Ngày mà tầng lớp
trung lưu sẽ trỗi dậy
Trang bìa tuần báo Le Courrier
International, số 1185, ngày 18/07/2013, nói về tầng lớp trung lưu
Nhờ nền kinh tế tăng trưởng, tầng lớp
trung lưu của các quốc gia đang phát triển ngày một nhân rộng. Tuy nhiên, lợi
ích và quyền lợi của họ thường xuyên xung đột với chính sách của Nhà nước. Âm
hưởng của phong trào « Mùa xuân Ả Rập » sẽ còn là nguồn cảm hứng cho tầng
lớp mới nổi này tại các quốc gia trên.
Le Courrier International tổng hợp bài viết
từ báo chí quốc tế phản ánh sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc,
Nga, Ấn Độ, Brazil và Châu Phi, với trang bìa chạy tựa « Ngày mà tầng lớp
trung lưu trỗi dậy ».
Báo Le Courrier International nhận xét tầng
lớp trung lưu mới nổi gồm những người có trình độ, với nhu cầu tiêu dùng và tự
do rất lớn. Xuất phát từ « Mùa xuân Ả Rập », tiếp theo là các phong
trào phản đối tại Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, tầng lớp trung lưu đang làm lung lay
các cơ quan quyền lực và nhà lãnh đạo tại các nước đang phát triển.
Le Courrier International trích đăng bài
phân tích trên tờ The Wall Street Journal của nhà triết học và kinh tế học người
Mỹ, Francis Fukuyama. Theo ông, những cuộc cách mạng dân chủ mới này có thể sẽ
làm đảo lộn trật tự thế giới. Phân tích mối liên hệ giữa các cuộc cách mạng
đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và làn sóng phản đối tại Trung Quốc, ông cho
rằng chính sự trỗi dậy trên quy mô quốc tế của tầng lớp trung lưu mới là sợi
dây chủ đạo nối các sự kiện trên. Tác giả bài báo nhận định, tầng lớp trí thức
trẻ này có trình độ cao và thu nhập hơn mức bình quân. Họ cũng là những người
thành thạo công nghệ mới và mạng xã hội như Facebook hay Twitter để truyền tải
thông tin và tổ chức biểu tình. Tuy sống trong một quốc gia thường bầu cử dân
chủ, nhưng họ không có cảm giác liên quan với cơ quan chính trị cầm quyền.
Tác giả nhận xét những người mới gia nhập
tầng lớp trung lưu thường là những người đi đầu trong các phong trào phản đối.
Song, một mình họ khó có thể thay đổi lâu dài toàn bộ hệ thống chính trị. Lý do
thứ nhất là tầng lớp này chỉ chiếm một số lượng nhỏ. Lý do thứ hai là họ còn
nhiều bất đồng và chia rẽ ngay trong nội bộ.
Tờ báo đề cập tới điểm yếu của các cuộc
cách mạng Ả Rập là thanh niên tham gia biểu tình đã không biết tận dụng hoàn cảnh
để lập nên các đảng phái có khả năng tranh cử sau đó. Ngoài ra, sinh viên vẫn
chưa biết cách huy động giai cấp nông dân và công nhân. Còn trường hợp tại
Brazil thì lại khác. Thách thức đối với người biểu tình là đấu tranh đòi chính
phủ không bổ nhiệm lâu dài các chính trị gia đương quyền tham nhũng. Tương tự
như ở Thái Lan hay Trung Quốc, tầng lớp trung lưu Brazil vẫn ủng hộ các nhà
lãnh đạo chuyên quyền khi mà tương lai kinh tế của họ gắn liền với Nhà nước.
Trong thập kỉ tới, Trung Quốc mơ ước từ một
xã hội có thu nhập trung bình trở thành xã hội thu nhập cao. Thế nhưng, với khoảng
7 triệu cử nhân mới, guồng máy công nghiệp khó đảm bảo được nhu cầu việc làm.
Tác giả dự báo, chính tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ là những người xuống đường
trong thời gian tới.
« Đừng quên người Nga »
Một nhà báo Mátxcơva trách ông Francis
Fukuyama không đề cập tới tầng lớp trung lưu tại Nga trong bài báo trên. Dưới tựa
đề : « Đừng quên người Nga » đăng trên trang báo điện tử Gazeta.ru,
ông cho biết tầng lớp trung lưu ở đây chiếm khoảng 18-20% các hộ gia đình.
Chính phủ Nga nghiên cứu rất cẩn thận những dữ liệu mới và đưa ra những biện
pháp cần thiết để tránh mọi nguy cơ xáo trộn chính trị và loại bỏ tầng lớp
trung lưu.
Nhà nước tận dụng triệt để những biện pháp
cổ từ thời Xô Viết, như đánh thuế thu nhập đối với những người có mức lương cao
hơn so với mức trung bình, diệt ngay trong trứng nước việc thành lập doanh nghiệp
(trừ khi do công chức kiểm soát), loại bỏ tầng lớp trung lưu trong bộ máy chính
trị, bưng bít thông tin bằng cách lưu số máy chữ hay máy photocopie nhằm kiểm
soát việc sao chụp văn bản… Tác giả bài báo kết luận tầng lớp trung lưu ở Nga
chưa sẵn sằng thức tỉnh. Nhưng họ ngủ không hề sâu.
Ấn Độ : Thiểu số gây ảnh hưởng nhưng mong
manh
Tờ The New York Times đăng một bài phân
tích tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ, với tựa đề : « Thiểu số gây ảnh hưởng
nhưng mong manh ». Tờ báo nhận xét rằng, dù số lượng còn khá khiêm tốn
trong xã hội, người tiêu dùng mới này biết cách nâng trọng lượng tiếng nói của
mình. Vận mệnh của họ và nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì thu nhập cao
hơn của người trung lưu sẽ tăng sức mua và thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Đa số người trung lưu làm công chức Nhà nước.
Chính vì thế, tính bấp bênh của tầng lớp này được thể hiện ở hai điểm : Thứ nhất,
họ bị phụ thuộc vào chính phủ và người giàu để được phân chia công việc. Thứ
hai, họ phải trông chờ vào Nhà nước và dân nghèo để được mua rẻ tài sản hay dịch
vụ. Số người làm chủ doanh nghiệp không tương xứng với kích cỡ của đất nước.
Nguyên nhân do người Ấn Độ thích lao động hơn là tạo việc làm. Họ không có thói
quen gây dựng doanh nghiệp riêng. Đây có lẽ là tàn dư ảnh hưởng của văn hóa
phong kiến và thuộc địa.
Trung Quốc : Để sống hạnh phúc, hãy im lặng
mà sống
Tờ Tài Tân (Caixin Wang - Bắc Kinh) nhận
diện tầng lớp trung lưu mới tại Trung Quốc từ 30 năm cải cách kinh tế trở lại
đây. Trước những năm 1990, tầng lớp trung lưu chủ yếu gồm các chủ cơ sở sản xuất
nông thôn hay con cái của cán bộ. Hiện nay, có thể thấy cán bộ cao cấp, quản lý
doanh nghiệp, viên chức, thành phần trí thức và thậm chí cả một số người ở những
tầng lớp thấp hơn.
Một nhà viết blog nổi tiếng Trung Quốc thẳng
thắn nhận xét rằng tầng lớp này đi « tiên phong trên mặt trận tiêu dùng,
nhưng lại đi sau trên mặt trận chính trị ». Quả thực, đại bộ phận tầng lớp
này xuất thân từ quan chức và có quan hệ mật thiết với những người có địa vị để
tồn tại và tiến thân. Vì vậy, họ không thể ấp ủ những khuynh hướng chính trị cực
đoan.
Tóm lại, về mặt kinh tế, Trung Quốc đạt
nhiều thành quả đáng ghi nhận nhờ xu hướng tự do hóa thị trường. Về mặt chính
trị, kết quả hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc vẫn không nới lỏng giới hạn tự do
và kiểm soát. Dù tầng lớp trung lưu vẫn bày tỏ quan điểm hay chỉ trích trên các
mạng xã hội và blog, họ gần như không bao giờ tham gia vào các hội đoàn, tổ chức
của Đảng hay các lĩnh vực nhạy cảm khác. Mọi vấn đề chính trị nóng bỏng thường
do các phương tiện truyền thông, những người bất đồng chính kiến, thậm chí là tầng
lớp bình dân hâm nóng, chứ không phải là tầng lớp trung lưu.
Brazil : Một cuộc xung đột đang được chuẩn
bị
Nhìn sang tầng lớp trung lưu tại Brazil, tờ
Piauí (São Paulo) nhận định xã hội nước này đã thay đổi từ thời tổng thống Lula
da Silva với sự xuất hiện nhiều tầng lớp mới. Điều đáng lưu ý là các bên đều có
lợi dưới thời kì thịnh vượng này.
Các cuộc biểu tình nổ ra vừa qua trên toàn
lãnh thổ phán ánh một giai đoạn xung đột mới liên quan tới vấn đề phân chia lợi
nhuận. Tham gia xuống đường biểu tình có một số người xuất thân từ tầng lớp
trung lưu trước đây. Giấc mơ ổn định và đặc quyền của những người này bị một lớp
người tiêu dùng mới đè nát. Thêm vào đó, là tầng lớp « trung lưu mới » gồm các
tân cử nhân thất nghiệp, sống bấp bênh.
Tác giả bài báo nhận định khó đoán được
phong trào này sẽ đi tới đâu. Cũng không biết được các tầng lớp dưới, chiếm đa
số cử tri của hai tổng thống gần đây, sẽ phản ứng như thế nào. Đại diện của họ
có tham gia các cuộc biểu tình, nhưng rất ít. Vì họ ngán kiểu tập trung đối đầu
hay gây mất trật tự công cộng.
Châu Phi : Huyền thoại hơn là thực tế
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Phi, một phần
ba người Châu Phi (khoảng 350 triệu người) thuộc tầng lớp trung lưu. Dĩ nhiên,
nhiều cơ quan ngôn luận quốc tế nghi ngờ con số này. Còn trang thông tin điện tử
Africa is Country cho rằng con số này : « Huyền thoại hơn là thực tế
». Vì theo quan sát, những người trung lưu mới này có phương tiện đi lại hay
thông tin hiện đại nhưng lại không có khả năng để chi trả bảo hiểm hay chi phí
sửa chữa.
Nhận xét về tầng lớp mới xuất hiện này,
trang Africa is Country cho biết : « Tầng lớp trung lưu ở Châu Phi thường
không có nguồn gốc xã hội và cũng chẳng có quyền lực chính trị ». Trên thực
tế, hai nhóm người chính tạo nên tầng lớp này gồm : Nhóm thứ nhất là những người
thoát nghèo nhờ vượt qua được bộ máy hành chính công lạc hướng ; nhóm thứ hai
là những người di cư sang các nước phát triển làm việc, sau đó quay về quê nghỉ
hưu.
Nhật Bản : Các ngài đã làm gì với nền dân
chủ ?
Trước thềm cuộc bầu cử nghị viện diễn ra
ngày hôm nay 21/07/2013, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng Yoichi Funabashi
lên án thái độ thờ ơ của các đảng phái chính trị về nhiều vấn đề lớn đáng lo ngại.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên tờ Mainichi Shimbun, ông phê phán vấn đề
thiếu tranh luận về các chủ đề lớn đang làm nước Nhật suy yếu đi. Le Courrier
International trích một phần cuộc phỏng vấn trong số ra tuần này, dưới tiêu đề
: « Các ngài đã làm gì với nền dân chủ ? »
Ông chỉ trích, từ cuộc bầu cử hành pháp
năm 2012 vừa qua, các cuộc thảo luận thẳng thắn về vấn đề năng lượng không hề
được tổ chức. Các nhà lãnh đạo chỉ lo ổn định chính thể mà coi thường tính mạng
của người dân. Chính vì thế, sau thảm họa Fukushima, người dân vẫn quay lại các
khu vực bị nhiễm xạ. Theo ông, để rút kinh nghiệm bài học Fukushima, phải chấm
dứt ngay « huyền thoại về mức độ an toàn ». Thay vì dự báo nguy hiểm
có thể xảy ra, các nhà lãnh đạo lại khiến người dân tin tưởng tuyệt đối vào « không
rủi ro ». Nhà báo cũng chỉ trích sự thiếu lãnh đạo, hay sự phân bổ quyền hạn
và trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan. Ông cho rằng lãnh đạo không phải
là quyền ưu tiên của chính phủ hay chủ doanh nghiệp. Ông cũng đề xuất phải « dân
chủ hóa » quyền lãnh đạo để mỗi cán bộ, hay cá nhân đều có cơ hội và trách
nhiệm khẳng định quyền lãnh đạo của mình.
Vấn đề đáng báo động thứ hai là khủng hoảng
dân số. Vào năm 2050, một phần ba dân số Nhật Bản sẽ trên 65 tuổi. Các đảng
chính trị đều tránh bàn tới vấn đề dân số giảm mạnh và quyền lợi của người già.
Vì, trên thực tế, người già chiếm một lượng cử tri quan trọng trong các cuộc bầu
cử. Liên quan tới chính sách khuyến khích lao động nữ của thủ tướng Shinzo Abe,
ông phê phán kế hoạch này thiếu tầm nhìn xa và gây nguy hiểm cho giá trị gia
đình truyền thống. Theo ông, thách thức đối với cuộc bầu cử diễn ra hôm nay là
phải giải quyết được vấn đề cải tạo cơ sở hạ tầng để trông giữ trẻ nhỏ và phải
khuyến khích các doanh nghiệp tuyển lao động nữ nhiều hơn nữa.
Ông có cách thể hiện sự phản đối với chính
phủ. Chủ nhật này, ông không đi bầu cử, vì ông không muốn bỏ phiếu cho các đảng
từ chối đề cập các vấn đề hệ trọng của đất nước.
Khủng hoảng : Lính cứu hỏa đốt nhà
Chẩn đoán nhầm, biện pháp không phù hợp,
tính toán sai… chính sách khắc khổ mà bộ ba Anh, Đức và Pháp áp đặt cho các « bệnh
nhân » Châu Âu chỉ làm tăng thêm vòng suy thoái kinh tế luẩn quẩn. Tuần
báo Le Nouvel Observateur bắt mạch thực trạng hiện nay dưới dòng tựa hóm hỉnh
: «Khủng hoảng : lính cứu hỏa đốt nhà »
Tình hình chưa bao giờ trở nên bi quan như
vậy. Châu Âu lún sâu vào vòng suy thoái kinh tế, với hơn 20 triệu người thất
nghiệp. Tờ báo đăng một sơ đồ tóm tắt năm quốc gia nằm trong báo động đỏ, gồm
Ai Len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Hi Lạp.
Con hổ Ai Len đang bị bệnh với tình trạng
thất nghiệp hàng loạt và tăng trưởng uể oải. Tỉ lệ thâm hụt ngân sách quý một
năm 2013 là 7,3%, cao nhất trong Liên hiệp. Tình hình ở Bồ Đào Nha cũng chẳng
khả quan hơn. Khủng hoảng kinh tế sẽ còn tiếp tục với dự đoán GDP năm 2013 của
nước này sẽ là -2,3%. Tăng trưởng của Tây Ban Nha dường như chỉ là ảo giác mặc
dù tỉ lệ xuất khẩu cao hơn nhờ chính sách giảm lương trong nước để tăng tính cạnh
tranh. Tuy nhiên, số lượng người thất nghiệp sẽ còn tăng gánh nặng cho nền kinh
tế nước này. Hơn 6 triệu người mất việc từ năm 2007, và chỉ riêng từ 18 tháng
trở lại đây, đã có thêm 1,7 triệu người. Nước Ý cũng khiến Liên hiệp lo lắng với
số nợ công khổng lồ và mức lãi suất trái phiếu chính phủ lên tới 4,48%. Đối với
Hy Lạp, tờ báo nhận xét « no future ». Tỉ lệ thất nghiệp tại đây lên tới
62,5% vào tháng 2 vừa qua. Với 380 tỉ euro được Liên hiệp rót từ khi khủng hoảng,
quốc gia này vẫn chưa nhìn thấy được ánh sáng cuối đường hầm.
Liều thuốc « khắc khổ » của Liên
hiệp cho kết quả là hàng triệu người thất nghiệp. Giải thưởng Nobel Kinh tế,
Joseph Stiglitz, nhận định : « Châu Âu phải chấm dứt nỗi ám ảnh thâm hụt
ngân sách này và thay đổi chiến lược ». Đồng tình với ý kiến trên, nhà
kinh tế Daniel Cohen cho rằng : « Nếu một lúc nào đấy, người ta có thể tạm
ngừng các kế hoạch khắc khổ, người ta sẽ thấy là tăng trưởng có thể quay trở lại
Châu Âu ». Tuy nhiên, ông không lạc quan khi « Chừng nào Châu Âu còn
miệt mài đi ngược và chống đối một chính sách chung, căng thẳng chỉ có leo
thang ». Tác giả bài báo cảnh tỉnh những người tưởng khủng hoảng đã lùi lại
phía sau rằng : « Mùa hè năm nay sẽ rất nóng ».
Tổng thống Putin ân xá cho chủ doanh nghiệp
phạm tội
Bị kết án với tội rửa tiền, trốn thuế hay
hoạt động phi pháp, hàng chục nghìn chủ doanh nghiệp Nga sắp được trả tự do nhờ
một điều khoản do Douma thông qua. Tạp chí cuối tuần Le Monde phản ánh sự kiện
này trong bài « Tổng thống Putin ân xá cho chủ doanh nghiệp phạm tội
».
Tờ báo hài hước mỉa mai rằng những gì tổng
thống muốn, các đại biểu quốc hội thực thi, và rất mau lẹ. Tại Diễn đàn kinh tế
quốc tế Saint-Petersbourg diễn ra ngày 21/06 vừa qua, tổng thống Vladimir
Poutine thể hiện sự ủng hộ của mình đối với dự án đặc xá cho các tội phạm kinh
tế. Mười một ngày sau, Douma thông qua một điều khoản cho phép trả tự do cho
hàng chục nghìn tội phạm kinh tế trong vòng sáu tháng tới. Tuy nhiên, chỉ những
người phạm tội lần đầu mới được hưởng đợt ân xá này. Vì thế, cựu tổng giám đốc
tập đoàn dầu khí Ioukos, Mikhaïl Khodorkovski, và người cộng tác Platon
Lebedev, sẽ vẫn ở lại bóc lịch trong tù. Ước chừng khoảng 13 500 phạm nhân được
hưởng chính sách khoan hồng này.
Kỉ niệm 100 năm nghỉ hè
Nhà nhân chủng học và xã hội học
Jean-Didier Urbain trả lời phỏng vấn tuần báo l’Express nhân kỉ niệm 100 năm
nghỉ hè ra đời. Ông công kích một số định kiến mà thế giới gán cho người Pháp.
Ông khẳng định người Pháp không lười lao động
và không có nhiều ngày nghỉ phép hơn những nước khác. Ông lấy ví dụ cán bộ cao
cấp của Đức cũng có 5 tuần nghỉ phép. Học sinh Bỉ có hai tháng hè. Học sinh
trung học Phần Lan có 15 tuần nghỉ trong năm, nhiều hơn học sinh Pháp một tuần.
Người Pháp làm việc 35 giờ/tuần, còn người Hà Lan chỉ làm 32 giờ.
Sở thích du lịch của người Pháp cũng thay
đổi theo thời gian. Trước đây, họ ưu tiên đi thăm gia đình họ hàng, đồng thời
cũng để chứng minh rằng mình có điều kiện để đi du lịch. Khi nền kinh tế phát
triển hơn, đi nghỉ trở thành cơ hội để họ tự khám phá bản thân và tạm xa dời xã
hội vô danh, đơn độc và thờ ơ.
Điểm đến ưa thích của người Pháp vẫn là
các khu vực bãi biển, được coi là « thành phố không vách ngăn ». Song trên thực
tế, chính tại bãi biển, người ta có thể phân biệt đẳng cấp nhờ các dấu hiệu về
nhãn mác đồ dùng, quần áo hay cách ăn uống.
Khoảng 3,5 triệu người Pháp chưa bao giờ
đi nghỉ. Ngoài yếu tố tài chính, ông nêu một số lý do khác như bận rộn công việc
(đối với người nông dân) hay cô đơn (đối với người già và người độc thân). Đây
là một đặc điểm riêng của người Pháp so với các nước Ăng-lô xắc-xông nơi chuyện
đi du lịch một mình, kể cả đối với phụ nữ, không có gì là kì lạ.
Ông
dự đoán, trong mười năm tới, sẽ có rất nhiều kiểu du lịch khác nhau và kiểu đi
nghỉ ngắn ngày sẽ nhiều hơn. Một số người về hưu có điều kiện sẽ đi du lịch nhiều
hơn và sang trọng hơn. Một số khác sẽ chọn phương án sống nửa năm tại Pháp, nửa
còn lại ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Bắc Phi vì chi phí và cuộc sống rẻ
hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét