. Chai rượu chát Château d' Yquem 1975 trị giá $2,500.00 US và chai kia $1,500.00 US.
Lần khác, là ăn canh cải nấu cá rô do đích tay Duyên Anh nấu. Thực khách có Trần Văn Trạch, Khánh Ly, Ðào Hiệp và tôi. Ăn mệt nghỉ. Ngon nhớ đời.
LD: Lời khuyên nào của anh đối với những độc giả yêu mến văn chương Duyên Anh đã "được nghe" về những sự vu khống hèn hạ của những người ganh ghét, tị hiềm Duyên Anh?
HHC: Sự thật là cuối tháng 10, 2003 tôi nghe được từ họa sĩ Ðằng Giao về Duyên Anh và 2 chữ "ăng ten". Ðằng Giao từng ở tù chung với Duyên Anh rất lâu (tại nơi mà Duyên Anh bị gán cho 2 tiếng "ăng ten"), đã hoàn toàn phủ nhận về tin đồn ác ý này. (Ðằng Giao lấy con gái Chu Tử là Chu Vị Thủy, vốn là 1 người hiền hậu rất đáng tin cậy)
Theo Ðằng Giao thì Duyên Anh bị ganh ghét, tỵ hiềm trong tù, cũng như ngoài đời chỉ vì tánh khinh bạc, kiêu ngạo của anh mà thôi.
LD: Nhận định của thi sĩ Hà Huyền Chi về những vần thơ của thi sĩ Duyên Anh?
HHC: Duyên Anh viết văn, Duyên Anh viết nhạc, Duyên Anh làm thơ. Con người tài hoa ấy đã lưu lại đằng sau hằng hà những dấu ấn của thành tựu ở mọi lãnh vực anh đã kinh qua. Nhưng trên tất cả, đằng sau một Duyên Anh khinh bạc, ngạo thế, vẫn luôn có một Duyên Anh chân tình thành khẩn với bằng hữu.
Duyên Anh đã viết sẵn cho riêng mình một Ai Tín tuyệt vời:
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Như lòng anh buồn bã thuyền nhân
Sài Gòn tuy xa nhưng vẫn rất gần
Paris trước mắt mà trăm năm hiu quạnh
Cái gì lửng lơ trên miếng đời mỏng dính
Ðó hồn anh giá lạnh quê người
Anh đi giữa trưa thương nhớ mặt trời
Anh đi giữa đường tương tư cơn gió
Mặt trời ấm vừa má em hây đỏ
Cơn gió hiền đủ sợi tóc em bay
Anh đi giữa người thương nhớ ai đây
Anh đi giữa đời cát mù sa mạc
Anh đi tội tình lưu vong ngơ ngác
Anh đi dại khờ trẻ lạc quê hương
........
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Xác lá mùa thu, xác lá duyên anh

(1983)
Dòng Ai Tín ấy khép lại đời sống sầu tủi Duyên Anh và mở ra một bầu trời bát ngát cho thơ bay vào miên viễn. Cõi thơ chỉ thấy ở Duyên Anh, dù có hay không viết hoa như anh đã.
LD: Sau ngày nhà văn Duyên Anh bị nạn, tình tri kỷ giữa anh và anh Duyên Anh dường như bị cắt đứt. Dư luận cho rằng vì bài viết anh bênh vực anh Duyên Anh có đoạn: "... Thú thực, mày chưa phải là bạn tốt của tao vì đời tao chưa từng gặp bạn tốt..." khiến anh Duyên Anh không bằng lòng. Sau này hai anh còn liên lạc với nhau? Anh có thể giải thích rõ hơn để sự ngộ nhận sẽ biến mất và tình bạn giữa anh và anh Duyên Anh mãi mãi bất tử (dù anh Duyên Anh đã đi vào cõi miên viễn)?
HHC: Như đã nói ở phần trên, khi DA bị nạn, tôi cũng đang nằm bệnh tại San Jose. Trong cơn xúc động ngút lửa ấy, tôi có viết một bài hành dài 128 câu, một vần: "Thơ Vỗ Mặt Trời", như một thế cách tuyên chiến cùng bạo lực.
Tôi nhân danh kẻ sĩ mà viết, không phải đơn thuần vì tình bạn với DA, hoặc vì xúc cảm nhất thời. Có thể DA không vui vì sự xác định kia: "... Thú thực, mày chưa phải là bạn tốt của tao vì đời tao chưa từng gặp bạn tốt..." Có thể DA chưa từng có dịp đọc toàn bộ 128 câu "Thơ Vỗ Mặt Trời" của tôi. Thực tế là: Ðời tôi chưa từng gặp bạn tốt, dù có hay không có Duyên Anh.

Hà Huyền Chi

Không có nhận xét nào: