HỒ CHÍ MINH
NHỮNG NĂM THÁNG CHƯA ĐƯỢC BIẾT ĐẾN (1919‐1941)
HO CHI MINH: THE MISSING YEA
Kỳ 3
CHƯƠNG
4:
TỪ
CON ĐƯỜNG CŨ ĐẾN HÀNH TRÌNH MỚI
(1927‐9)
Những di chuyển của Hồ
Chí Minh
Khi Hồ Chí Minh trốn khỏi Quảng Châu vào tháng
4 / 1927, ông qua Thượng Hải và Vladivostok để
đến
Mặc dù QTCS đã không còn ảo tưởng về Quốc Dân
Đảng, những chỉ thị để Hồ đem đến Paris vẫn phản ánh chiến lược mặt trận
thống nhất với các lực lượng quốc gia. Bản chỉ thị dài hai trang (đề ngày 12
tháng 9 / 1927) chỉ định ʺAKʺ (Ai Kvak, theo cách phát âm của Nga) phải giúp
kích hoạt ʺnhững nhà cách mạng dân tộc trong số những người Đông Dương lưu vong
(trước tiên tại Paris rồi toàn nước Pháp) bằng cách thiết lập một đội ngũ cộng
sản cốt cán trong những phần tử này... ʺ Rồi ông phải thành lập những liên hệ
với Đông Dương với mục đích chuyển giao những hoạt động cách mạng vào quốc nội.
Trong lúc ấy, nhằm hợp tác với ĐCS Pháp, ông được chỉ thị soạn thảo một cương
lĩnh hành động cho phong trào cách mạng dân tộc tại Đông Dương. Sau tài liệu
này được thông qua bởi Ban Chấp Hành QTCS, ông sẽ phát hành nó ở Đông Dương
và ʺnghiên cứu khả năng để tăng cường những hoạt
động cách mạng tại quốc gia lân cận như Xiêmʺ [2]. Đông Dương Cộng
Sản Đảng ʺcần bắt đầu vận hành trong một tương lai gầnʺ và sẽ dựa vào ʺnhững tổ
chức cách mạng dân tộc cành nhiều càng tốt với điều kiện những người thiên tả
trong các tổ chức này giữ được quyền tự do phê phán tuyệt đối.ʺ Khẩu hiệu chính
trị cơ bản của phong trào cách mạng được định nghĩa như sau: (1) độc lập; (2)
đánh đuổi các lực lượng chiếm đóng; và (3) triệu tập Uỷ Ban Lập Pháp và tạo ra
chính quyền cách mạng dân chủ, bảo đảm việc phân phát toàn bộ đất đai cho nông
dân, dùng chính sách thống nhất các giai cấp để ủng hộ quyền lợi của người lao
động, cương quyết bảo vệ nền độc lập của nước nhà chống lại mọi tấn công của đế
quốc tham tàn.ʺ Điểm cuối cùng của chỉ thị ra ngày 12 tháng 9 lưu ý rằng QTCS
sẽ theo đuổi nỗ lực tạo dựng những liên lạc với Đông Dương qua ngõ Trung Quốc
[3].
Vì một số lý do Hồ đã không thực hiện hết những
chỉ thị của QTCS tại Pháp, ông báo cáo lại với Moscow . Chiến dịch ruồng bố những hoạt
động cộng sản tại Paris đã xảy ra cùng lúc với khủng hoảng chính trị trong nội
bộ ĐCS Pháp, có lẽ việc này có liên quan đến phong trào thanh trừng các phần tử
Trotskyist đang xảy ra tại Liên Bang Sô Viết để hướng tới Đại Hội Đảng 15
vào tháng 12. Cùng thời gian ấy Jacques Doriot, người bảo trợ của Hồ tại Uỷ Ban
Thuộc Địa của ĐCS Pháp, đã bị bắt giam tại Pháp. Hồ viết rằng những thành viên
còn lại của Uỷ Ban đã tránh những tiếp xúc riêng với ông. Ý ông muốn nói đến
trong báo cáo là việc ʺthiếu linh độngʺ trong hoạt động của Uỷ Ban có thể đã
làm nó tê liệt về mặt chính trị. ʺTrong suốt một tháng rưỡi có mặt tại Paris,ʺ
ông giải thích, ʺtrong khi Đồng Chí Doriot đang ở tù, tôi đã không có được bất
kỳ một cơ hội nào để thảo luận một cách nghiêm túc với các đồng chí khác. Đã
vài lần tôi đã đề nghị những địa chỉ chính xác để có thể liên lạc với họ khi
tôi quay lại phương Đông, nhưng đồng chí có trách nhiệm đã không cho tôi biếtʺ
[4], Hồ đã không đề cập đến những liên lạc giữa ông và những người Việt khác
tại Paris, nhưng chúng ta tự hỏi là không biết ông có tìm cách gặp lại Nguyễn
Thế Truyền không. Ít nhất là cho đến năm 1926, Truyền vẫn là
đầu mối tiếp xúc chính giữa những người Việt cánh tả tại Paris và Uỷ Ban Thuộc Địa của ĐCS Pháp.
Chính ông là người đã sắp xếp để gửi những người Việt Nam , trong đó có một số họ hàng của
mình, đi Moscow học tập[5]. Vào đầu năm 1927, sau sự sụp đổ của Công Đoàn Thuộc
Địa vào năm 1926, Truyền đã thành lập một tổ chức mới mang tên An Nam Độc Lập
Đảng [6]. Việc ra đời của đảng dân tộc vào năm 1927 thì thường được xem như là
bước khởi đầu cho việc phân chia giữa những người Việt quốc gia và thân cộng
sản. Nhưng hiện tại đã có những bằng chứng rằng Truyền đã đi theo một chính
sách dành cho các nước thuộc địa được QTCS chấp nhận, có thể nó được thực sự
củng cố trong thời gian Bukharin còn nắm quyền trong Ban Chấp Hành
QTCS. Chỉ thị của Jaques Doriot nhằm biến Thanh Niên trở thành một đảng
quốc gia đại chúng là một ví dụ cho chính sách này; Chỉ thị tháng 9 của Hồ Chí
Minh cũng là một dấu hiệu của việc các nhóm cộng sản thuộc địa được phép tồn
tại bên trong những đảng cách mạng quốc gia. Ngay cả đến mùa đông năm 1929,
những thành viên của Uỷ Ban Thuộc Địa thuộc ĐCS Pháp vẫn còn tiếp tục thi hành
chính sách này tại Algeria bằng cách tạo dựng một đảng dân tộc Algeria tên Ngôi
Sao Bắc Phi (LʹÉtoile Nord‐africanine ‐ ND) [7].
An Nam Độc Lập Đảng có liên hệ mật thiết
với chi nhánh ở Pháp do QTCS lãnh đạo mang tên Liên Đoàn Phản Đế. Nhóm này đã
tổ chức đại hội đầu tiên vào tháng 2 / 1927. Trong một bản báo cáo của Uỷ Ban
Thuộc Địa thuộc ĐCS Pháp gửi cho QTCS vào tháng 3 / 1927, tác giả báo cáo có
nhắc đến việc An Nam Độc Lập Đảng đang tạo dựng các chi bộ tại miền nam nước
Pháp và dự định tổ chức đại hội vào mùa hè. ʺChúng tôi sẽ tham gia vào các cuộc
họp của nhóm này tại Paris nhằm giúp đỡ những hoạt động của họ
một cách thực tế hơn,ʺ bản báo cáo viết [8]. Truyền, cùng với hai nhà hoạt động
khác từ Việt Nam là nhà báo Trịnh Hưng Ngẫu thuộc đảng Jeune Annam và Dương Văn
Giáo thuộc đảng Lập Hiến ‐ đã tiến hành một cuộc hành trình
diễn thuyết bằng tiếng Pháp vào tháng 10, trong đó họ kịch liệt lên án chính
sách và thể chế của Pháp. Sở Liêm Phóng cho rằng những cuộc hội họp trên được
tổ chức với sự đồng loã của ĐCS Pháp [9].
Nhưng cũng như Hồ, có lẽ Truyền cũng thấy
được rằng làm việc với ĐCS Pháp trở nên khó khăn hơn nhiều sau khi Doriot bị
bắt. Truyền trở về Việt Nam vào tháng 12. Đến mùa hè 1928 chính
sách của QTCS về hoạt động của các nước thuộc địa càng trở nên phức tạp, nhưng
mãi cho đến giữa năm 1929 QTCS mới dứt khoát thay đổi quan điểm của mình trong
việc hợp tác với những người quốc gia phi cộng sản tại các nước thuộc địa.
Vào tháng 12 1927 Hồ chuyển từ Paris đến Brussels để tham dự một hội nghị, ông
cho biết. Nhưng đó không phải, khác với mọi người thường viết, là Đại Hội lần 1
của Liên Đoàn Phản Đế vì nó đã xảy ra vào tháng 2 trước [10]. Có thể là ông đã
tham dự một cuộc họp nội bộ của Ban Chấp Hành Liên Đoàn được tổ chức vào ngày 9
tháng 12 ở Brussels [11]. Từ trung tuần tháng 12 đến tháng 5 1928 ông ở tại
Berlin để chờ đợi tiền và chỉ thị từ QTCS cho chuyến trở về châu Á của mình.
Ông nhận 18 đồng Mark (mệnh giá tiền Đức ‐ ND) mỗi tuần từ tổ chức Trợ Giúp Đỏ
(Red Aid, tổ chức cứu trợ của QTCS ‐ tương tự như Hội Chữ Thập Đỏ ‐ ND) để trang
trải chi phí thường nhật nhưng không đủ để sống qua ngày, ông nói [12]. Trong
thời gian bị bắt buộc ở đây, ông đã viết hồi ký về phong trào nông dân Quảng
Châu, trong đó miêu tả Bành Bái như một vị anh hùng. Bài viết dài 120 trang,
không mang tính chính trị và thống kê, chỉ quan tâm đến cuộc sống nông dân, ông
giải thích. Nông Dân Quốc Tế đã từ chối nhận trách nhiệm hiệu đính cần thiết để
xuất bản, nhưng một số tài liệu của Hồ đã lọt ra và được xuất bản [13]. Việc
ông đã có những tiếp xúc nào với cộng đồng người Hoa tại Berlin thì không được rõ. Nhưng không có
gì ngạc nhiên nếu ông đã trao đổi quan điểm với những người có liên hệ với Liên
Đoàn Phản Đế vốn đã có cơ sở tại Berlin . Vợ của Tôn Dật Tiên là Tống Khánh
Linh (Song Qing Ling ‐ ND) đã đến Berlin vào cuối năm 1927 và dường như đã ở đấy cho đến cuối
năm 1928 để thành lập một ʺĐệ Tam Đảngʺ cho Trung Quốc [14]. Trong
lá thư đề ngày 21 tháng 5 gửi cho Moscow, Hồ thông báo cho các đầu mối
rằng ông sẽ liên lạc với họ qua Comade Chutto, một người Ấn làm việc trong Liên
Đoàn Phản Đế [15]. Vì thế có vẻ Liên Đoàn đã là một đầu mối tiếp xúc quan trọng
của ông tại Berlin .
Trong mùa đông ấy, QTCS đang bận tâm với những
vấn đề còn quan trọng hơn là về Hồ Chí Minh và chương trình di chuyển của ông.
Leon Trotsky và 148 thành viên của nhóm Đối Lập của ông đã bị trục xuất ra khỏi
Moscow vào cuối tháng Giêng, sau Đại Hội thứ 15 của ĐCS Liên Xô. Trong trọn
tháng 2 QTCS đang bận rộn với Hội Nghị Toàn Thể lần 9 của Ban Chấp Hành. Sau
khi ra tù, trên đường tham dự Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS, Jaques
Doriot ghé qua Berlin và đã hứa sẽ giải quyết ʺtrở ngạiʺ của Hồ. Nhưng mãi cho
đến trung tuần tháng 4 Hồ vẫn không nhận được tin tức gì từ Moscow lẫn
Doriot [16]. Nông Dân Quốc Tế cũng chẳng giúp được gì. Hồ đã yêu cầu họ giúp
cho 500 Đô‐la và một ʺkế hoạch tổ chức thiết thực để tôi có thể hoạt động một cách
hữu ích” [17] Dombal không những từ chối cung cấp ngân quĩ mà còn nói rằng ông
biết quá ít về tình hình nông dân ở Đông Dương để đưa ra một kế hoạch tổ chức
chắn chắn. Ông khuyên Hồ nên dùng kinh nhiệm của mình về phong trào nông dân
Trung Quốc để bắt đầu những bước căn bản để xây dựng những liên hiệp nông dân
[18]. Vào ngày 12 tháng 4 Hồ viết thư cho Jules Humbert‐Droz, một
người cộng sản gốc Thụy Sĩ trong Ban Bí Thư QTCS, ban này chịu trách nhiệm về
những vấn đề của những thuộc địa Pháp. Thư nói ʺđồng chí có thể mường tượng
được tình trạng thể xác cũng như tinh thần của tôi lúc này: biết được còn rất
nhiều việc phải làm nhưng lại không làm được gì cả, lo nghĩ, thiếu tiền, sống
ngày qua ngày trong tình trạng bị ép buộc phải bất động, vân vânʺ [19]. Cuối
cùng Humbert‐Droz đã bảo Hồ (bằng 2 mẫu ghi chú ngắn đề ngày 28 tháng 4) rằng quyết
định về việc chi trả cho chuyến đi và ba tháng đầu làm việc đã được chấp nhận:
ʺSố tiền chúng tôi gửi trong tương lai sẽ tuỳ thuộc vào tin tức từ đồng chí.
Tôi nghĩ tốt hơn là đồng chí nên tìm cách tự lực cánh sinh hơn là chờ đợi giúp
đỡʺ[20].
Trong sự tiễn đưa thờ ơ ấy, Hồ Chí Minh đã quay
lại châu Á vào cuối tháng 5, từ Thụy Sĩ sang Ý, và từ đó đi đường thuỷ đến Băng
Cốc. Lúc ấy chắc hẳn ông đã biết được việc đàn áp phái Đối Lập Trotsky do
Stalin khởi xướng bên trong ĐCS Liên Xô cũng như những khuynh hướng khác chống
lại chính sách của Stalin bên trong QTCS. Ta có thể giả định rằng ông cũng đã
được đọc những tài liệu của Đại Hội Toàn Thể thứ 9 Ban Chấp Hành QTCS được tổ
chức vào tháng 2 1928, trong đó có một số nghị quyết về Trung Quốc. Những nghị
quyết này đã nói rõ người Nga nghĩ rằng đã đến lúc các đồng chí Trung Quốc nên
cẩn trọng hơn, nên dừng lại sau cố gắng khởi nghĩa đầy liều lĩnh vào cuối năm
1927 (dĩ nhiên là nó đã tiến hành dưới sự chỉ đạo của đại diện của QTCS là
Lominadze và Neuman.) Hiện trạng của cách mạng Trung Quốc được cho là không
mang đặc tính xã hội hoặc ʺcố địnhʺ như Lominadze đã nhận định một cách
sai lầm, mà vẫn đang nằm trong giai đoạn ʺdân chủ tư sảnʺ. Đường hướng chiến
lược cơ bản của ĐCS Trung Quốc là ʺsẵn sàng dùng bạo lực để dấy lên những làn
sóng cách mạng mớiʺ. Nhưng nhiệm vụ hiện tại vẫn là ʺnắm được quần chúng công
nhân và nông dân, giáo dục chính trị cho họ, tập hợp họ đi theo đảng và tuyên
ngôn của đảng.ʺ Mặc dù một ʺnhiệm vụ chiến lược cấp báchʺ đã được giải thích
như ʺtổ chức và hành động qua khởi nghĩa
quần chúng vũ trang,ʺ lực lượng tiên phong của
giai cấp công nông vẫn không được tách rời khỏi quần chúng và không được ʺxem
nhẹ những cuộc nổi dậyʺ [21]. Vì phong trào cách mạng Việt Nam chưa được phát
triển như của Trung Quốc, có thể Hồ Chí Minh đã hiểu những nghị quyết hơi mâu
thuẫn này như là như một xác nhận cho những chính sách riêng của mình: đào tạo
và tổ chức chính trị một cách thận trọng.
Điều quan trọng mà ta nên lưu ý là Đại Hội 6
QTCS bắt đầu trong tháng 7 1928, lúc Hồ vẫn còn lênh đênh trên biển. Có thể ông
đã không biết đến những tin tức chi tiết về kết quả của đại hội cho đến nhiều tháng
sau. Theo tất cả những bằng chứng có được, dường như ông đã đi châu Á với hành
trang không có gì ngoài những chỉ thị trong tháng 9 1927 để thực hiện công tác
của mình.
Đại Hội Quốc tế Cộng
Sản lần 6
Đến mùa hè 1928 việc đấu tố
chống lại phái Trotskist đã làm xáo trộn QTCS và
ĐCS Pháp. Nhưng một cuộc thanh trừng đẫm máu khác lại vừa bắt đầu. Trên
thực tế, đến khi Đại Hội 15 ĐCS Liên Xô diễn ra vào cuối năm 1927, những người
theo Stalin đã bắt đầu chỉ trích Bukharin là đã không quan tâm đến ʺnhững đe
doạ của cánh hữuʺ trong QTCS [22]. Nhưng Stalin vẫn chưa sẵn sàng thanh toán
những đồng minh cánh hữu của mình. Hai hệ thống điều hành chính sách đang hình
thành tại Nga với Stalin đang tăng cường hoạt động thông qua những thành viên do
ông chỉ định và những tổ chức như đoàn Komsomol để thi hành việc thu thập ngũ
cốc cũng như những chính sách khác [23]. Đại Hội 6 QTCS, một hội nghị kéo dài
từ ngày 12 tháng 7 mãi đến 1 tháng 9, đã phản ánh tình trạng hai hệ thống này.
Đây là lúc bắt đầu cho sự chuyển đổi phương hướng của QTCS, một quá trình kéo
dài trọn một năm cho đến Đại Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần thứ 10 vào
tháng 7 / 1929. Người ta thường cho rằng Cương Lĩnh và Luận Cương của Đại Hội 6
QTCS đã đánh dấu một thời kỳ mới cho phong trào cộng sản Việt Nam. Nhưng thật
khó để thiết lập một mối liên hệ trực tiếp về nguyên nhân và hệ quả giữa Moscow
và những sự kiện tại Việt Nam cho đến mùa thu năm 1929, hoặc ngay cả những
chính sách cho những quốc gia thuộc địa thực sự là gì.
Vào mùa hè 1928 những người lãnh đạo ĐCS Trung
Quốc đã tập trung tại Moscow, nơi Đại Hội 6 ĐCS Trung Quốc đang nhóm
họp từ ngày 18 tháng 6 đến 11 tháng 7, trước thềm Đại Hội
QTCS. Đại hội này được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bukharin và đã thông
qua những chính sách ôn hoà hơn để Trung Quốc trình bày trước Đại Hội Toàn Thể
Ban Chấp Hành QTCS lần 9. Nhưng tính chất lưỡng hệ trong các chính sách của
QTCS vào thời điểm này đã được phản ánh trong nghị quyết Đại Hội, đa số đều
mang tính mập mờ và đôi khi mâu thuẫn. Bukharin cổ xuý cho một liên minh phản
đế nhưng xem nhẹ thành phần tiểu tư sản. Khẩu hiệu: ʺchiến thắng mở màn tại một
hay nhiều tỉnhʺ đã trở thành cái mà Trương Quốc Đào (Zhang Guo Tao ‐ ND) gọi là ʺthần
dượcʺ (panacea ‐ ND), một cách biện hộ cho chủ nghĩa manh động vào cuối năm 1927 mà
không phải nói rằng cuộc cách mạng Trung Quốc đang ở lúc ʺcao tràoʺ [24]. Đại
Hội đã bầu chọn một Bộ Chính Trị mới, dẫn đầu bởi Hướng Trung Phát (Xiang Zhong
Fa ‐ ND). Những thành viên khác là Hạ Tế An (Qu Qiu Bai ‐ ND), Chu Ân
Lai, Trương Quốc Đào, Thái Hoà Sâm (Cai Hesen ‐ ND), Lý Lập Tam (Li Li San ‐ ND), Hạng Anh
(Xiang Ying ‐ ND). Ba thành viên của bộ chính trị mới đã quay về lại Trung Quốc trước
Đại Hội QTCS là Hướng Trung Phát, Thái Hoà Sâm và Lý Lập
Tam, những người này theo lời Trương
Quốc Đào là có nhiệm vụ tổ chức
đảng[25]. Những ảnh hưởng cá nhân của những nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc vừa
quay về lại Thượng Hải vào tháng 7 hoặc tháng 8 1928, sau khi đại hội đảng của họ
kết thúc và trước khi đại hội QTCS bắt đầu, có thể lúc đầu đã có nhiều tác động
đến những người cộng sản Việt Nam hơn là bản thân Đại Hội 6 QTCS.
Mặc dù Đại Hội 6 QTCS thường được xem là một sự
kiện quyết định mà từ đó đã cho ra những từ ngữ như ʺhành trình mớiʺ và ʺvô sản
hoáʺ, thực ra nó chỉ là bước đầu của việc chuyển hướng tổ chức. Bukharin, vẫn
là Tổng Bí Thư của QTCS, đã chiếm độc quyền trong việc soạn thảo và thông qua
bản ʺCương Lĩnh Chung của Đệ Tam Quốc Tếʺ. Nhưng vị thế của ông đã bị yếu đi vì
sự lũng đoạn của Stalin trong ĐCS Liên Xô ‐ đến tháng 12 1928 ông đã từ chức
trong QTCS mặc dù chưa chính thức bị cách quyền cho đến tháng 6 1929. Với vị
thế của Bukharin trong QTCS, những đồng minh ʺcánh hữuʺ của ông trong các đảng
châu Âu như Jules Humbert‐Droz vẫn giữ được ảnh hưởng cho đến
mùa đông [26]. Vì thế đến mùa hè 1928, QTCS vẫn phần nào hậu thuẫn cho chính
sách hợp tác với tầng lớp dân chủ xã hội cánh tả và thiếu nhất trí trong việc
phân tích một cách đúng đắn hiện trạng của chủ nghĩa tư bản thế giới. Đoàn đại
biểu Liên Xô mà chủ yếu là những người theo Stalin, đã không hài lòng với ʺĐề
Cươngʺcủa Bukharin, và ʺđã hiệu chỉnh nó nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng quốc tế
của những kế hoạch kinh tế Sô Viết và những mâu thuẫn của sự ổn định tư bản
cũng như tăng cường việc tấn công vào những người dân chủ xã hội cánh tảʺ [27].
Dù vậy giọng điệu tận thế miêu tả ʺGiai Đoạn Thứ Baʺ về diễn biến của chủ nghĩa
tư bản sau chiến tranh cũng không được mạnh mẽ mấy khi nó được đưa ra trong Đại
Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần thứ 10 vào năm 1929. Tại Đại Hội 6,
Bukharin đã miêu tả Giai Đoạn Thứ Ba như một ʺổn định của chủ nghĩa tư bảnʺ mà
cuối cùng sẽ trở thành một khủng hoảng mới của chủ nghĩa này [28]. Đến mùa hè
1929, Otto Kuusinen đã báo cáo lên Đại Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần thứ
10 rằng ʺhiện đã hoàn toàn thống nhất trong việc nhận định về Giai Đoạn Thứ Ba
như là một thời kỳ tan rã của sự ổn định của chủ nghĩa tư bản và hơn nữa ‐ cũng là giai
đoạn chín muồi của một cao trào cách mạng mớiʺ [29]
Kuusinen, một nhà cộng sản lão thành người Phần
Lan, là người đứng đầu Uỷ Ban Thuộc Địa tại Đại Hội và được giao trách nhiệm
lãnh đạo Ban Bí Thư Cục Đông Phương khi Đại Hội bế mạc. Ông đã trở thành một
trong những người điều hành của QTCS ở phương Đông. Nhưng chính Cương Lĩnh
Chung của Bukharin là văn bản súc tích nhất về chính sách của Đệ Tam Quốc Tế
đối với các nước thuộc địa. Cương lĩnh đã liệt kê tám nhiệm vụ chính:
(1) Lật đổ chủ nghĩa tư bản ngoại bang,
chế độ phong kiến và tầng lớp địa chủ;
(2) Thành lập nền chuyên chính dân chủ
của giai cấp công nông trên nền tảng của chính quyền Sô Viết;
(3) Tiến tới độc lập nước nhà và thống
nhất chính trị; (4) Huỷ bỏ nợ quốc gia;
(5) Quốc hữu hoá những cơ sở kinh doanh
lớn của giai cấp tư bản (trong những ngành công nghiệp, giao thông, ngân hàng,
vân vân);
(6) Sung công tài sản của những đại địa
chủ, nhà thờ và tu viện, quốc hữu hoá toàn thể đất đai;
(7) Thực hiện chính sách ngày làm tám
tiếng; và
(8) Thành lập quân đội cách mạng công
nông [30]
Trong nội bộ Uỷ Ban Thuộc Địa, cố gắng của
Kuusinen nhằm thiết lập một chính sách chi tiết hơn cho ʺnhững nước thuộc địa
và bán thuộc địaʺ đã gặp phải một chống đối khá mạnh. Các đại biểu không hiểu
được cách thức phân chia các nước thuộc địa ra 4 thành phần khác nhau của ông
cũng như sự thiếu rõ ràng về chiến lược đối với những nước lạc hậu hơn [31].
(Việc phân loại này đã bị huỷ bỏ trong văn bản chính thức của luận cương).
Trong bài phát biểu bế mạc của mình vào ngày 21 tháng 8, Kuusinen đã thú nhận
rằng trong Luận Cương của mình, đoạn nói về ʺnhững tiến triển phi tư bản cho
những nước thuộc địa lạc hậuʺ đã thiếu những luận chứng cần thiết. (ông cũng
nhắc là Luận Cương 1920 của Lenin cũng thiếu luận chứng về phần này). Ông đề
nghị vào thời điểm này, thời điểm của ʺhướng đi riêngʺ đến chủ nghĩa cộng sản,
nên được sự quan tâm đặc biệt từ uỷ ban soạn thảo, uỷ ban này vẫn chưa bắt đầu
làm việc [32]. Trong những nhận xét về hoạt động của uỷ ban soạn thảo, ông có
nhắc đến bản Luận Cương trong phần đề cập đến những vấn đề chiến lược hiện nay
chỉ được áp dụng cho một nhóm các nước thuộc địa sau: Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập
và Nam Dương ‐ ʺchắc chắn là những quốc gia thuộc địa quan trọng nhấtʺ, theo như ông
nói [33].
Luận Cương cho các Quốc Gia Thuộc Địa và Bán
Thuộc Địa đã không được xuất bản trên tờ
Inprecor (viết tắt của International Press
Correspondence, một tạp chí cộng sản đa ngôn ngữ của QTCS ‐ ND) vào cuối
năm 1928, không như những nghị quyết và luận cương khác của Đại Hội; cuối cùng
nó được in thành tập sách mỏng với 96 trang bằng tiếng Nga đề năm 1928 nhưng
không rõ chính xác là khi nào [34]. Trong văn bản chính thức, luận cương giữ
nguyên quan điểm rằng chủ nghĩa tư bản là một lực lượng rệu rã, không có một
vai trò tiến bộ trong tương lai, ngay cả trong những nước thuộc địa. Một bài
viết ngắn với quan điểm đối lập của đoàn đại biểu Anh gửi đến Uỷ Ban Thuộc Địa
đã được xuất bản vào ngày 27 tháng 12 1928 [35]. Thành viên người Ý Angelo
Tasca (Serra], người đứng đầu Ban Bí Thư khu vực nói tiếng Roman trong một thời
gian ngắn tại Đại Hội 6 cũng không mấy hài lòng. Ông đã viết cho Kuusinen vào
tháng Giêng 1929 than phiền về Luận Cương. ʺChúng không hoàn toàn là một luận
cương chính trị hay là một cương lĩnh hành động, trong cả hai trường hợp chúng
đều không đầy đủ. Tôi không biết là ĐCS Pháp đã can dự nhiều vào việc soạn thảo
hay không...ʺ [36]. Đến tháng 7 Tasca liền bị đưa ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của
QTCS. Jacques Doriot, người khởi xướng mặt trận thống nhất tại Việt Nam, để giữ
được chức vụ của mình trong ĐCS Pháp, đã phải công khai từ bỏ quan điểm của
mình về việc hợp tác với phái dân chủ xã hội [37]. Khó khăn trong việc tìm ra ý
kiến thống nhất về đường hướng đúng đắn cho các quốc gia thuộc địa
là dấu hiệu cho tình trạng tồi tệ chung của guồng máy QTCS trong giai đoạn cuối
năm 1928. Vào tháng 11 Andres Nin, một đảng viên cộng sản Tây Ban Nha, đã bộc
lộ trong một mẫu thư gửi cho Trotsky: ʺTình trạng QTCS đang vô cùng lộn xộn.
Chẳng có việc gì hoàn tất. Mọi người đều ngóng chờ kết quả của trận đấu đá giữa
Stalin và cánh hữu. Một sự băng hoại hoàn toàn,ʺ ông than phiền [38].
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại Hội 6 gồm ba người do
ĐCS Pháp lựa chọn từ những nhà hoạt động ở Paris . Một trong ba người ấy là Nguyễn
Thế Vinh, họ hàng với Nguyễn Thế Truyền. Ông đã theo học tại Moscow từ tháng 9 1926 đến tháng 11 1927
nhưng đã rời khỏi đây vì lí do sức khoẻ [39]. Người thứ hai là một một thuỷ thủ
Bắc Kỳ có gọi là ʺBanʺ, người này không lâu sau Đại Hội đã rời bỏ đảng [40].
Người thứ ba là Nguyễn Văn Tạo, một người miền Nam và là thành viên của ĐCS Pháp, ông
đã thành lập một tổ chức cộng sản người Việt tại Paris vào tháng 4/1928 [41]. Ông đã đọc
một bài diễn văn gửi đến Uỷ Ban Thuộc Địa vào ngày 17 tháng 8 với bí danh là
ʺAnʺ [42]. Phân tích của ông về chủ nghĩa thực dân Pháp cũng gần giống với quan
điểm của Kuusinen về sự phát triển của hệ thống thuộc địa tại Ấn Độ:
ngành tiểu công nghiệp của Việt Nam đã bị phá huỷ bởi sự cạnh tranh giữa các
công ty nằm trong tay của tư sản bản xứ và đế quốc; những người thợ thủ công
đang gia nhập giai cấp vô sản trên đà lớn mạnh; sản lượng nông nghiệp bị đình
trệ. Báo cáo của ông không hề nhắc đến việc đào tạo những nhà hoạt động người
Việt tại Quảng Châu hoặc việc thành lập Thanh Niên Hội. Vì lý do này nên rất có
thể Hồ Chí Minh đã không phải là người soạn thảo bài phát biểu của Tạo, theo
phỏng đoán của Sở Liêm Phóng sau này. Một nhóm khác bao gồm những người Việt
tương đối kinh nghiệm tại Nga trong thời gian giữa năm 1928 trong đó có Trần
Phú, Ngô Đức Trì và Lê Hồng Phong. Hình như họ chỉ tham gia Đại Hội với tư cách
quan sát viên. Ta không rõ lý do tại sao họ không được là thành viên của đoàn
đại biểu chính thức. Hai trong số ba đại biểu từ Paris hình như đã trở thành những
người ʺkhông được chào đónʺ (nguyên văn Latin: Peronae Non Gratae ‐ ND). Sau đó
vào năm 1930, một lá thư đầy bất bình của một nhà hoạt động người Việt có trụ
sở tại Paris được gửi đến Ban Bí Thư Đông Phương có nhắc đến việc một đại biểu
của đoàn Việt Nam tại đại hội đã phê phán hoạt động của Uỷ Ban Thuộc Địa trong
ĐCS Pháp, hai đại biểu (có lẻ là Nguyễn Thế Vinh và Ban) đã được đưa vé tàu
quay về Pháp ngay ngày hôm sau [44]. Vào tháng 9 1928 một quá trình tái tổ chức
trong QTCS lại một lần nữa chuyển giao phần trách nhiệm Đông Dương lại cho Phân
Bộ Trung Đông, một chi nhánh của Đông Phương Cục bao gồm cả Ấn Độ và Nam
Dương. [45] Vì thế, dù ĐCS Pháp và Uỷ Ban Thuộc Địa của đảng này vẫn tiếp tục
được cho là có trách nhiệm trong phong trào Việt Nam, trên lý thuyết thì
nguồn hướng dẫn tư tưởng chính thống giờ đây đã thuộc về Ban Bí Thư Cục Đông
Phương do Kuusinen đứng đầu.
Tại Đại Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần thứ
10 Kuusinen đã có dịp công bố một cách có hệ thống hơn về những chiến lược
trong buổi khai mạc đại hội vào ngày 3 tháng 7 1929. Stalin, người chiến thắng
tuyệt đối trong cuộc đấu đá nội bộ của ĐCS Liên Xô, đang dùng QTCS để biểu lộ
phong cách lãnh đạo mới của mình. Trong báo cáo này mà sau đó đã được in với
đầu đề Tình Hình Quốc Tế và Những Nhiệm Vụ của Quốc tế Cộng Sản, Kuusinen
kêu gọi các đảng cộng sản nên trở thành ʺhoá chất tinh khiếtʺ, để sẵn
sàng cho ʺtrận chiến quyết định quyền lựcʺ. [46] ʺNếu không gột rửa mình khỏi
những phần tử cơ hội cũng như vượt qua được mong muốn hàn gắn quan hệ với
chúng, các đảng cộng sản sẽ không thể đạt được thành công để tiến đến giải
quyết những khó khăn mới, lớn dậy từ sự tôi luyện của cuộc đấu tranh giai cấp
trong thời đại mới của phong trào công nhân,ʺ ông tuyên bố [47]. Thành viên của
bất cứ đảng cộng sản nào không chấp nhận quyết định của QTCS sẽ bị khai trừ
[48]. Giờ thì không còn những lập lờ về chiến lược của mặt trận thống nhất ‐ M.N. Roy,
thành viên cộng sản người Ấn, người tin tưởng vào một mặt trận thống nhất với
những người Ấn Độ quốc gia, đã bị lên án [49]. Trong phần kết luận đầy phấn
khích, Kuusinen tuyên bố rằng ʺCon đường hiện tại của Quốc tế Cộng Sản là một
con đường mới, nhưng nó cũng là con đường cũ. Ba phần tư thế kỷ trước, Marx đã
tuyên khởi khẩu hiệu hiện thời của chúng ta ʺGiai cấp chống lại giai cấpʺ trong
lời hiệu triệu cho cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp của ông. Đây là hướng đi
mới của chúng taʺ [50].
Đại Hội Mở Rộng lần thứ 10 đã không chú ý nhiều
đến việc điều chỉnh chi tiết hơn về những hướng dẫn cho các quốc gia thuộc địa
đang trong những hoàn cảnh phát triển khác nhau. Cách mạng thế giới, một cuộc
cách mạng thuần tuý cộng sản, đã được xem như như là một lực lượng khổng lồ
đang chiến đấu cho giai cấp vô sản trên toàn địa cầu. Kuusinen đã hưng phấn tột
bật trong khả năng hùng biện của mình:ʺNhìn lại những cuộc đấu tranh toàn
cục đã xảy ra trong một thời gian ngắn kể từ Hội Nghị Thế Giới lần 6, ta có thể
nói rằng: đội quân thế giới của những chiến sĩ giai cấp tích cực đang phát
triển nhanh chóng. Những người thợ mỏ ở vùng Ruhr (một khu vực ở Đức ‐ ND) và
Scotland, những người thợ dệt ở Balan và Pháp, những chiến sĩ tại phòng
tuyến Berlin, những người biểu tình và đình
công ở Bombay, những phu đồn điền ở Columbia, những người
khởi nghĩa da đen ở Congo, những nông dân đang đình công tại Czechoslovakia
và Balan, những công nhân cách mạng và du kích bần nông tại Trung Quốc,
những nhà tranh đấu người Ma Rốc và hàng trăm nghìn người khác ‐ đây là một đạo
quân tích cực khổng lồʺ [51]. Thảo luận của Kuusinen về đấu tranh quần chúng là
dấu hiệu của những gì sẽ xảy ra tại Việt Nam trong vài năm tới. ʺTrong giai đoạn
hiện tại, điểm xuất phát của đấu tranh quần chúng là những quyền lợi tiên khởi
và thường nhật của nhân dânʺ, ông nói. ʺChúng ta phải lưu ý điều này trong
những chiến lược của mình. Nhưng cuộc đấu tranh hiện nay không chỉ giới hạn
trong những đòi hỏi cấp bách và cục bộ này ‐ nó có chiều hướng mạnh mẽ và rõ
ràng để đi xa hơn nữa [52].
Tại Xiêm
Hồ Chí Minh đặt chân đến Xiêm vào lúc QTCS đang
bắt đầu chuyển sang các chính sách có tính chất giai cấp mạnh mẽ hơn vào mùa hè
1928. Vì ông không có bất cứ báo cáo nào gửi cho QTCS trong khoảng 16 tháng ở
Xiêm, từ tháng 7 1928 đến tháng 11 1929, chúng ta nắm được thông tin trong giai
đoạn này nhờ vào một số hồi ký của những đảng viên cộng sản kì cựu và trong
cuốn sách của Trần Dân Tiên, được cho là tự truyện của Hồ. Hình ảnh của một nhà
chính trị lưu vong bị quên lãng rút ra từ những lá thư của ông đã biến thành
một nhà hiền triết khổ hạnh bí mật, băng rừng đến từng bản làng. Mặc dù lúc ấy
ông độ khoảng 35 ‐ 36 tuổi nhưng trong sách Trần Dân Tiên ông được gọi là ʺông già Chínʺ
và luôn đi trước cảnh sát một bước. Tiên đã viết rằng có lúc Hồ phải gia nhập
một tu viện Phật Giáo để tránh sự truy lùng của mật thám Pháp [53]. Việc này
hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng nó đã không được nói đến trong bất cứ hồi ký của
người Việt nào đề cập về thời gian Hồ ở Xiêm.
Việc thiếu tài liệu thông tin trong thời gian
này thật vô cùng thất vọng, vì người ta cho rằng Hồ Chí Minh đã hoạt động nhiều
hơn là chỉ thành lập các hội tương tế, đóng vai già làng hoặc dựng trường học.
Âm vọng về những thay đổi trong đường lối của QTCS đã lan đến Trung Quốc, Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á vào mùa thu
1928, nhưng chúng ta không biết gì nhiều từ những hồi ký có được rằng nó đã có
ảnh hưởng ra sao đến miền Bắc Thái Lan. Những người biết được danh tính thật
của ông thì chỉ có vài học viên Thanh Niên mà ông đào tạo tại Quảng Châu và Cao
Hoài Nghĩa, một cựu thuỷ thủ và cũng có lẽ là một thành
viên trong nhóm của Hồ tại Quảng Châu. [54] Đến năm 1929 tin
đồn lan đến châu Âu rằng ông đã bị bắt [55]. Thành phần lãnh đạo của Thanh Niên
tại Quảng Châu cho là ông vẫn còn ở Moscow [56]. Không rõ việc này đơn giản
chỉ là thói quen giữ bí mật tài tình của ông hay vì một lý do đặc biệt nào đó
mà ông phải nằm im chờ đợi. Ta có thể đoán rằng ông đang đợi chờ cho những đợt
cuồng phong chống những người Trotskyist lắng xuống.
(Mặc dù khó có thể cho ông là một phần tử Trotskyist, nhưng trong
nội bộ ĐCS Pháp, ông đã từng
tiếp xúc với Doriot, người được cho là
thân Trotskyist). Cũng có thể ông sợ bị tố giác bởi những người Việt không theo
cộng sản mà ông đã có liên hệ khi còn ở miền nam Trung Quốc; hoặc có thể ông
đang nghi ngờ Lâm Đức Thụ là một chỉ điểm của Pháp.
Đi bộ từ thị trấn trung tâm Phichit, Hồ đến
Udon, một trong những tâm điểm của cộng đồng người Việt hải ngoại, vào tháng 8
1928, theo hồi ký của Hoàng Văn Hoan [57]. Căn cứ vào những gì rút ra được từ
hồi Ký của Hoan và những người khác trong thời điểm này, Hồ Chí Minh đã hoạt
động rất cẩn trọng, thu thập tin tức về tình hình địa phương, giúp tổ
chức và xây dựng trường lớp đào tạo thanh niên Việt Nam tại một ngôi làng ngoại
ô Udon [58]. Hoan viết rằng sau khi ở lại Udon, Hồ chuyển đến Nakhon Phanom bên
dòng Mekong [59]. Võ Mai, một thành viên của
Thanh Niên vùng Nghệ An, trong năm 1931 đã khai với người thẩm cung mình rằng
ông đã đưa tám học viên từ Vinh đến Lakhon (tên cũ của vùng Nakhon
Phanom] vào tháng 10 1928. Ông ở lại với họ trong khoá học dài 3 tháng
rồi dẫn họ về lại Vinh vào thánh 12. Lời khai của Võ Mai không nhắc đến sự hiện
diện của Hồ Chí Minh tại Xiêm, nhưng thời điểm của nó cho thấy chuyến đi có thể
có liên hệ với việc Hồ có mặt tại đây. Võ Mai, một liên lạc viên đã làm việc
chung với Thanh Niên Kỳ Bộ tại Trung Phần Việt Nam , có thể đã đem sang nhiều tin tức
quan trọng về tình hình trong nước [60].
Phương cách tổ chức phong trào tại nông thôn
của Hồ làm ta liên tưởng đến phương pháp của Bành Bái tại Quảng Đông trong thời
kỳ mặt trận thống nhất với Quốc Dân Đảng. Đến khi Hồ đặt chân đến Xiêm, những
phương pháp này đã được đưa vào thực hành bởi những thành
viên Thanh Niên như Hoàng Văn Hoan, người đã đến miền bắc Xiêm vào tháng 6
1928. Trọng tâm của phong trào là những trường ʺcấp tiếnʺ mà các nhà hoạt động
đã thành lập tại các vùng nông thôn. Trong những trường này các học viên trẻ
được tiếp cận với những ý tưởng chính trị hiện đại và rèn luyện thân thể, ngoài
ra họ còn tự sản xuất lương thực và nếu dư thừa thì dùng để trả lương cho giáo
viên. Vào tháng 2 1930, khi Hồ báo cáo những hoạt động của mình cho QTCS, ông
cho biết Thanh Niên đã thành lập được 3 trường đào tạo và đang xây dựng ngôi
trường thứ tư [61] Trong cùng bản báo cáo, ông đã giải thích rằng những người
Việt cư ngụ tại Xiêm là những ʺnông dân tự do, thợ thủ công, tiểu thương, họ có
thể được đưa vào những hội ʺái hữuʺ với những tư tưởng yêu nước và phản đếʺ [62].
Ông đề nghị những nhà hoạt động Việt Nam nên đổi tên tờ báo địa phương của
họ từ ʺĐồng Thanhʺ sang ʺThân Áiʺ, với hàm ý hướng về một hình thức tổ chức
rộng mở hơn [63]. Dường như không có giai cấp bần cố nông trong thành
phần người Việt tại Xiêm để ông quan tâm. Vào cuối năm 1929, việc nhấn mạnh ʺtư
tưởng yêu nướcʺ bị cho là thành phần cách tân nguy hiểm. Nhưng có lẽ Hồ đã
không được thông báo về việc thay đổi xu hướng trong phong trào cộng sản thế
giới cho đến mùa hè 1929, khi hai đại biểu người Việt ở Xiêm trở về từ Hội Nghị
Thanh Niên lần thứ nhất được tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 5.
Những hồi ký có được thì thiếu những chi tiết
về hoạt động của Hồ Chí Minh từ cuối năm 1928 đến tháng 11 1929,
khi ông rời Xiêm đi Hồng Kông. Võ Mai đã không
báo cáo thêm những chuyến đi vượt Lào qua Xiêm sau tháng 12 1928.
Hoàng Văn Hoan cho chúng ta biết rằng Hồ đang bận rộn với việc chuyển ngữ những
luận thuyết cộng sản từ tiếng Hoa sang tiếng Việt dễ hiểu và họ thường làm việc
chung trong công tác dịch thuật này. Nhưng ông viết những việc này đã xảy ra
vào cuối của năm 1928. Tại Sakho, Hồ được cho là đã soạn thảo một bản trường ca
về Trần Hưng Đạo, một anh hùng dân tộc của thế kỷ 13 mà người Việt địa phương
tôn thờ như thần thánh. Hồi ký của Đặng Văn Cáp cho biết rằng Hồ lúc đó đã học
được nghề thuốc Đông y để giúp chữa bệnh cho dân địa phương [64]. (Có lẽ ông đã
tìm cách chữa chạy chứng lao phổi của mình, vì sau này ông có kể với một đồng
nghiệp người Việt tại Hồng Kông là ông đã bị bệnh hơn một năm ở Thái Lan, và đã
ʺkhông thể làm được bất cứ việc gìʺ [65]) Hồ đã báo cáo với QTCS là ông đã qua
Lào một thời gian ngắn để gặp gỡ những Việt kiều nhưng đã hai lần từ bỏ việc
vượt biên sang Việt Nam vì mật độ cảnh sát quá nhiều tại
biên giới [66]. Theo Lê Mạnh Trinh, vào khoảng tháng 6 1929 ông đã sang Bangkok để thăm hỏi một số nhà ʺcựu cách
mạngʺ [67]
Một số sử gia người Việt tin rằng Hồ đã nối lại
liên lạc với thân phụ của ông trong những năm 1928 và 1929 qua sự môi giới của
người vợ goá của Lương Ngọc Can, người này có nhà ở Phnom Penh và làm công tác
liên lạc giữa cộng sản và những người Việt quốc gia [68]. Từ mùa xuân 1928 cho
đến khi ông qua đời vào tháng 11 1929, Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc)
sống tại làng Hoà An gần Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc. Người Pháp tin rằng Huy đi lại
như một thầy thuốc Đông y lưu động để giữ liên lạc với những cơ sở hoạt động ở
miền Nam . Tuy nhiên đã không có bằng chứng về những
tiếp xúc trực tiếp giữa hai cha con, mặc dù Huy thường xuyên viết thư cho vợ
goá của Can vào mùa xuân 1928 với hy vọng là bà có tin tức gì đặc biệt cho ông
[69]. Khi ông còn làm việc tại Xiêm, Hồ được cho rằng đã gửi hai người gốc
huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang sống tại Xiêm sang công
tác ở Cambodia [70]. Rất có thể là Hồ không những đã liên lạc
với thân phụ mình qua ngõ Phnom Penh mà còn với những thành viên Thanh Niên
đang thành lập một ngôi trường cấp tiến tại thị trấn Sa Đéc. Những người này
bao gồm Châu Văn Liêm, Hà Huy Giáp và Phạm Văn Đồng, theo lời Trần Văn Diep,
một học viên Quảng Châu người gốc Cần Thơ đang giảng dạy tại đó [71]. Đa số
những người nhóm này trở thành thành viên của thành phần cộng sản trung thành
với nhóm lãnh đạo Quảng Châu và Hồ Chí Minh, đó là An Nam Cộng Sản Đảng, vào
mùa thu năm 1929.
Sự phát triển của
Thanh Niên
Trong khi Hồ Chí Minh đang âm thầm hoạt động
tại Xiêm và trong khi QTCS đang chỉnh đốn hướng đi tại Moscow, phong trào
cách mạng ở miền Nam Trung Quốc và Việt Nam đang tự mình tiến triển. Trong
khoảng cuối năm 1928 một nhóm khoảng 24 người Việt Nam đang giảng dạy và học tập
tại Hoàng Phố ‐ những người đã từng bị bắt giữ vào tháng 12 1927 và đã được thả tự do
[72]. Cho đến giữa năm 1928 những Kỳ Bộ của Thanh Niên đã được thiết lập trên
cả ba miền Việt Nam [73]. Vào tháng 2, Tổng Bộ Quảng
Châu đề cử các thành viên sau cho Kỳ Bộ Trung Kỳ: Vương Thúc Oánh, Nguyễn Thiệu
và Nguyễn Sĩ Sách. Vào tháng 6, lãnh đạo Quảng Châu bổ nhiệm Lê Văn Phát đứng
đầu Kỳ Bộ Nam Kỳ, lúc này gồm có Nguyễn Kim Cương, Châu Văn Liêm và có thể cả
Ngô Thiêm [74]. Phát là một thầy thuốc nam gốc Bến Tre vừa về từ Quảng Châu,
nơi ông đã bị giam giữ sau khởi nghĩa tháng Chạp. Kỳ Bộ Bắc Kỳ được thành lập
vào tháng 7 1928, bao gồm Dương Hạc
Đính, Trịnh Đình Cửu và có thể cả
Nguyễn Danh Đới,[75] dưới quyền lãnh đạo của Trần Văn Cung, khi ông
này quay về từ Quảng Châu vào đầu năm 1929. Thông tin tìm thấy trong văn khố
Pháp về những hoạt động của giới lãnh đạo Thanh Niên tại Quảng Châu trong thời
kỳ này thì tương đối ít nên không thể biết chắc được ai là người đóng vai trò
chủ đạo trong việc phân nhiệm các thành viên về các Kỳ Bộ tại Việt Nam.
Vào tháng 6 1928, nỗ lực cuối cùng nhằm thống
nhất Cách Mạng Đảng với Thanh Niên bị thất bại. Sau đó Cách Mạng Đảng đã tổ
chức đại hội ở Huế, tại đây đảng này đã đổi tên thành Tân Việt. Những lãnh đạo
được bầu ra tại Đại Hội là Phan Đăng Lưu, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) và Nguyễn
Chí Diểu mà sau này đã trở thành những lãnh đạo của đảng cộng sản tại Trung Kỳ trong
thời kỳ Mặt Trận Dân Chủ vào cuối thập niên 30 [76]. Võ Nguyên Giáp, một
học sinh trường Quốc Học Huế, cũng có thể đã tham gia trong Đại Hội. Đảng Tân
Việt, cũng như Thanh Niên và Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã bắt đầu tổ chức vận
động phụ nữ trong thời gian này. Nguyễn Thị Minh Khai, một học sinh từ Vinh, đã
được bầu làm lãnh đạo của phân hội phụ nữ. Sau này bà cho biết vào năm 1928,
phân hội của bà có 50 thành viên trong đó có một tiểu tổ 20 người tại nhà máy
diêm ở Vinh và một tiểu tổ khác với 15 người tại một xưởng gỗ [77]. Việc tổ
chức công đoàn cũng được phát triển mạnh tại Đông Dương vào năm 1928 [78]. Hà
Huy Tập đã viết rằng một cuộc bãi công đã tổ chức thành công tại đồn điền mía
Phú Mỹ ở Bà Rịa vào tháng 6 và tháng 7. Chính bản thân ông đã đi làm phu đồn
điền vào tháng 9 1928. Ông nhớ lại cuộc đình công vào tháng 8 của công nhân hoả
xa Biên Hoà và đình công khác tại nhà máy dầu Nhà Bè. Ông cho rằng
những hoạt động này là do những
người cộng sản (ông không nêu tên)
tổ chức[79].
Vào ngày 28 và 29 tháng 9 1928 Kỳ Bộ Bắc Kỳ của
Thanh Niên được cho là đã họp mặt gần Hà Nội để thảo luận phương hướng
nhằm ʺvô sản hoáʺ đảng. Theo một nguồn tài liệu của Việt Nam, cuộc
họp này, đôi khi được cho là một đại hội, đã được tổ chức tại nhà riêng của Ngô
Gia Tự tại làng Liên Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh [80]. Nó được biết như là
ʺHội Nghị Tái Tổ Chứcʺ, tài liệu cho biết. Kỳ Bộ đã nhận thấy thành viên của họ
đa số là học sinh và giáo viên và thống nhất rằng trong tương lai nền tảng của
phong trào sẽ phải là giai cấp lao động. Họ quyết định tăng cường công
tác tuyên truyền trong hàng ngũ công nhân mỏ và các xí
nghiệp; gửi thành viên đến làm việc trong các khu mỏ, nhà máy và đồn
điền, và dùng ʺmọi phương tiện hợp pháp để tổ chức quần chúng một cách rộng
rãiʺ [81]. Hai thành viên của Thanh Niên là Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh được
phân công tổ chức tuyên truyền trong hàng ngũ công nhân. Họ cũng có nhiệm vụ
trông coi việc chuyển hoá thành phần học sinh tiểu tư sản và con em của giới
trí thức đang chiếm đại đa số trong Thanh Niên sang thành phần vô sản.
Những thành viên Thanh Niên nào không thay đổi theo đòi hỏi mới sẽ bị đào
thải khỏi tổ chức. Thành phần này bao gồm những thành viên tư sản được ʺnuông
chiềuʺ, những người không có phong thái cách mạng, không chịu được gian khổ và
thiếu đạo đức. Vào tháng 3 1929 Kỳ Bộ Bắc Kỳ theo đuổi con đường tả khuynh bằng
cách thành lập một cuộc họp mà họ gọi là tổ chức cộng sản đầu tiên tại Việt Nam . Những người tham dự cuộc họp tại
số 5‐D đường Hàm Long, Hà Nội gồm có Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh và Trần Văn
Cung (Quốc Anh) từ Nghệ An, người này như ta đã biết, vào đầu năm 1929 đã từ
Quảng Châu về lại Bắc Kỳ để nắm Kỳ Bộ [82]. Đây chính là nhóm người ở lại Quảng
Châu sau khi Hồ Chí Minh đã đi khỏi nơi này trong thời kỳ khởi nghĩa 1927. Trần
Văn Cung được cho là đã tham gia trong cuộc Khởi Nghĩa Quảng Châu [83]. Những
hoạt động của họ từ tháng 9 năm 1928 đến cuối năm 1929 cho thấy họ đã mất tin
tưởng vào giới lãnh đạo của Thanh Niên ở Quảng Châu. Câu hỏi đặt ra là họ đang
theo đuổi tư tưởng nào trong giai đoạn này. Mặc dù cuộc họp vào tháng 9 1928 có
thể là một phản ứng đối với Đại Hội 6 QTCS, nhưng có lẻ quá sớm để họ nhận thức
thấu đáo cương lĩnh của Đại Hội, nhất là vẫn không có một sự nhất
trí về việc áp dụng cương lĩnh
như thế nào trong những nước thuộc
địa.
Tin tức về những sự kiện trong năm 1928 ở
Moscow‐Đại Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần 9 và Đại Hội 6 của ĐCS Trung
Quốc và QTCS trong mùa hè‐có thể đã lọt về đến châu Á vào mùa
thu năm đó. Những báo cáo không chính thức của những người Việt tại Moscow và của Nguyễn Văn Tạo tại Paris có thể đã đánh động Thanh Niên rằng
sẽ có những thay đổi sắp đến. Nhưng chắc hẳn những chỉ thị cụ thể cho Đông
Dương của QTCS đã không đến được các nhà cách mạng Việt Nam trước mùa xuân mà vào mùa thu năm
1929. Lúc đó thì Luận Cương về Các Quốc Gia Thuộc Địa và Bán Thuộc Địa của
Kuusinen chắc hẳn đã được in ra bằng tiếng Nga, và ʺCương Lĩnh Chungʺ của
Bukharin có thể đã được biết đến qua tờ Inprecor và những tờ báo
cộng sản khác. Nhưng ta cần nên nhớ rằng, dù vậy bản thảo Luận Cương của
Kuusinen mãi đến ngày 4 tháng 10 1928 mới được in trên Inprecor; bài phát
biểu của ʺAnʺ về Việt Nam đến 25 tháng 10 mới xuất hiện trên báo này. ĐCS
Pháp đã không bắt đầu thực thi chính sách ʺCon Đường Mớiʺ cho đến sau Đại
Hội 6 của đảng này, được tổ chức vào tháng 4 1929. Trong một bài báo ngày 21
tháng 4 / 1929 trên tờ Nhân Đạo, Maurice Thorez đã viết rằng đảng này đang bước
vào ʺmột giai đoạn chấn chỉnh mang tính quyết địnhʺ và một cuộc đấu tranh quan
trọng chống lại ʺchủ nghĩa cơ hộiʺ.
Sự phát triển của lực
lượng cánh tả Trung Quốc
Từ những hồ sơ lưu trữ của QTCS về Trung Quốc
ta có thể thấy trong suốt năm 1928 Bộ Chính Trị ĐCS Trung Quốc muốn theo đuổi
một chính sách vũ trang mạnh mẽ hơn của QTCS trong hiện tình cách mạng Trung
Quốc. Ví dụ như một tuyên bố vào tháng 5 1928 của Bộ Chính Trị ĐCS Trung Quốc
đã phê phán Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần 9 vào tháng 2 năm ấy.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng ʺcao trào cách mạngʺ vẫn đang tiếp diễn và nghị quyết
của QTCS đã ʺđề cập quá ít về sự thiếu sót của viễn cảnh cho sự ổn định kinh tế
và chính trị của giai cấp thống trịʺ ở Trung Quốc [84]. Cục Viễn Đông thuộc Ban
Chấp Hành QTCS, được thành lập ở Thượng Hải vào năm 1926 để hướng dẫn những
đảng cộng sản châu Á, đã thuyên giảm xuống còn một nhóm cốt cán ít ỏi trong
thời kỳ này và đã không nắm lại vai trò chỉ đạo hoàn toàn cho đến mùa xuân 1929
[85]. Đại diện của Cục Thông Tin Quốc Tế (Otdel Mezhdunarodnoi Svyazy hay
OMS) thuộc QTCS là A.E. Albrecht (Abramovich), lãnh hai trách nhiệm: phân
bổ ngân sách và đại diện chính trị trong thời kỳ gián đoạn này. Vào thượng tuần
tháng 6 1928, từ Thượng Hải Albrecht đã viết thư cho Moscow than phiền về ʺtính manh độngʺ
trong ĐCS Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển đến các vùng nông thôn. Ở miền nam
các tỉnh Hồ Nam , Sơn Tây và phía bắc Quảng Đông,
quân đội vẫn tiếp tục giao tranh. Nhưng nó đã xa rời quần chúng và hành xử như ʺmột
nhóm thổ phỉʺ. Albrecht quy trách nhiệm cho đồng nghiệp của mình, một đại diện
QTCS tên Mitkevich (còn có tên là Olga),
là đã gieo rắc tinh thần manh động
trong ĐCS Trung Quốc[86]. Nhưng bản thân Mitkevich cũng đã
phê phán những hành động thái quá của Sô Viết Hải‐Lục‐Phong: ví dụ như mệnh lệnh bắt
tất cả nhà cửa phải được sơn đỏ, và ʺchủ trương tàn phá các huyện lỵ (là trung
tâm quyền lực của giới địa chủ và quý tộc)ʺ [87].
Mặc dù Albrecht báo cáo việc người Nhật can
thiệp vào Tế Nam (Jinan ‐ ND) đã dẫn đến việc ʺđẩy mạnh phong
trào quần chúng tại thành thịʺ, nhưng trọng tâm của ĐCS Trung
Quốc đã hướng về vùng nông thôn. Các toán quân cộng sản do Chu Đức (Zhang De ‐ ND) và
Trần Nghị (Chen Yi ‐ ND) chỉ huy đã kết hợp với lực lượng của Mao Trạch Đông tại vùng biên
giới Hồ Nam ‐ Giang Tây vào tháng 4 1928 để tạo
thành một vùng cơ sở nông thôn. Sau thất bại của Sô Viết Hải‐Lục‐Phong vào
tháng 3, một số người tham gia đã rút vào vùng núi non phía đông Quảng Đông,
trong khi một số khác có thể đã quay về Quảng Châu và hoà nhập với quân đội
Quốc Dân Đảng. Những người còn lại hoà chung với làn sóng tị nạn đang dồn lên
trong năm 1927 hướng về những cộng đồng người Hoa ở Nam Dương [88]. Làn sóng
của tầng lớp lao động Trung Quốc đổ về khu vực Đông Nam Á rõ ràng là đã thúc
đẩy việc thành lập Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương và từ đấy đã củng cố ảnh hưởng của
uỷ ban này đối với phong trào cộng sản Việt Nam . Bộ Ngoại Giao Pháp đã báo cáo rằng
cho đến năm 1927 tại Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh đã có một ʺcon số đáng kể
của người Hoaʺ trong thành phần cu‐li và phu bến tàu. Tại Bắc Kỳ người
Hoa có mặt rất đông ở ʺmột số các vựa mỏʺ [89].
Những người tị nạn trong đó bao gồm cả những
người cộng sản lẩn trốn, đã được lôi cuốn vào cộng đồng lưu vong được tổ chức
chặt chẽ ở nơi mà Quốc Dân Đảng đã có cơ sở vững vàng. Báo cáo của Pháp về vấn
đề người nhập cì cho biết rằng ʺnhững người Trung Quốc tại Đông Dương đều nhận
là có liên hệ với tổ chức dân tộc Quốc Dân Đảng... Họ đã bị bắt buộc tham gia,
và họ không dám cưỡng lại quyền lực của các ʺHội Đồngʺ vì chúng đều trực thuộc
dưới quyền của một Tổng Đoàn thuộc Quốc Dân Đảngʺ [90]. Ta không rõ những cơ
cấu cộng sản vào năm 1928 đã ẩn mình ra sao trong lòng tổ chức Quốc Dân Đảng.
Tại Quảng Châu, như ta đã thấy, một số thành viên cộng sản người Việt vẫn nằm
trong cơ cấu của Quốc Dân Đảng cho đến cuối năm ấy để tiếp tục những lớp tập
huấn bí mật của mình cũng như để mưu sinh. Tại những nước thuộc địa Đông Nam Á,
họ cũng phải làm như thế đơn giản là để sống còn. Ví dụ như tại Singapore,
thành phần cánh tả chịu ảnh hưởng của cộng sản (được biết đến như là phong trào
Main School) đã kiểm soát 21 trong số 29 chi bộ Quốc Dân Đảng vào tháng 4 /
1928 [91]. Nhưng Uỷ BAn Nam Dương có lẽ đã thiết lập một cơ chế mặt trận mới
trong năm ấy nhằm giữ nguyên tổ chức, như tôi sẽ phân tích thêm ở dưới.
Trong khoảng giữa năm 1928 và 1929 không khí
trí thức cánh tả tại Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ nỗ lực chấn hưng khối
Quốc Dân Đảng tả khuynh, không phụ thuộc vào QTCS. Vào tháng 5 1929 Hội Đồng
Chí Tái Tổ Chức được thành lập. Cụm từ ʺtái tổ chứcʺ hàm ý về tinh thần của
phong trào tái tổ chức Quốc Dân Đảng trong năm 1924, được thực hiện dưới ảnh
hưởng của Borodin. Nguyên nhân tiên khởi kích động việc thành lập tổ chức này
chính là việc Nhật chiếm đóng Tế Nam trong tỉnh Sơn Đông trong cùng
tháng ấy [92]. Nhưng theo quan điểm của So Waichor, thành phần Quốc Dân
Đảng cánh tả không bằng lòng về việc Tưởng Giới Thạch đã lơ là những nguyên tắc
cơ bản của họ: phản đế và cải cách điền địa [93]. Cái lý tưởng mà Hội Đồng Chí
đại diện từ 1928 đến khi nó sụp đổ vào năm 1931 là để ʺnhắm vào sự đồng tình
của ʺgiai cấp bị bóc lộtʺ ở Trung Quốc, bao gồm nhiều
thành phần xã hội như giới trung thương
và tiểu thương, giới nông dân ‐ từ tiểu địa chủ đến lao công nông
trại, giai cấp lao động, giai cấp tiểu tư sản, trí thức và thanh niênʺ [94].
Ảnh hưởng trí thức của nhà lãnh đạo Hội Đồng
Chí là Trần Công Bác (Chen Kungpo ‐ ND) đã vượt ra ngoài phạm vi
Quốc Dân Đảng. Ông là một học giả được đào tạo tại Mỹ và một cựu đảng viên ĐCS
Trung Quốc từng giữ nhiều chứ vụ quan trọng trong thời kỳ mặt trận thống
nhất[95]. Tạp chí Cách Mạng Bình Luận (Ko Ming Pʹing Lun ‐ ND) do ông xuất
bản từ đầu năm 1928 đến khi bị Tưởng Giới Thạch đóng cửa vào tháng 9 là một tờ
báo có chiều hướng Marxist. Những người viết bài cho tạp chí đại diện cho phái
cực tả của Quốc Dân Đảng và có cả những người ʺbạn đồng hànhʺ cộng sản [96].
Một trong những tư tưởng do Trần Công Bác cổ xuý trong tạp chí và những bài
viết khác là ʺCuộc Cách Mạng Dân Tộc Trung Quốc có liên hệ chặt chẻ với cuộc
cách mạng phản đế toàn cầuʺ. Ông tin rằng Quốc Dân Đảng nên nhận lấy nhiệm vụ
lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc của nhân dân thuộc địa Đông phương, từ đó thúc
đẩy cách mạng thế giới [97]. Về vấn đề này ông khuyến khích việc thành
lập một tổ chức ʺQuốc Tế Phương Đôngʺ hoặc một ʺTam Dân Quốc Tếʺ nhằm cân bằng
thế lực với cả Hội Liên Hiệp Quốc Gia và Đệ Tam Quốc Tế ở Moscow . So Waichor đoan chắc rằng chủ
thuyết phản đế của Trần Công Bác ʺđã gieo mầm tư tưởng về vấn đề này trong
những người cánh Tả.ʺ
Việc thành lập một hội phản đế mới tại Thượng
Hải vào tháng 7 hoặc tháng 8 ʺLiên Hiệp các Dân Tộc Phương Đông bị Áp Bứcʺ có
thể là kết quả hoạt động của Hội Đồng Chí (còn được gọi là ʺTái Tổ Chứcʺ) trong
Quốc Dân Đảng [99]. Liên Minh này sẽ đóng vai trò chủ chốt trong trong phong
trào cánh tả ở Nam Dương trong giai đoạn từ 1929 đến đầu 1930. Sự ra đời của nó
có thể đã tạo điều kiện cho nỗ lực của Hội Đồng Chí trong việc thành lập các
chi nhánh hải ngoại tại Hồng Kông, Nhật, Việt Nam và Singapore [100]. Nhưng Liên Hiệp này dường
như chỉ để dùng làm một vỏ ngoài hợp pháp cho những hoạt động cộng sản. Việc
này có vẻ như đã lỗi thời ‐ giống như một sự tiếp tục của mặt
trận thống nhất giữa Quốc Dân Đảng ‐ ĐCS Trung Quốc ‐ có lẽ đã liên
hệ đến chủ trương của Willy Munzenberg trong Liên Hiệp Phản Đế ở Berlin . Tại Đại Hội 6 QTCS ông đã lên
tiếng về sự cần thiết của việc giữ vững ảnh hưởng cộng sản trong hàng loạt
những tổ chức phi cộng sản khác [101]. Cho đến tháng 4 1929 Phu nhân Tôn Dật
Tiên, nằm trong phong trào ʺĐệ Tam Đảngʺ, vẫn được mang chức vụ Chủ Tịch Danh
Dự trong tờ báo của Hội Liên Hiệp [102]. Trong một lá thư viết vào tháng 3 1930,
Cục Viễn Đông đã khen ngợi ĐCS Trung Quốc về sự ʺthành thạo trong việc sử dụng
những khả năng hợp pháp và bán hợp phápʺ, trong đó bao gồm Liên Hiệp Phản Đế và
ʺLiên Hiệp Tự Doʺ [103].
Một báo cáo của Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương (cho
Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc) viết vào ngày 19 tháng 7 1928 đã phản ánh tầm
quan trọng của phong trào phản đế trong giai đoạn này. Nó cũng đề cập đến việc
đòi hỏi phải có một cuộc ʺđấu tranh không khoan nhượngʺ trong các tổ chức hàng
đầu của Uỷ Ban [104]. Bản báo cáo cũng tường thuật một hội nghị toàn thể mở
rộng bắt đầu vào ngày 2 tháng 7 1928. Hội nghị này bao gồm những đại biểu từ
Bonero, ʺTiểu Tổ Thuỷ Thủ Đặc Biệtʺ, những tổ công nhân cao su, Liên Đoàn Thanh
Niên Cộng Sản và Liên Đoàn Phản Đế [105]. Uỷ Ban Quảng Đông đã không gửi đại
biểu tham dự; và cũng không thấy nhắc đến những đại biểu của chi bộ Nam Kỳ ‐ Cam Bốt. Đại
Hội Toàn Thể tuyên bố rằng tổ chức đảng của vùng Quần Đảo Mã Lai (một cách gọi
khác của người Nga cho vùng Nam Dương) phải được tái tổ chức; mọi thành phần
ʺphá hoại, thoái hoá và do dựʺ sẽ bị đào thải. Chỉ có ʺnhững đồng chí cương
quyết, trung thực và quên mìnhʺ sẽ được đề bạt; những người xuất thân thành
phần công nông được đưa thẳng lên hàng ngũ lãnh đạo. Hội Nghị đã dành ngày 3
tháng 8 cho những khoá giảng về phản đế, và nó đã được nhấn mạnh một cách đặc
biệt trong chương trình đại hội. Các học viên được chỉ thị ʺđến với nông dânʺ
và tổ chức ʺmột đội ngũ quần chúng rộng rãiʺ để ʺtự nổi dậyʺ tham gia phong
trào chống Nhật. Nhưng những hoạt động trên không được nhân danh Uỷ Ban Nam
Dương. Báo cáo nói rằng ʺhiện tại chúng tôi không có khả năng lãnh đạo phong
trào quần chúng một cách công khai dưới danh nghĩa đảng cộng sảnʺ. Vì thế phong
trào ngày 3 tháng 8 đã được lãnh đạo một cách bí mật, nhân danh những tổ chức
quần chúng như Hiệp Hội Kháng Nhật, Hiệp Hội Hoa Kiều Cứu Quốc, Hiệp Hội Tẩy
Chay Hàng Hoá Nhật, vân vân [107].
Điều lý thú là thời điểm của Hội Nghị toàn thể
mà trong đó sắc lệnh tái tổ chức Uỷ BAn Nam Dương được ban hành lại rất gần với
thời điểm của ʺHội Nghị Tái Tổ Chứcʺ của Kỳ Uỷ Bắc Kỳ của Thanh Niên vào tháng
9. Liệu chi bộ Nam Kỳ‐Cam Bốt của Uỷ BAn Nam Dương đã nhận chỉ thị về việc cần phải ʺtái tổ
chứcʺ sau hội nghị toàn thể tháng 7? Liệu có những liên hệ gì giữa những nhà
hoạt động người Hoa tại Sài Gòn hoặc Bắc Kỳ và những thành viên người Việt
trong Thanh Niên? Rất có khả năng những tổ
chức cộng sản Nghiệp Đoàn Thuỷ Thủ,
Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Ban Bí Thư Nghiệp Đoàn Thái Bình
Dương, hoặc những phần tử cộng sản trong Liên Đoàn Phản Đế đã cung cấp cơ cấu
tổ chức để liên lạc và truyền đạt những giúp đỡ về chính trị. Ta có thể đoán ít
nhất là động lực thúc đẩy Thanh Niên và chú trọng việc tổ chức tầng lớp vô sản
đã được chuyển tải từ ĐCS Trung Quốc, có lẽ là qua ngõ Uỷ BAn Nam Dương mà
không phải trực tiếp từ Moscow hoặc từ Hồ Chí Minh đang ở Xiêm. Uỷ Ban Trung
Ương của Thanh Niên tại Quảng Đông hình như không liên quan đến việc này ‐ theo như những
sự kiện trong năm 1929 cho thấy.
Khi Lý Lập Tam (Li Li San ‐ ND) từ Moscow
quay về vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu 1928, ông đã nhanh chóng khuyến khích
xu hướng thiên tả bên trong ĐCS Trung Quốc với phương pháp tạm thời đưa những
người cộng sản Trung Quốc vào một mặt trận thống nhất hạ tầng với những thành
phần cánh tả của Quốc Dân Đảng. Đây là một khía cạnh trong chính sách của Lý
Lập Tam đã không được phản ánh trong tài liệu chính thức của ĐCS Trung Quốc.
Nhưng tài liệu của QTCS về ĐCS Trung Quốc đã cung cấp những bằng chứng về khía
cạnh đã không được công nhận này trong phong cách lãnh đạo của Lý Lập Tam. Khía
cạnh này theo tôi đã có ảnh hưởng đến hướng đi của những sự kiện tại Việt Nam trong năm 1929 và đầu năm 1930. Khi
Lý quay về lại Thượng Hải, ông chỉ là một thành viên dự
khuyết của Bộ Chính Trị và Uỷ Ban Thường Trực [108]. Nhưng với tư
cách là người đứng đầu Phòng Tổ Chức, ông đã sớm trở thành người lãnh đạo tối
cao trong những khu vực thành thị. Rất có thể là Lý Lập Tam đã đưa ảnh hưởng
của mình vào trong Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương. Là lãnh đạo của Tổng Liên Đoàn Lao
Động tại Thượng Hải trong thời kỳ hoàng kim của nó vào năm 1925, và cũng là
thành viên trong Ban Bí Thư Thường Trực của Nghiệp Đoàn Thái Bình
Dương, có thể ông đã là một nhân vật quen thuộc đối với những người hoạt
động công đoàn đã nhập cư đến những bến cảng ở Đông Nam Á từ năm 1926 đến 1928
[109]. Ông mang những quan điểm thiên tả của Uỷ Ban Chấp Hành của Phân Bộ Quảng
Đông mà ông đã là thành viên sau khi trốn khỏi Thượng Hải vào cuối năm 1925
[110]. Sau thất bại của Công Xã Quảng Châu ông được đề cử để đứng đầu Tỉnh Uỷ
Quảng Đông; không rõ là ông đã giữ chức vụ này bao lâu [111]. Cảnh sát Singapore sau này đã lưu ý rằng đã có một ʺsự
tăng cường mạnh mẽ trong việc tuyên truyềnʺ từ Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc
đến Mã Lai trong năm 1928 và 1929. Họ cho là việc phát triển của chủ nghĩa cộng
sản tại Mã Lai là do phong trào tuyên truyền này [112]. Việc Lý Lập Tam quay về
Thượng Hải vào nửa cuối năm 1928 cho thấy đây là một trong những nguyên nhân
dẫn đến việc tăng cường tuyên truyền trên.
Một trong những hành động đầu tiên của Lý Lập
Tam khi quay về Thượng Hải là trục xuất Thái Hoà Sâm (Cai Hesen ‐ ND) ra khỏi
thành phần lãnh đạo, một hành động mà QTCS cho là để bác bỏ những kết quả của
Đại Hội 6 ĐCS Trung Quốc. QTCS đã hy vọng việc bảo đảm được sự đoàn kết trong
thành phần lãnh đạo ĐCS Trung Quốc bằng cách đưa những đại biểu từ nhiều tầng
lớp khác nhau vào Bộ Chính Trị, một lá thư của Vladimir Kuchumov thuộc Cục Viễn
Đông gửi vào tháng 12 1928 cho Stalin, Molotov, Bukharin và
Pyatnitsky đã giải thích như thế. Nhưng việc Thái bị trục
xuất được xem là một bước lùi lại
thời kỳ cực tả trước Đại Hội 6. Lá
thư của Kuchumov đã đề cập đến thông tư (không có số) của Uỷ Ban
Trung Ương ĐCS Trung Quốc bàn về những vấn đề tổ chức trong đó đã lên án đường
hướng ôn hoà của Chi Uỷ Thượng Hải, khác hẳn với đường hướng cực đoan của Tỉnh
Uỷ Quảng Đông. Lá thư của Kuchumov do đó đã phê phán Hướng Trung Phát (Xiang
Zhong Fa ‐ ND) và Lý Lập Tam đã không tổ chức được quần chúng và không phát huy
khẩu hiệu ʺĐoàn kết với giai cấp Tiểu Tư Sảnʺ. Phương cách khắc phục
những sai lầm chính trị này là gửi đến một nhóm đại diện cho Ban Chấp Hành QTCS
để làm việc với Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc. Điểm cuối cùng trong lá thư
của Kuchumov là đề xuất việc tái thiết lập Phân Bộ Viễn Đông để lãnh đạo các tổ
chức tại Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên , Philippines và Đông Dương [113].
Phân Bộ Viễn Đông mới đã bắt đầu hoạt động tại
Thượng Hải vào hạ tuần tháng 3 1929 [114]. Nó bao gồm một người Ba Lan tên là
Ignaty Lyubinetski‐Kylski, còn có tên là ʺOstenʺ, và một người Đức thuộc cả hai cánh
tả và hữu của ĐCS Đức trong những năm 20. Người này tên là Gerhard Eisler, anh
của Ruth Fischer, được biết đến với tên ʺRobertsʺ. Những người khác đóng cơ sở
tại Thượng Hải là đại diện của Công Đoàn Quốc Tế Đỏ (Profintern‐ND) là George
Hardy và một người khác tên là G.M. Bespalov, phái viên của Liên Đoàn Thanh
Niên Cộng Sản là Willy hoặc ʺYoungʺ. Jakov Rudnik, người đứng đầu những hoạt
động của Cục Thông Tin Quốc Tế đã quay lại Thượng Hải vào
mùa xuân 1930 với bí danh Milaire
Noulens cùng với một số người khác[115].
Osten/Rylski và Robers/Eisler là những báo cáo viên chính trị
chủ chốt cho đến khi Pavel Mif xuất hiện vào tháng 9 1930, trong khi đó những
thành viên khác trong Phân Bộ Viễn Đông có ít trách nhiệm hơn, ví dụ như là
những công tác về công đoàn, hoặc trong trường hợp của Rudnik là lo về tài
chánh và hậu cần cho Phân Bộ. Những người cộng sản biết được, theo lời Trương
Quốc Đào (Zhang Guo Tao ‐ND), rằng
Kylski và Eisler đã có ʺnhưng sai lầm hữu khuynhʺ
trong quá khứ. (Trương đã nhầm lẫn tên của họ là Thalheimer và Brandler).
Vì lý do này, ông cho rằng, họ không được xem như những những người uỷ quyền
đáng tin cậy dưới quan điểm của một QTCS đã được Stalin hoá [116].
Mùa hè 1929 đã đem đến những tiến triển mới hứa
hẹn một ʺcao trào cách mạngʺ xa vời mà những người Trung Quốc hằng trông đợi mà
giờ đây sắp sửa xảy ra. Như ta đã thấy, Đại Hội Toàn Thể QTCS lần thứ 10 vào
tháng 7 đã quyết định ʺPhương Hướng Mớiʺ và việc đấu tranh giai cấp là những
chính sách chủ đạo trong phong trào cộng sản quốc tế. (Một lá thư của QTCS gửi
cho ĐCS Trung Quốc vào mùa hè năm ấy thông báo cho ĐCS Trung Quốc biết rằng
những người trung nông không còn được xem như là đồng minh trong cuộc đấu tranh
chống giai cấp địa chủ [117]). Cùng lúc ấy, phong trào chống
đối vũ trang của một liên minh lỏng lẻo gồm những địa chủ và sứ quân chống lại
Quốc Dân Đảng đang dâng cao ở Nam Kinh. Kuusinen đã phê bình ĐCS Trung Quốc
trong một hội nghị của Ban Bí Thư Chính Trị thuộc Ban Chấp Hành QTCS vào tháng
hai rằng ʺRất nhiều đồng chí Trung Quốc chỉ chú trọng vào mục tiêu trước mắt,,
làm như họ đang ngồi bên cửa sổ chờ đợi một phép màu cách mạng thình lình xuất
hiện. Phép màu này phải xuất hiện ra sao thì không rõ ràng mấy.... Họ bàn về
cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và tổ chức Quảng Tây và bảo rằng nhờ nó mà
cao trào cách mạng đang đến gần” [118] Dù vậy, vì QTCS không ngừng nhấn mạnh sự
cần thiết cảnh giác chống lại ʺchủ nghĩa cơ hội hữu khuynhʺ và ʺchủ nghĩa thoả
hiệpʺ, ĐCS Trung Quốc dường như đã quyết định rằng việc nhen nhóm lại ʺchiến
tranh quân phiệtʺ đã mở ra cho họ cơ hội để đẩy mạnh những cuộc khởi nghĩa vũ
trang. Stalin cũng đã đẩy mạnh mối căng thẳng trong nội bộ QTCS bằng cách liên
tục đưa ra những cảnh báo về một cuộc chiến tranh của đế quốc chống lại nước
Nga Sô Viết, có lẽ để kêu ủng hộ cho những chính sách kinh tế táo bạo của mình.
Ông đã sử dụng mối mâu thuẩn đang căng thẳng tại tuyến đường sắt Trung Quốc
Đông Phương (đoạn nối dài của tuyến đường sắt nổi tiếng Trans‐Siberian,
là nguyên nhân của chiến tranh Nga‐Nhật và Trung‐Nhật ‐ ND) để đưa ra
quan điểm rằng một trong những nhiệm vụ của cộng sản thế giới là bảo vệ Liên
Bang Sô Viết.
Khi những người trong Hội Tái Tổ Chức tham gia vào
việc điều phối cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền Nam Kinh vào giữa
năm 1929, ĐCS Trung Quốc đã chủ tâm ủng hộ họ. Trong số những người quân phiệt
đã thách thức giới lãnh đạo Quốc Dân Đảng gồm có Trương Phát Khuê (Zhang Fakui ‐ ND) ở Hồ Bái,
Lý Tôn Nhân (Li Zong Ren ‐ ND) và Du Bình Bá (Yu Zuobo ‐ ND) ở Quảng
Tây [119]. Trần Công Bác chuyển đến Hồng Kông vào tháng 6 1929 để chỉ huy chiến
dịch vũ trang, được gọi là ʺPhong Trào Vệ Đảng Cứu Quốcʺ [120]. Có lúc dường
như nó đã có cơ hội chấm dứt quyền lực của Tưởng Giới Thạch. Hai thành viên
cộng sản, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping ‐ ND) và Trương Vân Dật (Zhang Yun Yi
‐ ND) người gốc Hải Nam đã được điều từ Thượng Hải đến Quảng Tây để trà
trộn vào ʺPhong Trào Cứu Quốcʺ, Đặng đến vào khoảng giữa năm 1929 và Trương vào
khoảng đầu năm 1928. Đặng kể lại với Edgar Snow (nhà báo Mỹ ‐ ND) vào năm
1936 rằng ông đã đến Quảng Tây qua ngã Hải Phòng, Việt Nam vì ngã Quảng Châu quá mạo hiểm. Ông
kể rằng đã liên lạc với những phiến quân người Việt, những người đã phát động
cuộc ʺkhởi nghĩa Công‐Nông vào năm 1930ʺ [121]. Không chắc hẳn như lời của Uli Franz (nhà sử
học Đức ‐ ND) rằng Đặng đã tham khảo với Hồ Chí Minh tại Thượng Hải về con đường
nào tốt nhất để đi Quảng Tây. Nhưng rõ ràng là Đặng đã dùng những cơ sở người
Việt để giúp ông di chuyển từ Hải Phòng bằng tàu hoả để đến biên giới Quảng
Tây, từ đó ông đi theo con đường của những thành viên Thanh Niên đến Long Châu
rồi từ đó đi Nam Kinh [122].
Sau Đại Hội Toàn Thể Ban Chấp Hành QTCS lần thứ
10, Phân Bộ Viễn Đông tại Thượng Hải‐bao gồm những nhân viên ʺhữu khuynhʺ
cũ ‐ đã đưa ra quan điểm bằng cách thông qua một nghị quyết biểu lộ sự ủng
hộ tuyệt đối của họ đối với chính sách ʺPhương Hướng Mớiʺ. Tài liệu này được
viết vào tháng 10 1929, trong đó tuyên bố rằng Phân Bộ Viễn Đông sẵn sàng chiến
đấu chống lại ʺnhững đe doạ mang tính cơ hội và dao động trong ĐCS Trung Quốcʺ.
Bản nghị quyết cũng đã phê phán ĐCS Trung Quốc chỉ có ʺmột lớp mỏng của thành
phần công nhân và tiếp xúc với một số tổ chức quốc gia cách tânʺ. Tỉnh Uỷ Quảng
Tây đã thương lượng với Tướng Du Bình Bá về hoạt động trong đội quân của ông
ta, và gửi điện đến những tổ chức địa phương kêu gọi một chiến dịch rộng lớn
ủng hộ khối Trương Phát Khuê ‐ Du Bình Bá, bản nghị quyết cho
biết. Một số đảng viên đã từ chối thành lập những công đoàn đỏ trong
những hãng xưởng đã có những công đoàn vàng hoặc trực thuộc chính phủ tồn
tại [123].
Nghị quyết này của Phân Bộ Viễn Đông đã tạo ra
phản ứng đầy giận dữ từ Bộ Chính Trị Trung Quốc. Trong những cuộc họp với Phân
Bộ Viễn Đông vào tháng 12 1929, những người Trung Quốc, do Chu Ân Lai, Lý Lập
Tam và Hướng Trung Phát đại diện, đã không thừa nhận việc bị cáo buộc là có
những ʺsai lầm hữu khuynhʺ. Tại cuộc họp ngày 10 tháng 12 Rylski đã phê bình
ĐCS Trung Quốc về việc đã hợp tác với thành phần trung nông và những người
ʺquốc gia cách tânʺ tại Quảng Tây [124]. Ông thừa nhận là khi những mâu thuẫn
xảy ra tại tuyến đường sắt Đông Phương, ʺchúng tôi đã thảo luận về chiến
tranh du kích với các đồng chí và đã đưa ra những đề xuất rất vững chắc mà các
đồng chí cũng đã chấp nhận. Chúng tôi đã đề nghị các đồng chí nên tổ chức, mở
rộng và kích hoạt những cuộc chiến tranh du kích...ʺ [125]. Nhưng với nỗ lực
nhằm tránh liên hệ trách nhiệm vì những sai lầm của ĐCS Trung Quốc, ông đã bổ
xung rằng đề nghị này đã đi kèm với những chỉ thị giáo dục quần chúng mà ĐCS
Trung Quốc đã không chịu áp dụng [126]. Lý Lập Tam phản biện lại lời chỉ trích
này tại cuộc họp thứ hai (13 tháng 12], ông nói rằng Uỷ Ban
Trung Ương ĐCS Trung Quốc luôn đấu
tranh chống lại mối đe doạ hữu
khuynh, rằng họ đã chiến đấu những khuynh hướng thiên hữu bằng những phương
pháp như hợp pháp hoá phong trào, phát triển hoà bình và đánh giá nghiêm khắc
tầng lớp tư sản. Ông cũng chỉ ra rằng Uỷ Ban Trung Ương cũng đã phê phán những
người ʺTái Tổ Chứcʺ tại Quảng Tây: ʺCó thể có những đồng chí hoạt động trong
quân đội đã không hiểu rõ tình hình tại Quảng Tây. Nhưng không nên liên hệ
những sai lầm của họ với Uỷ Ban Trung Ương và Đặc Uỷ Quảng Tâyʺ [127].
Cuối cùng sau một thuyết trình dài của Eisler
vào ngày 17 tháng 12, cả hai phía đã đồng ý đệ trình những bất đồng của họ lên
Moscow để thỉnh cầu quyết định tối hậu về chính sách. ʺKhi chưa có được nghị
quyết về vấn đề này, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục những hoạt động thường nhật như
trước đâyʺ, Hướng Trung Phát kết luận. ʺNếu ĐCS Trung Quốc phạm sai lầm, Phân
Bộ Viễn Đông sẽ chấn chỉnh họ và ngược lại, nếu Phân Bộ sai phạm, chúng tôi sẽ
phải đấu tranh phản đối họ. Ngoài việc gửi điện, chúng tôi đề nghị gửi một đồng
chí Trung Quốc đến Moscow ” [128] Kết cục này đã làm cho Phân
Bộ Viễn Đông không có một quyền lực thật sự nào trong mắt của ĐCS Trung Quốc
cho đến khi Moscow đưa ra quyết định cuối cùng. Dường như từ cuối tháng 12
1929, Lý Lập Tam và người của ông đã cho thấy
họ càng trở nên độc lập trong việc giải thích những chính sách của QTCS. Dù
thế, họ lại không muốn mất đi số tiền viện trợ từ QTCS mà trong năm 1929 đã lên
đến hơn 200 nghìn đô‐la cũng như số tiền 16.408 đô‐la dành cho Đoàn Thanh Niên Cộng Sản
[129]. Vào tháng 2 1930 Chu Ân Lai bắt đầu đi Moscow để hội ý. Ông đến Moscow vào tháng 4 sau khi đi qua Berlin [130]. Rylski cũng quay lại Moscow trong khoảng thời gian ấy.
Sự rạn nứt của Thanh
Niên
Giai đoạn của việc Lý Lập Tam tìm cách nắm giữ
quyền lực trong cơ cấu của ĐCS Trung Quốc xảy ra cùng lúc với sự rạn nứt đang
lớn dần trong Thanh Niên Hội. Như đã nhắc đến ở trên, bắt đầu từ tháng 9 1928,
chi bộ phía bắc của Thanh Niên đã bắt đầu một chiến dịch ʺvô sản hoáʺ chính
mình. Vào tháng 3 1929 họ đã thành lập một nhóm cộng sản ở Hà Nội. Khi Phân Bộ
Viễn Đông đang tự thiết lập ở Thượng Hải, tầng lớp lãnh đạo của Thanh Niên đã
triệu tập một hội nghị toàn quốc ở Hồng Kông (họ đã phải rời Quảng Châu vào đầu
năm 1929, khi Hồ Tùng Mậu và một nhóm học viên người Việt ở Hoàng Phố bị bắt).
Khi đại hội khai mạc vào tháng 5, chiều hướng thiên tả đã được khẳng định rõ
ràng. Đã không có những bất đồng lớn giữa các đại biểu về sự cần thiết để thành
lập một đảng cộng sản theo khuôn khổ Bolshevik, dựa trên tinh thần của Đại Hội
QTCS lần 6. Nhưng trong những cuộc họp tiền đại hội, đoàn đại biểu từ phía bắc
đã tạo ra mối chia rẽ khi họ đòi hỏi phải thành lập đảng cộng sản ngay lập tức.
Ba nhân vật bất đồng này là Trần Văn Cung, Nguyễn Tuấn và Ngô Gia Tự đã sớm rút
khỏi đại hội trong khi những người lãnh đạo từ Trung Quốc là Lâm Đức Thụ và Lê
Hồng Sơn đã không chịu thay đổi quan điểm của họ rằng Việt Nam chưa sẵn sàng
bước khỏi giai đoạn chuẩn bị cho việc thành lập đảng [131]. Nhưng theo tài liệu
của Sở Liêm Phóng thì Lê Hồng Sơn đã tham khảo ý kiến về cương lĩnh mới với ĐCS
Trung Quốc tại Hồng Kông và vì thế ông có cơ sở để cho rằng mình đã đi đúng
hướng [132]. Những đại biểu từ các phân bộ miền trung, miền nam và Xiêm của
Thanh Niên lưu lại Hồng Kông cho đến cuối tháng 5 để hoàn thành bộ ʺtiểu cương
lĩnhʺ khổng lồ bao gồm những hình thức kỷ luật trong đó có năm vi phạm dẫn đến
án tử hình. Cương lĩnh đặc biệt thừa nhận những văn bản của Đại Hội QTCS lần 6
và tuyên bố chấm dứt mọi liên hệ với Quốc Dân Đảng Trung Quốc, giờ đã bị họ cho
là đảng của ʺphong kiến, địa chủ và đế quốcʺ [133]. Một Uỷ Ban Trù Bị được
thành lập để bắt đầu việc thiết lập đảng cộng sản. Hồ Chí Minh bị đánh rơi khỏi
hàng ngũ lãnh đạo vì ông đang ở quá xa; theo lời Lâm Đức Thụ thì đã có những
tin đồn rằng ông đang bị ốm nặng tại Đức [134].
Câu hỏi tại sao những người lãnh đạo Thanh Niên
ở phía bắc lại có thái độ chống đối với Uỷ Ban Trung Ương của Thanh Niên tại
Trung Quốc có lẽ không có câu trả lời đơn giản. Tuổi trẻ cao ngạo có lẽ là một
phần nguyên nhân, cộng với ước mong hợp lý là đem giới lãnh đạo cộng sản đến
gần với những thành viên trong nước. Đến khi Đại Hội tiến hành ra vào tháng 5,
nhóm phía bắc có thể đã có một vài phản đối chắc chắn đối với giới lãnh đạo tại
Quảng Châu/Hồng Kông. Ví dụ rõ ràng nhất là sự hiện diện của Lâm Đức Thụ, ngay
cả vào năm 1929, Thụ đã bị những nhà cách mạng, đặc biệt là Nguyễn Hải Thần
nghi ngờ là mật thám của Pháp [135]. Thụ còn biết đến như là một người có lối
sống suy đồi và chính ông đã báo cáo với Sở Liêm Phóng rằng mình đã ʺbị những
đồng chí phê phán mạnh bạo trong suốt cả năm.ʺ Vì thế ông đã yêu cầu không nhận
lãnh một chức vụ lãnh đạo nào, và đã trấn an Sở Liêm Phóng rằng việc này sẽ
ʺlàm cho công tác của tôi dễ dàng hơnʺ [136]. (công tác của ông có lẽ liên quan
đến việc tạo ra sự hiểu lầm giữa những nhóm cách mạng). Một nguyên nhân khác
của sự xích mích trên là ưu thế của những người có gốc gác từ những tỉnh miền
trung như Nghệ An và Hà Tĩnh trong hàng ngũ lãnh đạo tại Hồng Kông. Liên quan
đến mối căng thẳng vùng miền này có thể là sự khác nhau của hai nhóm trong
phương pháp đào tạo và tổ chức. Nhóm Trung Quốc bao gồm các thành viên đã qua
huấn luyện quân sự, một số trong họ đã từng là giảng viên tại Hoàng Phố. Những
người này gồm có Trương Văn Lềnh, Lê Quảng Đạt, Lê Duy Điếm và Lê Hồng Sơn. Họ
cũng có nguồn gốc từ nông thôn. Lê Hồng Sơn từng là tuyên truyền viên cho Liên
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Quốc Tế trong tầng lớp nông dân tại Đảo Hải Nam; Hồ
Tùng Mậu đã giúp tổ chức những hiệp hội tương ái tại những vùng thôn quê ở
Xiêm. Trong khi đó, những thành viên Bắc Kỳ của Thanh Niên ngày càng tập trung
vào việc tổ chức tại những khu vực thành thị. Hoạt động của họ tại bến cảng Hải
Phòng và những khu mỏ Cẩm Phả, Uông Bí và Mạo Khê, nơi có mật độ người lao động
gốc Hoa cao, có lẽ đã giúp họ liên lạc với những người tổ chức công đoàn thuộc
Liên Đoàn Lao Động Nam Dương và Tỉnh Uỷ Quảng Đông của ĐCS Trung Quốc. Những
căng thẳng này cũng có thể đã xuất hiện tại Nam Kỳ. Sự tranh đua giữa Tôn Đức
Thắng, một lãnh tụ công nhân tại Sài Gòn, và Lê Văn Phát đã dẫn đến việc Phát
bị Thanh Niên ám sát vào tháng 12 1928, có thể được bắt nguồn từ những xung đột
thành thị và nông thôn. Chúng ta có thể thấy được những khác biệt này đã tạo
thành mảnh đất màu mỡ để cho Sở Liêm Phóng gieo rắc những hạt giống kích động
tranh chấp.
Thời điểm từ tháng 6 1929 đến tháng 2 1930 là
thời điểm nguy kịch của những người cộng sản Việt Nam . Thành phần ly khai tại Bắc Kỳ đã
thành lập một đảng cộng sản riêng vào tháng 6 gọi là Đông Dương Cộng Sản Đảng
và đã nhanh chóng điều động phái viên đến những vùng khác trong nước. Vì họ nắm
quyền tại chi bộ phía bắc của Thanh Niên nên những thành viên miền bắc dù muốn
hay không cũng đã tự động gia nhập đảng mới. Họ cũng đã xâm nhập vào miền trung
và miền nam. Trong cả hai vùng này hàng ngũ lãnh đạo của Thanh Niên đã bị một
làn sóng bắt bớ tấn công vào cuối năm 1929. Vào tháng 7 toàn bộ chi uỷ của miền
trung đã bị bắt, trong đó có Nguyễn Sĩ Sách vừa mới trở về từ hội nghị của
Thanh Niên và Vương Thúc Oánh, Trần Văn Cung cũng bị bắt. Võ Mai trốn lên vùng
thượng du Nghệ Tĩnh [137]. (Hồ Chí Minh và Trần Phú đều bị xử tử vắng mặt tại
một phiên toà ở Vinh vào tháng 10 1929). Cũng vào tháng 7 người Pháp bắt đầu
bắt giữ những nhà hoạt động mà tên tuổi được tìm ra từ cuộc điều tra về cái
chết của Lê Văn Phát, còn gọi là vụ án đường Barbier. Những người này gồm có
Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Kim Cương [138]. Những nhà tổ chức khác
bị buộc phải rút về vùng nông thôn như Đồng Tháp [139]. Cùng lúc đó, đảng Tân
Việt (Cách Mạng Đảng cũ) đã bị tê liệt vì những người lãnh đạo tại miền trung
và Sài Gòn đã bị bắt giữ. Việc họ cư ngụ chung với những lãnh đạo Thanh Niên đã
dẫn đến việc khám phá ra những tài liệu của Đảng do Hà Huy Tập soạn thảo khi vụ
án mạng đường Barbier được phanh phui (Hà Huy Tập và hai thành viên Tân Việt
khác là Trần Ngọc Danh và Trần Phạm Ho đã trốn đi Thượng Hải sau khi cơ
quan trung ương của Việt Tân bị khám phá vào tháng 12 / 1928 [140]). Tại Vinh,
Nguyễn Thị Minh Khai báo cáo rằng chỉ còn những nhóm công nhân và phụ nữ vẫn
còn đứng vững [141]. Những vụ bắt bớ này chắc chắn đã tạo ra lợi thế cho Đông
Dương Cộng Sản Đảng (ĐDCSĐ) vì họ mặc nhiên đã trở thành một tổ chức với những
người đứng đầu có kinh nghiệm nhất tại Việt Nam .
Không bao lâu sau khi ĐDCSĐ hình thành, Ngô Gia
Tự được phái đi Sài Gòn để thành lập cơ sở trong tầng lớp cu‐li tại Chợ Lớn
và bắt đầu tạo ra một Tổng Liên Đoàn Lao Động. Những người tổ chức công đoàn
của Thanh Niên không gia nhập ĐDCSĐ không bao lâu sau cũng đã thành lập một
Tổng Liên Đoàn Lao Động riêng cho mình [142].
Trước mối đe doạ bị mất tất cả các thành viên,
Uỷ Ban Trung Ương Thanh Niên tại Hồng Kông bắt buộc phải từ bỏ quan điểm của
mình về việc thành lập đảng cộng sản. Đến cuối tháng 8 /1929, ngay sau khi Hồ
Tùng Mậu và khoảng 20 cựu học viên Hoàng Phố vừa được phóng thích, họ đã quyết
định thành lập An Nam Cộng Sản Đảng. Họ đã viết trong một văn thư dài đầy tính
tự vệ cho các thành viên (có thể được viết vào trung tuần tháng 10, vì văn thư
có đề cập đến một lá thư gửi cho ĐDCSĐ vào ngày 4 tháng 10): ʺUỷ Ban Trù Bị đã
phù hợp với tình hình trước đây, nhưng giờ đây Uỷ Ban này đã không còn đáp ứng
được những đòi hỏi hiện tại” [143] Một phần của trở ngại này là đã có nhiều
thành viên trong Uỷ Ban bị bắt giữ trên đường quay về Việt Nam sau kỳ Đại Hội
vào tháng 5, bản văn thư giải thích. Thanh Niên Hội đã bị giải tán và giờ đây
chỉ có vài nhóm còn lại tại Xiêm và Nam Kỳ. Một tiểu tổ của An Nam Cộng Sản
Đảng (ANCSĐ) đã được thành lập tại Hồng Kông với nhiệm vụ thành lập một đảng
thực thụ, ʺnhư chúng tôi đã lưu ý, ĐDCSĐ không phải là một đảng thực sựʺ, bức
thư nói. Đảng mới do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Quảng Đạt và Lê Duy
Điếm lãnh đạo, tuyên bố rằng ANCSĐ hoàn toàn chấp thuận cương lĩnh của
đảng đối phương. Họ than phiền rằng ĐDCSĐ đã bắt đầu tổ chức từ trên xuống
trước khi thành lập các chi bộ tại các khu lao động hoặc trong lòng quần chúng.
Một phê phán khác là ĐDCSĐ đang thành lập các nhóm của những người ʺĐỏʺ, những
người này được kêu gọi hoạt động với quần chúng và đóng Đảng phí hàng tháng mà
không thực sự phải trở thành đảng viên. Do đó, những người ʺĐỏʺ bị bắt buộc
phải hoàn toàn chấp hành mệnh lệnh và quyết định của đảng ‐ điều này đi
ngược lại với nguyên tắc dân chủ tập trung, lá thư nói. (Những người đứng đầu
ANCSĐ căn cứ vào những hiểu biết của họ về phương pháp hoạt động của ĐDCSĐ dựa
theo một bức thư đề ngày 4 tháng 10 1929 của ĐDCSĐ gửi cho ĐCS Trung Quốc, cũng
như trên tờ báo Cờ Đỏ của ĐDCSĐ số ra ngày 26 tháng 9 [145]). Ngoài ra còn có
một than phiền khác nữa là, căn cứ theo một thành viên ẩn danh của ĐDCSĐ, đảng
này ʺđã dẫn dắt quần chúng phá hoại các đền chùaʺ [146].
Có lẽ sai lầm tệ hại nhất của ĐDCSĐ là việc
đảng này đã hoạt động để ʺnhằm lật đổ Thanh Niên và Tân Việt, trong khi đó lại
đề xướng việc hợp tác với Việt Nam Quốc Dân Đảng hòng thúc đẩy việc phát triển
của đảngʺ. Bản văn thư cho rằng, thực chất ĐDCSĐ đã giúp đỡ Việt Nam Quốc Dân
Đảng (VNQDĐ) bằng cách thay đổi cương lĩnh của mình và giới thiệu những người
cộng sản vào VNQDĐ [147]. Việc đưa những người cộng sản vào VNQDĐ đã gợi lại
sách lược của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1926‐7 đối với Cách Mạng Đảng/Tân Việt.
Có thể đây là một sự lập lại của liên minh hiển nhiên đã tồn tại trong giai
đoạn 1928‐9 giữa ĐCS Trung Quốc và Quốc Dân Đảng cánh Tả. Quan hệ thân thiện giữa
ĐDCSĐ và VNQDĐ cũng là dấu hiệu cho thấy hiện tượng tị hiềm vùng
miền giữa khu vực miền trung và miền bắc. Trong khi giới lãnh đạo của Thanh
Niên đã khéo léo trà trộn và hợp nhất với Đảng Tân Việt là một tổ chức có gốc
gác từ miền trung Việt Nam thì ĐDCSĐ lại muốn thành lập một
mặt trận chung với một đảng phi cộng sản có nguồn gốc từ phía bắc. Lãnh đạo của
ĐDCSĐ vào ngày 4 tháng 10 đã viết thư cho ANCSĐ rằng đảng của họ tin rằng ʺhọ
có thể hợp tác với VNQDĐ trong hoàn cảnh hiện tại... Nhưng sự hợp tác này chỉ
xảy ra nếu Quốc Dân Đảng không phản đối những hoạt động tuyên truyền và tổ chức
của ĐDCSĐ ngay bên trong đảng của họ (có nghĩa là ĐDCSĐ sẽ bí mật điều khiển
nó[148]). Và rồi trong một lá thư của Uỷ Ban Trung Ương ĐDCSĐ gửi cho Ngô Gia
Tự đề ngày 7 tháng 1 1930, tác giả bức thư lưu ý rằng để đối diện với VNQDĐ,
ĐDCSĐ sẽ tiếp tục tìm các phương hướng trà trộn nhằm thành lập một Sô
Viết, từ đó sẽ ʺkết hợp với quần chúng của ta để tạo ra một Sô Viết thực thụʺ
[149].
Con số thành viên của hai nhóm cộng sản đang
tranh đua thì khác nhau, nhưng ĐDCSĐ tự nhận rằng đến 5 tháng 12 1929 họ đã kết
nạp được 60 thành viên ở Nam Kỳ, và khoảng 40 hoặc 20 ở Trung Kỳ (báo cáo viên
không nhớ được chính xác [150]). Hà Huy Giáp đã viết trong hồi ký của mình rằng
có 800 thành viên Thanh Niên ở miền nam vào mùa thu 1929 [151]. Nhưng ANCSĐ chỉ
thu nhận khoảng 50 người từ nhóm này trong giữa mùa thu, theo lời của Dương Hạc
Đính, một chỉ điểm của Sở Liêm Phóng. Ông là một học viên trước đây của Thanh
Niên và cho đến tháng 5 1929 là thành viên của thành phần ly khai Bắc Kỳ. Nhưng
ông lại đầu quân cho nhóm lãnh đạo Thanh Niên ở Trung Quốc sau đại hội và vào
tháng 9 đã được gửi đi Sài Gòn để thành lập một uỷ ban lâm thời cho ANCSĐ.
(Việc này xảy ra sau việc bắt giữ hầu hết các thành viên của uỷ ban trù bị vào
tháng 7). Cùng với Hoàng Tuyên (Trần Văn Minh), một cựu
học viên Hoàng Phố từ Nam Kỳ, Nguyễn Ngọc Ba, Đỗ Lương và Nguyễn Văn Ngọc, ông
đã thành lập một danh sách các thành viên Thanh Niên trong vùng Sài Gòn ‐ Gia Định và
một danh sách khác cho vùng Mỹ Tho và Cần Thơ để kết nạp họ vào đảng mới. Hai
bản danh sách này tổng cộng được khoảng 50 người, Đính cho biết [152].
Yếu tố đầu tiên từ bên ngoài thúc đẩy việc hợp
nhất của hai đảng cộng sản đã đến từ một kiểm soát viên người Trung Quốc thuộc
Phân Bộ Viễn Đông ở Thượng Hải. Ông đến Hồng Kông vào tháng 11 và đang trên
đường đến Singapore . Như Hồ Tùng Mậu đã viết cho ĐDCSĐ
vào ngày 14 tháng 11, một quyết định đã được đưa ra ở Thượng Hải để thành lập
một ban bí thư cho Liên Hiệp Cộng Sản các Dân Tộc Phương Đông bị Áp Bức. Nhiệm
vụ của Liên Hiệp này là ʺđể trực tiếp chỉ đạo tổ chức các nước Mã Lai Á, Java,
Burma, Xiêm và An Nam nhằm thành lập các đảng cộng sản càng nhanh càng tốt.ʺ
Phiên họp khai mạc của tổ chức này sẽ được bắt đầu trong vòng hai tháng, với sự
tham dự của các đại biểu từ các nước. ʺNhưng tốt hơn là chúng ta nên hoàn tất
việc thống nhất trước khi gửi đại biểu đến,ʺ Hồ Tùng Mậu viết [153]. Ban bí thư
của Liên Hiệp sẽ đặt tại Singapore và dường như là một hiện thân của Uỷ Ban Lâm
Thời Nam Dương. Dấu hiệu về tầm quan trọng của vai trò ĐCS Trung Quốc đối với
phong trào cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1929 có thể tìm được trong nhận định
của Sở Liêm Phóng về một trong những thư từ trao đổi giữa hai thành phần trong
tháng 11. Sở Liêm Phóng nhận định rằng ĐDCSĐ tại Sài Gòn đang gửi
tài liệu tuyên truyền bằng tiếng Hoa cho thành viên của họ tại Bắc Kỳ, một dấu
hiệu cho thấy phía Nam vẫn là trung tâm hoạt động của Uỷ BAn Nam Dương tại Việt
Nam [154]. Những người Việt tại Hồng Kông đã đặt vấn đề về việc phải hoạt động
trong quyền hạn của Singapore , theo lời kể của Dương Hạc Đính.
Đại diện của Trung Quốc khuyên họ nên cho Phân Bộ Viễn Đông biết suy nghĩ của
mình và đồng thời khuyến khích họ nên gửi đại biểu từ mỗi đảng đến Singapore sau này. Do đó Lê Quảng Đạt đã được
phái đến Thượng HảI để nói chuyện với ʺmột số thành viên Trung Quốc tại Phân Bộ
Viễn Đôngʺ [155].
Điều quan trọng là vào thời điểm này những
thành viên châu Âu của Phân Bộ Viễn Đông dường như đang cổ động cho vai trò của
cộng sản Trung Quốc tại Đông Nam Á. Nhiệm vụ của kiểm soát viên người Trung
Quốc đề cập ở trên có thể là kết quả từ yêu cầu của Liên Đoàn Phản Đế ở Berlin
rằng Phân Bộ Viễn Đông nên tập hợp một đoàn đại biểu để đến Hội Nghị Thanh Niên
Phản Đế đang dự định tổ chức tại Frankfurt trước khi Đại Hội Thế Giới lần 2 của
Hội Liên Hiệp Phản Đế, dự định tổ chức vào tháng 7 1929. Phân Bộ Viễn Đông gửi
thư cho Berlin vào tháng 5
1929 bảo rằng họ không có địa chỉ của những tổ
chức thanh niên ở Triều Tiên, Nam Dương, Đông Dương hoặc Mã Lai Á. ʺKhả năng
còn lại là làm việc thông qua các tổ chức của Trung Quốc ở các nước ấy,ʺ lá thư
nói. Họ quyết định rằng ʺphải gửi một đồng chí đến những địa điểm trên để
truyền đạt chỉ thị và đề xuất nhằm xây dựng một tổ chức phản đế trẻ bao gồm
những thanh niên bản xứ và Trung Quốc.ʺ Nỗ lực của Phân Bộ Viễn Đông rõ ràng là
đã quá trễ để gửi các đại biểu đến Berlin, nhưng theo lời giải thích của họ,
phái viên của họ sẽ giúp họ ʺcó khả năng tìm hiểu trực tiếp những điều kiện tại
những nơi này và để bắt đầu các bước thành lập những tổ chức dân tộcʺ [156].
Vào tháng 1 1930 Rylski báo cáo rằng Phân Bộ
Viễn Đông đang thiếu hụt thành viên để thực hiện những chuyến công tác theo yêu
cầu trong khu vực. Sự tiện lợi của những người Trung Quốc bị giới hạn vì họ
thường bị từ chối nhập cảnh vào các nước Đông Nam Á hoặc bị bắt giữ khi vừa đến
đích [157]. Dù vậy dường như đã không còn khả năng nào khác ngoại trừ việc
trông đợi vào những thành viên Trung Quốc này. Tại Moscow, QTCS cũng đã đi đến
kết luận như trên. Phân Bộ Trung Á vừa được tái lập, có trách nhiệm tại Burma,
Ấn Độ, Nam Dương và Đông Dương, đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 12 tháng 11 để
thảo luận về việc tái thiết Đảng Cộng Sản Đông Dương. Vì những thành viên Nam
Dương đã bị phân tán bởi nhà cầm quyền Hà Lan sau cuộc khởi nghĩa 1926, một đề
nghị được đưa ra là tận dụng ʺtổ chức cộng sản người Hoa đang tồn tại ở
Singapore, các tiểu bang Mã Lai và Nam Dương có quan hệ với Uỷ Ban
Trung Ương ĐCS Trung Quốc bất chấp sự yếu kém về số lượng và tư tưởngʺ, bản
nghị định viết, ʺtổ chức này có liên hệ với những công nhân người Hoa và địa
phương và đang lãnh đạo một số nghiệp đoàn trực thuộc Hội Đồng Nghiệp Đoàn của
Quần Đảo Mã Lai... Tạm thời tổ chức này có thể được dùng làm cơ sở để phát
triển hoạt động tại Nam Dương” [158] QTCS dường như đã không hiểu rõ truyền
thống của người Trung Quốc về khái niệm ʺNam Hảiʺ, một khu vực đang chịu ảnh
hưởng thống trị của Trung Quốc. Những thành viên châu Âu tại Phân Bộ Viễn Đông
cho rằng Singapore là trung điểm liên lạc giữa các khu vực đang chịu sự điều
phối của Phân Bộ Trung Á thuộc QTCS bao gồm từ Ấn
Độ đến Nam Dương, và nếu cần
thiết, cả Đông Dương nữa. Kuusinen xem Ấn Độ và
Nam Dương là những mục tiêu chính cho hoạt động của QTCS trong khu vực, như ta
đã thấy; hai thuộc địa này sẽ là điểm đến chính thức của hai kiểm soát viên
người Pháp của QTCS, được gửi đến Đông Nam Á trong năm 1930 và 1931.
Người đầu tiên là một đại diện có tên là
ʺThibaultʺ, vào tháng 8 1929 ông đang ở Bỉ để làm giấy tờ giả. Trong khi đang
đợi tin tức và tiền từ Moscow , ông đã báo cáo rằng ông đang thu
thập tài liệu về Nam Dương, khu vực Ấn thuộc Hà Lan và quần đảo Philippines . Ông yêu cầu gửi gấp những quyết
định mới nhất về công tác của ông, kể cả tài liệu từ Liên Đoàn Phản Đế [159].
Tập hợp các nguồn dữ liệu lại với nhau, ta có thể đoán được rằng nhân vật này
là Jean Crémet, một thành viên cộng sản người Pháp mà từ lâu nay bị cho là đã
mất tích tại Trung Quốc vào đầu năm 1930 (Vào những năm
1960, ông tái xuất hiện ở Bỉ) [160]. Joseph
Ducroux, được Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Quốc Tế
phái đến châu Á vào năm 1931 có nhắc đến trong hồi ký của mình rằng Cục Thông
Tin Quốc Tế đã yêu cầu ông tìm Crémet ở Thượng Hải và Hồng Kông vì QTCS đã
không nhận được tin của ông đã hơn một năm [161]. Ducroux nhớ lại là Crémet đã
di chuyển bằng một hộ chiếu Bỉ dưới tên là Walloon. Ducroux từng làm việc cho
Liên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Quốc Tế tại Moscow từ 1928 đến 1930 như là một
chuyên gia về Ấn Độ và trong mùa đông 1929‐30 được phân công chuyển những ʺtrợ
giúp về chính trị, vật chất và tinh thầnʺ đến cho ĐCS Ấn. Cả hai đại diện người
Pháp này đều thất bại trong nhiệm vụ của họ:Thibault đã không qua khỏi Bắc Kỳ
trước khi biến mất vào tháng 2 1930, và Ducroux, sau khi đi qua Việt Nam, đã bị
bắt tại Singapore vào năm 1930 trước khi đến được Ấn Độ. Việc Thibault/Crémet
mất tích dường như đã tạo ra những bối rối trong quá trình thống nhất của hai
tổ chức cộng sản Việt Nam, như sẽ được phân tích ở chương kế tiếp.
CHƯƠNG
5:
CAO
TRÀO CÁCH MẠNG (1930‐1)
Việc trở về của những
học viên Quốc tế Cộng Sản
Vào cuối năm 1929 phong trào cộng sản Việt Nam bao gồm hai đảng đối lập đang tranh
giành thành viên. Đông Dương Cộng Sản Đảng (ĐDCSĐ) đã tiến xa hơn khi thông báo
rằng nếu Hồ Chí Minh quay lại, ông chỉ được đối xử như một đảng viên bình
thường [1]. Những cựu lãnh đạo của Thanh Niên tại Hồng Kông đang đấu tranh để
thống nhất hai nhóm cộng sản với điều kiện việc này không
có nghĩa là một thất bại hoàn
toàn đối với An Nam Cộng Sản
Đảng (ANCSĐ). Họ đã sắp sửa gửi Lê Duy Điếm đi Moscow để tìm Hồ Chí Minh khi người đại
diện môi giới là Cao Hoài Nghĩa thố lộ rằng ông đã gặp Hồ tại Xiêm. Ông chỉ bị
thuyết phục tiết lộ nơi ẩn náu của Hồ khi nhận ra rằng sự chia rẽ trong hàng
ngũ Thanh Niên đã trở nên quá trầm trọng [2]. Cuối cùng thì Trương Văn Lềnh,
một trong những thành viên kiên trung còn lại của Thanh Niên, đã đi tìm Hồ vào
tháng 10 để thuyết phục ông quay lại miền nam Trung Quốc [3].
Cùng lúc đó tại Moscow QTCS đang bắt đầu ra
quyết định đã quá chậm trễ về phong trào cộng sản taị Ấn Độ, Nam Dương và Đông
Dương. Trần Phú và Ngô Đức Trì vừa hoàn tất chương trình học tập tại Đại Học
Stalin (Đại Học Lao Động Cộng Sản Phương Đông ‐ ND), đang chuẩn bị qua Pháp để về
Việt Nam. Một chương trình ngắn gọn về ʺChỉ thị về những hoạt động tại Đông
Dươngʺ được soạn thảo tại Moscow vào ngày 27 tháng 10 1929,[4] đây
là nghị quyết về việc thành lập một Đảng Cộng Sản Đông Dương [5]. Hôm sau Trần
Phú tham gia một ngày thảo luận do Kuusinen chỉ đạo về cương lĩnh tương lai của
ĐCS Ấn [6]. Đây chắc chắn là cách để giúp ông chuẩn bị đối phó với những lý
thuyết và thực hành đầy gai góc mà ông sẽ phải gặp tại Việt Nam . Cẩn trọng là tinh thần chủ đạo
trong các chỉ thị về Đông Dương. ʺPhương hướng chungʺ là thành lập những tổ
chức cộng sản rồi tiến tới hợp nhất chúng lại thành một đảng. Hai người Việt
Nam vừa rời Đại Học Stalin sẽ thu thập tin tức về phong trào nông dân và những
cuộc bãi công xảy ra trong năm trước; họ sẽ thiết lập các mối liên lạc với
những phần tử vô sản và bần nông trong những đảng phái quốc gia và ʺkích động
sự khác biệtʺ trong lòng các đảng phái này nhằm lôi kéo các thành viên vô sản
tham gia các nhóm cộng sản. Nhiệm vụ khác nữa là thành lập các nghiệp đoàn lao
động mới hoặc cũ, các hội tương tế (họ được khuyến khích tận dụng truyền thống
này của người Việt và người Hoa để xây dựng các tổ chức trên]. Điểm 15 của bản
chỉ thị là
lời cảnh báo chống lại sự nhầm lẫn giữa ʺnhững
phần tử của chúng ta và Đảng Độc Lập của cựu thành viên cộng sản Nguyễn Thế
Truyềnʺ. Mặt khác, hai học viên từ Moscow này sẽ phải phát triển quan hệ với
những tổ chức cộng sản Trung Quốc đang có mặt tại Đông Dương và tận dụng những
kinh nghiệm của họ. Điểm 17 yêu cầu thu tập dữ liệu về chính trị và kinh tế để
chuẩn bị cho bộ ʺLuận Cươngʺ về Đông Dương.
Trần Phú và Ngô Đức Trì trên giả thiết là sẽ
quay về Việt Nam với vai trò như nhau. Một bổ xung
trong những chỉ thị cho họ về ʺNhững vấn đề kỹ thuậtʺ xác định rằng ʺhai đồng
chí Việt Nam rời khỏi Đại Học phải được xem như
là những phần tử tiên phong cho hoạt động của chúng ta tại Đông
Dươngʺ [7]. Nhưng Trần Phú, một người đã từng là lãnh tụ của nhóm người Việt
tại Đại Học Stalin, thì được xem là người nổi bật hơn, có lẽ vì ông không có tì
vết gì vì đã không dính líu đến Nguyễn Thế Truyền (không như Ngô Đức Trì, đã
biết Nguyễn Thế Truyền trong thời gian ở Paris]. Trong khi cả hai đang chuẩn bị
cho cuộc hành trình, họ được giới thiệu đến nhân vật có bí danh
ʺThibaultʺ, đại diện của QTCS đang sắp đi châu Á qua ngỏ Siberia . Thibault/Crémet đã sắp xếp
một cuộc gặp riêng với Trần Phú tại Hồng Kông trong khoảng giữa ngày 1 và 15
tháng 1 1930, hoặc nếu như cuộc gặp này không thành, họ sẽ gặp nhau tại Hải
Phòng trong hai tuần lễ đầu của tháng 2 [8].
Ngoài những nghị quyết và chỉ thị mà Thibault
có nhiệm vụ cung cấp cho họ, QTCS còn trang bị cho hai người một bộ hướng dẫn
chi tiết hơn. Nó bao gồm một tập tài liệu dài 48 trang có tựa đề Những Nhiệm Vụ
Cấp Bách của Cộng Sản Đông Dương, được soạn thảo vào tháng 10 và 11. Trên thực
tế đây là một văn bản phê bình những nghị quyết của Đại Hội Tháng
5 1929 của Thanh Niên. Khi Trần Phú và Ngô Đức Trì đến Leningrad vào ngày 11 tháng 11 1929, họ được
báo rằng họ sẽ nhận tiền ở Berlin và Paris ; nghị quyết và thư hướng dẫn thành
lập đảng cộng sản cũng sẽ được gửi cho họ từ châu Âu. Sau khi đi bằng đường
thuỷ đến Hamburg, họ đến Berlin theo đường tàu hoả, ở đó họ đã nhận được một
ʺcuốn tiểu thuyết đóng bìa đẹp đẽʺ. Họ được lệnh không được bóc trang bìa ra trước
khi đến Sài Gòn, ở đó họ sẽ tách những trang tài liệu do QTCS giấu kín bên
trong [9].
Chỉ thị Những Nhiệm Vụ Cấp Bách của Cộng Sản
Đông Dương, một tài liệu đặc trưng của QTCS lúc ấy, trong đó đã cố gắng phối
hợp những yếu tố trong bản Luận Cương về Những Vấn Đề Dân Tộc và Thuộc Địa của
Lenin với những nghị quyết cấp tiến hơn từ Đại Hội 6 QTCS và Đại Hội Toàn Thể
10 của Ban Chấp Hành QTCS [10]. Phong trào cách mạng Đông Dương vẫn là
ʺmột cuộc đấu tranh với những tàn dư của phong
kiến và cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp vì nền độc lập dân tộcʺ [11].
Nhưng giờ đây đảng cộng sản phải là ʺmột thành quả của cuộc đấu tranh
giai cấpʺ chứ không phải là một kết quả từ những nhóm đào tạo chính trị [12].
Cương lĩnh của Thanh Niên bị phê phán vì đã vạch ra tiến trình của từng chặng
đường cách mạng để dẫn đến đấu tranh vũ trang. Bản chỉ thị nói rằng ʺkhông thể
nào xây dựng trình tự hoặc thời gian cho những giai đoạn phát triển cách mạngʺ.
Phải dùng sự ʺPhân tích vững chắc cho phong trào trong mỗi giai đoạnʺ để hướng
dẫn hành động. Đánh giá quá cao tình hình có thể dẫn đến ʺchủ nghĩa mạo hiểm và
chủ nghĩa manh độngʺ [13]. Sự thăng hoa của phong trào Đông Dương đã xảy ra
trong thời gian khi sự đột phá của phong trào cách mạng thế giới đang bắt đầu ‐ việc này bắt buộc
những người cộng sản Đông Dương không những phải tự hướng mình đến sự phát
triển từng bước của phong trào mà còn ʺhướng đến khả năng và sự chắc chắn của
những cuộc đấu tranh trong phạm vi rộng và những sự kiện đang diễn biến nhanhʺ
[14].
ʺSai lầm chủ yếu của những quyết
định của Thanh Niên là chúng đã không chứa đựng tính chính xác cần thiết
về tầm quan trọng của các giai cấp và vai trò của chúngʺ [15]. QTCS nhận định.
Giai cấp tiểu tư sản không còn được xem là thành phần của ʺlực lượng tiên tiếnʺ
của cuộc cách mạng như cương lĩnh của Thanh Niên đã khẳng định. Họ có thể được
sử dụng trong quá trình đấu tranh phản đế và cách mạng ruộng đất, nhưng chỉ
dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Lực lượng thực sự thúc đẩy cho quá trình
cách mạng là giai cấp công nhân và nông dân; thành phần cách mạng chủ yếu của
nông dân là tầng lớp bần nông ‐ những nông dân không có đất sở hữu
một ít ruộng đất [16]. Những gian hệ với những tổ chức hợp pháp và đảng phái
khác giờ đây được định nghĩa là chỉ mang tính lợi dụng. Đảng phải ʺnới rộng, sử
dụng và dẫn dắt cuộc đấu tranh phản đế của giai tầng tiểu tư sản, kể cả sinh
viên [17]. Văn bản cũng khẳng định
ʺViệc thành lập những tổ chức cộng sản bất hợp
pháp nhưng vững mạnh, những tổ chức đã nhuần nhuyễn trong việc sử dụng những vũ
khí đấu tranh đa dạng để đưa ra những ảnh hưởng hợp pháp hoặc bán hợp pháp ‐ việc này phải
là cơ sở của hoạt động đảng trong hoàn cảnh hiện thời của Đông Dươngʺ [18].
Hoạt động trong những vùng nông thôn cũng không được lơ là. Một trong những
nhiệm vụ trọng yếu của đảng là phát triển phong trào nông dân chống lại địa
chủ:
ʺđảng cộng sản phải phát động, chuẩn bị và lãnh
đạo cuộc đấu tranh của nông dân chống lại chế độ tá điền, chống lại việc bóc
lột ruộng đất, thuế má, lĩnh canh, vân vân. Chúng ta phải nhắm vào việc phát
triển từ những cá nhân bộc phát thành một phong trào nông dân rộng khắp chống
lại địa chủ và đế quốcʺ [19]. Nhưng ʺtrọng tâm của đảng và hoạt động quần chúng
vẫn phải nhắm vào các xí nghiệp, mỏ than, hoả xa, đồn điền, vân vân” [20] Những
chỉ thị trên đã gây áp lực rất lớn đến những nhà hoạt động Việt Nam để khởi
động một cuộc đấu tranh bạo lực nhưng lại khẳng định rõ ràng rằng những sai lầm
về việc phân tích hiện tình cách mạng tại địa phương sẽ là lỗi của họ.
Mãi cho đến ngày 8 tháng 2 1930 Trần Phú và Ngô
Đức Trì mới đến được Sài Gòn với những chỉ thị của họ. Họ bị cầm chân tại Paris vì những khó khăn trong việc thu
thập hộ chiếu giả. Mặc dù QTCS thường được cho là có một cơ sở làm hộ chiếu giả
tại Berlin , nhưng hình như nó vẫn chưa bước vào hoạt động
trong năm 1929 hoặc 1930. Đối với hai người Việt Nam hồi hương và hai người Pháp được
QTCS gửi đến Đông Nam Á trong thời gian 1929‐31, việc tìm được những giấy căn
cước giả là một trở ngại tương đối lớn. Trần Phú và Ngô Đức Trì đã nghe theo
lời khuyên của người bạn học cũ tại Moscow là Bùi Lâm và đã di chuyển một cách
bí mật. Mỗi người đã trả
1.500 franc cho một thuỷ thủ Trung Quốc để trốn
lên chiếc tàu Porthos cho cuộc hành trình đến Sài Gòn. Việc khởi hành chậm trễ
của họ có nghĩa là Trần Phú đã không đến được Hồng Kông vào khoảng giữa tháng
2. Vì thế ông đã bị trễ cả hai cuộc hẹn với Thibault, chưa kể cả việc tham dự
hội nghị thống nhất hai đảng [21].
Thông tin về phương pháp và thời gian của việc
chuyển giao những chỉ thị của QTCS đến Việt Nam và Hồng Kông vẫn còn là vấn đề nhạy
cảm đối với những người cộng sản Việt Nam hiện nay vì họ vẫn khẳng định rằng
Hồ Chí Minh chính là người đã thống nhất đảng. Ngày tháng đề trong phiên bản
tiếng Nga của tài liệu dài 48 trang này đề ngày 23 tháng 11 1929 (việc Trần Phú
và Ngô Đức Trì có nhận được phiên bản hoàn tất của những chỉ thị này hay không
thì không rõ]. Tài liệu này hình như đã được biết đến như là ʺnhững chỉ thị
tháng Chạpʺ về việc thống nhất đảng [22]. Những giải thích hiện tại cho rằng
đây chính là nguồn tài liệu của lãnh đạo QTCS về vấn đề thống nhất đảng [23].
Nhưng từ năm 1970 phiên bản tiếng Việt của tài liệu đã được trích dẫn để làm cơ
sở cho giả thiết rằng Hồ chính là người thống nhất đảng lại đề ngày 27 tháng 10
6 1929. (Phiên bản này của tài liệu không thể tìm được trong văn khố của QTCS).
Với đầu đề ʺVề Vấn Đề Lập Đảng Cộng Sản Đông Dươngʺ, tài liệu này nhấn mạnh vai
trò của ʺđại diện QTCSʺ trong việc thành lập một đảng cộng sản [24]. Dù vậy,
dựa trên cơ sở của những phê bình trong giai đoạn 1930‐31 về vai trò
của ông trong việc hợp nhất đảng, cũng như dựa trên những khai báo của Ngô Đức
Trì sau này, dường như Hồ đã không hề được đọc những ʺchỉ thị tháng Chạpʺ hoặc
những tài liệu được in trong Văn Kiện Đảng khi ông hợp nhất hai đảng cộng sản
vào đầu năm 1930.
Quá trình hợp nhất
Hồ Chí Minh đã đến Hồng Kông trước Trần Phú gần
hai tháng [25]. Mặc dù ông đã báo cáo với QTCS rằng ông đến Trung Quốc vào ngày
23 tháng 12 [26], một chỉ điểm của Sở Liêm Phóng cho rằng đã phát hiện ʺLý
Thụyʺ trên chuyến tàu hoả đi Cửu Long (Kowloon ‐ ND) trước ngày 15 tháng 12 [27].
Tại Hồng Kông Hồ nhận ra rằng phong trào cộng sản Việt Nam đang nhận chỉ thị từ một đại diện
Trung Quốc của Phân Bộ Viễn Đông. Ngoài ra, Thibault, được giao nhiệm vụ hướng
dẫn phong trào cộng sản Việt Nam , đã đến Hồng Kông sau Hồ không bao
lâu. Dường như ông chính là vị đại diện vô danh của QTCS ʺcó nhiệm vụ kiểm tra
tất cả các tổ chức cộng sản trong vùng Viễn Đôngʺ, người được cho là đã xuất
hiện tại Hồng Kông vào hạ tuần tháng 12-1929. Căn cứ theo báo cáo của Sở Liêm
Phóng, kiểm soát viên này đã lập lại những thông tin từ người đồng nghiệp Trung
Quốc, rằng hướng hoạt động của những người cộng sản Việt Nam tạm thời đang nằm
trong tay của ĐCS Trung Quốc [28]. Phân Bộ Viễn Đông đã báo cáo vào ngày 3
tháng 3 1930 rằng ʺJaquesʺ, ʺnhân vật người Phápʺ đã đi Hồng Kông vào cuối
tháng 12; sau khi liên lạc được ở đó và có lẽ đã đi lại một vài nơi, ông sẽ
phải quay lại Thượng Hải vào cuối tháng 2. ʺNhưng vì báo cáo từ Hồng Kông chỉ
đã nhận được vào cuối tháng 1, trong đó ông viết rằng ông dự định đi Đông
Dương, chúng tôi đã không nhận được thêm tin tức gì từ ông ta,ʺ họ đã báo cáo
[29]. Trong những thư từ trước đó, Phân Bộ Viễn Đông đã ám chỉ ông là ʺđồng chí
phụ trách Nam Dươngʺ [30]. Điều kỳ lạ là đại diện người Pháp này dường như đã
không hề gặp Hồ tại Hồng Kông.
Tại Hồng Kông Hồ nhanh chóng chấm dứt tình
trạng mà ông cho là ʺtrò tranh chấp trẻ conʺ, mặc dù giờ đây ông cũng đã trở
thành một phát ngôn viên cho QTCS trong số những người tự cho là có quyền điều
khiển phong trào cách mạng Việt Nam. Báo cáo của Dương Hạc Đính với Sở Liêm
Phóng vào năm 1930 cho thấy rằng Hồ đã không chấp nhận việc giải tán Thanh Niên
[31]. Hội này vẫn nên được giữ lại sau khi đảng cộng sản được thành lập, ʺít
nhất là trong thời gian đầuʺ.
Sự phản đối này nhấn mạnh quan điểm của Hồ về
Thanh Niên như là một mặt trận chính trị hữu ích và có thể là nguyên nhân vì
sao các thành viên Thanh Niên vẫn tiếp tục phát hành tờ báo Thanh Niên của mình
cho đến tháng 5 / 1930 [32], bên cạnh tờ báo mang tên ʺĐỏʺcủa An Nam Cộng Sản
Đảng (ANCSĐ) ra đời vào ngày 1 tháng 9 1929 [33]. Báo cáo của Đính đã củng cố
giả thiết rằng Hồ đã quá lạc hậu đối với tình hình chính trị đang phát tiển
nhanh chóng. ʺChúng tôi đã báo cáo với Hồ mọi chuyện đã xảy ra trong và ngoài
nướcʺ, ông cho biết. Hai ngày sau khi đến nơi, Hồ đã viết thư cho lãnh đạo của
Đông Dương Cộng Sản Đảng (ĐDCSĐ) để giải thích nhiệm vụ của ông từ QTCS là nhằm
thành lập một đảng cộng sản cho Việt Nam. Từ cơ sở này, Hồ đã đưa ra quyền hạn của
mình từ chỉ thị mà ông có được trước khi đi Xiêm. Dường như ông đã linh tính
rằng ông phải hành động gấp mà không phải chờ đợi cập nhật từ những chỉ thị
mới. Ông yêu cầu Đông Dương Cộng Sản Đảng phải gửi hai đại biểu đến gặp ông tại
Hồng Kông. (Đến cuối tháng 12 đã có hai đại diện của ANCSĐ có mặt tại Hồng
Kông, đó là Nguyễn Thiệu, bí danh là Nghĩa đang lẫn trốn cảnh sát Pháp, và Châu
Văn Liêm, người được chi bộ Sài Gòn gửi đến để tham dự hội nghị sắp tới ở
Singapore [34]). Hồ cũng đã viết thư cho Phân Bộ Viễn Đông để thông báo sự có
mặt của ông tại Hồng Kông và đệ trình cho họ những đề xuất của mình. Theo lời
Dương Hạc Đính, Hồ đã yêu cầu cung cấp lương tháng cho ông khoảng 240 ‐ 300 đồng Trung
Quốc, được trả qua tài khoản của Tỉnh Uỷ Quảng Đông của ĐCS Trung Quốc [35].
Hình như ông đã ra vẻ biểu dương quyền lực trước những đồng chí của mình. Vì
cuối tháng 2 1930 ông đã viết thư cho đại diện QTCS để tìm hiểu rõ ràng hơn
nhiệm vụ của mình: ʺHiện nay tôi không biết được chính xác vị thế của mình là
gì... tôi là đảng viên của ĐCS Pháp hay ĐCS Việt Nam?ʺ Ông còn hỏi: ʺNhiệm vụ
mà QTCS đã giao cho tôi đã bị huỷ bỏ rồi chăng? Nếu không thì tôi có phải là
nhân viên của Phân Bộ Viễn Đông hay không?ʺ Ông yêu cầu Ban Chấp Hành QTCS đưa
ra quyết định về việc này [36].
Quá trình được biết như là ʺHội Nghị Hợp Nhấtʺ
đã tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 8 tháng 2 1930.
Trong bản báo cáo cho QTCS (bằng tiếng Anh) đề ngày 18 tháng 2 1930, Hồ đã
tường thuật hoạt động của mình với giọng văn súc tích quen thuộc: ʺTôi đã kêu
gọi đại diện của hai thành phần (Dongzuong(sic) và Annam ). Chúng tôi đã gặp vào ngày 6 tháng
1. Là đại diện của QTCS với đầy đủ quyền hạn để quyết định mọi vấn đề liên quan
đến phong trào Cách Mạng tại Đông Dương, tôi đã chỉ ra việc họ đã phạm sai lầm
ở đâu và họ cần phải làm gì. Họ đã đồng ý thống nhất thành một đảng. Chúng tôi
đã cùng nhau chỉnh sửa cương lĩnh và chiến lược theo đúng hướng của QTCSʺ [37].
Ông lưu ý rằng sẽ thành lập một Uỷ Ban Lâm Thời Trung Ương bao gồm 7 uỷ viên
chính thức và 7 uỷ viên dự bị. Những đại biểu đã về lại Việt Nam vào ngày 8 tháng 2, ông cho biết
[38]. Hồ cũng gửi cho Phân Bộ Viễn Đông bản dịch tiếng Anh của ʺLời kêu gọi
công, nông, binh, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức và các Đồng chíʺ, tuyên
bố việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bản kêu gọi dự định sẽ được phân phát
vào khoảng ngày 20 tháng 3, vào lúc Uỷ Ban Trung Ương sẽ được thành lập [39].
Trong vấn đề vị thế của Việt Nam trong hệ thống giai tầng cộng sản,
dường như Hồ đã có một thoả hiệp ngoại giao. Ông giải thích rằng: ʺBộ phận Singapore đã viết thư cho chúng tôi
rằng ANCSĐ sẽ nằm dưới sự chỉ đạo của Singapore . Nhưng căn cứ theo hiện
trạng địa lý (Nga ‐ Trung Quốc ‐ An Nam) cũng như hiện trạng chính trị (Đảng vững mạnh hơn, công nghiệp
tiến triển tại Bắc Kỳ hơn là ở Nam Kỳ)) ‐ Tôi đề nghị rằng ANCSĐ nên
được chỉ đạo từ Thượng Hải qua ngỏ Hồng Kông. Dù thế, ANCSĐ vẫn nên giữ liên
lạc chặt chẻ với Singapore . Vì lý do trên, tôi yêu cầu ĐCS
Trung Quốc gửi một lá thư giới thiệu để chúng tôi có thể điều một đồng chí An
Nam đến làm việc với Singaporeʺ [40]. Hồ vì thế đã gửi tín hiệu rằng ông sẵn
sàng hợp tác với liên hiệp mới đang được thành lập tại Singapore , nhưng đảng cộng sản Việt Nam sẽ liên hệ trực tiếp với QTCS thông
qua Phân Bộ Viễn Đông. Việc ông muốn hoạt động qua ngỏ Thượng Hải không
nên hiểu là thân Trung Quốc mà chính là một phản
ứng không chịu thần phục ĐCS Trung Quốc. Đảng mới được
đặt tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam , trong khi đó Hồ thường gọi nó là
Đảng Cộng Sản An Nam (Annam Communist Party ‐ ND) khi ông viết bằng tiếng Anh.
Tài liệu chính thức của Hà Nội về hội nghị này
được lấy ra từ tường thuật của Nguyễn Thiệu, một đại biểu của ANCSĐ [41]. Hai
đại biểu của thành phần ĐDCSĐ là Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu, cả hai đều
xuất thân từ tổ chức ĐDCSĐ nguyên thuỷ. Một lá thư của ĐDCSĐ gửi cho các thành
viên ngày 7 tháng 1 cho thấy rằng hai đại biểu được QTCS triệu tập sẽ đi Hồng
Kông trong khoảng 17 hoặc 18 tháng 1 [42]. Do đó có thể Hồ Chí Minh đã dùng
ngày tháng âm lịch khi viết báo cáo cho QTCS rằng hội nghị được bắt đầu vào
ngày 6 tháng 1 ‐ tức là ngày 4 tháng 2 dương lịch [43]. Một khả năng nữa là hội nghị đã
diễn ra trong hai hoặc ba giai đoạn với phiên họp tiền hội nghị được tổ chức
vào ngày 6 tháng 1, theo sau là cuộc hội ý giữa Phân Bộ Viễn Đông và các thành
viên của ĐDCSĐ từ Bắc Kỳ, và một phiên họp cuối cùng từ ngày 3 đến ngày 7 tháng
2. Để làm cho bức tranh vốn đã khó hiểu càng thêm phức tạp, theo tài liệu của
Trung Quốc về Hội Nghị Hợp Nhất thì Hồ Chí Minh đã không có mặt khi hội nghị
khai mạc vì nó quá ʺrộng lớnʺ (hàm ý là quá công khai), nhưng nó đã được diễn
ra dưới sự ʺchỉ đạo trực tiếpʺ của Hồ [44]. Thật khó mà biết được lời tường
thuật này đang nói về cuộc họp nào. Dù sao, những tài liệu
khác về hội nghị đều cho thấy đây là một cuộc họp đầy thân mật.
Ngày tháng chính xác của Hội Nghị Hợp Nhất đã
không quá là quan trọng nếu như nó không là dấu hiệu của những tranh chấp vẫn
đang tiếp diễn trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Điều này được tìm thấy trong văn
khố của Pháp và thậm chí trong bài viết thứ hai của Nguyễn Thiệu về sự kiện
thành lập đảng [45]. Và vì thế việc lẫn lộn ngày tháng đã củng cố cho ấn tượng
rằng vẫn còn những xung đột trong giới lãnh đạo của ĐCS Việt Nam sau ngày 8 tháng 2 1930. Cuối cùng
Hội Nghị cũng đã tạo ra được khuôn khổ để thống nhất các thành phần Việt Nam đang đối chọi nhau, nhưng không
thực sự có nghĩa là nó đã hoàn thành quá trình này. Cương lĩnh vắn tắt do Hồ
Chí Minh soạn thảo cho đảng mới cũng không khác biệt với cương lĩnh 8 điều về
các nước thuộc địa mà Bukharin đã đưa ra tại Đại Hội 6 QTCS. Rõ ràng là Hồ vẫn
chưa từ bỏ chiến lược mặt trận thống nhất vì ông đã không lên án toàn bộ giai
cấp tư sản. Cương lĩnh của ông kêu gọi ʺlật đổ thực dân Pháp, chế độ phong kiến
và những thành phần tư sản phản cách mạngʺ; một nền độc lập hoàn toàn cho Việt
Nam; một chính quyền công‐nông‐binh; tịch thu toàn bộ ngân
hàng và những phương tiện sản xuất khỏi bàn tay của bọn đế quốc; quốc hữu hoá
toàn bộ đồn điền và ruộng đất tư hữu của đế quốc và tư sản phản cách mạng để
chia cho nông dân nghèo; một chế độ làm việc ngày tám tiếng; huỷ bỏ nợ quốc
gia, sưu thuế cá nhân và miễn thuế cho dân nghèo; tôn trọng
quyền tự do dân sự; mở mang giáo
dục xã hội; thực hiện nam nữ
bình đẳng[46]. Chính sách trưng thu ruộng đất có vẻ đã giống hệt
chính sách do Uỷ Ban Điền Địa Trung Ương của Quốc Dân Đảng Trung Quốc đưa ra
tại những cuộc họp ngày 19 tháng 4 và 6 tháng 5 1927 [47]. Vì thế bản cương
lĩnh nói chung đã không thể được chấp nhận đối với QTCS thời kỳ sau Hội Nghị
Toàn Thể lần thứ 10 và đã có rất ít điểm tương đồng so với chỉ thị do Moscow soạn thảo vào mùa thu trước. Nó sẽ
được thay thế bởi một chính cương mới và một bộ luận cương dài tại đại hội toàn
thể lần thứ nhất của đảng vào tháng 10 1930. Sự kiện này đáng dấu một giai đoạn
thực sự trung thành của đảng đối với đường lối hiện tại của QTCS được thay đổi
từ giữa mùa hè 1928 đến giữa năm 1929.
Bất chấp quyền lực rõ ràng của Hồ, thành phần
ĐDCSĐ dường như đã đóng vai trò chủ đạo trong ĐCS Việt Nam trong những tháng đầu sau khi hợp
nhất [48]. Ngô gia Tự vẫn giữ vai trò then chốt trong cơ cấu của Đảng tại Sài
Gòn. Ông giữ chức vụ đứng đầu Chấp Uỷ của Uỷ Ban Lâm Thời ở phía nam cho đến
khi ông bị bắt vào cuối tháng 5 1930. Hai thành viên ĐDCSĐ tại hội nghị hợp
nhất được giao nhiệm vụ hoạt động tại miền Bắc và Trung Việt Nam [49]. Một xu hướng liên hiệp dường
như đã tồn tại trong tổ chức đảng trong nửa đầu năm 1930: Nguyễn Văn Lợi, người
được các thành viên còn lại của đảng Tân Việt bầu vào Chấp Uỷ Uỷ Ban Lâm Thời
phía nam, sau này đã khai với Sở Liêm Phóng rằng ʺTrung Ương Thường Vụʺ, họp
mặt thường xuyên tại miền nam và miền trung, đã được trao quyền để thực hiện
những quyết định tại Nam Kỳ [50]. Uỷ Ban Lâm Thời Trung Ương thành lập vào đầu
tháng 3 bao gồm năm thành viên của ĐDCSĐ, trong khi đó chỉ có một thành viên
của ANCSĐ và một từ đảng Tân Việt cũ. Nhưng những uỷ viên chính thức của Uỷ Ban
Trung Ương đã không thể gặp nhau. Những thành viên của Trung Ương Thường Vụ
đóng tại phía bắc gồm toàn những đảng viên của ĐDCSĐ: Trịnh Đình Cửu, Nguyễn
Hới, Trần Vân Lan [51]. Một số đảng viên của đảng mới có thể đã nghi ngờ việc
cần thiết phải hợp nhất. Ví dụ như Nguyễn Đức Cảnh, được cho là đã từ chối chức
vụ trong Uỷ Ban Lâm Thời Trung Ương vì ông muốn tiếp tục hoạt động trong Ban
Chấp Hành của Tổng Liên Đoàn Lao Động Bắc Kỳ, cơ quan này có thể là một chi
nhánh của Liên Hiệp các Công Đoàn Lao Động Nam Dương [52]. Nhìn chung, ta có ấn
tượng rằng những cơ cấu uỷ ban khác nhau đã được dùng trong quá trình tranh
giành quyền lực.
Cuộc khởi nghĩa đầu
năm
Những biến động đầu tiên của cuộc khởi nghĩa
vào năm 1930 đã ở trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng vào thời gian ĐCS Việt Nam thành lập. Không có dấu hiệu là
QTCS đã biết trước những biến động này, nhưng ĐCS Trung Quốc và những người
Việt dường như đang hoạt động với một lịch trình chung. Cuộc bãi công tại đồn
điền cao su Phú Riềng phía tây Nam Kỳ từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 trên thực tế
có thể đã là một phần của cuộc ʺTổng tấn công Tếtʺ 1930. Một trong những người
tổ chức là Trần Tử Bình, thành viên của ĐDCSĐ đã nói đến trong cuốn hồi ký ʺĐất
Đỏʺ của mình rằng cuộc đình công thực ra đã xảy ra vào ngày 30 tháng 1 tức là
mồng một tết Nguyên Đán, khi 5.000 công nhân tập trung tại dinh thự của viên
quản lý đồn điền để xem múa lân và đưa ra yêu sách đòi hỏi điều kiện làm việc
tốt hơn [53]. Dường như cuộc đình công này hoàn toàn do ĐDCSĐ phát động với sự
chỉ đạo của Ngô Gia Tự từ Sài Gòn và những nhà hoạt động khác từ Bắc Kỳ, nơi
lực lượng lao động đã được tổ chửc.
Vào ngày 2 tháng 2 Sô Viết Long Châu (Loung
Zhou ‐ ND) và Quân Đội Hồng Quân số 8 của Trung Quốc đã được thành lập
tại tỉnh Quảng Tây, phía bắc biên giới Việt Nam . Căn cứ theo tài liệu chính thức
của ĐCS Trung Quốc, phong trào Sô Viết bao trùm tám quận chung quanh Bình Hương
(Ping Xiang ‐ ND) và Long Châu và đã đứng vững trong khoảng sáu tháng. Nó được cho là
đã xuất phát từ cuộc nổi dậy của binh lính Quốc Dân Đảng tại Nam Ninh (Nan Ning
‐ ND) và đã đi theo tổ chức của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping ‐ ND) đang có cơ
sở cách mạng tại Bách Sắc (Bose hoặc Pai‐se ‐ ND) vào tháng 12. Cuộc khởi nghĩa
Long Châu do một người cộng sản là Yu Zouyu, là sĩ quan trong lực lượng của sứ
quân Lý Minh Thụy (Li Mingrui‐ND) đóng tại Nam Ninh.
Không có bằng chứng trực tiếp về vai trò của
Việt Nam trong việc thành lập Sô Viết, nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu
những người cộng sản Việt Nam đang định cư tại Quảng Tây tham gia phong trào.
Đây là một khu vực mà người Pháp cho là nằm trong vùng ảnh hưởng của họ, và
trên thực tế việc đem máy bay thả bom đã giúp nhanh chóng phá huỷ phong trào Sô
Viết này. Có một số thành viên cộng sản người Việt sống tại Long Châu, trong đó
có hai nhân viên lái xe của vị tỉnh trưởng, Lê Quảng Đạt đã khai với người Pháp
sau này [55]. Lê Hồng Sơn được cho là đã nhận được sự ủng hộ của vị tỉnh trưởng
này là Yu Zuobo, anh em họ hàng với Yu Zouyu và là một trong những sứ quân mà
ĐCS Trung Quốc đang hợp tác vào năm 1929 [56]. Hồ Chí Minh đã viết trong báo
cáo ngày 18 tháng 2 1930 rằng năm ʺđồng chíʺ người Việt đang hoạt động tại
Quảng Tây vừa mới bị bắt [57]. Trong cùng bản báo cáo ông nói rằng ʺphân bộ
phản đếʺ của đảng cộng sản vừa thành lập phải ʺlàm việc hết mình để mở rộng ảnh
hưởng của Sô Viết Quảng Tâyʺ [58]. Ấn bản cuối cùng của tờ Thanh Niên vào tháng
5 đã nhận định rằng ʺchúng ta phải phản đối việc đế quốc Pháp đưa quân đến biên
giới Việt‐Trung nhằm lật đổ chính quyền Sô Viết Long Châuʺ [59]. Bất chấp những dị
biệt về nhận thức chính trị và thành phần người Việt tham gia thành lập Sô
Viết, ĐCS Việt Nam đã hậu thuẫn phong trào này.
Cuộc khởi nghĩa bất thành tại Yên Bái được
chuẩn bị từ tháng 9 1929 đến tháng 1 1930, mặc dù là do Việt Nam Quốc Dân Đảng
(VNQDĐ) tổ chức, nhưng có thể đã có liên hệ với những nổi dậy trong dịp đầu
năm. Được dự định là một cuộc ʺtổng tấn côngʺ đánh chiếm các thị trấn lớn và
các cơ sở quân sự của Pháp [60], cuộc khởi nghĩa đã có thể là một cách đánh lạc
hướng quân Pháp từ Long Châu. Như ta đã thấy, thành phần ĐDCSĐ đã tuyên bố chủ
tâm hợp tác với VNQDĐ từ ngày 7 tháng 1 1930. Trong lá thư ngày 18 tháng 2 Hồ
Chí Minh cũng đã báo với Phân Bộ Viễn Đông rằng ʺcánh tảʺ của VNQDĐ ʺđang có
quan hệ mật thiết với chúng tôi;ʺ cũng cùng lúc đó ông lưu ý rằng thành phần
thiên hữu của đảng này đang mang khuynh hướng manh động [61]. Một yếu tố chủ
chốt trong cuộc nổi dậy đã không được đưa ra kịp thời đó là việc tổ chức một
cuộc tấn công từ Vân Nam xuống vùng thung lũng sông Hồng. (Vào năm 1930 lãnh sự
quán Pháp tại Vân Nam đã báo với người Anh rằng trong số những thành viên của
VNQDĐ trong tỉnh đã có ʺmột số lớn thành phần cộng sản mà giờ đây đang ở
tại học viện quân sự Trung Quốcʺ[62]). Một tổ chức tại Ma Cao có tên là ʺHội
Đồng Chấp Hành của Hiệp Hội Binh Lính và Thuỷ Thủ Cách Mạngʺ đã nhanh chóng
xuất bản một tập tài liệu ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tại Hồng Kông người
Pháp đã tịch thu những truyền đơn (đề ngày 17 tháng 2 / 1930) kêu gọi thuỷ thủ
của chiến hạm Waldeck Rousseau ủng hộ ʺcuộc khởi nghĩa cách mạng của người Việt
Namʺ. Người Việt đã ʺanh dũng đứng lên tại Hà Nội, Yên Bái và Hồng Hoa[sic],
vân vân..., khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam cần được giới lao động Pháp hậu
thuẫn và giúp đỡʺ [63]. Người Pháp cho rằng tài liệu này có liên quan đến tổ
chức Thanh Niên, nhưng cũng có thể là do thành phần ĐDCSĐ hoặc VNQDĐ viết ra.
Khởi nghĩa Yên Bái sau này đã bị những người cộng sản Việt Nam phê phán, nhưng
nó vẫn được xem như là một cuộc đứng lên đầy anh dũng và đã châm ngòi cách mạng
trong năm 1930. Người Pháp đáp trả lại cuộc khởi nghĩa của VNQDĐ này bằng cách
phá huỷ toàn bộ những ngôi làng đã ủng hộ những quân nổi dậy. Việc đàn áp này
có thể đã làm suy yếu việc phát triển hoạt động của cộng sản trong vùng nông
thôn Bắc Kỳ vào cuối năm 1930.
Những nhiệm vụ mới
Ngày 13 tháng 2 Hồ Chí Minh rời Hồng Kông đi
Thượng Hải, ở đây ông đã viết một báo cáo tiếng Anh bằng tay về những gì ông đã
làm từ khi đến Xiêm năm 1928. Bản báo cáo cho thấy ông đang bận tâm về những
quan hệ với ĐCS Trung Quốc. Ông không những nói về quan hệ với bộ phận
Singapore mà còn đề cập đến việc ông yêu cầu ĐCS Trung Quốc một bức thư gửi cho
ʺmột số đồng chí lãnh đạo (Trung Quốc) ở Xiêm để những thành viên An Nam tại
nước này có thể làm việc với các thành viên của Ch. [sic]ʺ Ông còn nói rằng ông
đã yêu cầu ĐCS Trung Quốc ʺgửi vài đồng chí chỉ huyʺ đến Sài Gòn, nơi mà ông bảo
rằng đã có khoảng 200 thành viên Trung Quốc nhưng họ lại thiếu một người có khả
năng lãnh đạo. Ông đề nghị rằng nên thành lập một hội đồng bao gồm một
hay vài đại diện của mỗi bên để điều phối hoạt động liên quan đến những
quyền lợi của quần chúng Trung Quốc và An Nam [64]. Vào lúc đó, ông đang dự
định đi Vladivostok để gặp người liên lạc không rõ danh tính. Báo
cáo của ông (đề ngày 18 tháng 1) cho thấy rằng ông đã chưa gặp Trần Phú. Ông
viết rằng ông đã không nhận được tin tức từ người Pháp và ʺhai đồng chí An Namʺ
vào thời điểm trên. Tôi đã không tìm ra được bằng chứng rằng ông đã thực sự đi Vladivostok sau khi viết bản báo cáo này.
Hồ quay lại Hồng Kông vào giữa tháng 3, rốt
cuộc ông đã tiếp xúc với trước tiên là Trần Phú rồi Ngô Đức Trì. Sau một thời
gian ngắn đặt chân đến Sài Gòn, Trần Phú đã đi trước đến Hồng Kông để gặp
Thibault. Trì đợi ở Sài Gòn trong ba tuần lễ mà vẫn không thấy tin tức nên đã
quyết định đáp tàu đi Hồng Kông để tìm Trần Phú. Nhưng trước khi khởi hành ông
đã gặp Bùi Lâm, một bạn học tại Moscow vừa về từ Paris vào ngày 9 tháng 3. Bùi Lâm mang
theo một tập hướng dẫn có tên Những Nhiệm Vụ Cấp Bách của Cộng Sản
Đông Dương đã được dịch sang tiếng Pháp tại Paris (Trì không giải thích
rằng đây có phải là phiên bản của lá thư mà ông mang từ Berlin hay không, hoặc
là bản bổ xung hay là một bộ hướng dẫn hoàn tất hơn]. Vào đầu tháng 3 Trì đáp
tàu thuỷ đi Hồng Kông và cuối cùng đã tìm ra Trần Phú tại hội YMCA (Young Menʹs
Christian Association, một hội từ thiện Thiên Chúa Giáo thành lập năm 1844 tại
Anh ‐ ND). Trần Phú đã trễ cuộc hẹn với Thibault và đã không thể đi Hải Phòng
vì người Pháp đang tăng cường bố ráp sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ông vẫn chưa
gặp Hồ Chí Minh cho đến khi Hồ quay lại Thượng Hải vào tháng 3. Ông kể với Trì
về cuộc gặp gỡ giữa ông với Hồ và những tin tức về việc thống nhất đảng cộng
sản vào tháng 1. ʺChúng tôi chẳng có gì để làm ngoại trừ phải quay về và bắt
đầu hoạt động vì Hồ đã nắm trách nhiệm liên lạc với QTCS,ʺ Trì đã khai với
người Pháp [69].
Sau này Hồ đã gặp Trì và giải thích: ʺVào cuối
năm 1927 tôi đã nhận được lệnh từ QTCS để tuyên truyền về việc thành lập một
đảng cộng sản tại Đông Dương. Tôi đã bị bệnh ở Xiêm hơn một năm và đã không
thực hiện được điều gì.ʺ Rồi Hồ đã tường thuật việc hợp nhất đảng và nói rằng
Phân Bộ Viễn Đông đã phê chuẩn. ʺSau khi hợp nhấtʺ, ông kết luận, ʺtoàn bộ
những đảng viên cộng sản Trung Quốc sẽ tham gia ĐCS Đông Dươngʺ [70]. Vào thời
điểm này, Hồ đã có đủ quyền hành để ra lệnh cho Ngô Đức Trì quay lại Sài Gòn và
Trần Phú được điều đi Hà Nội. Lời khai báo của Trì đã không cho thấy được điều
gì hơn về những chỉ thị hoặc kế hoạch của Hồ.
Về lại đến Sài Gòn vào đầu tháng 4 1930 [71],
Ngô Đức Trì được đưa đi gặp Ngô Gia Tự. Tự phân công ông vào công tác tuyên
truyền nhưng đã không giao cho ông một công việc cụ thể nào. Tự cho biết rằng
hiện giờ ʺchúng tôi vẫn còn quá bận rộn với một số công việc chưa hoàn tấtʺ.
Sau đó Trì được đưa đến Chợ Lớn và ở trong một ngôi nhà được dùng làm văn phòng
của chi bộ cộng sản nhà máy điện Chợ Lớn. Ông đã không được mời tham gia các
cuộc họp chi bộ, và cũng chẳng được giao cho nhiệm vụ gì ngoài việc chuyển
ngữ bản ʺNghị Quyếtʺ mà ông mang theo từ Berlin và lá thư do Bùi
Lâm mang về. Cho đến cuối tháng 4, Trì được bảo rằng ông sẽ phải soạn thảo tài
liệu tuyên truyền cho một cuộc đình công ở các thị trấn và thôn quê. Nhưng chỉ
sau cuộc đình công 1 tháng 5 (May Day, ngày Quốc Tế Lao Động ‐ ND) tại nhà
máy điện và một lần di chuyển cơ sở, ông mới được giao phụ trách tờ báo Cờ Đỏ.
Chỉ sau khi Ngô Gia Tự bị bắt vào cuối tháng 5 Ngô Đức Trì mới được mời tham
gia vào Xứ Uỷ Nam Kỳ và sau đó là Uỷ Ban Trung Ương.
Vai trò quan trọng mà Ngô Gia Tự được giao phó
đã được nhấn mạnh trong lời tường thuật của Nguyễn Nghĩa (Nguyễn Thiệu) từ phần
hai của hồi ký của ông về quá trình hợp nhất. Hồi ký của Nghĩa giải thích rằng
hai tổ chức cộng sản ở phía nam đã chọn ra hai công nhân để làm việc trong Uỷ
Ban Lâm Thời Trung Ương là Sáu (Hoàng Quốc Việt) và Lộ (Phạm Hữu
Lầu) [72]. Nhưng ông lại kể rằng Ngô Gia Tự, người được chọn đứng đầu Xứ Uỷ Nam
Kỳ là người nắm quyền quyết định mọi việc. Chính Ngô Gia Tự là người đã giao
nhiệm vụ hoạt động tại cách tỉnh cho Nghĩa và Châu Văn Liêm, hai đại diện từ
Hội Nghị Hợp Nhất do Hồ Chí Minh gửi đến để đảm trách việc thành lập đảng tại
miền nam, dưới danh nghĩa của QTCS [73]. Vì thế, cũng như tại Trung Quốc, trên
thực tế quyền hạn của QTCS dường như đã yếu hơn so với giả thuyết của những
quan chức QTCS tại Moscow .
Hồi ký của Nguyễn Nghĩa cũng chỉ ra những khó
khăn trong việc hoà nhập những đảng viên Trung Quốc vào đảng cộng sản Việt Nam . Nghĩa chỉ ra rằng tổ chức người
Hoa tại Nam Kỳ lớn hơn cả những thành phần cộng sản người Việt ở đây, bao gồm
nhiều nhà hoạt động đầy kinh nghiệm đã trốn khỏi Quảng Đông sau Công Xã Quảng
Châu. Họ không phấn khởi mấy về việc chỉ định thành viên tham gia vào Uỷ Ban
Trung Ương của ĐCS Việt Nam vì một số lý do:họ cho rằng những
người Trung Quốc không có giấy tờ hợp pháp,
không quen thuộc với hiện tình chính trị, hoặc không biết nói tiếng
Việt. Họ chỉ muốn đưa người vào Xứ Uỷ Nam Kỳ [74]. Cuối cùng, theo một tài liệu
của Hà Nội thì đã có hai thành viên Trung Quốc được lựa chọn để đưa vào Uỷ Ban
Trung Ương: Lưu Lập Đạo (A Lầu) và A Duyên (Duy) [75].
Không có gì ngạc nhiên khi người Trung Quốc đã
chần chừ trong việc tham gia vào đảng mới vì đảng này không phải là chi nhánh
của Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc. Theo báo cáo của Ngô Đức Trì với người
Pháp thì căng thẳng về hướng phụ thuộc của đảng mới vẫn tiếp tục cho đến mùa
xuân. Ông biết được từ Ngô Gia Tự rằng một đại diện Trung Quốc từ Phân Bộ Viễn
Đông đã quá cảnh Sài Gòn trên đường từ Thượng Hải đi Singapore. Đại diện này đã
cho thấy ông không hài lòng về liên hệ trực tiếp của ĐCS Việt Nam với Phân Bộ
Viễn Đông, và đã nhận định rằng những người cộng sản Đông Dương phải trực thuộc
ʺBan Bí Thư của Liên Đoàn Cộng Sản Nam Dươngʺ (hàm ý là Liên Đoàn tại
Singapore]. Sở Liêm Phóng cho rằng vào tháng 4 đã có một cuộc họp tại Sài Gòn
với ʺmột kiểm soát viên Trung Quốc từ Phân Bộ Viễn Đôngʺ đến từ Xiêm và người
này đã không biết được rằng ʺPhân Bộ Viễn Đông đã thông qua tư cách độc lập của
ĐCS Việt Namʺ. Ông đã triệu tập một cuộc họp vào ngày 19 tháng 4 nhằm liên kết
những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam [76]. ĐCS Trung Quốc vì
vậy đã không hài lòng về việc mất đi quyền lực đối với một đảng cộng sản tại
vùng Đông Nam châu Á.
Cao trào cách mạng tại
Trung Quốc và Nam Dương
Trong khi những người cộng sản Việt Nam đang
thành lập cơ chế mới, Lý Lập Tam cũng đang thúc đẩy ĐCS Trung Quốc tiến đến
đỉnh điểm của một làn sóng cách mạng mới. Ngày 26 thán 2-1930 ông đưa ra Thông
Tư số 70, được cho là ʺphương thức đầu tiên và rõ ràng, minh bạch nhất của
ʺĐường Lối Lý Lập Tamʺ trong tương laiʺ[77] Thông tư này cho rằng trong khi
ʺlàn sóng cách mạng mới đang tiến triểnʺ và khi ʺcuộc chiến tranh sứ quânʺ đang
tiếp tục lan rộng, mục tiêu cơ bản của việc phát triển một ʺcao trào cách mạngʺ
đang được hình thành. Lý cho rằng ʺcuộc đấu tranh quần chúng trên toàn quốcʺ
đang phát triển đều khắp và công tác tổ chức đảng tại thành thị đang hồi phục
sau giai đoạn thoái trào 1927. Chiến lược của ông là ʺtập trung và tấn côngʺ để
giành chiến thắng ban đầu tại một hay nhiều tỉnh. Việc này có thể đạt được bằng
cách tổ chức ʺmột cuộc tổng đình công trong toàn nghành nghềʺ, hậu thuẫn và
thâm nhập cuộc đấu tranh ruộng đất của nông dân, và phát động binh biến trong
hàng ngũ quân đội của các lãnh chúa. Lý cũng đã kèm theo một cảnh báo chống lại
những kẻ ʺcánh hữu và xét lạiʺ, những người này, ông cảnh cáo, sẽ phê phán ʺchủ
trương của đảng là manh độngʺ [78].
Đầu tháng 3 Tỉnh Uỷ Quảng Đông của ĐCS Trung
Quốc tổ chức hội nghị tại Thượng Hải để tránh những mật thám
Nam Kinh và những người ʺTái Tổ Chứcʺ ở Hồng
Kông [79]. Trong khoảng thời gian ấy, một ʺuỷ ban hành độngʺ
tại Thượng Hải do phụ tá của Lý Lập Tam là Lý Duy Hán (Li Wei Han ‐ ND) thành lập
để tìm cách vô hiệu hoá sự ngoan cố của bộ phận Giang Tô (Jiang Su ‐ ND) [80]. Vào
ngày 15 tháng 3 Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương cũng đã tổ chức cuộc họp, chắc hẳn là
ở Thượng Hải, cũng như cuộc họp của Liên Hiệp các Dân Tộc Phương Đông bị Áp Bức
cũng xảy ra tại Thượng Hải vào cùng thời gian và rất nhiều những đại biểu đã
tham dự cả hai cuộc họp. Tại hội nghị này một nghị quyết ủng hộ Đại Hội Toàn
Thể Ban Chấp Hành Trung Ương QTCS lần thứ 10 được thông qua. Nghị quyết này
nhấn mạnh lòng trung thành của ĐCS Trung Quốc đối với đường lối của QTCS
và cũng phần nào là một phản hồi những phê bình từ Phân Bộ Viễn Đông vào tháng
10 1929. Nghị quyết viết: ʺUỷ Ban Trung Ương nhận định rằng đường lối và nghị
quyết của Hội Nghị Toàn Thể [QTCS lần thứ 10) đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu
của cấp lãnh đạo Cách Mạng tại Trung Quốc và Nam Dương, và đặc biệt là hiện
tình của cuộc đấu tranh với chủ trương khuynh tả, xét lại, thoả hiệp và cơ
hội... ʺ[81] Nghị quyết của chi bộ Nam Dương đã phản đối phê bình của Trần Độc
Tú và những người ʺcho rằng cuộc đấu tranh hiện tại của quần chúng Trung Quốc
là ʺđối lập với cao trào cách mạngʺ [82]. Tài liệu khẳng định: ʺViệc chuyển hoá
từ một cuộc tổng bãi công của công nhân tại Nam Dương sang thành một cuộc tấn
công chính trị là một vấn đề cấp bách cho phong trào công nhân hiện nayʺ [83].
Cuộc họp này có thể là cơ hội để những người ủng hộ Lý Lập Tam truyền bá chính
sách mới của ông.
Một báo cáo của Sở Liêm Phóng cho thấy rằng một
ngày sau khi nghị quyết trên được thông qua, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản đã tổ
chức một cuộc họp tại Thượng Hải [84]. Báo cáo này cho thấy sự can thiệp ngày
càng nhiều của ĐCS Trung Quốc vào công việc của những đảng châu Á khác. Tại
cuộc họp này thành viên người Đài Loan là Lee Nan Mow thông báo rằng: theo chỉ
thị từ Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc, Đoàn
Thanh Niên đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ phong
trào cách mạng tại vùng đảo Đông Ấn, Đông Dương và Triều Tiên ʺbằng mọi phương tiện
có thểʺ. Những thành viên người Ấn và Triều Tiên cho biết rằng mặc dù phong
trào cách mạng của họ đang tiến triển gần đây, nhưng sẽ vô cùng khó khăn để
tiếp tục nếu không có sự hỗ trợ của ʺđảng anh em Trung Quốc vĩ đạiʺ. Cuộc họp
đồng ý gửi yêu cầu lên Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc đề nghị gửi những tuyên
truyền viên Trung Quốc trẻ tuổi và những đảng viên cách mạng đến các nước đang
gặp khó khăn, những người này sẽ được chu cấp vũ khí, tài chính và tài liệu
tuyên truyền. Điểm hẹn của những người Đông Dương sẽ là Quảng Châu. Vào lúc bế
mạc, vị chủ tịch thông báo rằng ʺvăn phòng địa phương của Quốc Dân Đảng đã hứa
giúp đỡ phong trào cách mạng tại vùng đảo Đông Ấn, Đông Dương và Triều Tiên và
không phụ thuộc vào chính sách của Chính Phủ Trung Ương.ʺ Đây có lẽ là dấu hiệu
về việc thành phần cánh tả của Quốc Dân Đảng vẫn ít nhiều hợp tác với ĐCS Trung
Quốc trong giai đoạn mùa xuân năm 1930.
Mặc dù những thảo luận từ tài liệu của Sở Liêm
Phóng đã không liên hệ trực tiếp đến Ban Bí Thư của Liên Đoàn Cộng Sản của Các
Dân Tộc bị Áp Bức Đông Nam Á nhưng báo cáo của họ đã đưa ra những trích dẫn
rằng cuộc họp của Đoàn Thanh Niên Cộng sản đã xác nhận sự hiện hữu của ban bí
thư trên. Hội nghị này cũng có thể là một cuộc họp của Liên Đoàn Phản Đế thuộc
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, được thành lập như là vỏ bọc cho những hoạt động ʺhợp
pháp và bán hợp phápʺ của họ. Phân Bộ Viễn Đông đã chú thích trong bức thư vào
tháng 5 1930 rằng bắt đầu từ năm 1930 đã có đến ba Liên Đoàn Phản Đế khác nhau
tại Trung Quốc ‐ ʺLiên Đoàn mạnh nhất và phổ biến nhấtʺ là của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản,
bức thư nhận định. (Họ nhận xét rằng một trong ba tổ chức này, Liên Đoàn ʺViễn
Đôngʺ ‐ do ĐCS Trung Quốc thành lập ‐ đã được thu nhỏ vì nó chẳng qua chỉ
là ʺmột dụng cụʺ). Phân Bộ Viễn Đông muốn khuyến khích ĐCS Trung Quốc làm việc
với tổ chức mà họ gọi là ʺLiên Đoàn Phản Đế Trung Quốcʺ đóng tại Thiên Tân
(Tian Jin ‐ ND) [85]. Phía sau sự nhận định ôn hoà dường như ẩn giấu một diễn biến
đầy kịch tính, nhưng qua những tài liệu của người Pháp ta có thể tìm được vài
dấu vết của những gì đã xảy ra.
Ấn bản cuối cùng của tờ báo Thanh Niên phát
hành tháng 5 1930 tường thuật rằng đã có một Liên Đoàn Phản Đế mới của phương
Đông đang bắt đầu ʺlên án những dối trá và thủ đoạn của Quốc Dân Đảng Trung
Quốcʺ. Hội nghị đầu tiên của Liên Đoàn vào tháng 4 1930 có những đại diện từ Ấn
Độ, Triều Tiên, Java, Đài Loan, Đông Dương, Trung Quốc và những quốc gia phương
đông khác tham dự. Bản tường thuật đề cập đến việc ra đời vào năm 1928 của Liên
Hiệp các Dân Tộc Phương Đông bị Áp Bức như là ʺmột sự ngụy biện nhằm tách rời
các phong trào cách mạng châu Á khỏi QTCSʺ [86]. Có thể là Hồ Chí Minh đã tham
dự hội nghị tháng 4 này. Trong giai đoạn này, những học giả Nga tin rằng Phân
Bộ Viễn Đông đang gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin về những gì đang
xảy ra trong nội bộ của ĐCS Trung Quốc; cũng cùng lúc ấy, họ cho rằng sự e ngại
bị qui chụp cho những sai lầm thiên hữu đã làm cho cách nhân viên của Phân Bộ
Viễn Đông ʺcực kỳ cẩn trọngʺ trong việc báo cáo hoặc phê bình những biểu hiện
mà họ cho là thiên tả trong chính sách của ĐCS Trung Quốc [87]. Đây có thể là
nguyên nhân vì sao các nhân viên của Phân Bộ Viễn Đông đã không nỗ lực mấy
trong việc kêu gọi ĐCS Trung Quốc chấm dứt hoặc cắt đứt liên hệ của mình khỏi
một trong những Liên Đoàn Phản Đế trên, tức là Liên Đoàn được thành lập vào
khoảng tháng 7 ‐ 8 1928. Như chúng ta đã thấy, nguồn gốc của tổ chức này dường như
là một hình thức hợp tác giữa phong trào Quốc Dân Đảng cánh Tả và ĐCS Trung Quốc.
Những báo cáo của Sở Liêm Phóng từ mùa xuân
1930 thì bị lẫn lộn và đôi khi mâu thuẫn nhau. Một mặt, vào tháng 3 một mật
thám của họ tại Hồng Kông là Neron đã báo cáo rằng Nguyễn Ái Quốc đã mất khá
nhiều ảnh hưởng đối với QTCS sau khi Stalin củng cố quyền lực [88]. Nhưng vào
tháng 9 1930 Sở Liêm Phóng lại đưa ra một nhận định mới. Đến lúc đó họ đã đi
đến kết luận Hồ/Quốc chính là người đại diện của QTCS đã xuất hiện vào tháng 12
1929 với đủ quyền hành để ʺkiểm tra... những tổ chức cộng sản tại khu vực Viễn
Đôngʺ [89]. Sự thay đổi quan điểm về vai trò của Hồ có thể đã phản ánh từ quyết
định của Phân Bộ Viễn Đông nhằm tham gia tích cực hơn trong việc đối chọi lại
ảnh hưởng của Lý Lập Tam. Trên thực tế, dường như Hồ Chí Minh đã đảm trách thêm
những nhiệm vụ mà lúc đầu được giao cho Thibault, kiểm soát viên của QTCS
(người đã được đề cập ở trên và được Phân Bộ Viễn Đông gọi là ʺngười đồng chí
đến hỗ trợ Nam Dươngʺ), khi người này đã không quay về lại Thượng Hải từ chuyến
đi đến Đông Dương. Theo tài liệu của Nga, quyền lực của Hồ dường như đã bị Phân
Bộ Viễn Đông ở Thượng Hải phân tán trong khoảng tháng 3 và 4
1930 và có lẽ đã không được nhiều như quyền hạn mà Thibault
được giao phó.
Đến tháng 4 1930 quan hệ giữa Phân Bộ Viễn Đông
và Lý Lập Tam đã đến hồi căng thẳng nhất. Ngày 17 tháng 4 Lý viết thư cho Chu
Ân Lai và Cù Thu Bạch (Qu Qiubai ‐ ND) (đang ở Moscow ) đề nghị QTCS tái tổ chức Phân Bộ
Viễn Đông. Ông cho rằng những sai lầm của Phân Bộ Viễn Đông là ʺnguy hiểm, mang
đặc điểm hữu khuynhʺ và họ đang trong tình trạng ʺkhông có tư cách lãnh
đạo chính trịʺ [90]. Rõ ràng là Lý đã tin rằng ông sẽ được hậu thuẫn từ Stalin
hoặc Mif trong mối bất hoà này. Trong khi Moscow chần chừ không đưa ra dấu hiệu rõ
ràng về thái độ của mình đối với Phân Bộ Viễn Đông, Lý đã tiến hành những kế
hoạch cho cuộc tổng khởi nghĩa. Chính trong hoàn cảnh này Phân Bộ Viễn Đông đã
quyết định sử dụng Hồ Chí Minh như là một phái viên bí mật tại Xiêm và Mã Lai
để giúp đỡ những người cộng sản địa phương thành lập những đảng mới. Sự vội vã
thành lập những tổ chức để thay thế những chi nhánh trực thuộc Uỷ Ban Lâm Thời
Nam Dương có thể phần nào là do mong muốn của Phân Bộ Viễn Đông nhằm giới hạn
ảnh hưởng của Lý Lập Tam và Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc [91]. Chỉ sau khi
mọi việc đã xong thì Eisler và Bespalov mới thông báo cho Ban Bí Thư Cục Đông
Phương trong một lá thư đề ngày 18 tháng 5 1930 rằng họ đã gửi Hồ đi Singapore
để tham dự Đại Hội ĐCS Mã Lai, và cũng giao cho ông nhiệm vụ tuyển chọn đại
diện Mã Lai gửi đi tham dự Đại Hội Công Đoàn Quốc Tế Đỏ lần thứ 5 sắp đến tại
Moscow. Họ cũng báo cáo trong cùng bức thư rằng họ vẫn chưa tìm ra phái viên
người Pháp vừa đi Đông Dương, mặc dù họ những người cộng sản Việt Nam đang đi tìm dấu tích của ông [92].
Bức thư không hề đề cập đến vai trò của Hồ tại Xiêm.
Khó mà xác định được chính xác ngày tháng đi
lại của Hồ. Cho đến nay Hoàng Văn Hoan vẫn là nguồn tài liệu chủ yếu về giai
đoạn này trong sự nghiệp của Hồ, Hoan cho rằng Hồ đến Bangkok vào khoảng cuối
tháng 2 1930. Theo lời Hoan thì sau khi thảo luận với những đồng chí Trung Quốc
tại Bangkok, ông đến Udon để giải thích về chính sách của QTCS cho những Việt
kiều tại đây. Với sự ra đời của ĐCS Xiêm, những người cộng sản Việt Nam được cho là sẽ gia nhập đảng này
thay vì tham gia vào ĐCS Việt Nam . Nguyên tắc này cũng được áp dụng
với những Hoa kiều tại Xiêm. Hoan nói rằng sau cuộc họp tại Udon, Hồ quay về
lại Bangkok để giám sát việc thành lập ĐCS Xiêm
vào ngày 20 tháng 4 [93].
Nhưng một báo cáo của ĐCS Xiêm gửi đến Moscow vào năm 1935 lại đưa ra một trình
tự khác hẳn [94]. Tài liệu này nói rằng vào tháng 6 1930 Ban Bí Thư Cục Đông
Phương đã gửi một đại diện đến Xiêm để thuyết phục Đảng Uỷ Xiêm (bao gồm
toàn thành viên người Trung Quốc) cùng với những người Việt tại vùng đông bắc
nước này thành lập một ĐCS. Nhà cầm quyền Anh đã giữ được một giấy thông hành
có hình của Hồ, mang tên Sung Man Sho khi họ bắt giữ ông vào tháng 5 1931.
Thông hành này có giá trị 6 tháng, do Tổng Lãnh Sự Trung Hoa Dân Quốc tại Eo
Biển Malacca cấp ngày 28 tháng 4 1930. Thông hành viết rằng ông là công dân của
Trung Hoa Dân Quốc đi làm việc tại Xiêm [95]. Điều này cho thấy Hồ đã đi
Bangkok vào cuối tháng 5, sau khi tham dự Đại Hội Đại Biểu lần 3 của Uỷ Ban Lâm
Thời Mã Lai tại Singapore. Nhưng mãi cho đến tháng 9 1930, khi Hồ quay lại Hồng
Kông thì quá trình hợp nhất của ĐCS Xiêm mới hoàn thành với hai đảng viên người
Việt nằm trong Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Xiêm. Vì thế Hồ Chí Minh có thể đã đến
Xiêm vào tháng 4 1930, như Hoàng Văn Hoan đã nói, nhưng nếu như thế thì chuyến
đi của ông đã không trùng hợp với thời điểm hợp nhất của ĐCS Xiêm.
Đại Hội Đại Biểu lần 3 của Uỷ Ban Lâm Thời Nam
Dương được tổ chức cùng dịp kỷ niệm ngày 1 tháng 5 ở Singapore. Nhưng theo một
bức thư gửi cho ʺEnglish Kompartyʺ tại London lại viết rằng tại buổi họp
ngày 29 tháng 4 nhằm chuẩn bị cho ngày Lao Động Quốc Tế, cả 11 đại biểu tham dự
đều bị bắt, trong đó có cả bí thư đảng, bí thư Liên Đoàn Lao Động và một thành
viên của Uỷ Ban Trung Ương. Bức thư này nói rằng vào ngày 21 tháng 5 ʺHội Nghị
được triệu tậpʺ, và ĐCS Mã Lai được thành lập vào ngày 24 tháng 5 [96]. Cuộc
họp có 11 đại biểu tham dự không kể những thành viên của Uỷ Ban Trung Ương và
đại diện của Phân Bộ Viễn Đông. Bản tường trình hội nghị mà có lẽ là do Hồ Chí
Minh soạn thảo [97] cho thấy rằng Phân Bộ Viễn Đông hiện đang kiềm chế ảnh
hưởng của Lý Lập Tam và Uỷ Ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc tại Nam Dương. Bản báo
cáo này lên án Uỷ BAn Nam Dương về sai lầm manh động và thái độ vô trách nhiệm
đối với những kế hoạch nổi dậy.
Sau khi liệt kê ʺMười Yêu Cầu Lớn cho Cách Mạng
Mã Laiʺ, bản báo cáo đưa ra một danh sách dài về ʺNhững Sai Lầm và Bài Học về
những Công Tác đã quaʺ. Sai lầm trước tiên là ʺthực hiện một cuộc cách mạng
Trung Quốc tại Mã Laiʺ: ʺCông tác đã được thực hiện theo cùng đường lối của ĐCS
Trung Quốc, xa rời cuộc sống thực tế tại Mã Lai, và đã bỏ qua những nhiệm vụ cơ
bản của cách mạng Mã Laiʺ. Đảng cũng đã lơ là trong công tác đối với nông dân
và binh lính. Báo cáo tiếp tục: ʺViệc phát triển tổ
chức đã không những hướng về nhân dân Trung
Quốc mà còn hướng về chỉ một thành phần của nhân dân Trung Quốc
(những người gốc Quảng Châu, Quảng Đông]...ʺ Dưới tiêu đề ʺSai lầm manh độngʺ,
bản báo cáo đã dẫn ra một loạt sai lầm trong đó có ʺra lệnh và ép buộc đình côngʺ;
ʺbất chấp cuộc nổi dậy và khủng bố cá nhân (ĐCS Mã Lai đã tham dự vào việc
cưỡng ép những công nhân đình công xem việc nổi dậy là một trò đùa‐một lỗi lầm
không thể bỏ qua]ʺ; ʺĐào thải các xí nghiệp và tịch thâu tài sản của các chủ xí
nghiệpʺ; và ʺđưa ra khẩu hiệu ʺnắm lấy quyền lực và thành lập công xãʺʺ. Tác
giả đã mở rộng điểm cuối cùng: ʺTrong khi ĐCS Mã Lai vẫn đang trong thời kỳ đầu
thành lập, thiếu quần chúng chung quanh đảng, nếu chúng ta đưa ra khẩu hiệu:
chiếm lấy quyền lực và thành lập Sô Viết thì việc này sẽ làm ta lơ là thực lực
của địch, đánh giá quá cao thực lực của mình và bỏ rơi công tác chung của Đảng
là chiếm lấy quần chúng, tổ chức quần chúng và cuối cùng là chuẩn bị khởi nghĩa
vũ trang” [98] Điểm cuối cùng đã chỉ ra ʺmối liên hệ giữa ĐCS Mã Lai và các
đảng anh emʺ. Điều này chỉ ra thực tế là ĐCS Trung Quốc không có độc quyền chỉ
dẫn ĐCS Mã Lai: ʺĐCS Mã Lai, bên cạnh việc chịu sự điều phối của QTCS, hy vọng
rằng các ĐCS Trung Quốc, Anh, Hà Lan và Pháp thường xuyên giúp đỡ và hướng dẫn
kinh nghiệm” [99] Tờ báo Police Journal (Tạp Chí Cảnh Sát ‐ ND) của Eo
Biển Malacca sau này đã viết rằng tài liệu tuyên truyền và hướng dẫn từ ʺTrung
Ươngʺ tại Thượng Hải đã giảm thiểu vào giữa năm 1930, sau Đại Hội Đại Biểu lần
3 [100].
Làn sóng cách mạng tại
Việt Nam
Báo cáo của Phân Bộ Viễn Đông ngày 25 tháng 6
cho biết họ vừa được tin Hồ Chí Minh sẽ đến Thượng Hải vào những
ngày tới (họ nhẹ lòng vì ông đã không bị bắt tại cuộc
ruồng bố tại Singapore vào cuối tháng 4 khi họ nghe tin này qua báo chí
Singapore [101] ). Chắc hẳn ông đã quay lại Hồng Kông vào trung tuần tháng 6.
Và ông cũng đã mất đi cơ hội chứng kiến làn sóng đấu tranh đầu tiên của ĐCS
Việt Nam trong năm 1930: hàng loạt những cuộc đình công
và biểu tình trong cả ba miền Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 và đã dẫn đến
hậu quả là rất nhiều người bị bắt giữ vào đầu tháng 5. Như chúng ta cũng đã
thấy tại Nam Kỳ, những hành động này, ít nhất là tại các khu thành thị, đa phần
được tổ chức bởi thành phần ĐDCSĐ còn lại trước Đại Hội Hợp Nhất. Cả Ngô Gia Tự
và Dương Hạc Đính đều bị bắt tại Sài Gòn vào cuối tháng 5. Trước ngày Quốc Tế
Lao Động 1 tháng 5 Hoàng Quốc Việt đã bị bắt tại Hải Phòng khi ông đến đây để
hội ý với Trần Phú. Nhiều nòng cốt của phong trào lao động phía bắc cũng đã vào
tù cùng ông sau ngày 1 tháng 5 [102].
Tổn thất của phong trào tại thành thị đã làm
cho những người cộng sản Việt Nam tái chú tâm vào phong trào tại vùng
nông thôn. Điều mỉa mai là ngay sau khi Hồ đưa ra hành loạt chỉ trích đối với
ĐCS Mã Lai, một nhóm người trong Uỷ Ban Chấp Hành Lâm Thời Trung Ương tại Hà
Nội đã quyết định tiến hành nổi dậy tại Nghệ An và Hà Tĩnh, hai tỉnh thường
được gọi chung là ʺNghệ Tĩnhʺ. Tại một cuộc họp tại Hài Nội (theo tài liệu là
vào tháng 6), Trần Phú, Nguyễn Thế Rục, Trần Văn Lân, Trịnh Đình Cửu và Nguyễn
Phong Sắc (ba người cuối cùng từ thành phần ĐDCSĐ nguyên thuỷ) đã đi đến quyết
định trên [103]. Nguyễn Phong Sắc, một cựu giáo viên của trường Thanh Long ở Hà
Nội là một thành viên cốt cán được giao nhiệm vụ lãnh đạo Xứ Uỷ Trung Kỳ. (Đồng
đội của ông từ đảng Tân Việt cũ là Lê Mão đã ở lại Nghệ An khi cuộc họp xảy
ra). Những người tham dự đã cử Nguyễn Đức Cảnh ở Hải Phòng làm việc với Nguyễn
Phong Sắc để phát động phong trào Nghệ Tĩnh. Vì thế những thành viên chủ chốt
hướng dẫn phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh là những người miền bắc tương đối có học
thức từng ở trong tầng phần lãnh đạo của ĐDCSĐ. Trong những nằm 1950 và 1960,
chính quyền Việt Nam đã ca ngợi vai trò của Lê Viết Thuật, một công nhân người
Bến Thuỷ đã trở thành người đứng đầu của Xứ Uỷ Trung Kỳ vào tháng 4 1931 [104].
Nhưng đến năm 1957 nhà sử học của Hà Nội là Trần Huy Liệu đã cho rằng Nguyễn
Đức Cảnh chính là người trực tiếp lãnh đạo Sô Viết Nghệ Tĩnh [105]. Trần Phú,
một người thấm nhuần quan điểm cấp tiến của QTCS về ʺGiai Đoạn Thứ 3ʺ, có thể
đã được những đồng chí của mình vốn có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong nước
thuyết phục rằng thời điểm hành động đã chín muồi. Nhưng cũng phải công nhận
rằng chúng ta hiểu biết rất ít về quyền hạn cũng như vị trí thực sự của ông
trong đảng vào giai đoạn này. Cuộc họp đã đưa ra lời kêu gọi các tầng lớp công
nông binh ở Nghệ An tiếp tục cuộc kháng chiến và chuẩn bị đối phó với sự đàn áp
của đế quốc ‐ một do dự nhỏ nhất cũng tương đương với việc tiếp tay cho đế quốc tiêu
diệt mình, lời hiệu triệu viết [106].
Hồ Chí Minh dường như lúc này đã đạt được quyền
hạn cao nhất của mình trong QTCS, ông đã quay về lại Hồng Kông để đối phó với
tình hình hiện đã vượt khỏi tầm ảnh hưởng của mình. Mặc dù Huỳnh Kim Khánh (nhà
sử học ‐ ND) đoán rằng Hồ có thể đã ʺđóng vai trò quan yếu trong việc khởi xướng
và chỉ đạo phong trào công xã nàyʺ, cơ sở cho quan điểm này là việc quy nhận
đầy nghi ngờ trong việc Hồ là tác giả của tài liệu về kháng chiến nông dân đã
được thảo luận trong phần Giới Thiệu của cuốn sách này [107]. Những thư từ và
báo cáo của Hồ trong thời kỳ 1930‐1 có chứa một chỉ thị về công tác
hoạt động quân sự. Nhưng nội dung và văn phong của tài liệu viết năm 1928 về
hoạt động vũ trang trong tầng lớp nông dân thì rất khác biệt so với tài liệu
của Hồ viết năm 1930. Tài liệu 1930 là một bài viết tay dài 6 trang dường như
đã lùi thời điểm Hồ quay lại Hồng Kông và Thượng Hải vào tháng 6 vì nó đã đề
cập đến một cuộc biểu tình tại Chợ Lớn, sự kiện này có thể đã xảy ra trong hoặc
sau mùa xuân 1930 [108]. Với tựa đề đơn giản là ʺQuân Sựʺ, tài liệu này (phiên
bản tiếng Anh) là một cố gắng để quân bình hiện tượng quá trú trọng đến những
vấn đề quân sự và việc lơ là chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp đến
[109]. Ông khẳng định rõ rằng: ʺCông tác quân sự của đảng bao gồm: huấn luyện
quân sự cho đảng viên; phát động tuyên truyền trong hàng ngũ quân đội; thành
lập lực lượng công nông tự vệ.ʺ Ông lưu tâm phần lớn vào công tác ʺphát động
tuyên truyền trong quân độiʺ. Những người lính bản xứ là những người bị bắt lính
từ làng quê và không nên xem họ là ʺlũ chó sănʺ của đế quốc, ông nói. Tại một
cuộc biểu tình tại Chợ Lớn, ông đã chỉ ra rằng những người nông dân mắc phải
sai lầm là đã lăng mạ binh lính thay vì nên ʺ tuyên truyền cho họʺ. Trong công
tác phát động tuyên truyền, ông nói ʺđảng phải nên tuyên truyền cương lĩnh
ʺCách mạng tư sản dân tộcʺ với những binh lính, và tận dụng lòng yêu nước để
hướng họ đi theo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân cũng
như nhìn nhận vai trò lãnh đạo của đảng.ʺ
Đến tháng 6, Eisler đang bị cô lập tại Thượng
Hải đã thất bại trong việc dung hoà những chính sách của Lý Lập Tam mặc dù trên
thực tế những cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 đã dẫn đến một số lớn đảng viên bị
bắt [110]. Hồ Chí Minh có thể đã lâm vào hoàn cảnh tương tự đối với đảng của
mình vì ông không quyền biểu quyết trong Uỷ Ban Lâm Thời Trung Ương. Dù thế, là
một người Bolshevik chân chính, ông đã phải chấp hành quyết định của đảng
là phát triển phong trào công nông Nghệ An. Một bức thư đề ngày 9 tháng 6 gửi
đến những người Việt đang chiến đấu trong lực lượng Hồng Quân Trung Quốc, yêu
cầu họ quay về ʺMặt trận An Namʺ, có thể là đã do ông viết. ʺCông việc của cách
mạng Việt Nam giờ đây là công việc của chúng taʺ, lá thư viết, ʺcông việc tại
Trung Quốc không phải là nhiệm vụ của chúng tạʺ[111] Nhưng trong cùng lúc ấy Lý
Lập Tam đang hối thúc QTCS gửi những thành viên ngoại quốc từ ʺAnh, Pháp, Nhật,
Ấn và Đông Dươngʺ đến để thực hiện công tác tuyên truyền tại Trung Quốc cùng
với những thuỷ thủ ngoại quốc đang đóng tại đây. Ông nhấn mạnh rằng họ phải làm
việc dưới sự chỉ đạo của ĐCS Trung Quốc [112]. Vì thế đến tháng 6 một số đảng
viên người Việt đã được bổ sung vào công việc tuyên truyền quân sự tại Thượng
Hải. Người tổ chức của ĐDCSĐ từ Bắc Kỳ là Đỗ Ngọc Du, bí danh Phiếm Chu, nói
rằng Hồ đã ra lệnh cho ông đến làm việc tại Thượng Hải vào cuối tháng 3, sau
khi ông trốn khỏi Hà Nội. Sau này ông đã khai với Sở Liêm Phóng rằng ông bắt
đầu biên tập các bài viết nhắm vào quân đội Pháp sau ngày 14 tháng 6 1930. Một
người Việt khác là Lưu Quốc Long có nhiệm vụ in ấn và phát hành những bản tin
và bài viết. Tờ báo tiếng Pháp mang tên Quân Đội (LʹArmée ‐ ND) bắt đầu
xuất bản một tháng hai kỳ [113]. Một tờ báo tiếng Việt tên Giác Ngộ do Lê Quảng
Đạt (còn có tên Hoàng Cao], vợ của ông là Lý Phương Đức và Nguyễn Lương Bằng
đảm trách. Lê Quảng Đạt có nhiệm vụ liên lạc giữa Phân Bộ Viễn Đông và Hồng
Kông cũng như thu xếp đi lại cho những người Việt Nam đến Moscow và trở về [114].
Báo cáo của người Pháp cho biết thời gian từ
ngày 1 tháng 5 đến 30 tháng 8 1930 là giai đoạn biểu tình bất bạo động tại Việt
Nam [115]. Trên thực tế đã có hai quá trình đang tiến hành vào tháng 6 1930:
một là việc thành lập cơ chế đảng dẫn đến việc lựa chọn đại biểu tham dự đại
hội toàn thể sắp tổ chức vào mùa thu; thứ hai, như đã nói ở trên, là việc chuẩn
bị cho làn sóng hành động trực tiếp lần hai tập trung vào phía bắc Trung Kỳ.
Thật khó mà biết được hai quá trình này được điều phối chặt chẽ như thế nào. Về
công tác tổ chức đảng, lời khai của Ngô Đức Trì đã dựng lên một bức tranh
(thiếu hai miền còn lại của Việt Nam) về quá trình tái tổ chức đang diễn ra tại
miền nam sau khi Ngô Gia Tự bị bắt. Căn cứ trên lời khai của Trì, vai trò lãnh
đạo của Ngô Gia Tự đã không làm vừa lòng những đảng viên địa phương. ʺKể từ khi
ĐDCSĐ và Ban Chấp Hành Lâm Thời thành lập mọi công tác đều do các thành viên
của uỷ ban này quyết định mà không thông qua các thành viên của các chi bộ,ʺ
ông giải thích. Ông bổ sung rằng: ʺKhông hề có báo cáo về công việc của các chi
bộ và điều này đã gây ra vài bất mãn.ʺ Những cuộc biểu tình vào tháng 5 và đầu
tháng 6 tại Sa Đéc, Vĩnh Long, Đức Hoà và Chợ Lớn thuộc Gia Định đã dẫn đến
nhiều thành viên bị bắt giữ và cái chết của Châu Văn Liêm‐sự kiện này
cũng có thể đã làm cho đảng bộ phía nam tái thẩm định chiến lược của mình
[116]. Vào khoảng ngày 18 tháng 6-1930 một cuộc họp của Ban Chấp Hành Lâm Thời
Nam Kỳ được tiến hành với đại biểu từ các địa phương được mời đến để cho
biết ý kiến. Ngô Đức Trì đã cùng Ung Văn Khiêm (Huân) và
Nguyễn Văn Sơn (Dũng) gia nhập Uỷ Ban trước khi hội nghị khai mạc [117]. Sau đó
ông cũng tham gia vào Uỷ Ban Lâm Thời Trung Ương. Trì khai trong suốt mùa hè
ʺmột số đồng chí đã muốn phát động các cuộc nổi dậy và thực hiện hoạt động
khủng bố.ʺ Ban Chấp Hành Lâm Thời đã phải triệu tập các chi uỷ lâm thời để yêu
cầu họ huỷ bỏ những kế hoạc trên. Ban Chấp Hành đã chỉ thị các tỉnh uỷ phải
giải thích cho quần chúng biết rằng chủ trương ám sát mâu thuẫn với nguyên tắc
chủ đạo của chủ nghĩa cộng sản [118]. Có lẽ trong thú nhận này, Ngô Đức Trì đã
tìm cách rũ bỏ trách nhiệm về trách nhiệm về mình cho những bạo lực trong những
năm 1930‐1, nhưng một báo cáo năm 1931 mà ông gửi đến Moscow cho thấy
rằng ông đã đánh giá thấp những kết quả hoạt động của đảng (xem chú thích 149).
Tại miền Bắc và Trung Việt Nam , dường như đảng đã có một phương
hướng khác. Trên nguyên tắc Trần Phú đã nắm giữ nhiều quyền hạn trong cơ cấu
đảng khi ông tham gia Uỷ Ban Lâm Thời Trung Ương vào mùa hè, sau khi Nguyễn Hội
bị bắt. Khi Trịnh Đình Cửu rời bỏ chức vụ trong Uỷ Ban Thường Vụ để gia nhập Xứ
Uỷ Bắc Kỳ, Trần Phú cũng đã đảm đương chức vụ cũ của Cửu [119]. Nhưng trên thực
tế, đảng uỷ phía bắc đã hoạt động tương đối độc lập, theo những báo cáo sau này
của QTCS. Ví dụ như trong một lá thư không đề ngày được viết sau ngày 4 tháng 4
1931, Phân Bộ Viễn Đông đã chỉ thị rằng ʺvấn đề chủ trương phân lập cần phải
được xoá sạchʺ [120]. (Những chủ trương này dường như đã xuất hiện vào mùa thu
trước, như sẽ thảo luận dưới đây). Sau khi Uỷ Ban Lâm Thời Nam Dương được đổi
thành một tổ chức của các đảng cộng sản của các nước, Uỷ Ban Trung Ương ĐCS
Trung Quốc đã không giữ vai trò trực tiếp chính thức tại Đông Nam Á. Cho đến
nay ta hoàn toàn không thể biết được chương trình hành động của Lý Lập Tam về
ʺcao trào cách mạngʺ cho Trung Quốc đã có ảnh hưởng như thế nào đế những sự
kiện xảy ra tại Việt Nam. Nhưng có dấu hiệu cho thấy rằng đã có sự tương quan
nào đấy giữa những thời điểm chuẩn bị và hành động trên cả hai quốc gia.
Tại Trung Quốc việc chuẩn bị của Lý cho những
khởi nghĩa vũ trang trong tháng 8 và 9 1930 đã được tiến hành từ hàng loạt các
hội nghị được tổ chức từ đầu tháng 6 đến ngày 6 tháng 8. Vào ngày 11 tháng 6 Bộ
Chính Trị ĐCS Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Liên Bang Sô Viết
và ʺquần chúng lao động thế giớiʺ ủng hộ cuộc cách mạng Trung Quốc. Họ tuyên bố
rất rõ rằng cách mạng Trung Quốc đã trở thành trọng tâm của cách mạng thế giới
[121]. Đạo Quân số 3 của ĐCS đã thực hiện thành công một cuộc tấn công chớp
nhoáng tại Trường Sa (Chang Sha
‐ ND) vào ngày 28 tháng 7. Vào ngày 6
tháng 8 ʺUỷ Ban Hành Động Trung Ươngʺ của Lý Lập Tam kêu gọi tổ chức cách mạng
và nổi dậy ngay lập tức tại Vũ Hán (Wu Han ‐ ND), Bắc Kinh, Thiên Tân (Tian Jin ‐ ND), Cáp Nhĩ
Tân (Harbin ‐ ND) và các thành phố khác (Phân Bộ Viễn Đông đã trả lời bằng một bức
điện tín yêu cầu ʺtriệu tập ngay lập tứcʺ Lý Lập Tam về Moscow [122] ). Một
cuộc tấn công thứ hai vào Trường Sa được tiến hành giữa ngày 24 tháng 8 và 12
tháng 9. Trong thời gian này Moscow đã giữ một thái độ không dứt khoát đối với
những hành động của Lý, để mặc Phân Bộ Viễn Đông tiếp tục những nỗ lực của mình
nhằm kiềm chế đường hướng phiêu lưu của Lý. Một trong những đại diện mới của
Phân Bộ Viễn Đông là vị đại biểu của Công Đoàn Quốc Tế Đỏ S.Stoyar, còn biết
đến dưới những bí danh ʺJackʺ hoặc ʺLeonʺ, đã viết cho lãnh đạo Công Đoàn là
Lozovsky vào ngày 5 tháng 8 yêu cầu hậu thuẫn Eisler. Ông than phiền rằng Lý
Lập Tam đang huy động tất cả các thành viên nòng cốt chống lại QTCS [123]. Điều
lý thú là cao trào cách mạng mà Lý đang phát động đã xảy ra cùng lúc với cuộc
nội chiến toàn cục bên trong Quốc Dân Đảng Trung Quốc diễn ra từ ngày 5 tháng 4
đến đầu tháng 11 [124]. Trần Công Bác và những người ʺTái Tổ Chứcʺ với căn cứ
mới tại Bắc Kinh đã đóng vai trò chính yếu trong cuộc xung đột này. Rất có thể
là Lý Lập Tam đang trông chờ vào chiến thắng tất yếu của họ.
Tại Việt Nam, theo sau cuộc họp tháng 6 của Ban
Chấp Hành Lâm Thời tại Hà Nội, các tỉnh uỷ Nghệ An và Hà Tĩnh đã được thành lập
vào tháng 7. Tại Nghệ An chi bộ đảng được thành lập đến cấp xã [125]. Làn sóng
hoạt động thứ hai tại Nghệ Tĩnh đã dẫn đến sự tan rã của chính quyền địa phương
và dựng nên Sô Viết đã bắt đầu vào ngày 29 tháng 8 và đạt đến đỉnh cao vào ngày
11 ‐ 12 tháng 9 (vào ngày 12 tháng 9 nông dân các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn và
Tân An cũng đã biểu tình [126]). Ở một số nơi, huyện đường bị đốt trụi và quan
nha đã giao nộp ấn triện cho dân làng; những hương chức xã hoặc là theo quân
khởi nghĩa hoặc bị giết [127]. Quân Pháp đã ném bom vào đoàn biểu tình đang đổ
về Vinh vào ngày 12 tháng 9 làm chết trên 120 người. Trần Huy Liệu giải thích
rằng ngày hôm ấy đã có phối hợp các cuộc biểu tình trên khắp vài huyện. Những
sự kiện này được nhắc đến tuần tự trong các báo cáo của Pháp cũng như của Trần
Huy Liệu [128]. Điều đáng lưu ý là ngày 12 tháng 9 sau này đã được kỷ niệm như
là ngày thành lập phong trào Sô Viết Nghệ Tĩnh và cũng được ĐCS Trung Quốc
tưởng nhớ như là ngày kỷ niệm của cuộc Khởi Nghĩa Trung Thu 1927 [129].
Không còn nghi ngờ gì về việc những nông dân
địa phương, bị đè nặng bởi quá nhiều loại sưu thuế, đã rất hăng hái đấu tranh
chống lại người Pháp và quan lại địa phương. Nhưng luận điểm cho rằng hành động
của họ đã phát sinh hoặc bị lôi kéo bởi một số kẻ kích động thì khó mà chấp
nhận được, căn cứ theo quan điểm kế hoạch do ĐCS Việt Nam thực hiện cũng như hướng dẫn kích
động mà những người cộng sản đã nhận được từ Moscow . James Scott (giáo sư khoa học
chính trị Yale ‐ ND) cho rằng ʺtrong khi đảng có thể đã giúp kết nối những cuộc biểu
tình ban đầu, nhưng họ đã không cần phải chỉ ra những đối tượng làm nông dân
căm phẫn” [130] Nhưng chính những chiến lược mà ông đề cập đến đã dấy lên từ
ʺnhững đau khổ tột cùng của những nông dân miền quêʺ ‐ những đòi hỏi
chấm dứt sưu thuế (hoặc hoãn trả thuế) và ʺchính sách thâu tô của những địa chủ
các vựa lúaʺ ‐ là những điều mà những nhà tổ chức phong trào nông dân đã thụ huấn từ
Học Viện Nông Dân Bành Bái từ những năm 1920. Những hoạt động tháng 9 tại Nghệ
Tĩnh, thường là đốt huyện đường và tiêu huỷ sổ sách về điền địa và sưu thuế, đã
được tiếp thu từ những phương pháp được sử dụng trong phong trào Sô Viết Hải‐Lục‐Phong
[131]. Ta có thể kết luận rằng thay vì đi theo phong trào nông dân, những
người cộng sản đã tạo ra những phương pháp tổ chức phù
hợp với tình hình địa phương,
ít nhất là trong một thời gian
ngắn[132]. Ta cũng có thể kết luận rằng những hành động của Lý Lập Tam ở
Trung Quốc đã phần nào tác động đến các sự kiện tại Nghệ Tĩnh. Khởi nghĩa Nghệ
Tĩnh cũng có thể đã xảy ra dưới một tình trạng không có sự liên quan của QTCS
hoặc đã đi ngoài mong muốn của ĐCS Trung Quốc nhằm thúc đẩy bước tiến của cách
mạng Trung Quốc và thế giới. Dù thế, nó đã không thể xảy tra với tình trạng như
thế nếu không có sự lãnh đạo của những người cộng sản. Nó đã không thể xảy ra vào
thời điểm ấy nếu không có một chương trình hành động nào đấy.
Xem tiếp: Kỳ 4 - http://to-quoc01.blogspot.fr/2013/01/sophie-quinn-judge-4.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét