Trận Điện Biên
Phủ Bài 3
Nguyên
tác của Henri Navarre
Trọng
Đạt dịch
Chỉ Đạo Cuộc Chiến
Trận ĐBP có thể được lãnh đạo khác hơn như
thế không?
Người ta phải tăng viện, như
đã làm, cho đồn lũy và kéo dài cuộc kháng cự gần như tuyệt vọng hay không? Hay
đúng hơn có thể phải di tản sớm hơn? Có thể giải cứu từ bên ngoài hay không? Có
nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Tăng
viện và kéo dài cầm cự
Béatrice và Gabrielle thất thủ ngày từ
ngày 15 tháng ba đã đưa tới khủng hoảng vô cùng trầm trọng. Trước hết là khủng
hoảng tinh thần vì cấp thừa hành nhận thức một cách phũ phàng về sức mạnh của
địch, mặc dù đã cảnh giác trước về nó từ ba tháng qua, trong chiều hướng mà cấp chỉ huy cũng đã
linh cảm trước nhưng không biết đúng sự thật. Xúc động mạnh về tâm lý tạo kinh
ngạc khiến nhiều người cảm thấy bất lực và nghi ngờ khả năng phòng thủ. Từ quá
tự tin bỗng mọi người chán nản bi quan.
Chiến thuật cũng bị khủng hoảng, sự sụp đổ
một phần lực lượng bố trí của ta, sự xiết chặt của địch, hỏa lực phòng không
ngăn chận và những trận pháo kích mà phi trường phải chịu đã báo cho người ta
thấy trước sự sụp đổ của đồn lũy nếu nó không được bên ngoài yểm trợ hoặc phải
tự giải cứu mình.
Vì tiềm lực không quân yếu, thời hạn cần
thiết để tập hợp mọi phương tiện để giải cứu dù bằng hình thức nào ít nhất cũng
mười lăm ngày. Mà rõ ràng là khả năng cầm cự của Điện Biên Phủ nếu không được
tăng viện thì không thể giữ được trong khoảng thời gian này.
Lại nữa tiên đoán những cuộc tấn công cấp
kỳ tiếp theo của địch, ta cần che phủ sự chán chường của quân trú phòng bằng
cách chống lại sự xúc động tâm lý. Những tiểu đoàn mới được đưa tới cho họ thấy
tình thế không phải là hết lối thoát và đồn lũy không bị bỏ rơi (1)
Mới đầu quyết định tăng viện cho ĐBP bằng
nhẩy dù tới giới hạn là ba tiều đoàn để khả dĩ cho phép đại tá de Castrie có
thể lấy lại các trung tâm phòng thủ đã mất nếu không thì ít ra cũng giữ được.
Sau khi thả dù ba tiểu đoàn đầu tiên,
những tổn thất (của ĐBP) cần gửi tăng viện liên tiếp. Để khỏi tiêu hao những
tiểu đoàn dù còn lại mà nó cẩn để mở hành quân giải cứu, những đợt tăng viện
mới đầu bằng những người riêng rẽ, trước hết có bằng nhẩy dù, rồi những người
tình nguyện chỉ được huấn luyện tối thiểu dưới đất. Số tình nguyện vượt quá xa
nhu cầu. Cần chưa tới 500 người để thả xuống, có 1,800 trình diện xin đi trong
đó 800 là người Pháp, 450 Lê Dương (2), 400 Bắc phi, và khoảng 150 người Việt.
Trong đó có người là thư ký, tùy phái, những người đủ điều kiện hồi hương ở lại
thêm.
Trong những ngày cuối cùng của trận đánh,
chiến dịch giải cứu không thực hiện được vì những lý do sẽ được nói tới sau,
một tiểu đoàn nhẩy dù cuối cùng đã được thả xuống mục đích để đồn lũy giữ thêm
mấy ngày (3)
Người ta vẫn thường hỏi tại sao có sự
nhiệt tình kéo dài kháng cự? Câu hỏi này chỉ được đặt ra- và nhất là đôi khi
được giới quân sự đặt - đo lường sự suy thoái tinh thần giới quân sự ở vài nơi.
Trong một quân đội có vài truyền thống tinh thần cao mà sự quên lãng tất nhiên
có nghĩa là sự kết thúc của quân đội ấy. Không đầu hàng mà không tận dụng tất
cả những phương tiện đã có trong chúng ta, đó là một trong những truyền thống
ấy. Những người lính bảo vệ ĐBP phải giữ nó bằng mọi giá.
Tôi đã chẳng vì danh dự của quân đội làm
nguyên do ra lệnh kéo dài chiến đấu, tôi sẵn sàng làm thế cho dù phải đau lòng
với quyết định này. Nhưng những lý do cụ thể đòi hỏi ta phải làm thế.
Trước hết chính phủ không loại trừ khả
năng, từ ngày khai mạc hội nghị Genève “một cuộc ngưng bắn ngay” do phía bên
kia (CS) đề nghị, do một cường quốc trung lập hay do chính chúng ta. Nó đã cứu
được doanh trại mà sự kháng cự đã là lá bài hàng đầu cho các nhà thương thuyết
phía ta. Vì sự đồng tình với Chính phủ mà trận đánh đã kéo dài tối đa trong
niềm hy vọng đó.
Một lý do khác là sự cần thiết làm chậm
lại chừng nào hay chừng nấy - và nếu có thể được cho tới những trận mưa rào mùa
xuân – khi mà Quân đoàn VM sau ĐBP được rảnh tay nó sẽ quay về Đồng bằng bắc
kỳ. Nhận định này do tướng Cogny, trong bức thư ngày 3 tháng năm còn xin tôi
tiếp tục cho “kháng cự tại chỗ cho tới khi cạn kiệt súng đạn, tiếp liệu .. duy
trì tối đa khả năng sẵn có” để mà “thực hiện sự kéo dài thời gian cầm chân Quân
đoàn VM” mà ông đánh giá “môt điều quan trọng hàng đầu để bảo vệ Châu thổ Bắc
kỳ”
Chú thích.
(1) Quyết định này đã được Đại tướng Ely,
TTM trưởng đánh điện tín chấp thuận (chú thích của tác giả)
(2) Lính Lê dương phần nhiều là người Đức
đi lính cho Pháp (chú thích của người dịch)
(3) Việc nhẩy dù xuống ĐBP, mà cho dù là
những người nhẩy có bằng hoặc những người tinh nguyện không được huấn luyện là
một hành động anh dũng mà không có gì đáng kính phục hơn. Có một ký giả vô ý
thức đã viết là “bệnh hoạn, nhợt nhạt” và coi đó là “những anh hùng thập cẩm
không có cách nào hơn là tự tử”. Mặc dù tôi đã cố gắng hết mình, nhưng không
xin được lệnh của Chính phủ - đáng tiếc thay nó cần thiết khi có bằng chứng về
báo chí- để truy tố người này ra trước Tòa án quân sự, tòa sẽ dựa vào một điều
khoản chính số 6 để buộc tội y. (chú thích của tác giả)
Di
tản
Đồn lũy ĐBP như đầu tiên được nhận định là
để ngăn chận đường đi Thượng Lào của Sư đoàn 316 tăng viện nghĩa là chống lại
một sư đoàn lớn nhưng nó không có vũ khí nặng.
Có lẽ ta có thể di tản đầu tháng 12
(1953), chúng ta đã nhận được những tin tình báo có thể có sự kéo đến toàn bộ
hay một phần của các Sư đoàn 308, 312 và Sư đoàn nặng (đại bác, cao xạ) 351. Sự
di tản đúng lý phải thực hiện trước ngày 10-12 vì sau ngày này Sư đoàn 316 đã
tới gần ĐBP, di tản sẽ không thể tránh thiệt hại nặng.
Thế mà ngày 10-12 (1953) tình báo chưa cho
biết khoảng hai sư đoàn tiến về hướng Tây bắc và đó không phải là toàn bộ lực
lượng ấy đi về phía ĐBP. Một phần có thể hướng qua Sầm Nứa về Cánh đồng Chum.
Sự đe dọa tại ĐBP vẫn chưa được thể hiện toàn bộ và những cái ta biết không thể
biện minh tí nào cho quyết định di tản.
Vả lại nếu rút bỏ ĐBP có nghĩa là từ chối
bảo vệ Thượng Lào, dù ta bỏ không đánh hoặc dù ta hoãn lại phòng thủ Luang
Prabang, Vạn Tượng, giải pháp mà tôi nói ở trên chắc chắn không có hiệu lực. Đó
chính là từ bỏ nhiệm vụ. Đó là cuộc bỏ chạy đáng xấu hổ, nó không xứng đáng với
uy tín của nước Pháp và sẽ kéo theo những hậu quả khôn lường. Sau cùng trong
mọi trường hợp từ hai tới ba tiểu đoàn và hầu như toàn bộ vũ trang sẽ bị mất.
Cuối tháng 12 (1953), áp lực tại ĐBP rất
nặng nề. Nhưng từ lúc này vì lý do chủ lực quân địch rất đông đảo đã bao vây
đồn lũy, không thể tính chuyện di tản bằng đường bộ hay đường hàng không. Vả
lại viện trợ của Tầu tăng mạnh, rất quan trọng đến độ không còn tính hàng loạt như
trước khi xẩy ra trận đánh và nhất là trong trận đánh. Mối nguy đưa tới không
thể biện minh, vào lúc này, để chúng ta bỏ vị trí chiến lược cần thiết và coi
như có cơ hội giữ nó để chấp nhận một cách chắc chắn những hậu quả tất yếu của
một cuộc rút lui: sự thê thảm của hậu quả chiến lược, chính trị, tinh thần, bỏ
lại tất cả vũ khí và thiệt hại lớn lao về nhân mạng (1)
Tuy nhiên tôi đã nghiên cứu việc ngẫu
nhiên này nhưng chỉ riêng khi nào
Tình hình đồn lũy trở nên rất nguy kịch. Ý
kiến của tướng Cogny rất rõ ràng. Ông viết thư cho tôi ngày 21-1(1954) “Tôi
khẩn khoản xin ông để giữ lại ý định bảo vệ căn cứ ĐBP bằng mọi giá”. Ông nhắc
lại với tôi chính quan điểm này trong một bức thư từ ngày 9-1, xin tôi đừng làm
tổn hại tinh thần của đồn lũy bằng dự tính rút bỏ nơi đây “mọi người đang phấn
khởi vì hy vọng cuộc phòng thủ thắng lớn”. Vài tuần trước cuộc tấn công, ông đã
đề nghị với tôi một kế dụ cho địch đánh (mà tôi không theo).
Tới 15 tháng ba, niềm tin hoàn toàn vào
lối thoát của cuộc chiến không những chỉ có tướng Cogny và Dechaux, hai người
chỉ đạo cuộc chiến, nhưng tất cả cấp thừa hành. Ngày 4-3, sau khi tôi quan sát
đồn lũy lần chót trước cuộc tấn công mà chúng tôi biết đã gần kề, tôi đã hỏi
nhiều cấp chỉ huy các đơn vị và thấy họ tin tưởng tuyệt đối. Trước khi đi, về
phần tướng Cogny và đại tá de Castrie, tôi hỏi họ cho biết cảm tưởng thật khách
quan. Đại tá de Castrie trả lời như sau “Sẽ rất cam go nhưng chúng tôi giữ được
nếu các ông có hai hay ba tiểu đoàn trừ bị để tăng viện cho chúng tôi (đã được
gửi). Về phấn tướng Cogny, ông nói “Chúng ta tới đây để buộc Việt Minh phải
giao chiến” (đó là quan điểm của ông hơn là của tôi) “Không nên làm cho địch bỏ
cuộc tấn công”. Nhiệm vụ kháng cự không lùi bước đã được giữ. Ngày nay tôi vẫn
còn cho rằng không có giải pháp nào khác hơn thế. Một khi đã giao chiến, rút
lui sẽ làm sụp đổ hoàn toàn doanh trại. Nó chỉ có thể tiên liệu chuẩn bị chiến
dịch lấy tên Albatros khi rất nguy kịch. Khi mà sự kéo dài phòng thủ không thể
thực hiện được nữa.
Tướng de Castrie đã tiên liệu để phân
thành ba nhóm độc lập, lần lượt các hướng Tây Nam , Nam và
Đông Nam . Những thương binh và vài đơn vị bảo vệ phải ớ tại chỗ theo lệnh
trực tiếp của ông. Đại tá Créveccoeur, tư lệnh các lực lượng tại Lào về phần
ông đã đưa tới gần ĐBP những đơn vị chính qui và phụ lực quân trên một mặt trận
rộng lớn để đón những đoàn quân có thể thoát ra khỏi đồn lũy. Người ta cũng tổ
chức cho những máy bay trinh sát hướng đẫn đường và tiếp tế bằng thả dù cho
những đoàn quân này.
Trong đêm 6 và 7 tháng năm, cảm thấy thua
trận, tướng de Castrie quyết định với sự đồng ý của tướng Cogny và tôi, thực
hiện rút chạy tối hôm sau nhưng cuộc tấn công liên tục của VM đã khiến khu
trung ương thất thủ từ xế trưa ngày 7.
Đồn Isabelle dự định rút đi lúc chập tối 7
và 8. Họ đụng phải quân phục kích của VM khắp mọi hướng và đã thất bại, chỉ còn
vài chục người sang được Thượng Lào.
Chú thích
(1) Tháng 4-1956, tướng Giáp trả lời phỏng
vấn chủ bút tờ Paris –Match, ông cho biết
quân Pháp không thể rút khỏi ĐBP qua khu rừng Thượng Lào được (chú thích
của tác giả).
Giải
vây
Muốn giải vây ĐBP, người ta có thể dự liệu
hoặc bằng không quân ồ ạt hay bộ binh.
Giải thoát bằng chiến dịch thuần túy không
quân có thể được nếu bằng những phương tiện lớn lao. Số lượng của không quân ta
còn lâu mới thực hiện được chiến dịch lớn như vậy. Chỉ có một lực lượng không
quân có thể thực hiện những hiệu quả cao hơn nhiều mới có thể đạt kết quả bằng
tấn công hoặc đường giao thông, hoặc pháo binh hay phòng không địch.
Vì thế một cuộc tấn công ồ ạt của không
quân Mỹ đã được dự tính trong một khoảng thời gian ngắn. Báo chí đã nhiều lần
ám chỉ đến nó tại Pháp và Mỹ. Tôi xin nói dưới đây về diễn tiến sự việc theo
tôi biết.
Những ngày đầu tháng tư, tôi biết lời đề
nghị của Hoa Thịnh Đốn mà tướng Ely đi công tác tại đó, do một sĩ quan gửi trực
tiếp cho tôi ngay rằng Ngũ giác đài nhận
định vì Trung cộng can thiệp trực tiếp nên Mỹ cũng có quyền làm thế, ông Foster
Dulles (ngoại trưởng), người tán thành sự can thiệp ngày 5 tháng tư đã tuyên bố
trong một cuộc điều trần nổi tiếng trước Ủy ban ngoại vụ Hạ viện Mỹ, ông cho
biết viện trợ Trung cộng có tính trực tiếp nhất là sự hiện diện của một số pháo
thủ phòng không người Tầu trong những dàn pháo quanh ĐBP (1)
Đại tướng Ely đã yêu cầu tôi phải cho ông
biết quan điểm gấp, tôi trình bầy ý kiến cần một cuộc tấn công ồ ạt của không
quân Mỹ, nếu thực hiện gấp, để cứu ĐBP. Theo tôi biết ông Tổng cao ủy và cả tôi
không hề nghĩ sự can thiệp của Mỹ trên đất VN có thể đưa tới nguy cơ mở rộng
cuộc chiến. Tại Triều tiên cũng như khi Bá linh bị phong tỏa, phía CS đã không
gây thế chiến mà lúc này họ không muốn.
Chính phủ Pháp cho tôi biết họ chia xẻ ý
kiến này và xin can thiệp. Nhưng hình như họ chỉ nói trên đầu môi chót lưỡi cho
có lệ chứ không tha thiết.
Kế hoạch yễm trợ không quân được thảo luận
tại Hà Nội, Sài gòn với các tướng lãnh không quân Mỹ thuộc Thái bình Dương, trong
khi đó, họ được lệnh tiếp xúc với tôi. Người ta có thể huy động khoảng 300
chiến đấu oanh tạc cơ từ hàng không mẫu hạm và 60 oanh tạc cơ hạng nặng từ Phi
Luật Tân. Vì lý do hệ thống radar hạ tầng cơ sở của chúng tôi thiếu thốn, không
thể nói đến yểm trợ sát ngay trên đồn lũy (ĐBP), trên các khẩu pháo hay cao xạ
địch nhưng tấn công các đường giao thông
nhất là căn cứ Tuần Giao là có thể được, theo ý kiến các tướng lãnh Mỹ có thể
hữu hiệu.
Lệnh thi hành không hề được ban ra.
Vấn đề được giải quyết công khai, phía tây
phương bao giờ cũng thế . Các nghị viên bị tác động tại Hoa Thịnh Đốn và Paris , họ đã tác
động lên các chính phủ. Báo chí phổ biến rộng rãi, điều đó dễ hiểu.
Sau thời gian dài do dự - chính vì kéo dài
khiến cuộc tấn công giảm hiệu lực nhiều- chính phủ Mỹ không muốn vào con đường
đã được các cố vấn quân sự cổ võ.
Bây giờ phải dấu diếm sự rút lui. Muốn vậy
người Mỹ tuyên bố rằng sự can thiệp của họ cần phải có những nước khác chấp
nhận cùng tham gia với Mỹ. Thật ra họ tìm một cớ ở phía người Anh mà không có
nước này không mặt trận liên minh nào ở
Á châu có thể thành. Người ta đòi hỏi sự đồng ý của họ - nếu không chỉ là tham
gia tượng trưng - và họ lấy cớ bị khước từ mà người ta biết chắc từ trước để từ
chối.
Sự tránh né của Anh – Mỹ đã gợi ra tại
Đông Dương phía người dân cũng như lính một sự xúc động sâu xa về tinh thần.
Chứng cớ rõ ràng là chúng ta chiến đấu đơn
độc. Nước Mỹ chỉ muốn nhận những nguy cơ giới hạn nhỏ và chỉ giúp tài chính. Vả
lại chính sách này tự thú nhận, bằng tính ngây thơ đáng mỉa mai, qua lời phó
tổng thống Nixon trong một bài diễn văn ngày 20-4 (1954) tại Cincinnati “mục
đích được định ra là Chính phủ chủ trương một chính sách không gửi lính Mỹ sang
chiến đấu ở Đông dương hay nơi nào khác”. Thật hết ý kiến! Còn về nước Anh, họ
không muốn tí nguy hiểm nào cả.. Đó là họ muốn chúng ta chiến đấu không công
bảo vệ quyền lợi cho họ tại Đông Nam Á.
Trước khi nghiên cứu khả năng mở cuộc giải
vây dưới đất, cũng ghi nhận một giải pháp đôi khi có thể coi là khả thi. Nó bao
gồm thả những tiểu đoàn dù bên ngoài đồn lũy (ĐBP) và họ sẽ tác chiến ngay sau
lưng Quân đoàn VM đang bao vây.
Giải pháp này - đã được nghiên cứu kỹ -
nhưng tuyệt đối không thực hiện được.
Mọi sự đều không thuận lợi: địa thế không cho phép những cuộc nhẩy dù lớn ở
khoảng cách thích ứng với đồn lũy và không đủ phương tiện vận chuyển không
quân, nó không cho phép ta thả những đơn vị trong những điều kiện thuận lợi.
Nếu chúng ta xử dụng vài tiểu đoàn dù cho mục đích này chắc chắn sẽ bị thiệt
hại, không có ích lợi gì .
Còn lại vấn đề giải cứu dưới đất. Việc
giải cứu ĐBP có thể được dự liệu hoặc từ Thượng Lào, hoặc từ Châu thổ BV.
Từ Lào, một chiến dịch được đặt tên là
Condor đã được sửa soạn từ 15 tháng 12-1953. Nó gồm đem lực lượng của ta từ
Thượng Nam Ou sang vùng Nga Na Son (cách phía nam ĐBP 25 km ) ở đó có những vùng nhẩy dù loại thường nhưng hữu dụng, bằng cho
nhẩy dù một lực lượng tăng cường quan trọng, rồi tiến tới ĐBP để phá vòng vây.
Chiến dịch thể hiện những trở ngại nghiêm trọng trước hết do thế dất khó khăn
giữa Nga Nam Sơn và ĐBP nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được.
Từ ngày 15 tháng ba điều lo âu chính của
tôi là tổ chức và thực hiện nó. Nhưng khả năng có thể thi hành được gặp trở
ngại vì thiếu tiềm lực không quân, nhất là lãnh vực vận tải. Thật vậy, nhịp độ
không ngờ của mặt trận, việc tái cung cấp cho đầy các kho tại đồn lũy sau cuộc
khủng hoảng ngày 13, 14 tháng ba đã cần những phương tiện hơn gấp đôi dự kiến
của tướng Cogny (200 tấn một ngày thay vì 96). Việc chuyên chở này đã xử dụng
tới hầu như toàn bộ phương tiện không quân. Chỉ tới đầu tháng tư, một khi việc
tiếp tế đồn lũy gần xong thì chiến dịch Condor mới được dự liệu.
Những kết quả mong đợi là nhiệm vụ các lực
lượng bộ binh sẽ tham chiến. Cần từ 15 tới 20 tiểu đoàn để kế hoạch được hữu
hiệu. Thế nhưng khả năng của không quân chỉ có thể chuyên chở tối ta 7 tiểu
đoàn để bảo toàn ĐBP. Những lực lượng chủ lực quân này không đủ để giải cứu
thực sự cho đồn lũy. Vả lại có thể là địch sẽ lấy bớt một ít đơn vị trong Quân
đoàn bao vây làm giảm bớt áp lực. Nó là ý kiến riêng của Cogny có chút định
kiến về về vấn đề.
Ngày 6 tháng tư, cần phải quyết định thực
hiện trong thời hạn khoảng mười ngày, một chiến dịch đưa bốn tiểu đoàn phát
xuất từ Thượng Nam Ou và ba tiểu đoàn nhẩy dù thả xuống sát ĐBP. Ngày 12 tháng
tư tướng Cogny vì nhu cầu tái lập tiếp tế đồn lũy một lần nữa, ông đòi xếp lại
kế hoạch. Ngày 15 tháng tư cùng lý do đó, ông lại yêu cầu chiến dịch được hoãn
lại, lại nữa thành lập trừ bị để có thể lấy đi khỏi Châu thổ Bắc kỳ, nới đây
khó xẩy ra trận đánh, ba tiểu đoàn dù cho chiến dịch.
Từ ngày 15 tháng tư, cường độ không vận
trên ĐBP thu hút nhiều phương tiện của ta đến nỗi những điều kiện mà chiến dịch
Condor đòi hỏi không thể thực hiện được.
Những đơn vị từ Thượng Lào tiến hành để
tạo cơ sở khởi động cho chiến dịch, nếu thực hiện được hay ít ra là một căn cứ
tiếp đón trong trường hợp họ có thể thoát ra được, nó coi như cái nền, chân của
chiến dịch trong trường hợp ĐBP thất thủ, để có thể đón nhận tàn quân từ mặt
trận nếu chiến dịch Albatros được tiến hành.
Một chiến dịch giải cứu từ Châu thổ BV chỉ
có thể được nếu chận đánh các đường giao thông địch vì ĐBP quá xa để tiên liệu
tấn công Quân đoàn bao vây.
Ngay sau khi xác định được di chuyển của
Quân đoàn VM tại Thượng du, tôi đã lệnh cho Cogny nghiên cứu và đệ trình với
phương tiện sẵn có, về những hoạt động tác chiến đến hậu phương địch mà ta có
thể phát dộng được.
Chận đánh đường giao thông (Lạng Sơn –Thái
nguyên – Yên Bái –Sơn la – Tuân Giao) có thể dự trù được vì giữa Thái Nguyên và
Yên bái, đường đi của nó có thể khiến việc tấn công Châu thổ BV trong tầm tay.
Nhưng kinh nghiệm có từ lâu chứng tỏ hệ
thống tiếp tế VM rất linh động và thay đổi nhanh, để được ngăn chận lâu dài,
không những cần đặt một “nút chận” trên tục giao thông nhưng ngăn cấm bằng một
ảnh hưởng bền chắc một vùng quan trọng quanh điểm chiếm đóng. Kế hoạch này đòi
hỏi nhiều lực lượng, vũ khí…
Vả lại nghiên cứu về những đường tiếp tế
mà VM đã chọn và khả năng đổi hướng khiến ta kết luận chỉ có nút giao thông
giữa Tuyên quang Yên bái
là những mục tiêu rất tốt. Còn nữa chỉ có
đường thứ hai ngăn chận được là thung lũng sông Hồng hà, nó đã được dùng và nối
lại Châu thổ BV bằng cầu không vận hoặc bằng đường bộ.
Giải pháp thứ nhất không thực hiện được vì
nó đòi hỏi phải lập tại vùng Yên Bái Tuyên quang một căn cứ không quân. Thế mà
trong vùng này không thể xây dựng được một căn cứ như vậy.
Còn về giải pháp đường bộ hoàn toàn, những
yêu cầu về phương tiện của tướng Cogny với những con số vượt quá xa khả năng ta
có thể cung cấp. Cho dù tiết giảm việc xử dụng – những việc có thể làm được khi
Quân đoàn VM tiến vào Thượng du – và ngay cả khi đòi hỏi Châu thổ tham gia
nhiều hơn mà tướng Cogny đã tiên liệu – cái có thể làm được, bằng sự tiết giảm
lực lượng – vấn đề còn lại là tìm được từ ba đến bốn nhóm lưu động.
Thế nhưng sự tấn công của VM tại miền
Trung và Hạ Lào cũng như Cao nguyên Trung phần (VN) để cầm chân quân đội chúng
tôi và ngăn cản không cho rút ra những lực lượng di động. Chúng tôi không có
sẵn lực lượng nào cả, ngay cả những đơn vị mới thành lập phải tham gia trận
chiến ngay.
Trong những ngày cuối tháng tư (1954),
tướng Cogny trình cho tôi một kế hoạch về Phủ Doãn sau khi mới nghiên cứu theo
chỉ thị của tôi. Mặc dù tiết giảm hơn các chiến dịch trước nhưng ta vẫn không
đủ phương tiện. Hơn nữa chiến dịch có khả năng không đáng tin cậy vì một phần
nó không ngăn chận thực sự giao thông địch, phần nữa, địch chống trả dữ dội.
Sau cùng cũng theo ý kiến Cogny, chỉ có thể cho kết quả trước 20 tháng tư. Thế
nhưng ta chỉ có ít hy vọng kéo dài cầm cự tại ĐBP cho tới ngày đó (thực ra đồn
lũy thất thủ ngày 7 tháng năm)
Dưới nhãn quan giới hạn của Tư lệnh Bắc
kỳ, tướng Cogny khẩn khoản xin tôi chấp nhận chiến dịch. Ông xin tôi cho trích
ra những lực lượng trên toàn Đông Dương
- trừ quân của ông. Những đạo quân trích ra này có thể đưa tới những
thảm trạng toàn diện mà là người chịu trách nhiệm toàn bộ, tôi không dám liều.
Vì vậy tôi từ chối không bị lôi cuốn vào
một dự tính ly kỳ và chịu tổn thất vô ích . Tôi không hối tiếc (2). Nếu tôi
chấp thuận thì ĐBP đã không được cứu mà ngày nay cũng sẽ chẳng có Lào, Miên, và
Việt Nam tự do (3).
Quan điểm khác biệt giữa tôi và Cogny chỉ
có lần này về chỉ đạo trận chiến ĐBP và tôi đã có ám chỉ trước đây
Chú thích.
(1)
Lý luận của ông Foster Dulles rất đúng với sự thật như dưới đây.
1- Một tướng Tầu đóng tại đại bản doanh VM
quanh ĐBP.
2- Dưới quyền ông ta có khoảng 20 cố vấn
kỹ thuật quân sự Tầu ở đại bản doanh. Nhiều cố vấn khác ở cấp sư đoàn.
3- Những đường giây điện thoại đặc biệt
được nhân viên Tầu thiết lập và và xử dụng. Nhân viên tổng đài toàn là người
Tấu.
4- Rất nhiều đại bác 37 ly phòng không
xung quanh ĐBP, pháo thủ những khẩu cao xạ này là người Tầu.
5- Để phục vụ mặt trận, khoảng 1,000 xe
tiếp tế mà khoảng một nửa đã tới từ 1
tháng ba, những xe cam nhông này do tài xế Tầu lái.
6- Tất cả những viện trợ cộng thêm vào
pháo binh, đạn dược và đoàn kỹ thuật do Trung cộng cấp
Chỉ riêng sự hiện diện của những pháo thủ
Tầu xử dụng cao xạ phòng không hiển nhiên cho thấy sự can thiệp trực tiếp của
Trung cộng. Còn lại chỉ là viện trợ giống như chúng ta nhận của Mỹ. Nhưng sự
hiện diện rõ ràng thừa sức biện minh cho sự can thiệp của Mỹ. (chú thích của
tác giả).
(2) Tháng
tư năm 1956, trả lời phỏng vấn của chủ bút báo Paris-Match tướng Giáp
nói nếu Pháp mở cuộc tấn công từ Châu thổ BV với lực lượng đã có sẽ không có
một tí hy vọng thành công. Ông ta ám chỉ sự thất bại như chiến dịch Lorraine năm
trước. (chú thích của tác giả).
(3) Tức QGVN hay VNCH (chú thích của người
dịch)
Nguyên Do Thất Thủ Điện Biên Phủ
Một điều rõ ràng là những sự thiếu sót và
sai lầm có thể lấy ra từ quan niệm và việc tổ chức phòng thủ cũng như lãnh đạo
cuộc chiến.
Sự phân tán doanh trại trong đồn lũy giữa
các trung tâm phòng thủ phía ngoài và vị trí trung ương có lẽ cần thảo luận
lại.
Một số đơn vị tác chiến xoàng (nhất là
những tiểu đoàn Thái) đáng lý phải được thay thế trước khi xẩy ra trận đánh
bằng những đơn vị thiện chiến hơn lấy từ Châu thổ BV.
Chắc chắn có sự lạm dụng những cuộc phòng
thủ phụ, nó tạo sự phân chia bên trong vị trí chúng tôi đã gây trở ngại cho
cuộc phản công.
Một số tổ chức tại địa thế không được bảo
vệ đầy đủ và không chống lại được đạn đại bác và súng cối hạng nặng.
Việc xử dụng những quân trừ bị cần bàn
lại.
Kế hoạch chống phòng không địch không đủ
do ở nhiều chuyên viên quá lạc quan đã khiến cho địch biết quan niệm của mình,
họ đánh giá thấp khả năng đối phương.
Trong một số lãnh vực, cấp chỉ huy tại Hà
Nội không có hành động đủ mạnh trên đồn lũy (ĐBP)
Sau cùng sự phối hợp những hoạt động bộ binh và không quân được cấp tham
mưu Hà Nội bảo đảm vào hạng xoàng, nó không tồn tại đủ trong trận đánh.
Những thiếu sót và sai lầm này không thể
qui trách nhiệm cho cấp chỉ huy đồn lũy và cho bộ chỉ huy không quân nhưng nhất
là Lục quân Bắc Việt, chịu trách nhiệm chuẩn bị và điều khiên trận chiến. Tôi,
với tư cách Tư lệnh chịu trách nhiệm tổng quát toàn bộ.
Dù tầm quan trọng thế nào, nó không thể vượt
quá mức độ chưa hoàn chỉnh không thể tránh được trong toàn bộ cuộc chiến và
trong bất cứ trường hợp nào chỉ có một ảnh hưởng nhỏ tới kết quả trận đánh.
Những nguyên nhân sâu xa về sự sụp đổ của
ĐBP ở chỗ khác.
Trước hết chúng ta thiếu phương tiện (1).
Lực lượng bộ binh ta quá yếu. Chúng ta thiếu từ 6 tới 8 nhóm (groupe) mà chỉ có
nó mới giải cứu được hữu hiệu. Chúng ta đã trả giá cái mà trước đây chúng ta đã
để Quân đoàn VM lấy trong quá khứ (2).
Về mặt phẩm cũng không đủ để bù vào sự yếu
kém về lượng. Các đơn vị của chúng ta chiến đấu với cấp chỉ huy yếu kém. Đa số
sĩ quan và hạ sĩ quan không đủ kinh nghiệm chiến trường. Họ được huấn luyện
xoàng. Tỷ lệ yếu kém phía VN (đi lính cho Pháp) lại càng cao hơn ngay cả trong
những đơn vị thiện chiến. Sự yếu kém về
mặt phẩm quân đội chúng tôi – nhất là bộ binh – đã được thể hiện rõ trong suốt
trận đánh. Ở đó ta cũng trả giá những sai lầm chồng chất trong quá khứ mà chính
là chỉ muốn đánh trận chiến rẻ tiền.
Những phương tiện không quân Pháp còn
thiếu hơn nữa nguyên do những yêu cầu tăng viện của tôi không được thỏa mãn
hoặc gửi tới quá trễ. Nếu tăng viện đã được gửi tới kịp thời sẽ khiến ta tham
chiến trong những điều kiện thuận lợi hơn vì địch đã thiết lập và trang bị xử
dụng những phương tiện nếu nó không chận đứng ta thì cũng kiềm chế ta rất
nhiều. Cung cấp vào giờ phút cuối trong những điều kiện ngẫu nhiên và rối loạn
không thể tả được thì chẳng làm gì được. Vả lại một khi viện trợ Trung cộng
tăng ồ ạt là lúc ta cần một lực lượng không quân có khả năng mạnh hơn mười lần.
Chỉ có người Mỹ là có thể cung cấp cho chúng tôi nhưng như đã thấy, ta đã xin
họ nhưng chỉ là vô ích. Khối lượng viện trợ lớn đột ngột gia tăng ồ ạt là
nguyên nhân khiến ĐBP sụp đổ. Đó là vì đứng trước một hình thức chiến tranh
hoàn toàn mới tại Đông Dương mà ta được đưa vào, nó là bất ngờ đối với Pháp.
Sự xuất hiện thình lình một hỏa lực tàn
phá của pháo binh và súng cối hạng nặng đã khiến cho quân trú phòng hoảng sợ,
họ chưa chuẩn bị tinh thần. Ngay cả năm 1940 những đơn vị ta bị không quân Đức
tấn công phải nằm bất động dưới đất, những người lính chiến tại ĐBP đôi khi
tinh thần còn xuống thấp hơn thế. Phản ứng của họ nhanh nhưng quá chậm để ngăn
ngừa sụp đổ hay cho phép lấy lại những điểm chính của trận địa đã lọt vào tay
địch, nó đã ảnh hưởng tai hại ngay tới trận đánh.
Máy bay trinh sát bị phòng không địch ngăn
cản khiến pháo binh ta không được chỉ điểm, báo cáo trở nên bối rối khi bị địch
pháo mà không chuẩn bị được, pháo binh ta bị bất lực khi đó nó không còn là ưu
thế của ta trên chiến trường Đông dương như trước nữa.
Sự ngạc nhiên cũng đến với Không quân bỗng
nhiên đứng trước màng lưới phòng không dầy đặc không ngờ của địch và bị buộc
phải giải quyết ngay những vấn đề mới như thả dù ở độ cao và bảo vệ những cuộc
thả dù. Cần phải có thời gian để thích ứng về tinh thần vật chất. Vì đã yếu do
thiếu phương tiện nên hiệu quả còn giảm
Có sự bất ngờ tại ĐBP, nhưng sự bất ngờ này
hoàn toàn không do lỗi ở sở tình báo quân sự Đông dương. Họ hoạt động đúng,
trong khả năng hữu hạn của họ. Nhưng khả năng của họ chỉ có giới hạn: gần như
hoàn toàn mù tịt về những chuyện bên Trung cộng và những tin từ những cơ quan
khác, nhất là họ không biết gì – trừ khi ngay lúc này – những ý định của bộ chỉ
huy VM.
Những điểm mơ hồ vừa nêu trên cũng chỉ là
bình thường, nếu bù lại bên địch cũng mơ hồ như ta. Nhưng tiếc thay sự thật
không như vậy, vì những tin tức do báo chí cho họ biết hay rò rỉ ồ ạt như thác Niagara có tầm vóc chính phủ
Pháp.
Mặc dù vậy chúng tôi cũng luôn có những
tin tức gần chính xác về địch, về hiện
tại và những chuyện sẽ sẩy tới trong thời hạn vài tuần, những cái chúng tôi
không thể biết đó là những việc họ dự định trong thời hạn xa xôi.
Trong những điều kiện ấy, sự tiến hành ĐBP
đã được nhận định như qui luật trong trường hợp ấy, theo qui cách “kẻ dịch
tương lai” mà sức mạnh của họ được ước tính bằng cho tăng lên trong chiều hướng
hợp lý cái mà ta biết về “kẻ địch bây giờ”, nghĩa là Việt Minh tháng 11-1953.
Khi người ta xây cái cầu 10 tấn, người ta sẽ dự liệu một giới hạn an toàn lên
tới 15 hoặc ngay cả 20 tấn nhưng không thể lên tới 100 hay 150 tấn. Đó là cách
chúng tôi đã làm. Nếu sức mạnh của địch chỉ nhân lên 2 hay 3, chúng tôi chịu
được sự tấn công của địch, vì chúng tôi đã bố trí xong. Nhưng nó lại là một hệ
số nhân quá lớn trong nhiều lãnh vực: Khả năng vận tải và sửa chữa đường giao
thông, hỏa lực pháo binh và phòng không.
Chính vì cái lãnh vực cuối cùng mà yếu tố
bất ngờ rất lớn. Chúng tôi biết rõ VM có pháo binh và phòng không. Chúng tôi
biết tầm quan trọng của nó vá cách họ bố trí đạn dược. Chúng tôi đã tiên đoán
số khấu pháo và kho đạn sẽ tăng lên, nhưng chúng tôi đã định giới hạn cho khả
năng gia tăng này. Đó là trong trường hợp giới hạn này dã bị vượt quá xa mà sự
bất ngờ nằm trong đó.
Người ta nói “Chỉ huy là tiên liệu”. Dĩ
nhiên là thế, nhưng nếu một cấp chỉ huy chỉ tiên đoán cái quá tệ sẽ khiến mình
không dám làm gì cả.
Nếu tình trạng quá tệ sẩy đến, nếu sự tiên đoán của chúng tôi bị đảo lộn
đó là vì Chính phủ đã không theo ý kiến của Tư lệnh (tức Navarre ),
dấn thân vào hấp lực tàn nhẫn của Hội nghị Genève. Quyết định thiếu suy nghĩ để
tham dự Hội nghị vào lúc ta đang dự cuộc chơi mà không thể bỏ được, quyết định đã
hoàn toàn thay đổi dữ liệu của vấn đề. (3)
Cấp lãnh đạo VM năm trước không muốn gây
thiệt hại cho Quân đoàn của họ dù là ở trong trận đánh kéo dài tại Nasan, hoặc
trong cuộc tấn công Cánh đồng Chum. Không có Hội nghị Genève họ sẽ không liều
tự hủy hoại lực lượng lớn của họ mà không chắc gì đã thắng. Không bao giờ họ
chấp nhận tự đưa mình vào một hoàn cảnh tồi tệ như vậy để theo đuổi cuộc chiến.
Họ cũng sẽ không bao giờ được Trung cộng viện trợ ồ ạt mà cường quốc này đã từ
chối cho tới lúc đó vì sợ bị lôi cuốn vào cuộc đại chiến.
Chính Hội nghị Genève đã cho VM một cơ hội
hòa bình nhanh và thắng lợi, đã nâng cao tinh thần họ đến độ chơi liều hết mình
để bảo đảm một thắng lợi huy hoàng của cơ hội bất ngờ.
Chính Hội nghị Genève đã khiến Trung cộng
cho VM một khối viện trợ lớn lao để lấy ưu thế trên bàn hội nghị, từ nay không
còn hiểm nguy nữa, nó là nguyên nhân mà những phương tiện vật chất của chúng
tôi bỗng nhiên đứng trước một vị trí quyết định vì bị thua xa địch.
Ngày mà Hội nghị Genève được quyết định tổ
chức thì số phận của ĐBP đã được xác định rõ.
Chú thích
(1) Gồm lực lượng, hỏa lực (chú thích của
người dịch)
(2) Ý nói trước đây VM đã thành lập nhiều
sư đoàn mà Chính phủ Pháp không cho tăng viện thêm lực lượng tại Đông dương để
cân bằng. (chú thích của người dịch)
(3) Ý nói Chính phủ Pháp quyết định tham
dự Hội nghị Genève khi trận đánh đang diễn ra đã khiến cho ĐBP bị ảnh hưởng tai
hại (chú thích của người dịch)
Những Hậu Quả Của Trận Điện Biên Phủ
Suốt năm mươi sáu ngày chiến đấu kịch
liệt, quân trú phòng bộ binh tại ĐBP đã cho thế giới biết tinh thần quả cảm của
những người lính tại các trận Camerone, Sidi-Braham và Verdun luôn luôn là
của chúng ta. Suốt năm mươi sáu ngày, những chiến sĩ tầu bay – thuộc Không quân
và Hải quân – đã phấn đấu tới cùng ngày đêm, trong thời tiết xấu, qua màng lưới
hỏa lực phòng không dầy đặc nguy hiểm chết người ghê gớm. Họ cũng anh dũng
không kém gì binh chủng bạn Lục quân.
Đối với tất cả những người chiến sĩ ấy,
báo chí Pháp và ngoại quốc đã tỏ lòng kính mến không tiếc lời, một tờ báo viết “Một
đạo quân khác dưới quyền các cấp chỉ huy khác đã đầu hàng từ lâu rồi”. Cũng có
một tờ khác viết “Trong quân sử chưa hề có một cuộc vây hãm được cầm cự ngoài
đất trống bởi một lực lượng yếu hơn và không có hy vọng được giải cứu, quả là
một chiến tích kỳ diệu”. Tờ New York Times tuyên bố “Đó là trận chiến đấu tới
hơi thở cuối cùng theo truyền thống anh hùng của nước Pháp. Đó là trận chiến mà
con người đã chứng tỏ lòng can đảm thuần túy và nó đã làm sống lại niềm tin
chúng ta không những ở nước Pháp nhưng ở tinh thần bất khuất của con người”
Một trang sử mới vinh quang vừa được viết
trong lịch sử quân đội chúng ta . Nó đã có một thời gian ngắn làm sống lại
trong quần chúng Pháp tinh thần quốc gia đã bị cùn nhụt từ lâu. Một chính phủ
xứng đáng với danh nghĩa có thể khai thác sự bộc phát này
Những người lính chiến tại ĐBP không phải
chỉ cứu được danh dự.
Họ đã giữ cho Lào không bị địch chiếm. Họ
đã làm đổi hướng phần lớn lực lượng di động của địch khỏi Châu thổ BV cũng như
tại Trung và Nam Đông dương. Họ đã ngăn VM giành thắng lợi lớn trên một điểm sinh tử
hơn ĐBP mà họ đang cần cho Hội nghị Genève. Hơn nữa họ đã gây cho đich tổn thất
nặng đến nỗi không thể mở chiến dịch mới trong nhiều tháng.
Đồn lũy đã làm tròn nhiệm vụ. Nó được ghi
vào truyền thống những thành lũy ngăn chận lớn mà vai trò vinh quang của mọi
thời đại là ngăn chận địch về một hướng chính và bằng những bức tường của nó đã
chận đứng một Quân đoàn bao vây có lực lượng đông hơn.
Lịch sử đã có nhiều thành lũy mạnh bị sụp
đổ.
Mayence, năm 1793, được 22,000 người bảo
vệ (Pháp) dưới quyền tướng Kléber, thất thủ sau khi đã chận đứng 45,000 liên
quân Áo-Phổ trong bốn tháng.
Plevna, năm 1877 do 35,000 quân Thổ bảo vệ
đã phải đầu hàng quân Nga sau năm tháng trấn giữ, đã khiến Nga mất 44,000
người.
Sự thất thủ, “nhiệm vụ hoàn thành”, chỉ kể
tới những đồn lũy này, mà không có nơi nào trong số này bị coi như thảm bại
nhưng đã ngăn chận được cuộc chiến.
Nhưng chiến tranh Đông Dương không như
những cuộc chiên khác, cuộc chiến mà đát nước (Pháp) không bao giờ hiểu quyền
lợi quốc gia, đã mễt mỏi mà nó đã khiến người ta cho rằng nó chẳng còn ý nghĩa
gì. Đó là cuộc chiến mà đa số các nhà chính trị gia chỉ tìm cớ để kết thúc.
Vì thế những hậu quả của việc thất thủ
ĐBP có vẻ như có thể quan trọng hơn
nhiều cái mà tôi đã biện bạch, về quan điểm quân sự cái thất bại mà chúng ta
vừa chịu.
(Dịch từ trang 235 tới 258 trong Agonie de
l’indochine, các mục La Conduite De La Bataille, Les Causes De La Chute De Dien
Bien Phu, Les Conséquences De Dien Bien Phu)
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét