Trần Mạnh Hảo

Nhân lời kêu gọi của ông Tổng Mạnh, bàn về thông tin “lề phải”
Trên báo điện tử Vnexpress.net, mục “Thế sự 24/24” ngày 05-11-2009 có in bài nói của ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, khuếch trương dân chủ và tự do báo chí – “thông tin hai chiều” như sau:

Toàn bộ hoạt động tư tưởng – văn hoá phải tập trung hướng về cơ sở, góp phần có hiệu quả vào giải quyết đúng đắn những vấn đề cấp thiết đang đặt ra ở cơ sở… Cần tăng cường chất lượng của thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ ở cơ sở để nhân dân thể hiện nguyện vọng, quan điểm, đóng góp của mình vào toàn bộ các lĩnh vực của đời sống đất nước tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức”.
Ông Tổng bí thư là người to nhất của chế độ, tại sao lại đột nhiên phải kêu gọi: “tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ, tăng cường chất lượng thông tin hai chiều…”? Có lẽ ông Nông Đức Mạnh thừa biết rằng cơ chế xã hội của ông muốn được dân tin, cần phải đi đôi giữa lời nói và việc làm; rằng chủ trương, đường lối, hiến pháp thì có vẻ sáng láng lắm, nhưng hành động thì than ôi, nhiều khi ngược lại. Bằng chứng là vừa qua, ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền, tiến sĩ kinh tế cao cấp về lý luận chính trị, Uỷ viên trung ương đảng Lê Doãn Hợp, trong khi trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng, đã dồn nền báo chí Việt Nam lên lề đường xã hội, không cho nền báo chí cả nước được tham gia giao thông trong xa lộ đất nước, như sau:
Chính là để chúng ta ( báo chí) tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải, và chúng tôi cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó… Làm sao cho báo chí cũng giống như người tham gia giao thông cứ đi đúng lề đường bên phải thì sẽ an toàn và được tự do”.
Chính ông Bộ trưởng khẳng định: “lâu nay chúng ta (chế độ) quản lý (báo chí) theo mệnh lệnh”. Quản lý báo chí theo mệnh lệnh, nói toẹt ra là lâu nay chúng ta không có tự do báo chí. Đấy là lời ông Bộ trưởng chứ không phải tác giả bài báo này đặt điều.
Báo chí lâu nay đã không được tự do, nay ông Bộ trưởng muốn nền báo chí tự do, bằng cách báo chí đang được lưu thông trên đường, ông bèn dồn cả nền báo chí lên lề đường bên phải, nơi dành riêng cho người đi bộ. Xin quý vị cùng chúng tôi bất đắc dĩ phải tra từ điển, xem ngữ nghĩa chính xác của từ “lề đường”: “hai mép đường, dành cho người đi bộ : đi vào lề đường” (Đại từ điển Tiếng Việt. NXB Văn hóa thông tin 1998, trang 1008)
“LỀ ĐƯỜNG BÊN PHẢI” mà ông Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền Lê Doãn Hợp ra lệnh dồn toàn bộ NỀN BÁO CHÍ VIỆT NAM lên đó, dù phải hay trái cũng chính là LỀ ĐƯỜNG! Rõ ràng, ông Bộ trưởng bắt nền báo chí cả nước chỉ được đi bộ trên lề đường, không cho nền báo chí được quyền tự do tham gia giao thông như mọi thành phần xã hội khác. Phàm là con đường thì phải có hai lề, lề phải và lề trái. Con đường cũng giống con người, phải có tay trái, tay phải, chân trái, chân phải, mắt trái, mắt phải. Thưa với ông Bộ trưởng duy lề phải, không công nhận lề trái, rằng trái tim của ông và của chúng tôi đang nằm bên ngực trái đấy ạ ! Có lẽ ông tiến sĩ Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, chưa học hay học mà không hiểu phép biện chứng Marxisme: “Mọi sự vật đều được cấu thành bởi các mặt đối lập thống nhất”. Ông Bộ trưởng chỉ muốn thống nhất mà bỏ qua đối lập là ông đang phản Marxisme đấy!
Một con đường chỉ có một lề phải như ông Bộ trưởng định nghĩa, con đường ấy, dứt khoát không phải là con đường ! Như vậy, cái gọi là “lề đường bên phải” mà ông Bộ trưởng dồn nền báo chí vô đó, không phải là lề đường, mà là một cái gì đó kiểu trại tập trung! Việc này xin ông Bộ trưởng giải nghĩa dùm chúng tôi, cũng như xin ông Bộ trưởng giải thích dùm chúng tôi cái học vị “TIẾN SĨ KINH TẾ CAO CẤP VỀ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ” ( theo từ điển Wikipedia tiếng Việt) của ông nghĩa là sao, là tiến sĩ kinh tế hay tiến sĩ chính trị, là kinh tế cao cấp khác với kinh tế thế nào ạ ?
Chúng tôi xin ông Bộ trưởng đọc lại bản Hiến pháp nước CHXHCN VN, điều 69 ghi rành rành quyền tự do báo chí của công dân như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Dồn cả nền báo chí Việt Nam lên lề đường xã hội (một con đường không ra đường vì thiếu lề bên trái), phải chăng ông Bộ trưởng đã vi phạm Hiến Pháp của nhà nước CHXHCN Việt Nam, chống lại cả phép biện chứng pháp Marxisme, đi ngược lại lời ông Nông Đức Mạnh vừa kêu gọi thế chế hãy dân chủ với dân, hãy cho dân tự do báo chí?
Trần Mạnh Hảo

Không có nhận xét nào: