Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa
“...một
người nhiệt tình, ước mơ khôi phục đường lối nhà Chu để thiên hạ thái bình; một
người luôn bị giằng xé, hoang mang, nay đây mai đó, giống hành trạng của một
con chó vô chủ, lang bạt, không có nhà để về. Đó là Khổng Tử thật...
Hôm
qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: Bàn về cơn sốt Khổng Tử hiện nay
Lời giới thiệu của người dịch:
1.
“Chó nhà tang” và “chó gác cửa” ở đây chỉ Khổng Tử. Đề tài này có thể hơi nhạy
cảm với ít nhiều trí thức Việt Nam, vì nó đưa ra một cái nhìn hơi lạ về một người
quen, và có lẽ cũng vì trong Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện nay vẫn có bệ thờ Khổng
Tử.
Thoạt
đọc, bài này có vẻ như muốn ‘hạ bệ’ Khổng Tử, nhưng đọc kỹ, người đọc sẽ thấy
Lưu Hiểu Ba muốn tìm lại sự thật cho Khổng Tử, và thấy Khổng Tử cũng như nhiều
trí thức xưa nay lúc thì bị ruồng rẫy, khi thì được ‘phong thánh’, được gán cho
nhiều điều mình không có, và trở thành bao tay nhung che cho bàn tay sắt.
2.
Tên của Khổng Tử và Lưu Hiểu Ba trong vài năm qua nhiều lần được nhắc chung.
Lưu Hiểu Ba viết bài này về Khổng Tử ngày 18/8/2007. Năm 2010, nhà cầm quyền
Trung Quốc vội vã thành lập Giải Khổng Tử để đối trọng với Giải Nobel Hòa Bình
vừa được trao cho Lưu Hiểu Ba, vì nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền của ông. Cũng
nên nhắc lại là vào lễ Noel 25/12/2009, Lưu Hiểu Ba bị Bắc Kinh kết án 11 năm
tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước, còn Giải Khổng Tử năm 2011 thì được trao
cho Vladimir Putin, lãnh tụ Nga có khuynh hướng độc tài*.
3.
Cơn sốt Khổng Tử mà Lưu nói tới vẫn kéo dài đến nay. Viện Khổng Tử (gần như Viện
Goethe, Hội Đồng Anh…) công cụ của quyền lực mềm trong tay nhà cầm quyền Trung
Quốc, mở cơ sở đầu tiên năm 2004, đến nay đã có hơn 320 Học viện được thành lập
trên thế giới, trong đó 1/5 là ở Mỹ **.
4.
Đọc bài này, rất có thể người đọc sẽ nêu câu hỏi: Liệu có điểm gì giống nhau giữa
Viện Khổng Tử và Viện Trần Nhân Tông, Giải Khổng Tử và Giải Trần Nhân Tông được
nhắc tới gần đây với ít nhiều nghi ngại hay không.
5.
Bản dịch này dựa trên bản tiếng Anh, có tham khảo bản tiếng Trung. Bản tiếng
Anh có tựa “Yesterday’s Stray Dog Becomes Today’s Guard Dog” (Chó hoang hôm qua
nay thành chó giữ nhà) do Thomas E. Moran dịch, in trong cuốn No Enemies,
No Hatred (Không thù, không ghét) tuyển tập luận văn và thơ Lưu Hiểu Ba, do
Perry Link, Tienchi Martin-Liao và Lưu Hà biên tập, xuất bản năm 2012 tại Anh
Quốc. Bản tiếng Trung có tựa “昨日丧家狗今日看门狗– 透视当下中国的“孔子热”” (Tạc nhật táng gia cẩu, kim
nhật khán môn cẩu, thấu thị đương hạ Trung Quốc đích “Khổng Tử nhiệt”), xuất bản
lần đầu trên vào ngày 2/9/2007 trên boxun.com.
Phan
Trinh
Người
Trung Quốc hiện rất phấn khích vì nước nhà đang trỗi dậy như một cường quốc. Nhờ
kinh tế trỗi dậy nên văn hóa cũng trỗi dậy, nhờ tung tiền khắp nơi nên “quyền lực
mềm” cũng được xuất khẩu ra thế giới. Trong nước, người người đua nhau chạy
theo cơn sốt đọc cổ văn, cơn sốt thờ Khổng, cơn sốt theo đạo Nho. Chương trình
Bách gia Giảng đường của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng khởi
xướng cơn sốt đọc lại Luận ngữ nhằm phục hồi đạo đức truyền
thống. Trong khi đó ở ngoài nước, Trung Quốc đầu tư lớn để mở hàng loạt các “Viện
Khổng Tử” nhằm lan tỏa quyền lực mềm. Giấc mơ bá chủ thiên hạ của Trung Quốc bị
dồn nén hơn thế kỷ nay lại có cơ tái xuất giang hồ. Đức Khổng Tử ở trong và
ngoài nước bỗng kết thành một trận tuyến liên hoàn. Cơn sốt Khổng Tử quả là
càng lúc càng nóng.
Nhưng,
đàng sau cơn phấn khích của đám đông kia, tôi cho rằng không phải là ước muốn
khôi phục nền đạo đức cũ, mà là toan tính phục hồi truyền thống sùng bái thánh
Khổng, một phần không thể thiếu trong kế hoạch của nhà nước nhằm đẩy mạnh chủ
nghĩa dân tộc cực đoan.
Những
năm sau biến cố Thiên An Môn [1989], nhà nước một mặt chống lại các nỗ lực đòi
hỏi tự do, chống “diễn biến hòa bình”, một mặt lại thổi bùng tình cảm “yêu nước”
cực đoan. Chủ nghĩa yêu nước cực đoan này, rường cột cho ý thức hệ mới của nhà
cầm quyền Trung Quốc, kết hợp với chiến dịch quảng bá cho cái mà Đảng Cộng sản
Trung Quốc gọi là “Thời hoàng kim thịnh vượng” đã làm làn sóng dân tộc chủ
nghĩa dâng cao vô tội vạ. Không gì rõ hơn những dòng này ở cuối “Tế văn Vinh
danh Khổng Tử, nhân Liên hoan Văn hóa Khổng Tử Quốc tế 2005, tại Khúc Phụ,
Trung Quốc”. Tế văn viết những lời có cánh như sau: “Thời hoàng kim vừa đến,
nuôi giấc mơ đại đồng; Mừng gặp thời thịnh vượng, và cường quốc vinh quang”. Thật
là một bản song tấu rổn rảng điển hình khi chủ nghĩa dân tộc hòa vào ‘Phúc âm’
của “Thời hoàng kim”.
Trong
một năm qua, việc cổ xúy văn hóa truyền thống trên chương trình Bách gia Giảng
đường của CCTV đã góp phần biến Khổng Tử thành một món hàng thời thượng, hoặc
mượn lời của Lỗ Tấn, thành “‘Mô-đen’ Khổng Tử”. (Điều tương tự từng rộ lên cách
đây vài năm khi Mao Trạch Đông cũng trở thành một thứ “mốt”.) Hiện sách vở đủ
loại về Khổng Tử đang hốt bạc cho các nhà xuất bản, các lớp quốc học và cổ văn
cũng mang lại món lợi lớn. Ban Quốc học Đại học Thanh Hoa tính học phí mỗi người
26.000 nhân dân tệ, Đại học Phục Đán lấy mỗi người 38.000 nhân dân tệ, và khóa
học cổ văn ngoài giờ cho trẻ em cũng có học phí cao ngất ngưởng.
Chương
trình nói trên của CCTV cũng làm tên tuổi Vu Đan trở thành hiện tượng được cả
nước biết. Vu Đan rao bán, thay vì rao giảng Khổng Tử bằng một giọng điệu khéo
léo, kết hợp những câu chuyện cao đạo về người xưa với những kiến giải có độ
sâu sắc chỉ ngang với ca từ nhạc sến. Những suy luận võ đoán, những lý giải
nông cạn thường trực của bà về Khổng Tử có tác dụng như một thứ ma túy tinh thần
giữa cơn sốt phục hưng đạo Khổng trong văn hóa đại chúng. Cuốn Luận ngữ
tâm đắc của Vu Đan mang một thông điệp dễ dãi. Theo giải thích của Vu
Đan thì Khổng Tử dạy rằng ai ai cũng có thể sống thoải mái với tâm thế thực dụng,
dù gặp gì đi nữa cũng đừng phàn nàn, nếu biết thuận theo hoàn cảnh thì sẽ thích
ứng dễ dàng và sống đời hạnh phúc.
Trong
khi cơn sốt đọc Khổng Tử do Vu Đan khởi xướng đang ăn khách, thì giáo sư Đại học
Bắc Kinh, Lý Linh, xuất bản cuốn sách có tên Chó nhà tang – Tôi đọc Luận
ngữ [1]. Bằng nghiên cứu của riêng mình, giáo sư Lý đã trục xuất những
điều vớ vẩn được nói về Khổng Tử và trả ông về với hình ảnh nguyên thủy. Giáo
sư Lý viết trong lời mở đầu:
“Sách
của tôi là thành quả những ý tưởng của riêng tôi về Khổng Tử. Tôi không lặp lại
những gì người khác đã nói. Tôi cũng không quan tâm tới những gì Mạnh Tử, Vương
An Thạch [2], hoặc bất cứ học giả lớn nhỏ nào đã từng nói về Khổng Tử. Nếu điều
gì không có trong văn bản gốc, thì tôi sẽ gạt qua một bên… Nếu muốn biết đích
thân Khổng Tử nghĩ gì, hãy tìm đọc văn bản gốc… Tôi không viết để dự phần vào
cuộc tranh cãi của các trí thức, cũng không viết để thỏa mãn thị hiếu của đa số.”
Và
giáo sư Lý kết luận:
“Sau
khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ
thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don
Quixote.”
Qua
việc phản đối nạn sùng bái thần thánh và khát khao truy tìm sự thật với thái độ
không mị dân, giáo sư Lý đã góp phần đả phá truyền thống thần thánh hóa Khổng Tử
đã kéo dài suốt hơn 2000 năm nay. Ông viết:
“Trong
cuốn sách này, tôi muốn giải thích cho độc giả rằng Khổng Tử thực ra không phải
là một vị thánh. Vị Khổng Tử mà các hoàng đế tôn sùng từ triều đại này qua triều
đại khác không phải là Khổng Tử thật, mà là một Khổng Tử “nhân tạo”. Khổng Tử
thật không phải là thánh, cũng chẳng phải vua, cũng không là “nội thánh ngoại
vương” [trong thánh, ngoài vua] gì cả… Khổng Tử chỉ là người, một người xuất
thân bình dân, luôn tin rằng kẻ sĩ cổ đại (những “quân tử” đúng nghĩa) đã định
ra chuẩn mực mà mọi người nên noi theo để đối nhân xử thế; một người yêu chuộng
những gì cổ xưa, học hành chăm chỉ, không nản chí; một người thầy tận tụy,
không mệt mỏi truyền đạt văn hóa người xưa và khích lệ học trò học tập kinh
sách cũ; một người không có chức, cũng không có quyền – chỉ có học vấn về đạo đức
– nhưng dám can ngăn kẻ cầm quyền; một người đi tứ xứ du thuyết, lao tâm thay
cho kẻ cai trị, liều mình khuyến dụ người cải tà quy chính; một người nhiệt
tình, ước mơ khôi phục đường lối nhà Chu để thiên hạ thái bình; một người luôn
bị giằng xé, hoang mang, nay đây mai đó, giống hành trạng của một con chó vô chủ,
lang bạt, không có nhà để về. Đó là Khổng Tử thật.”
Trong
cách nghiên cứu và lý giải Luận ngữ của mình, rõ ràng giáo
sư Lý đã bỏ rất xa Vu Đan nông cạn và bất cẩn. Quan trọng hơn, ông đồng cảm được
với Khổng Tử, người trí thức hơn 2000 năm trước. Ông cho biết chính Khổng Tử
cũng tự nhận mình là con chó nhà tang mất chủ ngơ ngáo. Ông viết:
“Khổng
Tử tuyệt vọng với quê hương mình, cùng các môn sinh ông đi khắp nơi, làm việc với
chư hầu, nhưng cũng chẳng được gì. Cuối đời ông trở về quê hương, sống những
năm cuối đời với tâm trạng buồn bã. Trước khi ông qua đời, con trai và hai học
trò yêu của ông, Nhan Hồi và Tử Lộ (Trọng Do) cũng mất, ông khóc thương họ cạn
nước mắt. Tuy ông mất trong nhà mình, nhưng cũng có thể nói ông không hề có
nhà. Những giáo huấn của ông có thể đúng hoặc sai, nhưng dù đúng hay sai, đời
ông cũng phản ánh số phận của người trí thức Trung Quốc tiêu biểu.”
Việc
giáo sư Lý Linh đưa ra lời bình luận về con chó mất chủ giữa lúc cơn sốt Khổng
Tử và văn hóa truyền thống đang lên cao trào, giống như ném một tảng đá to xuống
nước: Nó tạo nên những làn sóng phản đối dữ dội từ những tín đồ mới của đạo Khổng.
Giáo sư Lý bị đả kích cay độc, bị nguyền rủa, những kẻ bị xúc phạm đã biến bức
xúc của mình thành giận dữ. Giáo sư Lý bị tố là phao tin đồn nhảm, và là một
“phẫn thanh” [đọc trại sẽ thành 'thằng ăn cứt"], những người chưa đọc sách
của giáo sư Lý tự cho mình cái quyền gọi nó là “rác rưởi”. Tất cả những eo xèo
này chỉ vì ông dám gọi Khổng Tử là chó nhà tang vô chủ. Điều đó cho thấy lòng
sùng kính Khổng Tử của những nhà Nho mới đưa đã đưa Thánh Khổng lên vị trí bất
khả xâm phạm, không ai được đụng tới. May mắn là số nhà Nho mới này không có
quyền lực chính trị là bao. Nếu có quyền lực, chúng ta chắc đã phải trở về thời
đại mà (như Lâm Bưu nói về Mao Trạch Đông) “mỗi lời của ngài đều là chân lý, mỗi
chữ của ngài quý hơn ngàn vạn chữ của kẻ khác.”
Giáo
sư Lý Linh là một nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm túc. Ông viết: “Tôi xem Luận
ngữ là một chủ đề nghiên cứu lịch sử, chứ không phải sách thánh.” Khi
ông gọi Khổng Tử là chó nhà tang, ông nhắc ta nhớ rằng ở Trung Quốc thời Xuân
Thu (770-476 trước CN) tầng lớp trí thức đã phải sống trong bất an, cả trong sợ
hãi, tài năng của họ thường không được trọng dụng, và trong hoàn cảnh đó, một
“kẻ có lý tưởng nhưng không tìm được quê hương tinh thần của mình” thì chẳng
khác gì con chó nhà tang mất chủ ngơ ngáo. Nhưng, theo tôi, giáo sư Lý nói rằng
Khổng Tử thiếu “quê hương tinh thần” là đã cho ông hơi nhiều điểm. Sự thật là
ông đi khắp đó đây không phải để tìm quê hương tinh thần của mình, mà là tìm một
chỗ để làm quan. Mục tiêu lớn của ông là trở thành quân sư, nhưng ông đã thất bại.
Ông là con chó nhà tang không chủ, nhưng nếu được kẻ cầm quyền nào tin dùng,
thì chú chó không chủ kia đã trở thành chó gác cửa.
Cũng
nên biết là giáo sư Lý Linh không phải người đầu tiên gọi Khổng Tử là chó nhà
tang. Người xưa đã từng đánh giá ông như thế. Truyện Khổng Tử trong cuốn Sử
ký của Tư Mã Thiên (145?-86 trước CN) viết rằng, vào năm 40 tuổi, khi
không đạt được gì, Khổng Tử đã than rằng “Ta cùng đường rồi!” và rằng “Chẳng chỗ
nào trong thiên hạ dung được ta!” Cũng theo Sử ký, dân chúng thời
Khổng Tử đã tả rằng nhìn ông “băn khoăn lo lắng như con chó ở nhà có tang”. Khi
đệ tử kể lại cho Khổng Tử nghe lời nhận xét này về mình, ông đã bảo rằng nói
như thế là đúng làm sao, đúng làm sao![4] Ngày nay, những kẻ “bảo vệ Đạo lý
đích thực” thì cho rằng những lời nói kia của Khổng Tử là những lời tinh tế có
ý nghĩa lớn lao về thuật trị quốc và dạy người. Họ bảo Lý Linh gọi Khổng Tử là
chó nhà tang như vậy là phạm thượng, phản bội, vô đạo và cuốn sách đó chỉ đáng
vứt vào sọt rác. Có bạn ‘phẫn Nho’ còn cho rằng giáo sư Lý “mắc bệnh thần
kinh!”
Người
tôn thờ Khổng Tử có thể nguyền rủa sách của giáo sư Lý đủ kiểu, nhưng thực ra
những gì ông viết về Khổng Tử, nhất là trong lời mở đầu rất thẳng thắn và thu
hút, đã vượt xa những gì mà Tương Khánh và những “nhà tư tưởng mới” về Khổng Tử
rêu rao. Rất nhiều học giả nổi tiếng đã đánh giá cao cuốn Chó nhà tang của
giáo sư Lý.
Trong
bài viết có tên “Tính khả thi của Nhân, Nghĩa – Điểm sách Chó nhà tang của
Lý Linh”, sử gia Ngô Tư viết: “Giáo sư Lý đã làm rất tốt. Các dự án văn hóa sau
này cũng phải được xây dựng trên những văn bản gốc cốt lõi. Theo tôi, những
phát hiện của Lý Linh trong cuốn sách nói về Luận ngữ của
ông còn hay hơn những gì Chu Hy (1130-1200) nói về Khổng Tử.”
Trong
một bài điểm sách tương tự, giáo sư Tiên Lý Quần của Khoa Trung văn Đại học Bắc
Kinh viết: “Cách giáo sư Lý Linh đọc Luận ngữcho thấy một
điểm rất lớn đó là sự đồng cảm chân thật, ‘từ trái tim đến trái tim’ với Khổng
Tử, sự đồng cảm của một trí thức với một trí thức. Sự đồng cảm này giúp ông
nhìn thấy vấn đề được gói ghém trong hình tượng ‘chó nhà tang’ kia là gì. Khi
tôi đọc cụm từ ‘chó nhà tang’ tôi cũng thấy có ít nhiều nhạo báng, nhưng quan
trọng hơn, tôi cảm được sự trăn trở và nỗi buồn đau của Khổng Tử.”
Trong
một cuộc phỏng vấn, ông Lưu Mộng Khê, giám đốc Sở Nghiên cứu Văn hóa Trung Quốc,
thuộc Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc, đã khen ngợi công phu nghiên cứu
văn bản rất có trách nhiệm và cách làm việc nghiêm túc của giáo sư Lý Linh, góp
phần giải độc những huyền thoại về Khổng Tử.
Giáo
sư Tần Hy tại Đại học Thanh Hoa, trong bài “Làm thế nào Luận ngữ trở
thành kinh điển?” đã viết rằng: “Hiện có những kẻ tìm cách nâng Luận
ngữ lên thành một thứ Thánh Kinh của đạo Khổng, điều này cũng y như
trước đây có kẻ muốn nâng cuốn sách nhỏ mỏng tang có tên Mao tuyển lên
thành ‘đỉnh cao’ của chủ nghĩa Mác. Thử hỏi sự phấn khích với Mao tuyển đã
làm phong phú chủ nghĩa Mác hay đã phá thối nó? Cũng vậy, sự phấn khích dành
cho Luận ngữ hôm nay sẽ tôn vinh đạo Khổng hay chỉ làm hỏng
nó?”
Trung
Quốc vốn có truyền thống sùng thánh lâu đời, và trong mắt những người sùng bái
thánh hiền xưa hoặc nay thì Khổng Tử nằm ngoài tầm tra vấn; ông là một vị vua
không ngai đáng kính, là người nắm giữ chân lý, là quân sư của các thời đại,
ông được tặng danh hiệu “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương” (“Vị vua và vị
thánh tuyệt hảo của văn hóa”, danh hiệu được gán cho ông vào thế kỷ thứ 14) và
với danh hiệu ấy, các vị hoàng đế đứng trước ông cũng phải cúi đầu. Đối với
Khang Hữu Vy (1858-1927) và Hội Khổng học của mình, Khổng Tử là giáo chủ của một
tôn giáo và cũng là một vị thánh; còn đối với những nhà Khổng học ngày nay thì
ông là biểu tượng cho văn hóa Trung Quốc. Với họ, mỗi câu trong Luận
ngữ đều là những lời giáo huấn thấu tình đạt lý về nghệ thuật trị quốc
và tu thân. Nếu thời xưa, lời xưng tụng to tát nhất dành cho Luận ngữ là
câu “Chỉ dùng nửa bộ Luận ngữ cũng có thể trị cả thiên hạ”, thì
câu tán dương thời nay lại là câu “Giáo huấn của Khổng Tử đã quản thiên hạ 5000
năm trước, nay sẵn sàng để quản thiên hạ 5000 năm sau.” Có kẻ còn nói “Không đọc
Khổng Tử không phải là người!” Ngày nay, có những “tín đồ đạo Khổng mới” lại
còn ngụy tạo ra những tin tức giật gân, chẳng hạn như chuyện râm ran gần đây, rằng
vào năm 1988, 75 người đoạt giải Nobel toàn thế giới đã họp nhau tại Paris để bầu
chọn Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người! [5]
Trước
cơn ‘tẩu hỏa nhập ma’ vì sùng bái thánh nhân này, tôi xin hỏi các nhà Nho tân
thời một câu tầm phào sau: “Trong con mắt các vị thì Khổng Tử đương nhiên là
thánh rồi, thế nhưng, ngài cũng chỉ là người, vậy ngài có đánh rắm phun hương
không?!”
Sự
sùng bái kia khiến người ta mất khả năng phân biệt đâu là người đâu là thánh,
đâu là lời nói đời thường đâu là lời phán của trời. Họ gán cho những lời dạy
thông thường trong Luận ngữ những ý nghĩa thâm thúy, cao
siêu. Chẳng hạn như hai câu mở đầu của Luận ngữ“Học nhi thời tập
chi, bất diệc thuyết hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Học mà
mỗi buổi mỗi tập, chẳng cũng thích ư? Có bạn ở xa nghe tiếng mà tìm lại, chằng
cũng vui ư?)[6] Thử hỏi sự thâm thúy cao siêu trong câu này nằm ở đâu mà thiên
hạ phải khổ công chú giải suốt suốt 2000 năm qua cho đến tận bây giờ?
Chu
Tố Nhân (1885-1967) trong cuốn Luận ngữ tiểu ký đã nói đúng:
“Luận ngữ chỉ cách tu tập để thành người tốt và cách ứng xử với đời…
Đó có thể là một cẩm nang hữu ích cho hậu thế, nhưng dứt khoát không được xem
đó là những chân lý không bao giờ thay đổi hoặc những chuẩn mực đạo đức. Càng
không nên nghĩ rằng nó chứa đựng những triết lý chính trị sâu sắc có thể trị quốc
và mang lại hòa bình cho thiên hạ.” Ngay G.W.F. Hegel, triết gia lớn của Đức,
cũng chỉ xemLuận ngữ như một cuốn sách ghi chép những đạo lý thường
thức, không hơn không kém.
Chính
Hán Vũ Đế (156-87 trước CN) người ra quyết định “độc tôn Nho thuật” đã hóa phép
cho Khổng Khâu trở thành đức Khổng Phu Tử. Con chó nhà tang chết còn bộ xương,
nay bộ xương bỗng chốc phục sinh và trở thành con chó gác cửa cho các triều đại
quân chủ chuyên chế Trung Hoa.
Vì
đạo Nho tỏ ra có ích cho quyền thống trị của vua chúa chuyên chế, nên địa vị của
con chó giữ cửa được chăm sóc, củng cố, một khi ngồi vào chỗ rồi là nó cứ ngồi
đó suốt hai ngàn năm. Và khi thần tượng của giới có học được triều đình thổi
lên đến tận trời xanh, thậm chí biến thành tượng thờ giát vàng trong tổ miếu
hoàng gia, thì đó là lúc trí thức Trung Hoa có tư tưởng tiến bộ bị đầy xuống địa
ngục, biến thành nữ tì phục vụ quyền lực. Một trường hợp điển hình là Tư Mã Đàm
(165-110 trước CN) cha của Tư Mã Thiên. Hai cha con đều phục vụ triều đình nhà
Hán trong tư cách những thái sử. Khi Tư Mã Thiên vì dám can ngăn Hán Vũ Đế mà bị
xử thiến, ông đã bi phẫn than rằng:
Cha
ta cũng chẳng đạt được gì đáng ghi tên vào sổ sách triều đình. “Nghề viết văn,
viết sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng
vẫn đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường.”[7]
Đến
thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi các cường quốc Tây phương ép Trung Quốc mở cửa
cho thế giới thì hệ thống quyền lực và ý thức hệ cũ lập tức suy vong nhanh
chóng. Năm 1911, khi Cách mạng Tân Hợi kết liễu đế chế truyền thống thì Đạo Khổng,
hệ ý thức của vua chúa độc tài, cũng mất hẳn chỗ dựa. Một lần nữa, “chó giữ cửa”
lại trở thành “chó nhà tang” lang thang xó chợ. Mặc dù Viên Thế Khải
(1859-1916) đã xoay sở để trở thành hoàng đế vào tháng 1 năm 1916 và cố phục hồi
nghi lễ Đạo Khổng, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Chỉ sáu tháng sau, Viên Thế
Khải chết. Sự sụp đổ toàn diện của những định chế truyền thống và ý thức hệ cũ
đã diễn ra, không thể nào tránh khỏi.
Theo
tôi, khi các nhà Nho truyền thống mất chỗ dựa quyền lực thì đó là nỗi bất hạnh
của họ, con chó gác cửa cung đình lại trở thành con chó lang bạt. Nhưng, nếu
nhìn cách khác thì đây lại là một vận may lớn, là cơ hội để giới có học ở Trung
Quốc có thể trở thành người trí thức hiện đại, có thể vứt bỏ những bệ đỡ của
quyền lực độc tài mà họ vẫn dựa vào, có thể nuôi dưỡng và phát huy tinh thần
phê phán độc lập. Cơ hội đã đến dù họ muốn hay không.
Nhưng
rủi thay, thời kỳ “chó lang” bất đắc dĩ này chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Khi Cộng
sản Trung Quốc thiết lập chế độ cực quyền trên toàn quốc thì người trí thức
cũng chẳng còn được thoải mái làm chó hoang nữa. Phần lớn bị đàn áp, truy đánh,
dập dụa như “bầy chó mắc mưa”, một số gặp thời biến thành “chó giữ cửa” cho
chính quyền Mao Trạch Đông. Quách Mạt Nhược (1892-1978) là một ví dụ điển hình,
trong thời kỳ dân quốc ông còn dám mắng cả Tưởng Giới Thạch, nhưng sau năm 1949
thì ông chẳng khác nào con sâu nhũn gọi dạ bảo vâng trong tay Mao Trạch Đông.
Số
phận của Khổng Tử trong thế kỷ 20 có lẽ sẽ khiến chính Khổng Tử choáng váng.
Hai lần ông trở thành mục tiêu của những cuộc vận động chính trị chống lại
mình. Lần đầu là trong phong trào Ngũ Tứ Vận động khởi đầu năm 1919, và lần kế
tiếp là trong phong trào “phê Lâm [Bưu], phê Khổng [Tử]” do Mao Trạch Đông phát
động năm 1974. Những năm sau vụ Thiên An Môn [1989], giới trí thức có khuynh hướng
chống lại những gì được cho là cấp tiến, và họ xem cả hai phong trào Ngũ Tứ Vận
động lẫn Phê Lâm Phê Khổng của Mao Trạch Đông là như nhau và bác bỏ cả hai.
Nhưng làm như thế là họ không thấy hai cuộc vận động đánh đổ nhà Khổng này thực
ra hoàn toàn khác nhau.
Trước
hết, hai cuộc vận động có điểm xuất phát khác nhau. Ngũ Tứ là cuộc vận động văn
hóa tự phát từ dưới lên. Người tham gia chủ yếu là những trí thức đô thị đã hấp
thu tư tưởng mới, giá trị mới, và phương pháp mới du nhập từ phương Tây, và họ
dùng những chuẩn mực phương Tây để hiểu vì sao Trung Quốc lạc hậu. Họ bất mãn với
quan điểm vào cuối thế kỷ 19 cho rằng việc bắt kịp phương Tây chỉ là vấn đề kỹ
thuật, hay thay đổi hình thức chế độ. Họ đi đến kết luận rằng thay đổi cốt lõi
phải là thay đổi văn hóa. Ngược lại, phong trào “phê Lâm, phê Khổng” vào năm
1974 là một màn vận động chính trị từ trên xuống của Mao Trạch Đông, kẻ có quyền
lực tuyệt đối và muốn đưa Tư tưởng Mao lên vị trí độc tôn và không tư tưởng nào
khác trong hay ngoài nước được phép có mặt.
Thứ
hai, tính chất của hai cuộc vận động này cũng khác hẳn nhau. Đối tượng mà các
trí thức cách tân của Ngũ Tứ Vận động chống đối không phải là Khổng Tử thời
Tiên Tần, lúc trăm nhà đua tiếng vào thế kỷ thứ năm trước CN, mà là Đức Thánh
Khổng của Hán Vũ Đế, người đã đưa đạo Khổng lên vị trí độc tôn. Họ muốn đánh đổ
sự độc quyền tư tưởng của đạo Khổng, của con “chó gác cửa”. Ngược lại, chiến dịch
của Mao Trạch Đông chống lại Khổng Tử không liên quan gì đến nỗ lực cải tổ văn
hóa, và cũng chẳng liên quan gì đến Khổng Tử. Cuộc vận động chỉ là công cụ giúp
Mao cạnh tranh quyền lực với nhóm chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục
tiêu cuối cùng của Mao là hạ bệ Lâm Bưu và cảnh cáo nhà “đại nho” Chu Ân Lai.
Nói
cách khác, hai cuộc vận động chống Khổng Tử có bản chất khác nhau. Một bên là
những nhà trí thức không quyền lực một bên là kẻ nắm quyền lực tuyệt đối chẳng
khác gì một Tần Thủy Hoàng kiểu mới. Một bên là cuộc cách mạng văn hóa tự phát
từ dưới lên, một bên là cuộc vận động chính trị từ trên xuống. Một bên cố tìm lối
thoát cho văn hóa Trung Quốc, một bên chỉ mong củng cố quyền lực độc tôn.
Đó
là lý do đến nay tôi vẫn tán đồng nỗ lực chống ảnh hưởng của Đạo Khổng như Ngũ
Tứ Vận động chủ trương, và tiếp tục chống đối cuộc vận động chống Đạo Khổng của
thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Trong
luận văn viết năm 1935 “Khổng Phu Tử của Trung Quốc hiện đại”, khi Lỗ Tấn gọi
Khổng Tử là thánh nhân “mô-đen” là ông có ý phê phán truyền thống tôn sùng
thánh nhân của chế độ chuyên chế Trung Quốc. Ông viết: “Những kẻ đặt Khổng Tử
lên bàn thờ, thánh hóa ông chính là những kẻ cầm quyền, hoặc những kẻ muốn nắm
quyền. Việc này hoàn toàn không phải là việc của dân chúng bình thường.”
Theo
tôi thì tệ sùng bái thánh nhân ở Trung Quốc là một công trình văn hóa giả tạo cực
lớn do các đời vua chúa cùng bọn văn nhân cung đình phối hợp tạo nên. Vị Khổng
Tử mà các vua chúa và quần thần “phong thánh” đã đánh mất hoàn toàn mọi mối
liên quan với vị Khổng Tử đích thực, và đáng được xem như một món hàng giả vô
cùng nguy hiểm.
Thực
ra, nếu đọc kỹ các triết gia Tiên Tần, sẽ không khó nhận ra rằng tư tưởng của
Khổng Tử cũng chỉ là những lời thuyết giáo đạo đức bình thường. So với Trang Tử
(369-286 trước CN), Khổng Tử không có cái siêu thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên, cũng
không có trí tưởng tưởng đẹp đẽ kỳ vĩ, hoặc ngôn ngữ trôi chảy bất tận, cũng
không có khả năng hòa quyện tri thức triết học với vẻ đẹp văn học thoát tục, hoặc
tỉnh táo mà nhìn thấu đáo bi kịch của con người. So với Mạnh Tử (372-289 trước
CN), Khổng Tử không có được cái khí phách của một trang nam tử, hoặc tầm nhìn rộng
lớn, đó là chưa kể đến khả năng đối diện với quyền lực với thái độ đầy tự trọng,
hoặc sự quan tâm thật lòng tới dân đen. Chính Mạnh Tử là người đã nói “dân vi
trọng, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. So với Hàn Phi Tử (281-233 trước
CN), Khổng Tử còn có vẻ hư ngụy, giả dối, không thẳng thắn, thiếu sắc bén, cũng
không có khả năng châm biếm tài hoa. So với Mặc Tử (470-391 trước CN) Khổng Tử
không lấy bình đẳng làm lý tưởng và tính thiện tự nhiên, đạo đức tự giác làm nền
tảng cho một chủ nghĩa mới như chủ nghĩa kiêm ái, cũng không có một hệ thống lý
luận cụ thể rõ ràng nào.
Ngược
lại, những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng
trí tuệ lớn. Những chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính
thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm
nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại
bèn trở thành thày dạy đạo đức. Danh hiệu vị thầy chăm chỉ, và “dậy người không
mệt mỏi” dành cho ông thực ra cũng chỉ phản ảnh ước muốn viển vông xuất phát từ
một nhân cách nông cạn. Nguyên tắc nổi danh của ông “thịnh thế tắc nhập, loạn
thế tắc ẩn” (thời thịnh trị thì dấn thân, thời loạn lạc thì ở ẩn), nếu nhìn kĩ
sẽ thấy đó chính là cái đạo xử thế khôn lanh, thể hiện tính vô trách nhiệm và
cơ hội chủ nghĩa. Thật hoài phí và tổn hại cho dân tộc Trung Hoa biết bao khi
chính nhà tư tưởng này, nhà tư tưởng thực dụng hết mực, khôn lanh hết mực, và đời
thường hết mực này, đức Khổng Tử, kẻ tránh né trách nhiệm xã hội và không biết
cảm thông với đồng bào thọ nạn này, đã trở thành vị thánh và là mẫu mực cho họ
noi theo. Dân tộc nào thì thánh nhân nấy, và thánh nhân nào thì dân tộc nấy.
Tôi e rằng toàn bộ tính nô lệ trong lòng người dân Trung Quốc bắt nguồn từ đây,
một thứ siêu di truyền văn hóa kéo dài từ xưa và tiếp tục đến ngày nay.
Ngoài
việc truy tìm ý nghĩa đích thực của Luận ngữ, giáo sư Lý Linh còn
muốn nhắm tới chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiện nay của Trung Quốc. Giáo sư Lý
thách thức những trào lưu thời thượng như cơn sốt đọc cổ văn, cơn sốt thờ Khổng
Tử, và gián tiếp đặt vấn đề về sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc.
Việc Lý Linh ám chỉ Khổng Tử như con chó lang thang “không một quê hương tinh
thần” cũng là để phê phán các nhà Nho mới đang ra sức cổ vũ cho Khổng Tử như vị
cứu tinh của thế giới. Giáo sư Lý cho rằng: “Tôi chẳng hứng thú gì khi người ta
cắm ngọn cờ Khổng Tử trên toàn thế giới. Khổng Tử không thể cứu Trung Quốc,
cũng chẳng thể cứu thế giới.”
Mục
tiêu thứ hai mà Lý Linh nhắm tới là truyền thống phò quyền lực của giới trí thức
Trung Quốc. Lời chỉ trích này rất thức thời vì giới Nho gia mới hiện đang tranh
thủ lấy lòng giới cầm quyền. Họ độc tôn đạo Khổng, hô hào cho đạo Khổng, không
phải vì muốn dùng đạo Khổng phục hồi đạo đức nước nhà, mà là họ chú trọng đến
công năng chính trị “tu, tề, trị, bình” của đạo Khổng, họ muốn thống nhất chính
trị và tôn giáo. Họ muốn Khổng Tử trở thành “quân sư” hoặc giữ địa vị “quốc
sư”. Họ muốn Nho giáo trở thành “quốc giáo”, và họ muốn nhà cầm quyền luật hóa
các mục tiêu này. Khi làm việc này, rõ ràng những nhà Nho mới đang cho thấy
tham vọng trở thành “quân sư” cho các đế vương hiện đại – hoặc trở thành một dạng
“vua triết gia” theo kiểu Plato, thực sự nắm quyền lực trong tay. Khi tân trang
hình ảnh cho Khổng Tử, họ thực ra đưa Trung Quốc ngược trở lại với thời Hán Vũ
Đế. Họ muốn tái lập thời đại mà trong đó tư tưởng đa dạng của cả trăm nhà đều bị
bãi bỏ, để độc tôn duy nhất đạo Khổng, họ muốn phục hồi tệ sùng bái “thần
thánh” truyền thống.
Giáo
sư Lý Linh nhận ra rằng trong lịch sử Trung Quốc, giới trí thức, vốn mang trong
đầu rất nhiều điều không tưởng, chỉ thực sự hữu dụng khi nằm ngoài quyền lực và
giữ vai trò phê phán nhà cầm quyền. Khi có quyền lực trong tay họ sẽ trở nên
nguy hiểm, thậm chí thảm họa, cho quốc gia. Giáo sư Lý viết: “Giới trí thức, với
mắt bén, đầu sáng, có thể trở nên độc tài hơn bất cứ ai. Đặt gươm đao phủ vào
tay họ, thì kẻ đầu tiên mất mạng sẽ chính là những trí thức khác.” Điều này xảy
ra vì thói quen của giới trí thức Trung Quốc tự cho rằng mình có trí tuệ tối
ưu, đạo đức tối ưu, lí tưởng tối ưu, và sự hiểu biết tối ưu, cao hơn bất cứ ai.
Họ tự cho mình cái quyền “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi
người”, và tin rằng họ còn có thế cứu vớt mọi người thoát vòng tai ương và kiến
tạo thiên đường trên mặt đất. Trương Tải (1020-1077 trước CN) đời nhà Tống tóm
tắt mục tiêu của người trí thức Trung Quốc trong bốn câu sau đây: “Vì trời đất
lập đạo, vì dân sinh lập mệnh, vì thánh nhân xưa mà truyền thụ giáo huấn, vì
muôn đời mà mang lại thái bình.” Ngày nay nhiều trí thức Trung Quốc vẫn mang
não trạng này, cho thấy truyền thống tự mãn và cuồng vọng của trí thức Trung Quốc
đã trở nên thâm căn cố đế, khó thay đổi.
Giáo
sư Lý Linh muốn kêu gọi giới trí thức Trung Quốc hôm nay học lại bài học lịch sử,
biết giữ khoảng cách với nhà cầm quyền, từ bỏ mộng trở thành quân sư, chấm dứt
việc biến kinh sách truyền thống thành công cụ chính trị, phải giữ tính độc lập
trong tri thức, tư tưởng, học thuật, phát huy tinh thần sáng tạo của người trí
thức. Ở đoạn cuối lời giới thiệu sách, giáo sư Lý viết:
“Hãy
bình tâm mà đọc Luận ngữ, đừng chính trị hóa, đạo đức hóa, giáo
phái hóa Luận ngữ. Mục tiêu duy nhất là tìm cho được con người Khổng
Tử thật, giữa một thời đại mà, mượn chính lời Khổng Tử, lễ nhạc đã suy đồi.”
Nếu
giới trí thức Trung Quốc bỏ qua lời khuyên này, số mệnh của họ sẽ chẳng khác gì
những kẻ đi trước, sẽ chỉ là những con chó chạy quẩn quanh phục vụ kẻ khác, đến
khi không được ai công nhận thì trở thành chó nhà tang lang thang xó chợ đầu đường,
gặp vận may được cưng chiều thì làm chó gác cửa.
Theo
tôi, đại bi kịch của lịch sử văn hóa Trung Quốc không phải là việc Tần Thủy
Hoàng (259-210 trước CN) “đốt sách chôn nho”, mà chính là việc Hán Vũ Đế “bãi
truất trăm nhà, độc tôn đạo Nho”. Từ chủ trương này, Đổng Trọng Thư (175-105
trước CN) đã sửa đổi học thuyết của Khổng Tử, biến những đế chế vốn dĩ được thiết
lập dựa trên bạo lực trở thành biểu hiện của đạo trời. Nguyên lý của Đổng Trọng
Thư, ghi trong cuốn Lịch sử Tiền Hán, cho rằng “trời không đổi gì
thì không gì phải đổi” (“thiên bất biến đạo diệc bất biến”) là căn cứ để khẳng
định tính hợp pháp của chế độ, rằng sự trường tồn của các triều đại là việc đã
được vũ trụ an bài. Lập luận này khoác lên mình chế độ bạo lực toàn trị một lớp
áo nhân trị êm ái. Đương nhiên các đế vương thấy ngay tác dụng của lớp áo ngoài
này, nên đã tiếp tục lập đạo Khổng thành một ý thức hệ chính thống độc tôn và
trở thành con đường chính thức để kẻ có học lập thân, có nghĩa là trở thành “đầy
tớ ngoan ngoãn” cho kẻ cầm quyền. Chính Mao Trạch Đông cũng định vị thân phận của
giới trí thức rất rõ ràng khi dùng câu nói “da [kẻ cầm quyền] không còn,
thì lông [trí thức] bám vào đâu?”
Trách
nhiệm lớn nhất của giới trí thức Trung Quốc hôm nay không phải là bảo vệ truyền
thống sùng thánh mà quyền lực độc tài chủ xướng, mà là thoát khỏi sự lệ thuộc
và vị thế phục dịch cho quyền lực độc tài kia. Chúng ta cần kế thừa và phát huy
truyền thống Ngũ Tứ, mà giáo sư Trần Dần Khác (1899-1969) đã tóm tắt bằng câu
“tư tưởng tự do, nhân cách độc lập”.
Bắc
Kinh, 18/8/2007
Lưu Hiểu Ba
Xuất bản lần đầu trên vào ngày 2/9/2007 trên boxun.com.
Phan Trinh dịch
Nguồn:procontra.asia
Ghi chú của người dịch:
* “Giải Khổng Tử công bố danh sách đề
cư “, BBC Việt ngữ 10/9/2012
**
Xem “ Khổng giáo, công cụ của quyền lực mềm
“: Con số 320 Viện Khổng Tử được The
Economist nhắc tới vào đầu năm 2011, trong khi ký giả Carrie Gracie của
BBC gần đây lại nói có tới con số gần 1.000, đây là con số đáng ngờ, vì ngay cả
phía Trung Quốc cũng chỉ dự định đạt được con số 1.000 Viện Khổng Tử vào năm
2020. Hình ảnh minh họa cho bài của Carrie Gracie cũng không chính xác vì bức
tượng Khổng Tử tuy được khánh thành long trọng tại Thiên An Môn vào tháng
1/2011, nhưng đến tháng 4/2011 thì bức tượng cao 9 mét này đã được âm thầm dời
đi trong đêm. Nghe nói tượng hiện được đặt trong vườn tượng thuộc Viện Bảo
tàng Quốc gia. Nguồn các thông tin này xem tại:
[1] Táng Gia cẩu: Ngã độc Luận ngữ 丧家狗:我读《论语》, Lý Linh, NXB Nhân Dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007
[2]
Trong nguyên bản, Lưu Hiểu Ba dùng cụm từ “nhị thánh nhân, tam thánh nhân” để
chỉ hai vị, dịch giả T. E. Moran nêu danh tính hai vị là Mạnh Tử và Vương An Thạch
để độc giả phương Tây dễ hiểu. Ở nhiều đoạn khác, T. E. Morgan cũng ghi thêm
ngày sinh, ngày mất bên cạnh tên tác giả để độc giả phương Tây dễ tham khảo.
[3]
Quan điểm chỉ dùng Luận ngữ để tìm hiểu tư tưởng của Khổng Tử
cũng là quan điểm của học giả Nguyễn Hiến Lê, vì có chứng cớ xác thực cho thấy
Khổng Tử là người viết ra Luận ngữ, trong khi các tác phẩm khác lại
không phải. Nguyễn Hiến Lê viết: “Từ xưa tới nay hầu hết các học giả viết về học
thuyết Khổng tử đều dùng cả tứ thư lẫnKinh Thư, Kinh Lễ, Kinh
Dịch, Khổng Tử Gia ngữ v.v… làm tài liệu, như vậy theo
tôi không phải là tìm hiểu Khổng Tử mà tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến
Quốc, vì trong những sách dẫn trên, ngoài bộLuận ngữ là bộ đáng
tin nhất, còn thì bộ nào cũng chứa nhiều tư tưởng của người sau, không phải của
Khổng Tử.
Tôi
lấy thí dụ cuốn Đại học của Tăng Tử (một môn sinh được trực
truyền) ngay trong đoạn đầu nói về việc tu thân để tề gia, trị quốc…, cũng đã
có một ý tôi cho không phải của Khổng tử mà của Tăng Tử, tức “tri tri tại cách
vật”, vì trong Luận ngữ ông không hề nói tới sự cách vật.
Sách Trung
dung của Tử Tư, cháu nội Khổng Tử, cũng có những tư tưởng siêu hình,
mà Khổng tử tránh phần siêu hình.
Rồi
những câu “cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa”, “nhất hạp nhất tịch vi chi
biến, vãng lai bất cùng vi chi đạo” (trong Kinh Dịch – Hệ từ
thượng) mà nhiều người dẫn (chẳng hạn Trần Trọng Kim trongNho giáo) và
cho là quan niệm về thiên lý, về đạo của Khổng Tử, thì sao tôi thấy có màu sắc
của Lão giáo quá.
Ngay
như Lễ kí, thiên Tăng Tử Vấn (Tiểu Đái kí) phần lớn không tin được
vì xuất hiện sau Khổng Tử bảy trăm năm (thế kỷ II sau Tây Lịch) và do người đời
Hán viết.
Căn
cứ vào những bộ đó thì không khác gì tô xanh tô đỏ lên học thuyết của Khổng Tử,
còn đâu chân diện mục của nó nữa. Từ lâu tôi vẫn bất mãn về điều đó và chỉ thấy
mỗi một học giả ở Pháp, ông Etiemble, trong cuốn Confucius (Gallimard
1966) là không dùng phương pháp đó mà chỉ căn cứ vào mỗi hệ Luận ngữ mà
thôi.”
(Trích
từ Lời nói đầu, Nguyễn Hiến Lê viết ngày 1/7/1978, in trong cuốn Khổng
Tử, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1992, trang 7-8).
[4]
Đoạn nói về “chó nhà tang” được Tư Mã Thiên ghi trong Sử ký như
sau:
“Khổng
Tử đến nước Trịnh, thày trò lạc nhau. Khổng Tử đứng một mình ở phía đông cửa
thành. Có người nước Trịnh bảo Tử Cống:
- Ở
cửa phía đông có một người trán giống Nghiêu, cổ có vẻ Cao Dao, vai ông ta giống
Tử Sản, nhưng từ lưng trở xuống thì kém vua Vũ ba tấc, có vẻ băn khoăn lo lắng
như con chó ở nhà có tang.
Tử
Cống nói thực với Khổng Tử. Khổng Tử mừng rỡ cười mà rằng:
-
Hình dáng bên ngoài là việc vụn vặt, nhưng nói “giống như con chó của nhà có
tang” thì đúng làm sao! Đúng làm sao!”
(Trích Sử
ký – Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch và giới thiệu, NXB Văn Học, Trung tâm Văn
hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 1999, trang 163-164)
[5]
Trong cuốn Khổng Tử – Luận ngữ với cuộc sống hiện đại, do Dương
Minh Hào sưu tầm và biên dịch, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2012, phần Lời mở đầu của
Dương Minh Hào cũng ghi một “tin giật gân” tương tự, xin trích nguyên văn:
“Năm
1991 trong tuyên ngôn đại hội những người nhận giải thưởng Nôben toàn cầu tại
có câu: ‘Nếu nhân loại muốn được tiếp tục sinh tồn ở thế kỷ 21, thì cần phải trở
lại hơn hai ngàn năm trăm năm trước để hấp thu lấy những trí tuệ cũa Khổng Tử.’
Các
nhà khoa học trên toàn thế giới đều đã nhất trí cao với nhận thức này.”
[6]
Trích Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, NXB Văn Học,
năm 1994, trang 25.
[7]
Trích từ Sử ký – Tư Mã Thiên, bản dịch của Phan Ngọc, sđd, trang
5-6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét