Peter Navarro và Greg Autry

'DEATH BY CHINA': Đọc và chết lặng
Trang 1 / 5

 “Chết vì tay Trung Quốc. Đây là một nguy cơ hết sức thật mà tất cả chúng ta giờ đây đều phải đối mặt, khi mà quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng biến thành kẻ ám sát hiệu quả nhất hành tinh”.

Ngày 15-5-2012 vừa qua là tròn một năm ngày xuất bản cuốn sách Death by China (Chết vì tay Trung Quốc) của hai học giả Mỹ Peter Navarro và Greg Autry.


Tên đầy đủ của tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) này là Death by China - Confronting the Dragon - A Global Call to Action, tạm dịch: Chết vì tay Trung Quốc - Đối đầu với con rồng - Lời kêu gọi hành động toàn cầu.

Cuốn sách được hoàn thành sau hai năm nghiên cứu của Peter Navarro và Greg Autry. Nó ra mắt độc giả vào ngày 15-5-2011 và tới ngày 4-6 thì được phát hành trên mạng Amazon. Có lẽ vì xuất hiện đúng vào thời điểm tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang căng thẳng, nhất là lại có sự cố tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc cắt và làm rối cáp khảo sát địa chấn của tàu Việt Nam (ngày 26-5 và 9-6), nên Death by China thu hút sự chú ý của dư luận: Chỉ trong tuần đầu tiên, sách đã bán được hàng trăm ngàn bản trên toàn cầu. Trên Amazon, Death by China được xếp hạng bốn trên năm sao, nghĩa là khá hay. Nó đã được dịch sang ba thứ tiếng Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam; hiện tại, bộ phim tài liệu cùng tên cũng đang trong quá trình sản xuất.

Một bài điểm sách trên tờ Huffington Post viết rằng Death by China mô tả hàng loạt phương cách mà nước Trung Hoa đe dọa an ninh thế giới: Từ can thiệp vào tiền tệ, đến chính sách mậu dịch bóc lột, đến lao động nô lệ và những sản phẩm tiêu dùng chết người.

Do đó, có thể thấy là ngôn ngữ, cách viết của hai tác giả trong Death by China không tránh khỏi có phần gay gắt, có những đoạn thật sự như lời kêu gọi toàn cầu cảnh giác với “âm mưu của chính quyền Trung Quốc”, ví dụ, ngay ở câu mở đầu chương I, phần I:

“Chết vì tay Trung Quốc. Đây là một nguy cơ hết sức thật mà tất cả chúng ta giờ đây đều phải đối mặt, khi mà quốc gia đông dân nhất thế giới và sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng biến thành kẻ ám sát hiệu quả nhất hành tinh”.

Hay là: “Và đây là bí mật nhỏ bé và bẩn thỉu nhất về tham vọng thực dân của Trung Quốc. Trong khi phong tỏa tài nguyên thiên nhiên (của các nước) và giữ rịt lấy các thị trường mới - đó là những mục tiêu chiến lược chính - thì các nhà hoạch định chính sách ở trung ương của Bắc Kinh còn muốn xuất khẩu một cách có hệ thống hàng triệu công dân Trung Quốc sang “các nước vệ tinh” của họ ở châu Phi và châu Mỹ Latin, nhằm làm giảm áp lực lên Trung Hoa lục địa vốn đang trong tình trạng nhân mãn”.

Theo tác giả cuốn sách, “vũ khí hủy diệt việc làm” là những đòn Trung Quốc đánh vào kinh tế dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, nhân công mất việc làm,thất nghiệp ở các nước khác. Hí họa: POLITICALLY ILLUSTRATED

Tuy vậy, trên thực tế, Death by China là kết quả của quá trình nghiên cứu, khảo sát của hai tác giả tại nhiều địa phương, nhiều công xưởng, nhà máy ở Trung Quốc. Và có lẽ hai ông chủ ý chọn cách viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, để thông tin dễ đến với độc giả (dù có thể tạo cảm tưởng chủ quan, chưa đủ thuyết phục).

Ở khía cạnh này, có thể nói Death by China là một cuốn sách dày đặc thông tin, được trình bày theo một cách dễ hiểu, ít số liệu và lý luận, để độc giả bình dân có thể dễ dàng tiếp thu. Chẳng hạn, ở chương 2, nói về những độc tố trong sản phẩm “made in China”, Peter Navarro và Greg Autry trích lời một học giả Trung Quốc nói: “Các điều kiện nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc rất tồi tệ. Nhà sản xuất nhồi nhét hàng ngàn con cá và tôm, cua vào môi trường nuôi trồng, nhằm mở rộng sản xuất tới mức tối đa. Điều đó tạo ra một lượng lớn chất thải, gây ô nhiễm nước, lan truyền bệnh dịch, có thể làm chết cả vụ cá nếu không xử lý kịp. Ngay cả khi cá, tôm, cua không chết vì bệnh thì những vi khuẩn còn bám lại như Vibrio, Listeria, Salmonella, có thể làm cho người ăn những sản phẩm này bị nhiễm bệnh”


Trong lúc chưa thể kiểm chứng những thông tin này, độc giả Việt Nam có thể sử dụng chúng như thông tin tham khảo, thậm chí còn có thể coi đó như một nguồn tham chiếu để “soi người, ngẫm ta”: Rất nhiều điều mà Death by China nêu ra có thể được liên hệ đến chính Việt Nam.

Ngoài ra, ngay cả cho dù phải đọc Death by China với tinh thần khách quan và ít định kiến nhất, chúng ta cũng sẽ thấy rằng điều đọng lại sau cuốn sách là sự tôn trọng những quan điểm của nhà nghiên cứu, tôn trọng tự do học thuật.

Dưới đây là tổng thuật của báo PHÁP LUẬT TPHCM về cuốn DEATH BY CHINA:

Peter Navarro và Greg Autry.

Không có nhận xét nào: