Báo động về một cuộc thi thơ giết thơ
Nguyễn Quang Lập: Chủ nhật bọ định nghỉ ngơi vui vẻ thì đại ca Trần Mạnh Hảo
gọi điện đến, nói chú mày post bài của anh lên để bà con bàn luận cho vui. Hỏi
bài gì, anh nói bài về cuộc thi thơ VNQĐ. Nói thật từ lâu lắm rồi bọ không còn
quan tâm đến các loại giải thưởng nữa,
được cũng chả vui, trật cũng chả buồn.
Cái sự dửng dưng này không chỉ riêng bọ, có thể nói là số lớn những người làm
văn học nghệ thuật. Một khi người ta đặt tiêu chí đúng lên trên tiêu chí hay,
tiêu chí thân quen lên trên tiêu chí sòng phẳng, tiêu chí phân phối giải lên
trên tiêu chí công bằng ở mọi cuộc thi văn nghệ thì bọ biết thân phận mình lẳng
lặng rút lui. Tưởng bác Trần Mạnh Hảo cũng đã yên phận thủ thường rồi, ai dè
bác vẫn còn máu he he.
Bọ post bài ni lên, bà con cùng bàn luận với bác Hảo nhé.
Đây là ý kiến bác TMH chứ không phải ý kiến của bọ, kính thưa các đồng chí
VNQĐ.
Cuộc thi thơ văn của tạp chí Văn Nghệ Quân đội hai năm
2008-2009 vừa được báo chí loan tải (7-01-2010) đã kết thúc và thành công rực rỡ.
Thậm chí có trang
web www.lethieunhon.com còn tung hô hai nhà thơ được giải A về thơ là Nguyễn
Linh khiếu và Nguyễn Thanh Mừng là “hai trạng nguyên thơ” (!)
Công bằng mà xét, quả là cuộc thi thơ này đã “thành công
rực rỡ” với bài thơ hay “Thời đất nước gian lao” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
(giải B) và chùm thơ hay ba bài của nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (giải C): “Trời
đói chim”,”Mùa thu ảo”, “Sóng”…
Có lẽ, ban chấm giải cuộc thi thơ văn lẫy lừng này cân nhắc
khá kỹ lưỡng nên giải truyện ngắn không có trạng nguyên, chỉ có bảng nhỡn, cử
nhơn, tú tài mà thôi. Riêng giải thơ đã phát hiện được hai tài năng là hai trạng
nguyên : Nguyễn Linh Khiếu với hai bài viết về bội đội và chiến tranh cách mạng
: “Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ”, “Hoa mộc miên” và Nguyễn
Thanh Mừng với bài thơ văn xuôi khá dài viết về các chiến sĩ hải quân hi sinh
ngoài biển đảo: “Hào phóng thềm lục địa”. Chúng tôi xin mạn phép bàn về ba bài
thơ của hai trạng nguyên thơ này.
Chúng tôi đã đọc đi, đọc lại ba bài thơ “giải A” trạng
nguyên này đến hơn mười lần mà vẫn cứ thấy 32 câu thơ của Nguyễn Linh Khiếu và
108 câu thơ của Nguyễn Thanh Mừng không thể gọi là thơ, trừ hai câu này của
Nguyễn Linh Khiếu còn tạm gọi là thơ: “người xa nhà rượu ngô như lửa đêm
đông/thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã” (Hoa mộc miên biên giới)
Tin liên quan:
Nhiều lần trong các bài phê bình thơ, chúng tôi đã viết:
trong thơ có nói nhưng chỉ là những câu nói suông thôi thì không thể gọi là
thơ. Ba bài thơ của hai tác giả trạng nguyên thơ trên chỉ là những câu nói tầm
thường, bình thường được xuống dòng liên tù tì thì sao có thể gọi là thơ?
Chúng tôi xin trích bài “Những thiếu nữ ngoại quốc đứng
khóc ở Sơn Mỹ” của Nguyễn Linh Khiếu:
Đây là khổ thơ thứ nhất, không thấy câu nào gọi là thơ:
“một sớm mai miền Trung thanh bình/cây cối tốt tươi đang mùa đơm hoa kết
trái/tôi thấy những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ/ nước mắt ròng ròng
tội nghiệp họ níu ríu ôm nhau”
Đây là khổ thứ hai cũng chẳng tìm thấy câu nào là câu thơ
: “những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chứng tích Sơn Mỹ/những da trắng da
vàng da đen da đỏ/họ đến từ đâu trên trái đất này/có ai người Mỹ người Pháp người
Nhật người Tàu và người Hàn quốc/chiến tranh để lại đất này biết bao chứng tích
đau thương”
Đây là khổ thứ ba của bài thơ cũng chẳng tìm thấy một câu
thơ nào, toàn là những lời nói tầm thường : nói toẹt ra: “buổi sáng một giải miền
Trung nắng gió thanh bình/những thiếu nữ ngoại quốc ôm nhau thảm thiết/nơi đây
một buổi sáng lính Mỹ đã tàn sát 504 người dân vô tội/xác của họ vẫn nằm rải
rác quanh đây/hồn của họ vẫn xếp hàng quanh chứng tích/mắt của những người bị
giết vẫn nhìn ta im lìm”
Đây là khổ thứ tư (khổ cuối cùng) của bài thơ, cũng chẳng
tìm thấy một câu thơ: ”những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở chiến tích Sơn Mỹ/có
ai là người Mỹ người Pháp người Nhật người Tàu và người Hàn Quốc/ còn khóc được
là còn trong sạch/nước mắt có ngăn được tội ác/nước mắt có xoa dịu chứng tích
đau thương”
Cái gọi là “bài thơ” trên của Nguyễn Linh Khiếu không có
tứ, không có hình tượng, hình ảnh tượng trưng nào, không có nghĩa bóng ( nghĩa ẩn-
đa ngữ nghĩa) chỉ có những câu nói chăm xuống dòng, sao có thể gọi là thơ ? Hay
là vì chúng tôi người trần mắt thịt, không có “long nhãn” như các vị trong ban
chấm giải nên không thấy cái hay tuyệt vời của bài tấu được gọi nhầm là thơ
trên đây ?
Xin quý vị cùng chúng tôi xét tiếp bài thơ được giải A thứ
hai của Nguyễn Linh Khiếu: “Hoa mộc miên biên giới”. “Bài thơ” này Nguyễn Linh
Khiếu lấy tứ (đạo thơ) của các bài thơ: ”Hai sắc hoa ti gôn" (TTKH), “Máu
và hoa” (Tố Hữu), “Thời hoa đỏ” (Thanh Tùng), “Mồ anh hoa nở” (Thanh Hải)…làm tứ
thơ của mình. Chủ đề máu nở thành thành hoa đã thành quá sức sáo mòn trong thơ
kim cổ; nay Nguyễn Linh Khiếu lặp lại rằng anh đến biên giới gặp các chiến sĩ
biên phòng, thấy hoa mộc miên đỏ rực và phát hiên ra: máu của các chiến sĩ biên
phòng từ nghìn năm nay đã nở thành hoa! Nhưng nếu sự lặp lại hình tượng trong
thơ của những nhà thơ khác nơi Nguyễn Linh Khiếu được viết bằng xúc cảm, làm mới
lại bằng hình ảnh …thì nó đã đi một nhẽ. Đằng này, với lối viết “nói toẹt ra”,
Nguyễn Linh Khiếu đã “có công” đóng góp vào kho tàng thơ dở một bài thơ quá dở.
Cái gọi là “bài thơ” này của Nguyễn Linh Khiếu còn quá tệ ở chỗ ngôn từ của anh
quá cũ, quá sáo mòn (sáo cũ), nghe rất “cải lương”: “rực đỏ tâm can”,”một trời
biên viễn”,”ròng rã ngàn năm”,”ngàn năm tê tái”… Chúng tôi không muốn làm khổ bạn
đọc bằng cách trích lại những câu nói tầm thường năng xuống dòng này trong “Hoa
mộc miên biên giới” được mạo nhận là thơ(!)
Xin quý bạn đọc cùng chúng tôi xét tiếp “bài thơ” giải A:
”Hào phóng thềm lục địa” của một “trạng nguyên thơ” khác là nhà thơ Nguyễn
Thanh Mừng, chủ tịch hội văn nghệ tỉnh Bình Định. Nguyễn Thanh Mừng đã từng có
thơ hay. Chúng tôi từng có bài khen ngợi một tập thơ của Nguyễn Thanh Mừng cách
đây khá lâu. Nay Nguyễn Thanh Mừng bỏ giọng thơ chân mộc vốn có là sở trường của
mình để thử bút qua loài thơ sở đoản là thơ chính luận, thơ lý sự, thơ làm dáng
cách tân, làm dáng uyên bác. Xin trích mười “câu thơ hiện đại”- theo trường
phái “nói toẹt ra-phi hàm xúc” trong bài “ Hào phóng thềm lục địa” của Nguyễn
Thanh Mừng để quý bạn đọc xét xem nó có phải là thơ hay không:
“Chúng tôi đã lùa rất nhiều hình ảnh sang trọng của đại
dương trút vào vần điệu xôm trò của những bữa tiệc thơ/Nào yến sào ngọc trai
nào đồi mồi san hô nào cánh buồm tung mây ra khơi vào lộng/ Tuy nhiên hoa thả
xuống nghĩa trang trong lòng biển Đông/Và câu chữ dâng lên linh hồn các anh-những
người lính biệt tăm giữa sóng cao gió rộng/Dường như hãy còn quá mỏng/Dù điều ấy,có
thể các anh không quan trọng/ Giữa trập trùng tình thế nguy nan các anh vật lộn
cùng bão tố đại dương/ Sau dòng điện nghẹn ngào về bộ chỉ huy gửi lời chào vĩnh
biệt/Chúng tôi vẫn trùm chăn đọc sách/Chúng tôi vẫn mở vi tính làm thơ…”
Nguyễn Thanh Mừng cứ kể lể dông dài vớ vẩn như thế suốt
108 lần xuống dòng, với một giọng điệu giả cầy cách tân, làm dáng hiện đại, uốn
éo, cầu kỳ, ngô nghê, sáo mới… một cách rất khó chịu, tịnh chẳng thấy câu nào
có thể gọi là câu thơ?
Chúng tôi chẳng đặng đừng mà viết bài báo nhỏ này để hỏi
ban chấm giải thơ cuộc thi thơ hai năm (2008-2009) của tạp chí Văn Nghệ quân đội
rằng, các vị mở cuộc thi này nhằm thi thơ hay hay là thi thơ dở? Nếu là mục
đích cuộc thi chọn lấy thơ hay làm giải nhất (giải A) thì cuộc thi thơ này đã
thất bại hoàn toàn. Còn nếu mục đích của cuộc thi này nhằm chọn lấy thơ dở, tôn
vinh thơ dở thì quý vị đã thành công mỹ mãn...
Sài Gòn ngày 10-01-2010
T.M.H.
Nguyễn Việt Chiến - Thời đất nước gian lao
Chúng đã ngủ cả rồi
những con hươu bị bóng đêm săn đuổi
chúng đang gác cặp sừng lên vầng trăng cuối tháng
rồi nằm mơ về một cánh rừng
không có thuốc đạn và súng săn
Họ đã ngủ cả rồi
những người lính bị chiến tranh săn đuổi
họ nằm mơ gặp lại bầy hươu
gác sừng lên người bạn vô danh
trên cánh rừng đã chết
Chỉ còn lại vầng trăng và giấc ngủ
chỉ còn lại dấu vết cuối cùng của bầy hươu bị săn đuổi
chỉ còn lại câu thơ thầm lặng
về những người đã ra đi
Chỉ còn lại những gì không còn lại
bởi người đau đớn nhất sau chiến tranh
không ai khác ngoài mẹ của chúng ta
những đứa con không trở về
hoà bình dưới mưa phùn
được đắp bằng cỏ non và nước mắt
* * *
Đêm đêm
những người con ngỡ đã đi thật xa
đang lặng lẽ trở về
họ lẫn vào gió vào sương đêm
không cần an ủi
họ chẳng ồn ào như lời ca sôi sục ngày ra đi
Họ còn nguyên tuổi trẻ
những người lính chưa tiêu phí một xu mơ ước
chưa tiêu hoài một đồng thanh xuân
Họ trở về tìm lại
trang sách học trò đêm đêm còn thao thức
trên cánh đồng tiếng Việt ngàn năm
Mẹ lại thấy chúng con về
như cánh cò tuổi thơ lưu lạc
đã bao ngày phải xa rời thôn ổ yêu thương
chúng con trở về tìm lại
giọt nước mắt xót xa và đắng cay của mẹ
Một bên là núi sông ngăn cách
còn bên kia là bóng đêm chiến tranh
vẫn biết đạn bom không có mắt
vẫn biết hận thù không thể phân biệt nổi
đâu là hoa sen và đâu là bùn tối
nhưng các anh vẫn phải ra đi
Các anh phải ra đi
lời ru chùa Tây Phương
những La Hán mặt buồn
người thợ mộc xứ Đoài
lấy thân xác hom hem của mình làm mẫu vẽ
ba mươi sáu dẻo xường sườn
réo rắt tấu lên bản đàn tam thập lục
người gẩy đàn thì đau đớn
mà bản nhạc viết cho đàn lại reo vui
* * *
Mẹ đã sống dưới mưa phùn ảm đạm
những ngày dài nghèo đói quắt quay
Mẹ thiếu sữa sinh đứa con thiếu tháng
Tổ quốc xanh xaoTổ quốc hao gầy
Mẹ có mặt trong dòng người nhẫn nại
lặng lẽ xếp hàng từ mờ sớm tới đêm hôm
Mẹ lần hồi thời cơm tem gạo phiếu
nuôi lớn những người con
rồi gửi tới chiến trường
Mẹ đã khóc lúc rời ga Hàng Cỏ
những đoàn tầu hun hút tuổi hai mươi
một thế hệ hồn nhiên không biết chết
chưa từng yêu khi gục ngã cuối trời
Mẹ ở lại với sông Hồng tần tảo
áo phù sa lam lũ tháng ngày
câu quan họ cất trong bồ thóc cũ
sông Cầu trôi như một tiếng thở dài…
* * *
Tàu xuyên đêm
tiếng gió xé bánh xe lăn quần quật
đêm nay họ trở lại một thời gian lao
đường vào Nam hun hút những chuyến tầu
máu rất đỏ tuổi hai mươi nằm lại
câu hát bảo:
tuổi hai mươi những người đi trẻ mãi
câu thơ bảo:
đất nước hình cánh võng mẹ ru ta
Và ở hai đầu đêm võng mắc dọc rừng già
trăng cũng sốt rét rừng như ta sốt
trăng mất máu như bạn ta thủa trước
dọc cánh rừng na-pan
Sông Thạch Hãn
nước mùa này còn ấm
và các anh trong suốt
những người hy sinh thời gian lao
Mây Quảng Trị
mùa này vẫn một mầu huệ trắng
trên Cổ Thành
như ngày các anh ngã xuống
những người hy sinh thời gian lao
Và mưa gió Trường Sơn
mùa này vẫn tắm gội
những người con nằm lại
thời đất nước gian lao
Những cánh rừng cuối thu ngủ dưới mưa phùn
đất nước tôi những người nằm trong đất
chất phác như bùn hồn nhiên như cỏ
buồn đau không còn thở than
Những ngọn sóng đất đai lưu giữ mọi thăng trầm
người chép sử ngàn năm là bùn đất
kiên trì và nhẫn nại
máu của người là mực viết thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét